3 ngày trong đại bản doanh “quân đội độc lập Kachin” (bài 1)

Thứ Ba, 29/11/2016, 11:15
Vừa qua, tạp chí "Nhân chứng Toàn cầu" đã cho đăng tải loạt phóng sự do nhà báo Thomas Daniels thực hiện, kể về những điều mắt thấy tai nghe tại bộ chỉ huy của nhóm phiến quân lớn nhất Myanmar là "Quân đội độc lập Kachin - Kachin Independent Army - viết tắt là KIA", hiện vẫn đang chống lại quân đội Myanmar cũng như chính phủ do "Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ - National League for Democracy" cầm quyền, lãnh đạo bởi bà Aung San Suu Kyi.

Vào Laiza, nơi đặt bộ chỉ huy KIA

"… Từ lãnh thổ của một quốc gia láng giềng, tôi băng qua con sông nhỏ trên chiếc thuyền gỗ gắn máy để vào bang Kachin, Myanmar dưới sự hộ tống của 2 phiến quân KIA vũ trang bằng 2 khẩu tiểu liên AK…". Thomas Daniels viết trong phóng sự: "Người lái thuyền nét mặt khá căng thẳng vì mới vài ngày trước đó (giữa tháng 8-2016), quân đội Myanmar đã sử dụng hai máy bay trực thăng, tấn công một căn cứ của KIA nằm gần ngôi làng Ja Htar thuộc quận Waingmaw, bang Kachin.

Anh chàng phiến quân có bí danh là Pye, bằng thứ tiếng Anh bập bẹ và cả bằng tay, cho tôi biết nơi bị oanh kích là tiền đồn In Kham, thuộc Tiểu đoàn 252 KIA. Pye cũng nói thêm rằng trước khi đồn In Kham bị tấn công, đã xảy ra những vụ đụng độ lẻ tẻ giữa Tiểu đoàn 6 KIA và quân chính phủ. Pye dặn tôi nếu bất ngờ gặp các đội tuần tra và nếu có nổ súng thì đừng lo gì cho anh ta và những người trên thuyền mà hãy nhảy xuống nước, bơi về phía tay phải vì theo quy ước, nhóm vũ trang KIA sau khi đưa tôi lên thuyền, sẽ nán lại khoảng 1 tiếng để nếu xảy ra bất trắc, họ sẽ đón tôi, dẫn tôi trở về nơi xuất phát".

Bữa ăn trưa của nữ chiến binh KIA.

Thomas Daniels ngồi thấp thỏm trên thuyền, mắt ước lượng khoảng cách mà anh sẽ phải bơi nếu chẳng may gặp sự cố. KIA là cánh quân sự vũ trang của nhóm chính trị "Tổ chức Kachin độc lập -  Kachin Independent Organisation - viết tắt là KIO", bao gồm 6 bộ tộc người Kachin, Karen, Shan, Wa, Chin và Mon, sinh sống ở bang Kachin, miền bắc Myanmar và ở Vân Nam, Trung Quốc cùng phía đông bắc Ấn Độ.

Theo ước tính của quân đội Myanmar, đến giữa năm 2016, KIA có khoảng 8.000 tay súng nhưng theo Thiếu tướng Zaw Sai, một trong những chỉ huy cao cấp của KIA thì lực lượng của ông có 10 nghìn quân thường xuyên đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cùng 10 nghìn quân dự bị, được chia thành 6 lữ đoàn, đồn trú tại những căn cứ nằm dọc biên giới Myanmar, Trung Quốc. Riêng ở miền bắc bang Shan, nơi phần lớn bộ tộc Kachin đang sinh sống, KIA bố trí hẳn ở đó 1 lữ đoàn để bảo vệ họ.

