20 tỉ euro “vô chủ” ở sân bay quốc tế Moscow

Thứ Năm, 12/04/2018, 11:43
Một câu chuyện dạng “khó tin mà thật” đang hiện hữu ngay tại thủ đô Liên bang Nga, khi một lượng hiện kim khổng lồ là ngoại tệ mạnh bị lưu giữ hơn 10 năm qua mà không có người nhận.

Theo hồ sơ vận đơn thì số hàng đến Tổng kho Ngoại quan của sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moscow vào ngày 7-8-2007, đứng tên chủ hàng là Farzin Koroorian Motlagh từ phi cảng Frankfurt trên sông Main ở Cộng hòa Liên bang Đức, gửi tới Moscow mà không đề tên người nhận.

Sau một thời gian dài không có ai “đếm xỉa” đến số hàng này, cũng như không thu được phí lưu kho trong khi lượng hàng đang chiếm một khoảng diện tích đáng kể, Ban lãnh đạo Chi cục Hải quan Sheremetyevo quyết định cho mở niêm phong các kiện hàng gửi theo cùng lô vận đơn, ngõ hầu kiểm tra xem hàng hóa thuộc loại nào để có phương án bảo quản lâu dài, trước sự chứng kiến của các nhân chứng theo quy định của pháp luật.

Bản photocopy thẻ căn cước của F. Motlagh đính theo vận đơn chở số tiền khổng lồ.

Mọi người có mặt đều vô cùng sửng sốt, khi mục kích bên trong cơ man là… tiền giấy còn thơm mùi mực in, với dây bảo niêm “nguyên đai nguyên kiện” của Ngân hàng Deutsche Bank Group, cũng là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức có trụ sở tại thành phố Frankfurt.

Tổng cộng số tiền lên tới 20 tỉ euro, được đựng trong 200 thùng chuyên dụng, với mỗi thùng nặng chừng 1 tấn chứa số tiền đúng 100 triệu euro, gồm 40 triệu tờ mệnh giá 500 euro là hiện kim đang lưu hành có giá trị lớn nhất. (Tuy nhiên theo quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu -ECB, công bố dạo đầu tháng 5-2016 với mục đích ngăn ngừa các tệ nạn như hối lộ, tham nhũng, tẩy rửa tiền… nên ECB chính thức ngừng in, cũng như phát hành đồng 500 euro, đến cuối năm 2018 chấm dứt việc lưu thông trên thị trường).

Số hàng này được lần lượt chở tới từ các chuyến bay thẳng trong ngày theo tuyến Frankfurt - Moscow, rồi được chất bảo quản lên 200 tấm pallet gỗ loại lớn để tránh ẩm mốc. Nhân sự kiện chưa từng có, ông Vadim Lyalin, vị chuyên gia hàng đầu đang công tác tại Tổng cục Hải quan Nga nêu nhận định: “Chỉ riêng việc người gửi hàng không ghi tên người nhận đã là điều kỳ lạ... Chứng tỏ có chuyện khuất tất ở đây”.

Kế đến âm ỉ lan truyền các tin đồn khác nhau, rằng đó là tài sản tẩu tán của các nhà độc tài giàu sụ bị thất sủng như cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein (1937-2006), hay cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi (1942-2011), hoặc thuộc mạng lưới rửa tiền bí ẩn do một băng nhóm mafia quốc tế hùng mạnh nào đó điều hành...

Nhân viên Hải quan sân bay Sheremetyevo chuẩn bị kiểm tra một phần trong số các kiện hàng.

Tuy nhiên trong thời gian qua, do biết được nguồn tin về số hàng “vô chủ” nói trên, được các nhân chứng làm việc vận chuyển hàng hóa trong sân bay Sheremetyevo vô tình tiết lộ, đã có nhiều kẻ sử dụng giấy tờ giả hòng rắp tâm chiếm đoạt, nhưng không thể “qua mặt” được lực lượng Hải quan Moscow cực kỳ chuyên nghiệp.

Thể theo đề nghị từ Cục Hải quan Moscow, Cơ quan Tình báo đối ngoại Liên bang Nga (SRV) đã xác định được nhân thân của người gửi là F. Motlagh, 45 tuổi, mang quốc tịch Iran, từng làm việc tại Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) ở thủ đô Abu Dhabi, hiện đang bị truy nã quốc tế về tội gian lận và lừa đảo tài chính có hệ thống, liên quan đến khoản tiền thất thoát tới 14 tỉ bảng Anh.

Đó có thể là lý do khiến F. Motlagh không dám xuất đầu lộ diện nhận lại số hàng đã gửi. Không loại trừ 200 tấn hàng tiền mặt này nằm trong số “chiến lợi phẩm” mà F. Motlagh cùng đồng bọn đã chiếm đoạt được từ nhiều cơ sở ngân hàng khác nhau. Điều cần lưu ý thành phố Frankfurt cũng chính là trung tâm tài chính của Đức quốc - nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), mới có khả năng huy động cùng một lúc lượng hiện kim khổng lồ cho các vụ giao dịch tương tự.

Còn Tập đoàn Ngân hàng Deutsche Bank Group chính là “người khổng lồ” chuyên thực hiện các dịch vụ tài chính quy mô toàn cầu; đồng thời cũng là tụ điểm thu đổi ngoại tệ hàng đầu thế giới. Chỉ tính trong năm 2017 vừa qua, tập đoàn ngân hàng đầy tiềm lực này đã chiếm tới 21% thị phần ngoại tệ cần thu đổi của cả 5 châu lục trên hành tinh.

Theo nhận định của giới chuyên viên tài chính am hiểu thì 20 tỉ euro là số tiền ngang với Tổng thu nhập quốc dân thường niên (GDP) của các quốc gia như Estonia, Síp, Afghanistan, hay Nepal. Riêng với Liên bang Nga, số tiền này lớn gấp đôi ngân sách dành cho giáo dục trong năm tài khóa 2017-2018; hay đơn giản hơn lượng tiền trong kho Ngoại quan Sheremetyevo còn nhiều hơn cả gia tài của siêu tỉ phú Leonid Mikhelson, chủ sở hữu Hãng Novatek cũng là công ty khí đốt tư nhân lớn nhất ở Nga, người được tạp chí Mỹ xếp hạng là doanh nhân giàu nhất nước Nga hiện nay, với số tài sản trị giá 18,4 tỉ USD, tương đương 15 tỉ euro.

Theo luật Hải quan quốc tế đối với hàng hóa là hiện kim số lượng lớn, chính quyền Nga chỉ có thể tịch thu sung công quỹ sau 15 năm lưu kho vẫn không có người nhận, hoặc một khi có đủ tài liệu chứng minh được đó là tài sản phi pháp.

Thu Hường (theo Secret Services)
.
.