Đừng tự biến mình thành nạn nhân cưỡng đoạt tài sản

Thứ Ba, 10/05/2016, 17:00
Theo báo cáo đánh giá công tác 5 tháng đầu năm 2016 của Công an TP HCM, nhờ chủ động chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm kéo giảm phạm pháp hình sự, nâng tỉ lệ điều tra phá án, Công an TP HCM đã triển khai các lực lượng tuần tra, chốt chặn, phòng chống tội phạm trên các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm nên các loại án như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giết người, lừa đảo... đều giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, có một loại án không giảm mà có xu hướng tăng, đó là án cưỡng đoạt tài sản. Chỉ trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn TP HCM xảy ra 14 vụ cưỡng đoạt tài sản mà hầu hết các nạn nhân đều không hợp tác khai báo, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Theo một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH - Công an TP HCM, nguyên nhân mà những vụ án cưỡng đoạt tài sản tại TP HCM còn cao là do tâm lý nạn nhân sợ bị trả thù. Mặc khác, các vụ án cưỡng đoạt tài sản có thể xảy ra bắt nguồn từ việc làm ăn bất chính của nạn nhân. Nếu khai báo với cơ quan chức năng thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, cho nên các nạn nhân đành lựa chọn ngậm đắng nuốt cay. Chỉ đến lúc bất khả kháng, không thể chịu đựng được nữa thì các nạn nhân mới ra Cơ quan công an trình báo. Lúc đó mọi chuyện đã diễn biến theo chiều hướng xấu...

1. Nhiều quán cóc nằm dọc quốc lộ 1A (đoạn qua xã An Phú Tây và Tân Túc, huyện Bình Chánh) đa phần kinh doanh cà phê đèn mờ hoặc có em út ăn mặc hở hang ngồi bàn với khách nên là miếng mồi ngon của các đối tượng bảo kê. Vì tự biết mình hoạt động kinh doanh không lành mạnh cho nên gặp cái gì chủ quán cũng sợ. Sợ công an kiểm tra. Sợ xin đểu và sợ các đối tượng bảo kê.

Nắm được tâm lý này, Trần Quốc Huy, tự Huy “Heo” (27 tuổi, ngụ An Phú Tây, Bình Chánh) đã quy tập một số đàn em dưới trướng lên kế hoạch bảo kê từng quán. Từng ăn cơm tù về hành vi cố ý gây thương tích và bị xử phạt hành chính về hành vi bắt giữ người trái pháp luật nên ở địa phương, Huy “Heo” được coi là đối tượng có số má.

Bởi vậy, khi quy tụ đàn em, những đối tượng dưới trướng Huy “Heo” cũng không phải dạng vừa. Toàn là những đối tượng xăm trổ đầy mình, ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà.

Huy “Heo” và đàn em thường đi dọc quốc lộ 1A, vào các quán cà phê nhạy cảm uống cà phê và đặt vấn đề bảo kê cho quán. Nhiều chủ quán làm ăn ế ẩm không muốn Huy “Heo” và đồng bọn xía vào thì đều bị Huy đe dọa, phá quán, đập bàn ghế đánh nhân viên. Huy “Heo” ra quy định, mỗi tháng mỗi quán phải cống nạp cho băng của chúng 1-2 triệu đồng, bằng không Huy sẽ cho đàn em “san bằng quán”. Chỉ trong thời gian ngắn, gần chục quán cà phê dọc quốc lộ 1A hằng tháng phải cống nạp tiền cho Huy “Heo” và đồng bọn.

Thời buổi buôn bán ế ẩm, khách ít mà tiền chi cho các đối tượng nhiều lại thường xuyên bị đe dọa, cực chẳng đã, một số chủ quán cà phê trên tuyến quốc lộ 1 đã đâm đơn lên Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH - Công an TP HCM tố cáo hành vi của nhóm Huy “Heo”. Một trong những đơn tố cáo là của anh T. (chủ quán cà phê C.T). Do làm ăn không có lời, anh T. nợ 4 tháng tiền bảo kê của nhóm Huy “Heo”. Huy buộc anh phải đem tiền đến vòng xoay quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh giao cho hắn nếu không khó có thể yên ổn làm ăn.

