Loay hoay xử lý khối tài sản khổng lồ của mafia

Thứ Bảy, 25/07/2015, 23:05
Trung tuần tháng 7, Cơ quan Bài trừ mafia quốc gia Italia (DIA), chi nhánh Palermo đã tiến hành phong tỏa và tịch thu gần 2 tỉ euro tài sản của một gia đình doanh nghiệp giàu có và nổi tiếng trong tỉnh vì những dính líu của họ với mafia. Vụ việc đã khiến khối tài sản của mafia bị tịch thu ngày càng gia tăng và làm giới chức Italia khó khăn trong việc tìm cách xử lý.

Quản lý khó hơn tịch thu

Thống kê của DIA cho hay, từ đầu tháng 7 đến nay, Italia đã tịch thu 4,1 tỉ euro tài sản liên quan đến mafia. Số tài sản mới bị tịch thu hôm 12/7 vừa qua bao gồm hàng loạt bất động sản, nhà máy, tài khoản ngân hàng và công ty con thuộc anh em nhà Virga, một doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực xây dựng ở Palermo.

Doanh nghiệp này đã nhận được sự ủng hộ trong một thời gian dài của băng Corleone, thuộc tổ chức mafia Sicily và là nơi rửa tiền của bọn chúng. Trước đó vài ngày, số tài sản trị giá hơn 1,6 tỉ euro của 5 anh em người Sicily có liên quan đến mafia Cosa Nostra cũng đã bị thu giữ. Hồi tháng 3, hệ thống mafia Calabria ở miền Nam Italia bị thiệt hại 100 triệu euro tài sản trong đó có một trung tâm thương mại thuộc loại lớn nhất thành phố cảng Gioa Tauro khi bị DIA "sờ gáy".

Tháng 2, DIA cũng đã tịch thu khối tài sản bao gồm đất đai, công xưởng, nhà cửa, quán bar, garage, trạm xăng, xe cộ và các tài khoản thuộc băng Contini ở Napoli với tổng trị giá gần 400 triệu euro… DIA cho hay, việc tịch thu tài sản của mafia đã giúp DIA chặt đứt sự bành trướng của các tổ chức, băng nhóm mafia trên đất nước Italia. Trong một cuộc truy quét khác, DIA cũng đã tịch thu 2 nhà hàng nổi tiếng ở khu Pantheon, trung tâm thủ đô Rome. Ông chủ của hai quán này là một doanh nhân gốc Calabria và có mối quan hệ với băng 'Ndrangheta - một trong 4 hệ thống mafia có xuất xứ từ miền Nam Italia.

Năm 2014, Cảnh sát Italia đã thu giữ được khối tài sản trị giá hơn 200 triệu euro từ một người được cho là "thủ quỹ" của bố già mafia tại ngoại ô thành phố Messina, đảo Sicily; 44 triệu euro của băng đảng mafia Mallardo trong đó gồm 152 tòa nhà và văn phòng cùng 12 công ty ở các thành phố lớn như Rome, Naples, Caserta; 1 tỉ euro tài sản của mafia 'Ndrangheta và 250 triệu euro của Galatolo, một băng nhóm không lớn ở Palermo…

Đó là chưa kể đến 13.000 khối tài sản với tổng trị giá lên tới hàng trăm triệu euro được cảnh sát thu giữ hồi năm 2013. Ủy ban Chống mafia của Quốc hội Italia nhận định, khủng hoảng kinh tế tạo điều kiện cho mafia gia tăng mức độ rửa tiền bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp thiếu vốn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Mafia hiện tại không chỉ hoạt động trong những lĩnh vực "truyền thống" như bảo kê, cho vay nặng lãi, buôn lậu ma túy, buôn người, mà còn hoạt động mạnh trong nền kinh tế Italia. Điều này giải thích lý do tại sao mỗi lần triệt phá các băng nhóm mafia, cảnh sát lại thu được nhiều tài sản đến vậy.

Trong một báo cáo được gửi lên Quốc hội Italia hồi đầu tháng 7, ủy ban này cũng khẳng định, Cảnh sát Italia đến nay đã tịch thu được 3.000 công ty, 12.000 dinh thự và khoản tiền mặt 2 tỉ euro từ các tài khoản ngân hàng và những dạng tài sản khác từ những tổ chức tội phạm có tổ chức. Các tài sản này nằm rải rác ở các vùng khác nhau nên việc quản lý cũng không hề đơn giản.

Trùm mafia Antonio Iovine bị bắt giữ. Ảnh: Mafianews.com.

Cụ thể, 43% số tài sản này được thu giữ ở đảo Sicily, nơi băng Cosa Nostra khét tiếng đang trỗi dậy; 15% ở vùng Campania, địa bàn hoạt động của hệ thống mafia Camorra; 14% ở vùng Calabria, nơi cát cứ của hệ thống 'Ndrangheta; 5% ở Puglia, vùng mà băng mafia Sacra Corona Unita hoành hành từ hàng thập niên nay. 19% tài sản còn lại được tịch thu rải rác ở các vùng khác của đất nước, trong đó nhiều nhất là ở Lombardy, vùng giàu nhất và phát triển nhất Italia.

