IS dùng 2 tỉ USD chiêu mộ và huấn luyện tân binh

Thứ Bảy, 11/04/2015, 14:20
Theo thông tin từ CNN.com, với ngân sách 2 tỉ USD, IS sản xuất ra nhiều video hấp dẫn phô trương hình ảnh các chiến binh Hồi giáo gợi cảm như những người chồng tiềm năng, còn những cô vợ của họ thì ẩn mình trong bộ trang phục truyền thống, vai mang khẩu Kalashnikov.

Còn giới trẻ thì tiếp tục được “nhồi sọ” bằng một đoạn video (tung ra vào trung tuần tháng 3 vừa qua) trong đó có cảnh một đứa trẻ cầm súng bắn chết một người Israel gốc Palestine tên là Mohamed Said Ismail Musallam mà tổ chức này cho là “điệp viên” của Cơ quan Tình báo Israel MOSSAD.

Sự thất bại của truyền thông chính thống

Một buổi sáng tháng 11/2013, cô sinh viên 19 tuổi Aqsa Mahmood rời khỏi nhà, nhưng thay vì đến trường đại học như mọi ngày, cô đến Syria, kết hôn với một chiến binh Hồi giáo, trở thành cánh tay đắc lực của IS trong việc chiêu mộ những cô gái trẻ phương Tây gia nhập tổ chức và được cho là đã trực tiếp lôi kéo 3 nữ sinh trung học Anh trốn sang Syria trong thời gian vừa qua.

Điều mà tất cả mọi người đều không hiểu là: Aqsa được sinh ra trong một gia đình giàu có, theo học trường tư và hưởng mọi quyền tự do mà bất cứ phụ nữ Hồi giáo nào cũng phải mơ ước và ghen tị trong khi bố mẹ cô cho biết, họ luôn cảnh báo các con tránh xa những trang web cực đoan.

Cỗ máy tuyên truyền của IS được thiết kế công phu để nhắm tới phụ nữ trẻ.

Theo Sasha Havlicek, Giám đốc Viện Đối thoại Chiến lược Mỹ, thì: "Chúng ta đang chứng kiến số lượng nhiều chưa từng thấy những phụ nữ trẻ tại nhiều quốc gia châu Âu thể hiện sự ủng hộ với IS hoặc tìm sang Syria. Theo tôi, đây là kết quả của một cỗ máy tuyên truyền cực kỳ tinh vi, phức tạp, được thiết kế đặc biệt công phu để nhắm đến phụ nữ trẻ”.

Đối với nhiều người, cú sốc lớn nhất là việc những cô gái trẻ như Aqsa muốn bỏ lại sau lưng tất cả những tiện nghi và sự thoải mái của phương Tây để gia nhập IS. Nhưng tại sao họ lại bất ngờ trước việc một nữ tín đồ Hồi giáo trẻ cũng giận dữ và khao khát bạo lực như các đồng đạo nam giới?

Hoạt động chiêu mộ phụ nữ trẻ phương Tây của IS không tuân theo một chiến thuật nhất định nào. Nhưng rõ ràng, IS có sức hút mạnh mẽ đối với lý tưởng tôn giáo cũng như khát vọng thoát khỏi cuộc sống bế tắc, mất phương hướng của giới trẻ phương Tây. Trải qua giai đoạn vị thành niên với quá nhiều ảo tưởng tan vỡ, họ bị quyến rũ bởi một thế giới được tô vẽ đầy màu sắc lãng mạn, dường như không liên quan gì đến nỗi thống khổ mà IS đang gây ra trong thực tế.

"IS vẽ ra một dự án chính trị không tưởng, thứ gọi là Vương quốc Hồi giáo với những luật lệ nghiêm ngặt, một cuộc phiêu lưu mạo hiểm khó có thể cưỡng lại để lừa mị các thanh thiếu niên”  - Chuyên gia Trung Đông Fawaz Gerges cho biết. Các nhà chức trách châu Âu cho rằng IS đang truyền bá một câu chuyện dối trá về những gì thực sự diễn ra trong lãnh thổ của mình, khiến nhiều người tin rằng chúng chỉ đang giúp đỡ mọi người?

Câu chuyện của IS có dối trá hay không chưa quan trọng bằng việc có vẻ như họ đang thắng thế trong cuộc chiến tuyên truyền: sự bất lực của truyền thông chính thống trong việc xoa dịu cơn giận dữ của cộng đồng Hồi giáo chính là tấm bia đỡ đạn cho những kẻ kích động bạo lực. IS dễ dàng khai thác những tiêu chuẩn kép của các vấn đề chính sách ngoại giao, Israel, tra tấn và dẫn độ. Và chính phủ các quốc gia phương Tây không thể tìm được cách nói nào để tránh bị buộc tội là hai mặt và lợi dụng tiêu chuẩn kép.

