10 năm cuộc chiến Mỹ - Iraq: Những điệp viên làm hề cho thế giới

Thứ Tư, 27/03/2013, 18:10

Vào những năm cuối của cuộc chiến Mỹ - Iraq, xuất phát từ những nguồn tin tình báo, một số lãnh đạo phương Tây đã nghi ngờ về cáo buộc của Tổng thống G.W Bush rằng Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (weapons of mass destruction - WMD) để lấy cớ đưa quân vào Iraq. Nhân kỷ niệm 10 năm cuộc chiến này, vấn đề WMD nhạy cảm lại được xới lên.

Kịch bản tình báo

WMD là loại vũ khí có khả năng gây cho đối phương tổn thất rất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở kinh tế, quốc phòng, môi trường, sinh thái… có tác động mạnh đến tâm lý- tinh thần. Nhìn chung đó là thuật ngữ để chỉ các loại vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học và phóng xạ. Thuật ngữ này xuất hiện từ năm 1937 khi báo chí đề cập đến vụ ném bom thảm sát tại Guernica (Tây Ban Nha).

Sau vụ Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, cũng như những diễn tiến suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh Nga - Mỹ, nó ngày càng được dùng phổ biến để chỉ những thứ vũ khí phi quy ước.

Đồng nghĩa với thuật ngữ WMD, người ta còn sử dụng các thuật ngữ như "Vũ khí nguyên tử, sinh học và hóa học" (ABC), "Vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học" (NBC) và "Vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân" (CBRN), trong số này, vũ khí hạt nhân vẫn được coi là có tiềm năng lớn nhất trong hủy diệt hàng loạt. Lối nói này được sử dụng rộng rãi trong mối liên quan tới chiến tranh Iraq bùng nổ từ ngày 20/3/2003 do Mỹ lãnh đạo với một số nước đồng minh trong NATO.

Các chuyên gia cho rằng vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí phóng xạ là hệ quả trực tiếp của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, nhờ đó, đã giúp loài người chinh phục được nguồn năng lượng lớn chưa từng có, vì thế chúng được xếp vào thế hệ vũ khí thứ 5 - tức là còn hiện đại hơn những vũ khí tự động (liên thanh) ra đời vào cuối thế kỷ XIX.

Những khoa học gia cho rằng WMD đều mang đặc tính hủy diệt lớn không lựa chọn, do  vậy, nên chính mối lo sợ WMD đã có tác động định hình các chính sách và những hoạt động chính trị, thúc đẩy các phong trào xã hội. Thái độ ủng hộ hoạt động phát triển, hoặc ngược lại, kiểm soát WMD là khác biệt nhau trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

Phòng chống WMD là một nội dung được chú ý trong lĩnh vực quân sự hiện nay khi mà trình độ khoa học công nghệ về vũ khí đã đạt đến trình độ cao.

Lấy cớ Tổng thống Saddam Hussein sở hữu WMD, Tổng thống G.W Bush đưa quân vào Iraq, năm 2003.

Theo các nhà phân tích, mục đích của Mỹ phát động một cuộc chiến tranh chống Saddam là dầu mỏ. Sau khi tạm dẹp được phe Taliban ở Afghanistan, uy tín của ông Bush đang tăng cao, còn liên quân gồm những đồng minh của Mỹ thì đang hừng hực khí thế. Vậy nên Nhà Trắng muốn trừng phạt Iraq bằng một cuộc chiến tranh quy mô khá lớn. Vậy phải lấy một cái cớ gì cho thuyết phục thế giới?

Theo các tổ chức tình báo Mỹ và các nước đồng minh (đứng đầu là CIA), thì cái cớ thuyết phục mọi người nhất là cáo buộc Tổng thống Saddam đang sở hữu WMD, thậm chí tiến xa hơn, đang chuẩn bị tấn công Mỹ cùng đồng minh bằng WMD. Và thế là một kịch bản tình báo hoàn chỉnh ra đời.

Người có trách nhiệm cao nhất trong việc dàn dựng kịch bản này là Bill Murray - Trưởng chi nhánh CIA tại Paris, phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Bí mật hợp tác với các điệp viên Pháp, Italia, Đức, Australia và MI-5, MI-6 (Anh), một mặt Murray tung tin tình báo (tinh vi và rất thuyết phục) về việc Saddam sở hữu WMD, mặt khác, Bill Murray bằng các nghiệp vụ tình báo xuất sắc, đã móc nối được với một số nhân vật thân cận với Saddam và nhiều chính khách, khoa học gia làm việc cho mình trong cái gọi là "Saddam sắp tấn công Mỹ bằng WMD".

Điệp viên CIA Bill Murray.

Lộng giả thành chân

Một trong số các nhân vật gần gũi với Saddam, nổi bật nhất là Tahir Jalil Habbush Al-Tikriti. Thông qua Rafid Ahmed Alwan al-Janabi, một kẻ tâm phúc của Saddam vì bất mãn đã đào thoát sang đầu hàng Mỹ, Murray lập kế hoạch để Janabi cho Tikriti sập bẫy. Và đúng như dự đoán, sau khi nhận 200.000 USD từ tay Janabi bị CIA quay phim và chụp ảnh, Tikriti đành phải làm việc cho Murray.

Một điệp viên MI-6 của Anh đã bí mật hẹn và gặp Tikriti tại Jordan vào tháng 1/2003 để gút lại vấn đề và anh ta thoải mái nhận lời làm theo kịch bản tình báo về WMD. Theo kịch bản, anh ta phải xuất hiện trên sóng truyền hình, xuất hiện trên các trang báo…, cả hai tiết lộ rằng, họ có bằng chứng Saddam sở hữu WMD và sắp tấn công Mỹ bằng WMD.