Sau hơn 40 phút chạy ngược dòng sông, thuyền máy cập bờ. Thomas Daniels viết: "Một chiếc xe bán tải hiệu Toyota đã chờ sẵn. Pye nói chúng tôi sẽ đến thị trấn Laiza, ở phía nam, sát biên giới Trung Quốc, gần nơi đặt Bộ chỉ huy của KIA và từ đây đến đó tương đối an toàn. Thỉnh thoảng trên đường, xe dừng lại trước một chốt kiểm soát do những tay súng KIA phụ trách nhưng chúng tôi nhanh chóng được cho qua.

Các học viên trường quân sự do KIA tổ chức tập luyện với súng làm bằng gỗ.

Theo nhận xét của tôi, mặc dù quân phục nhìn khá tinh tươm nhưng KIA có rất ít vũ khí hiện đại. Trang bị của họ phần lớn là tiểu liên AK, trung liên RPD, súng phóng lựu B40, B41 cùng những khẩu súng trường KA-07 và KA-09 do họ chế tạo và một số pháo - chủ yếu là pháo dã chiến 57mm, 75mm, súng cối 60mm, 81mm chứ không có pháo tầm xa". Bởi thế hồi trung tuần tháng 11-2014, khi những khẩu đại bác 105mm của quân đội Myanmar, đặt tại căn cứ Hikarabum - chỉ cách đó hơn 10km - nã vào trường huấn luyện quân sự của KIA, giết chết 22 tân binh và làm bị thương 15 người khác lúc họ đang huấn luyện thì phía KIA không bắn trả lại được một phát nào.

Laiza là một thị trấn nhỏ, cách thị trấn Nabang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chỉ bằng một con sông với dân số khoảng 20.000 người. Nhìn giống như miền tây nước Mỹ thời hoang dã, nơi những người tìm vàng đổ xô đến nhưng từ khi Bộ chỉ huy của KIA dời về gần đó thì các khối nhà bê tông theo kiểu Trung Quốc lần lượt mọc lên với những khách sạn, cửa hàng bán đồ gia dụng bằng nhựa, điện thoại di động, quán ăn, nhà chứa, các tiệm sao chép lậu đĩa DVD cùng những sạp quần áo rằn ri ngụy trang kiểu quân đội.

Phần lớn những vật dụng thiết yếu hàng ngày như xà phòng, dầu ăn, bột ngọt, xe hơi, xe gắn máy, xăng dầu…, đều được đưa từ Vân Nam sang. Phía bên trong nó, rất bí mật, người ta lặng lẽ mua bán chất ma túy heroin và methamphetamine.

Ở những ngọn đồi xung quanh Laiza - cũng như ở khắp bang Kachin, đã kịp mọc lên những xưởng khai thác gỗ, vàng và ngọc bích do người Trung Quốc làm chủ cùng một sân gofl, di tích từ thời thuộc địa Anh quốc. Bên cạnh đó, còn có 15 nghìn người Kachin bỏ chạy khỏi những vùng chiến sự, sống trong các trại tị nạn. Phần lớn trong số họ đều là công nhân của những xưởng này với mức lương vừa đủ để khỏi chết đói.

Trong bài phóng sự, Thomas Daniels viết: "Trại tị nạn Je Yang chỉ thấy những con bò, người già và trẻ em. Nhiều đứa trẻ chạy trên con đường đất chính của trại với bộ quần áo màu xám, tay cầm một thân cây nhỏ, đập vào cái lốp xe đạp cho nó lăn đi. Vài người già ngồi dưới gốc cây hay trên bậu cửa sổ, mắt nhìn tôi với vẻ đăm chiêu, tuyệt vọng. Không gian đầy khói bốc lên từ những bếp nấu ăn nhưng vẫn không át nổi mùi phân người ở những hố vệ sinh công cộng…".

Điều ngạc nhiên nhất là mặc dù Myamar là quốc gia theo Phật giáo nhưng ở thị trấn Laiza lại chẳng có một ngôi chùa nào. Manam Tu Shan, một người dân cho Thomas Daniels biết hầu hết bang Kachin đều theo Thiên chúa giáo - hệ quả của việc họ đã sát cánh bên cạnh quân đội Đồng minh Anh, Mỹ, chống phát xít Nhật trong thế chiến 2.