Một đội quân tương lai can đảm, hung bạo và vô cảm

Tháng 11/2014, IS tung ra một video giới thiệu một số "những người anh em của chúng ta đến từ Kazakhstan" đã đến với IS cùng với con cái của mình. Video cho thấy hàng chục đứa trẻ tươi cười vô tư bước lên một chiếc xe buýt đi đến trường học - nơi được xem là trung tâm đào tạo "những chiến binh tương lai".

Theo các tài liệu báo cáo của Liên Hiệp Quốc, những đứa trẻ đang được huấn luyện và phục vụ trong hàng ngũ thánh chiến của IS là con cái của những tay súng của một đơn vị thánh chiến Kazakhstan đến tham gia chiến đấu cùng IS. Các tay súng thánh chiến người nước ngoài khi đến Syria hay Iraq để gia nhập IS đều được các thủ lĩnh IS khuyến khích mang theo cả gia đình để "sống chung dưới bóng nhà nước thánh".

Trẻ em được IS huấn luyện từ nhỏ.

Việc dạy dỗ, giáo huấn và huấn luyện chiến đấu cho trẻ em ngoài việc đào tạo ra một thế hệ thánh chiến tương lai, đó còn là một cách để các thủ lĩnh IS thuyết phục và bảo đảm lòng trung thành của các thánh chiến quân từ… cha mẹ của chúng. Các chiến binh trẻ em này khi lớn lên sẽ xem việc bắn giết như lẽ sống, không biết sợ là gì.

Các thầy giáo dạy cho trẻ em cũng là người Kazakhstan. Họ là những người sùng đạo, tin tưởng tuyệt đối vào các tín điều mà IS truyền bá. Ngoài nhiệm vụ là huấn luyện, các thầy giáo đồng thời giám sát sinh hoạt của trẻ em. Trẻ em trong các lớp học này cũng được trang bị đồng phục như quân đội chính quy, mỗi em một khẩu súng AK47. Các em được huấn luyện cách sử dụng súng, được dạy võ... Và trên hết, IS không bỏ qua việc giáo huấn tư tưởng cho các em bằng cách kiểm soát rất chặt hệ thống "giáo dục thánh chiến".

IS xem những môn như triết học, khoa học, mỹ thuật và thể thao là những thứ không phù hợp với Hồi giáo. Và chúng phân chia trẻ em theo lứa tuổi để giáo huấn. Trẻ em 15 tuổi trở xuống sẽ được đưa đến "Trại Sharia" để được giáo huấn về tư tưởng và tôn giáo; những trẻ em 16 tuổi trở lên có thể đến trại huấn luyện quân sự để học về quân sự và sau đó tham gia chiến đấu. Tuy nhiên, trong các video quảng bá, IS đưa hình ảnh cả những đứa trẻ nhỏ chừng 10-13 tuổi đã có thể cầm súng chiến đấu. Những đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu những chuyện chúng đang làm đã được nhồi sọ về tương lai phụng sự cho "Đấng tối cao".

Sau mỗi ngày học, câu hỏi thường được đặt ra cho các em là "Bạn sẽ làm gì trong tương lai, theo ý muốn Đấng tối cao?" Câu trả lời luôn là "Để giết chết các kuffar", tức những người không tin vào Hồi giáo.

Đứa trẻ trong đoạn video hành quyết "điệp viên Israel" như đã nêu khoảng 10 tuổi, là một trong những chiến binh trẻ em đã được đào tạo từ trường học IS. Trường học này được xây dựng tại căn cứ địa của IS ở thành phố Raqqa, tỉnh Idlib thuộc miền Bắc Syria.

Ngôi trường này là nơi huấn luyện trẻ em được các thánh chiến quân nước ngoài mang đến gia nhập hàng ngũ IS. Mới đây, nhân dịp cuối khóa huấn luyện đầu tiên của năm 2015, IS đã cho ghi hình và tung lên mạng Internet những hình ảnh về các học viên thuộc lứa tuổi thiếu niên. Chúng đã trải qua nhiều khóa huấn luyện và đang chuẩn bị tốt nghiệp, được nghe bài giảng cuối cùng của vị thủ lĩnh cấp cao của IS.

Tất cả, từ "thầy giáo" cho đến các "học viên" đều vận trang phục Hồi giáo màu đen, bịt khăn trùm kín đầu và mặt. Mỗi học viên được trang bị một khẩu súng AK47. Ngay sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện tại ngôi trường ở Raqqa, các chiến binh thiếu niên đó bị lùa hết lên những chiếc xe buýt thường dùng để đưa đón chúng đi học, nhưng lần này không phải là trở về nhà như mọi khi mà đi thẳng ra mặt trận.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, trẻ em sống trong những vùng do IS kiểm soát đang vô tư sinh hoạt giữa những mối nguy hiểm rình rập hàng ngày và cả những thứ rùng rợn khác. Chúng được giáo huấn để không biết sợ hãi những thứ đó. Không ít lần người ta nhìn thấy cảnh trẻ em chơi đùa trên những con phố hoang tàn vì chiến tranh, tay xách những chiếc thủ cấp của các con tin bị chặt đầu, trong khi bên vệ đường là những phần thi thể người nằm rải rác khắp nơi.