Quyết tâm triệt phá nhóm bảo kê cưỡng đoạt tài sản này, Đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - Công an TP HCM đã tiến hành mật phục. Khi Huy “Heo” và đồng bọn đang nhận tiền của anh T thì các tổ trinh sát đồng loạt ập vào bắt giữ.

Do có máu cờ bạc mà một phụ nữ tên L. đã trở thành nạn nhân của vụ cưỡng đoạt tài sản do nhóm đối tượng Hứa Viên Khang, chỉ mới sinh năm 1987 nhưng đã có 1 tiền án liên quan đến ma túy; Nguyễn Hữu Bảo, sinh năm 1990 với 2 tiền án “cướp giật tài sản”; Nguyễn Hòa La Thạch, sinh năm 1984, cùng ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM và Bùi Công Minh, tự Hugo, sinh năm 1993, ngụ Q.3, TP HCM. Sau khi lên mạng chơi bạc, L. thua Khang 120 triệu nhưng không có khả năng chi trả nên bỏ trốn.

Khang cùng đồng bọn lùng sục tìm L. nhưng không gặp, lại phát hiện H. (thường đi chung với L.) và bắt H. phải trả thay nhưng H. không đồng ý. Nhóm của Khang liên tục đe dọa, sợ hãi chị H. nhờ bạn trai là D. đến thương lượng với nhóm của Khang và được Khang hẹn đến một quán cà phê gần chợ Tân Định, Quận 1, TP HCM.

Tại đây Khang kéo thêm khoảng 10 đối tượng khác gây áp lực buộc anh D. phải viết giấy nợ Khang 50 triệu đồng tiền mua xe gắn máy với điều khoản là trả dần 10 triệu/tháng. Nếu không làm đúng giao kèo thì nhóm Khang gặp anh D. ở đâu sẽ... chém đó. Bức xúc trước hành vi của Khang, anh D. đã báo vụ việc cho Công an quận 1. Khi Khang cùng đồng bọn đi ô tô đến điểm hẹn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, nhận 10 triệu từ tay anh D. thì bị Công an quận 1 bắt gọn.

Các đối tượng cưỡng đoạt tài sản đã bị bắt.

2. Nhắc đến băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, phải kể đến băng nhóm của 3 anh em ruột Nguyễn Thanh Phú, Nguyễn Thanh Hòa và Nguyễn Thanh Quý, người trẻ nhất sinh năm 1991 cùng với Phan Thanh Đông, sinh năm 1997 vừa bị Công an huyện Củ Chi triệt phá. Các đối tượng trong băng nhóm này đều nghiện nặng. Để giải quyết nhu cầu sử dụng ma túy, băng nhóm này đã nhiều lần thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của các chủ quán cà phê trên địa bàn huyện Củ Chi.

Ngoài hành vi cưỡng đoạt, các đối tượng còn thực hiện hành vi cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản. Trước sự lộng hành của các đối tượng, Công an huyện Củ Chi phối hợp với Đội 2, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH - Công an TP HCM quyết tâm triệt phá.

Khi các đối tượng này mò đến quán chị S. lấy tiền bảo kê thì bị các tổ trinh sát ập vào khống chế, bắt giữ. Thu giữ trong người các đội tượng, tổ trinh sát phát hiện 8 triệu đồng, một giấy cầm đồ. Các đối tượng khai, vừa cướp chiếc ĐTDĐ của một học sinh đem đến hiệu cầm đồ cầm để mua ma túy sử dụng.

Nhiều băng nhóm cưỡng đoạt tài sản mà khi nhắc đến các nạn nhân vẫn còn tỏ ra sợ hãi. Tại khu công nghiệp Tân Bình, khi nhắc đến Quang “khùng”, đối tượng từng sống bằng nghề bảo kê, cưỡng đoạt tài sản các quán cà phê quanh khu công nghiệp, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Là một đối tượng giang hồ, từng vào tù vì hành vi cố ý gây thương tích, khi ra tù, Quang “khùng” cùng một số đối tượng lập thành băng nhóm đi cưỡng đoạt tài sản kiếm tiền ăn nhậu.