Vì là nơi KIA đặt bộ chỉ huy nên một số khu vực xung quanh Laiza cũng phải chịu nhiều phen "máu lửa". Sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa KIA và Chính phủ Myanmar tan vỡ năm 2011, các căn cứ của KIA thỉnh thoảng vẫn bị tấn công bằng trực thăng vũ trang và pháo binh với lý do "bảo vệ tuyến đường tiếp vận của quân đội Myanmar trong khu vực Lajayan".

KIA ra đời và sự trỗi dậy

Được thành lập ngày 5-2-1961 bởi Đại úy Naw Seng, người bộ tộc Kachin, nguyên là chỉ huy Tiểu đoàn 1 quân chính phủ, với sự tham gia của Zaw Seng, Zau Bawk, Zaw Tu, Ma La Ring…, những người sau này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tối cao,  KIA là sự phản kháng của bang Kachin với cuộc đảo chính quân sự do tướng Ne Win cầm đầu. Bị Ne Win phát lệnh truy nã, Naw Seng chạy sang Trung Quốc, Zaw Seng lên nắm quyền chỉ huy, làm tổng tư lệnh, Zaw Tu làm phó.

Những đoàn xe Trung Quốc chở gỗ Tek từ thị trấn Laiza về tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Khởi sự, KIA chỉ có 27 thành viên, được KIO cung cấp vũ khí, Zaw Seng và các chiến hữu nhanh chóng xây dựng một căn cứ nằm cách làng Sin Li, gần quận Kutkai, phía bắc bang Kachin khoảng 18km về phía đông. Đến ngày 16-3-1961, khóa học quân sự đầu tiên được khai giảng với hơn 100 học viên. Lúc gần kết thúc, con số này tăng lên 300, chia thành 2 tiểu đoàn. Bên cạnh đó, KIA còn thành lập "Lực lượng dân phòng Kachin" - là những người đã quá tuổi đi lính.

Đầu năm 1963, KIA đã có 1 lữ đoàn gồm 6 sáu tiểu đoàn với quân số hơn 1.000 người, do Zaw Sai chỉ huy, kiểm soát 1/3 lãnh thổ bang Kachin. E ngại trước sự bành trướng của KIA, Hội đồng cách mạng Mymanar (lúc này Myanmar vẫn được gọi là Burma - hay Miến Điện) đề nghị KIA đàm phán hòa bình.

Ngày 31-8-1963,  đại diện của KIA là Zaw Dan đến Mandalay để gặp đại diện Hội đồng cách mạng. Trong cuộc hòa đàm, Zaw Dan yêu cầu tướng Ne Win phải trả lại quyền tự chủ và tự do cho các bộ tộc, thiết lập quyền sở hữu tư nhân, không can thiệp vào công việc nội bộ của KIA, thiết lập một hiệp ước hữu nghị giữa KIA và chính phủ, khôi phục lại lãnh thổ và quyền của các bộ tộc…

Tuy nhiên, tất cả những đề nghị này đã bị Hội đồng cách mạng - lãnh đạo bởi tướng Ne Win bác bỏ. Ngay lập tức, Zaw Tu, một trong những chỉ huy hàng đầu của KIA xua quân chiếm gần như tất cả các làng ở Kar Mie, Bam Maw, dẫn đến quân số của KIA tăng lên 20 nghìn người. Để nuôi quân, Zaw Tu buộc tất cả các chủ khai thác gỗ, mỏ vàng bạc, đá quý ở Kachin phải nộp tiền "bảo kê" hàng tháng.