Trẻ em được IS thu nạp, huấn luyện không chỉ để cầm súng chiến đấu, mà còn được sử dụng để thực hiện các vụ đánh bom liều chết, bắn tỉa và cả việc hiến máu để cấp cứu các thánh chiến quân bị trọng thương. Trong một số trường hợp, những đứa trẻ khoảng 10-13 tuổi còn tham gia vào việc bảo vệ các mục tiêu trọng yếu và bắt cóc người dân làm con tin. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết có đến hàng trăm trẻ em tham gia thánh chiến đã thiệt mạng ở chiến trường Syria.

Với việc đào tạo ra thế hệ chiến binh trẻ em hiện nay, IS đang xây dựng một đội quân tương lai còn can đảm và hung bạo hơn thế hệ hiện tại. Và thế hệ tương lai này sẽ gây khó khăn cho các lực lượng chống khủng bố của các quốc gia. Bởi khi chúng ta tiêu diệt những chỉ huy của IS, lực lượng chiến binh trẻ này đã sẵn sàng để thay thế, sẽ tiếp nối con đường thánh chiến của cha anh chúng.

Những linh hồn bị… mắc kẹt

Trở lại trường hợp của Aqsa, cô được gia đình mô tả là thành phần "cấp tiến phòng ngủ", đối tượng mà Chính phủ Anh kiểm soát tuyệt vọng bằng cách cố gắng đóng cửa tất cả những trang web và phương tiện truyền thông xã hội truyền bá tư tưởng cực đoan. Tuy nhiên, mặc dù IS đang vận hành một cỗ máy truyền thông xã hội với những kỹ thuật hiện đại, thông minh và hiệu quả, nhưng vào năm 2013, Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về quá trình cực đoan hóa và bạo lực chính trị tìm thấy "rất ít bằng chứng ủng hộ luận điểm cho rằng Internet đóng vai trò chủ đạo trong quá trình cực đoan hóa”. Việc quá chú trọng đến các phương tiện truyền thông xã hội khiến chúng ta bỏ qua các mối quan hệ trong thế giới thực, yếu tố góp phần tạo nên khủng bố.

Trong một xã hội nơi nỗi sợ hãi đối với Hồi giáo đang ngày một tăng cao, nhiều tín đồ đạo Hồi trẻ tuổi cảm thấy ghê tởm thói đạo đức giả của thế hệ đi trước, những người ôm ấp các giá trị văn hóa và tư tưởng bè phái mà họ cho rằng không còn liên hệ gì với đạo Hồi ngày nay.

Hơn chục năm qua, thế giới đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu các lãnh đạo nhà thờ Hồi giáo phải tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan, nhưng giờ đây họ chỉ còn là những bù nhìn gác cổng sống một cuộc đời hầu như tách biệt với các tín đồ Hồi giáo hiện đại. Sau mỗi hành động tàn bạo luôn là một tuyên bố không liên quan với những từ ngữ sáo rỗng như "lấy làm tiếc", "cảm thông sâu sắc", "cực lực lên án"… từ những người được gọi là "giới lãnh đạo nhà thờ Hồi giáo". Điều đó chỉ làm tăng thêm sự căm phẫn trong cộng đồng người Hồi giáo trẻ. Để tỉnh táo tránh xa con đường bạo lực, họ cần nhiều hơn là những tuyên bố thủ tục rằng "Hồi giáo là tôn giáo hòa bình".

Ở phương Tây, rất nhiều tín đồ Hồi giáo hiện đại đang sống trong trạng thái "tâm thần phân liệt", bị mắc kẹt giữa bản sắc văn hóa của cha mẹ và bản sắc văn hóa của phương Tây, xã hội vốn dĩ không chào đón họ. Việc chính phủ lợi dụng khía cạnh chính trị của nỗi sợ và đưa ra nhiều đạo luật chống khủng bố chặt chẽ hơn đã tạo nên bầu không khí sợ hãi trong cộng đồng người Hồi giáo, vốn được khắc họa như mối đe dọa đối với lối sống "văn minh". Những kẻ cực đoan đã khai thác cuộc khủng hoảng bản sắc này bằng cách đề nghị đem lại cho họ một cuộc đời mới, toàn tâm toàn ý cống hiến cho tôn giáo mà họ lựa chọn.

An Châu - Lại Vân (tổng hợp)
.
.