Michelangelo Patane, công tố viên ở Sicily cho biết: "Các ngân hàng không mặn mà với những tài sản bị chính phủ tịch thu từ mafia. Người dân cũng không muốn liên quan đến mafia. Vì thế, ở Italia, quản lý tài sản của mafia khó hơn nhiều so với tịch thu chúng. Vì không hóa giá và thanh lý được nên chúng tôi cũng tốn kém không ít tiền cho việc chăm nom, chăm sóc và bảo vệ an ninh những tài sản này".

Biến hiểm nguy thành lợi nhuận

Riêng đối với các tài sản bị tịch thu là doanh nghiệp, nhà hàng, sau một thời gian "loay hoay" tìm hướng đi, cuối cùng, Chính phủ Italia đã tìm ra được giải pháp hợp lý nhất. Từ năm 2010, nước này thành lập ANSBC, một cơ quan chuyên quản lý tài sản của mafia. Hiện tại, có vẻ như ANSBC đã làm tốt việc đầu tư những khối tài sản ấy để chúng sinh lời và giải quyết công ăn việc làm mới cho hàng ngàn lao động trong các doanh nghiệp mafia bị tịch thu.

Umberto Postiglione, Giám đốc ANSBC cho biết, ban đầu, công việc quản lý này gặp nhiều khó khăn do sự thiếu hợp tác từ phía ngân hàng. Chính vì thế mà ANSBC đã không ít lần lâm vào cảnh khó khăn vì vốn. Nhưng với cách thức làm việc khoa học, đảo nguồn vốn nhanh và tìm kiếm sự hợp tác của các công ty tư nhân khác, ANSBC đã thực hiện được việc tiếp tục cho hoạt động và hoạt động có hiệu quả các cơ sở kinh doanh của mafia.

Umberto Postiglione khẳng định, những công ty, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ của mafia bị tịch thu phần lớn đều ở vị trí đẹp nên dễ khai thác kinh doanh. Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, đến nay, ANSBC đã bán được 33 siêu thị và trung tâm mua sắm của mafia, trao 33 xe tải cho lực lượng cứu hỏa, thanh lý các xe ôtô tốt cho những tổ chức hoạt động xã hội…

Cảnh sát Italia tịch thu nhà của trùm mafia Francesco Casillo ở Naples. Ảnh: Dailymail.

Tại một số nơi, khi các tài sản của mafia bị tịch thu thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển hóa hoạt động của các cơ sở này lại tạo nên một chiến dịch kinh doanh mới. Libera Terra được thành lập hồi năm 1995 và giờ làm việc tại các nông trại trải dài trên 4 vùng đất ở Italia, nơi có nhiều lực lượng mafia khác nhau hoạt động mạnh nhất: Sicily, Calabria, Puglia và Campania.

Công ty này sản xuất  gần như mọi thứ, từ dầu olive tới rượu vang đỏ Nero d'Avola, từ chanh tới bột mỳ dùng để sản xuất mỳ ống… với doanh thu trung bình 50 triệu euro/năm. Davide Pati, đại diện pháp lý của Libera Terra cho biết: "Quan trọng là chúng tôi không chỉ sản xuất thực phẩm. Hoạt động của chúng tôi còn mang khía cạnh giáo dục. Chúng tôi đang cho những người sống ở miền Nam thấy rằng có lựa chọn khác ngoài việc cam chịu sống dưới ách mafia. Chúng tôi thể hiện cho họ thấy rằng tính hợp pháp có thể mang lại hoa thơm trái ngọt".

Hiển nhiên có nhiều rủi ro khi người ta trồng trọt trên các mảnh đất từng thuộc về những bố già mafia. Đó là những cuộc tấn công trả đũa do những tay mafia hận thù gây ra. Antonella Caldarelli, một thành viên cao cấp của Libera Terra nói: "Chúng tôi đối mặt với rất nhiều sự hăm dọa. Chúng cướp phá hoa màu rồi nổi lửa thiêu rụi những gì sót lại. Chúng bỏ đường vào máy móc nông nghiệp, gần như phá hủy các thiết bị này. Chúng đốt cháy các cây olive. Người của chúng tôi chưa có ai bị thương. Nhưng họ phải làm việc trong bầu không khí rất căng thẳng"…

Công tố viên Michelangelo Patane nói: "Một khi đã nắm được các tài sản của mafia trong tay, chúng tôi càng thấy rõ sự lũng đoạn của chúng trong xã hội". Và vì thế chúng tôi càng quyết tâm phải sử dụng làm sao cho hiệu quả những tài sản tịch thu được. Một báo cáo của Ủy ban chống mafia Quốc hội Italia ước tính "doanh thu" hàng năm của 4 hệ thống mafia ở Sicily, Calabria, Puglia và Campania đạt hơn 200 tỉ euro, hơn 10% GDP của Italia.

Thế nhưng, các tổ chức mafia này chỉ đầu tư 10% số tiền kiếm được vào nền kinh tế Italia. Phần lớn số tiền kiếm được bất hợp pháp đó chạy ra nước ngoài. Mafia Italia đã xâm nhập vào các công ty tài chính lớn và quan trọng tại nhiều nước. Bởi vậy, bất chấp thời buổi khủng hoảng kinh tế, thu nhập của giới mafia Italia vẫn tăng lên vùn vụt.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.