Trước đó, vào ngày 24/9/2002, 6 tháng trước khi Mỹ đổ quân vào Iraq, người đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Thủ tướng Tony Blair, xuất hiện trên sóng truyền hình tuyên bố rằng ông có các tin tình báo quan trọng từ MI-5 và MI-6 xác nhận Saddam đang chuẩn bị tấn công Mỹ bằng WMD. Sau đó, một số chính khách Anh có uy tín như Lord Butler, một số dân biểu thuộc hạ viện và thượng viện, các bộ trưởng…, đồng loạt lên tiếng rằng Tổng thống Saddam đang chuẩn bị tấn công Mỹ bằng WMD…

Tahir Jalil Habbush Al-Tikriti, kẻ đào thoát khỏi chính phủ của Saddam.

Kịch bản tình báo của CIA (cụ thể là của điệp viên của Murray), đã thành công. Sau đó, nhiều nước trong NATO, thế giới và cả Liên Hiệp Quốc, cũng nghi ngờ rằng Saddam sở hữu WMD và đang chuẩn bị tấn công Mỹ bằng WMD. Chỉ chờ có thế, khi phản ứng của dư luận thế giới đã chín muồi, Tổng thống Bush chính thức đưa quân và khí tài chiến tranh vào Iraq, gây ra cuộc chiến đẫm máu kéo dài gần 10 năm.

Năm 2012, sau khi làm chủ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã quyết định rút quân khỏi Iraq, bàn giao mọi nhiệm vụ cả quân sự lẫn chính trị cho chính phủ mới ở Baghdad. Nay trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ - Iraq đã kết thúc, nhớ lại những chuyện cũ, nhất là về WMD, những nhân vật có liên quan trong kịch bản tình báo của Murray năm nào đã quay ngoắt 1800, đồng loạt lên tiếng phủ nhận tất cả những tuyên bố của mình trước đây: Ông Saddam chết oan vì thực ra ông ta không sở hữu WMD, nói gì đến chuyện chuẩn bị dùng WMD để tấn công Mỹ!?

Các ông Butler, Janabi, Tikriti,… và ngay cả điệp viên Murray (nay đã nghỉ hưu) thông qua chương trình truyền hình Panorama phát sóng vào 22h35 đêm 18/3 vừa qua đã trả lời phóng viên Pater Taylor của BBC News một cách không úp mở rằng Tổng thống Saddam chỉ sở hữu WMD trong … kịch bản tình báo của CIA mà thôi!?

Thuật ngữ “vũ khí hủy diệt hàng loạt” bị lạm dụng vì mục đích chính trị

Tên tạp chí Time số ra ngày 28/12/1937, lần đầu tiên xuất hiện thuật ngữ "vũ khí hủy diệt hàng loạt" trong các bài báo nói về vụ ném bom tại Guercia của Không quân Đức san phẳng Guercia, mà trong đó tới 70% thị trấn bị thiêu hủy. Lúc đó vũ khí hạt nhân chưa hề tồn tại, song vũ khí sinh học đã được nghiên cứu, còn vũ khí hóa học đã được sử dụng rộng rãi.

Năm 1946, ngay sau các vụ Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra nghị quyết đầu tiên về vấn đề này: Thành lập Ủy ban Năng lượng nguyên tử (tiền thân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế-IAEA) và dùng các từ ngữ: "...vũ khí nguyên tử và mọi vũ khí khác có thể gây hủy diệt hàng loạt".

Từ đó, thuật ngữ WMD được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng kiểm soát vũ khí và các thuật ngữ bộ ba vũ khí nguyên tử, sinh học và hóa học dần dần được đưa ra. Công ước về vũ khí sinh học và độc tố năm 1972 đã dứt khoát đưa các vũ khí sinh học và hóa học vào hàng vũ khí WMD.

Thời kỳ Chiến tranh lạnh, thuật ngữ WMD đã bị sử dụng lệch lạc từ đầu (chủ yếu để chỉ vũ khí hạt nhân) cho đến tận năm 1990. Sau đó, trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, nó đã được chính giới và giới truyền thông đại chúng sử dụng phổ biến. Nó được sử dụng suốt những năm 1990 khi đề cập tới yêu cầu tiếp tục trừng phạt và ngăn chặn Iraq bằng quân sự.

Thuật ngữ WMD gộp vũ khí thuộc những phạm trù rất khác nhau “thành một cục” (vũ khí hóa học và sinh học khác hẳn vũ khí hạt nhân), về cơ bản là một cách dùng từ mang tính chính trị chứ không phải quân sự và có thể nhất trí rằng việc sử dụng thuật ngữ WMD trong giai đoạn 1990-2003 rõ ràng là nhằm vào các mục đích chính trị.

Cách dùng từ này đạt đến đỉnh cao với cuộc khủng hoảng giải trừ vũ khí Iraq năm 2002 về sự tồn tại của WMD tại Iraq, cái đã trở thành lý lẽ chính của Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq 2003.

Do sử dụng quá nhiều, Hội Phương ngữ Mỹ đã bầu chọn WMD là "từ của năm" vào năm 2002. Và đến năm sau, Trường đại học bang Lake Superior đã bổ sung thuật ngữ WMD vào danh mục các thuật ngữ bị tẩy chay do "sử dụng sai, lạm dụng và nói chung là vô dụng".

Lê Miên Tường (theo BBC News)
.
.