Năm 1964, KIA thành lập tiếp Lữ đoàn 2, vẫn do Zaw Tu chỉ huy, hoạt động ở các quận  và thành phố Putao, Chibwe, Lawkhaung, Myitkyina, Bamaw và Kokant. Cuối năm ấy, quân đội Myanmar - gọi là Tatmadaw - liên tiếp tung ra những cuộc tảo thanh nhắm vào bang Kachin và bang Shan. Kết quả tính đến tháng 12-1965, 337 tay súng KIA chết, 696 bị thương, 2223 đầu hàng, 1064 bị Tatmadaw bắt giữ. Quyền lực của KIA ở Kachin và ở Shan giảm sút.

Đầu năm 1966, Tatmadaw quay sang tấn công Đảng Cộng sản Miến Điện (CPB). Điều này vô tình đã cho KIA một cơ hội để xây dựng lại lực lượng. Tháng 7-1967, chỉ huy Lữ đoàn 2 Zaw Tu dẫn quân sang một nước láng giềng. Tại đây, họ được các cố vấn đào tạo về "chiến tranh nhân dân".

2 tháng sau, Zaw Tu trở lại bang Kachin với số lượng vũ khí đáng kể gồm 8.000 súng trường, 17.000 viên đạn cùng một số súng máy, súng phóng lựu.

Từ đó cho đến năm 1975, KIA vừa tuyển mộ và huấn luyện sĩ quan, binh lính, vừa thiết lập các căn cứ quân sự ở bang Kachin đồng thời kiếm tiền bằng cách kiểm soát các con đường buôn lậu ma túy, vàng bạc đá quý từ Kachin sang Thái Lan, Trung Quốc.

Đến cuối năm 1976, lực lượng KIA đã có 9 trung đoàn - 6 ở bang Kachin và 3 ở phía bắc bang Shan. Nhiều tay súng của KIA - cả trai lẫn gái mới chỉ 13 tuổi, vũ trang yếu kém. Họ cố gắng tránh né mọi cuộc đụng độ với Tatmadaw và chỉ nổ súng kháng cự khi bị dồn vào đường cùng.

Năm 1994, một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa KIA với Hội đồng Hòa bình và Phát triển Nhà nước Myanmar. Theo thỏa thuận này, các cuộc xung đột sẽ đóng băng tại chỗ. KIA không đầu hàng cũng như không phải giải giáp lực lượng vũ trang. Thế nên sau khi ngừng bắn, KIA có cơ hội để tuyển dụng nhân lực, xây dựng một học viện quân sự, đào tạo cán bộ chỉ huy.

Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn hiệu lực nhưng năm 2009, nhiều nhà lãnh đạo KIA dự đoán sẽ lại xảy ra chiến tranh sau cuộc bầu cử vào năm 2010 bởi lẽ chính quyền quân sự Myanmar yêu cầu tất cả các nhóm phiến quân phải giao nộp vũ khí vì hiến pháp quy định Myanmar chỉ có một quân đội.  Chỉ huy tối cao của KIA lúc này là tướng Gam Shawng Gunhtang cho rằng yêu cầu đó "không thể chấp nhận được".

Tháng 2-2010, tướng Gunhtang phát biểu: "Tôi không thể nói chắc chắn là sẽ không có chiến tranh giữa KIA và quân đội Myanmar. Chính phủ chỉ muốn biến chúng tôi thành một lực lượng bảo vệ biên giới cho họ. Chúng tôi sẽ không làm điều đó, sẽ không giải giới cho đến khi họ dành cho chúng tôi một vị trí trong liên minh liên bang và các quyền dân tộc".

Năm 2011, thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 17 năm tan vỡ. Ngoài chuyện buộc KIA phải hạ vũ khí, một trong những lý do dẫn đến tan vỡ là việc Chính phủ Myanmar đồng ý cho Trung Quốc xây đập thủy điện Myitsone mà khi thành hình, hàng chục ngôi làng ở bang Kachin sẽ bị xóa sổ trong làn nước…

Cao Trí (theo Nhân chứng toàn cầu)
.
.