Anh H., một trong những nạn nhân của Quang “khùng” cho biết, một đồng nghiệp tên V. mâu thuẫn với anh H. trong công ty. Hai bên dàn xếp với nhau nhưng V. không đồng ý mà thuê Quang “khùng” đánh dằn mặt anh H.

Quang “khùng” và đàn em đã ép anh H. đến một quán cà phê bắt xin lỗi V. Thấy các đối tượng hung hãn, anh H. phải làm theo lời chúng nhưng V. không đồng ý mà kêu đàn em của Quang “khùng” xông vào đánh anh H. rồi buộc anh H. phải đưa cho chúng 2 triệu đồng, nếu không đưa gặp đâu chúng sẽ đánh đó. Anh H. phải về nhà trọ lấy tiền đưa cho chúng...

Còn nhiều vụ cưỡng đoạt khác mà nhóm Quang “khùng” gây ra tại KCN Tân Bình nhưng chỉ đến khi Quang “khùng” và đàn em bị bắt, những nạn nhân ở đây mới dám tố cáo...

Tang vật một số vụ án.

3. Rất nhiều nguyên nhân khiến những băng nhóm đối tượng chuyên thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có đất sống bởi sự tương tác giữa đối tượng và nạn nhân là không thể tách rời. Ví như các vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra gần đây trên địa bàn TP HCM, các nạn nhân bị cưỡng đoạt đều là những người hoạt động trong lĩnh vực “nhạy cảm” (cà phê đèn mờ) hay tham gia đánh bạc, cá độ đá banh, bài bạc trên mạng, vay tín dụng đen...

Vì vậy, khi bị các đối tượng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, các nạn nhân chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà không dám ca thán. Bởi, khi các nạn nhân lên tiếng thì đều lo sợ việc làm ăn của họ sẽ gặp bất lợi vì vừa phải đối phó với cơ quan chức năng vừa sợ bị các đối tượng trả thù?!

Hay hành vi đánh bạc sẽ bị ngồi tù nếu lộ ra nên nạn nhân cũng cân nhắc “nặng nhẹ” hoặc chỉ đến khi bị đe dọa đến mạng sống mới ra trình báo. Một người thi công trong ngành xây dựng ở quận 6, TP HCM cho hay, khi xây dựng một công trình, điểm mấu chốt là phải có điểm để vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nhiều công trình nằm trong hẻm sâu, muốn có chỗ để chứa vật liệu thật khó khăn nên hầu hết các công trình đều phải để vật liệu ra đường.

Nhiều nhóm đối tượng tận dụng cơ hội này đến đe dọa lấy tiền “bãi”. Vì sợ gặp khó khăn, rắc rối với chính quyền nên đôi khi cai thầu cũng đành phải bỏ ra vài ba triệu đưa cho các đối tượng để yên thân mặc dù biết rõ điều đó là vô lý.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH - Công an TP HCM cho biết, để rắp tâm thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng âm mưu cưỡng đoạt tài sản thường thực hiện thêm các hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, đôi khi có những vụ án, các đối tượng sử dụng hung khí, hàng nóng (vũ khí quân dụng) đe dọa nạn nhân, buộc phải đưa tiền cho chúng.

Để phòng ngừa các vụ cưỡng đoạt tài sản, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - Công an TP HCM đã có kế hoạch phối hợp với công an các quận, huyện bám sát địa bàn, nắm vững các đối tượng cộm cán tại các khu vực dễ phát sinh tệ nạn xã hội nhằm đề phòng, triệt phá những băng nhóm chuyên bảo kê, cưỡng đoạt tài sản. Đặc biệt là những điểm có những tệ nạn nhạy cảm, khu dân cư đông đúc, khu có nhiều công nhân làm việc và sinh sống.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - Công an TP HCM cũng khuyến cáo người dân, cần phải thông báo kịp thời những hiện tượng bất thường xảy ra tại địa phương. Khi bị đe dọa, cưỡng đoạt cần phải phối hợp kịp thời với Cơ quan công an xử lý, tránh “tạo điều kiện” cho các đối tượng đe dọa gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của chính mình và cộng đồng.

Huyền Đức
.
.