3 ngày trong đại bản doanh “quân đội độc lập Kachin” (bài cuối)

Thứ Năm, 01/12/2016, 18:10
Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ hồi năm 2011, thị trấn Laiza càng phụ thuộc nhiều hơn vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trong việc nhập khẩu lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác. Đồng nhân dân tệ được sử dụng song song với đồng kyat của Myanmar. Mạng viễn thông do Trung Quốc lắp đặt là phương tiện chính để người dân thị trấn Laiza liên lạc với thế giới bên ngoài.


Bóng ma chiến tranh vẫn đang lảng vảng

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn tan vỡ hồi năm 2011, Laiza chia thành 2 vùng. Một bên do quân đội Myanmar kiểm soát, còn bên kia là lãnh địa của KIA. 

Trong bài phóng sự, Thomas Daniels viết: "Chính thức mà nói, bạn chỉ có thể đến Laiza bằng xe hơi. Có rất nhiều xe hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nếu bạn là người nước ngoài, bạn phải có giấy phép đặc biệt để vượt qua cầu Balamintin vào thị trấn. Có hai trạm kiểm soát đặt trước và sau cây cầu cùng một trạm ở ngoại vi Laiza. Đừng bao giờ thử tìm cách đi vào lãnh thổ của KIA từ phía bên vùng do quân đội Myanmar kiểm soát vì nó dầy đặc những bãi mìn và những hầm hào chiến đấu. Bất cứ người nước ngoài nào cố tình vượt qua con đường ranh giới phân chia giữa quân đội và KIA, nếu không chết vì mìn đều sẽ bị bắt giữ, không do bên này thì cũng do bên kia".

Các tay súng KIA nhiều người mới chỉ 13 tuổi.

Được bố trí cho ở trong một căn nhà nhỏ, tiện nghi khá khiêm tốn, Thomas Daniels viết: "Nhân vật chính thức của KIA tiếp xúc với tôi là Trung tá Naw Yu. Ông nói ở đây tôi được an toàn nhưng vẫn phải đề phòng máy bay và pháo binh của quân chính phủ".

Hôm 7-4-2016, lần đầu tiên sau hơn 1 năm yên ắng, quân đội Myanmar mở cuộc tấn công vào một số tiền đồn của KIA, nằm không xa bộ chỉ huy KIA gần thị trấn Laiza. Trung tá Naw Yu nói: "Họ đánh đồn Pau Se và một đồn nằm ở phía tây Nam San Yang, nằm trên trục lộ giữa thành phố Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin và Bhamo khiến 2 binh sĩ của chúng tôi thiệt mạng cùng 7 người khác bị thương, chúng tôi buộc phải bỏ cả 2 vị trí này".

Đây là lần thứ ba quân đội Myanmar đánh chiếm các cứ điểm quân sự của KIA kể từ khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo lên nắm quyền hồi tháng 3-2016.

Trung tá Naw Yu nói tiếp: "Dự kiến, chiến tranh sẽ lại nổ ra trong tương lai gần vì quân chính phủ đã ra lệnh cho tất cả những người dân sống tại các ngôi làng Nam San Yang, Gang Dau Yang, và các làng khác dọc theo thành phố Myitkyina phải nhanh chóng di chuyển đi nơi khác. Bên cạnh đó, tuyến đường Maisak Pa phục vụ khách du lịch từ Myitkyina đến thị trấn Laiza cũng đã bị chặn".

Nhận định của Trung tá Naw Yu không phải là không có lý. Ngày 16-8-2016, khi cánh chính trị "Tổ chức Kachin độc lập - viết tắt là KIO" đang chuẩn bị tham gia "Hội nghị hòa bình liên minh Aung San Suu Kyi" (thường được gọi là Hội nghị Palong) thì bất ngờ quân đội Myanmar (Tatmadaw) mở cuộc tấn công vào căn cứ Tiểu đoàn 3 KIA tại Lai Hpawng. Hôm sau, ngày 17, Tatmadaw lại tung ra một cuộc tấn công khác, nhắm vào tiểu đoàn 252, căn cứ đặt tại Nhkram rồi giành quyền kiểm soát nơi này. Với sự yểm trợ tích cực của máy bay và pháo tầm xa, Tatmadaw chiếm ưu thế hơn hẳn so với những người lính KIA, vũ trang yếu ớt.

Người phát ngôn của KIA cho biết: "3 giờ sáng ngày 23-9, một máy bay phản lực và một trực thăng vũ trang tấn công căn cứ của Lữ đoàn 3 ở Hpawng Bum trong suốt 2 tiếng. Đến 4 giờ chiều, họ quay lại đánh lần thứ hai. Cũng trong ngày đó, pháo 120mm, 105mm của Tatmadaw bắn dồn dập vào các trại của KIA ở Nhkram Bum. Chưa hết, ngày 25-9, lúc 5 giờ sáng, Tatmadaw bắn 3 quả súng cối 81mm vào trại tị nạn Wai Chyai, gần Munglai ở quận Bhamo. Ngày 28, họ đánh trại Maga Yang ở Myitkyina. Ngày 1-10,  lúc 6 giờ sáng, giao tranh diễn ra tại làng Buwan, phía bắc bang Shan. Một đứa bé 2 tuổi trúng đạn chết tại chỗ, hai đứa khác - một đứa 5 tuổi và một 6 tuổi bị thương nặng".

Để "đánh rắn dập đầu", 300 binh sĩ quân đội Myanmar mặc quần áo như dân thường, chia thành từng nhóm nhỏ từ 9 đến 12 người, lén lút xâm nhập Trung Quốc theo các lối mòn nằm quanh cửa khẩu biên giới Jiegao. Sau đó, họ đến thị trấn Longchuan và Yingjiang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nằm không xa trụ sở chính của KIO và Bộ chỉ huy KIA. Đây là một phần trong kế hoạch đánh úp Lữ đoàn 3 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất của KIA, có nhiệm vụ bảo vệ 2 cơ quan đầu não trung ương. Theo Trung tá Yu, đến giờ vẫn không có tin tức gì về nhóm xâm nhập này. 

Ông cho biết: "Trước đây, hồi năm 1987, khi quân đội Myanmar tấn công và chiếm giữ trụ sở cũ của KIO tại Nahpaw Pajau Bum, một bộ phận của họ đã tập kích chúng tôi từ bên đất Trung Quốc khiến chúng tôi không kịp trở tay. Nhưng lần này, chúng tôi đã cảnh giác phòng bị".

Trước những cuộc tấn công ấy, ngày 8-10-2016, KIO ra tuyên bố, cáo buộc quân đội Myanmar cố tình phá hoại tiến trình hòa bình đang diễn ra. Trung tá Naw Bu, phát ngôn viên của KIO nói: "Trong khi chính phủ và KIO đang cố gắng để bắt đầu đối thoại chính trị, Tatmadaw đã lợi dụng tình hình bằng cách tung ra các cuộc tấn công quân sự hạng nặng nhắm vào KIA với ý đồ tiêu diệt tổ chức này. Và nếu chiến tranh một lần nữa nổ ra thì nguyên nhân phát xuất từ những sự gây hấn của họ".

Về phía người dân ở thành phố Mytkyina, thủ phủ bang Kachin và thành phố Tanai, họ đã tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 3-10 để phản đối các cuộc tấn công của quân đội Myanmar. Bên cạnh đó, người biểu tình còn tố cáo quân đội đã ăn chặn viện trợ nước ngoài dành cho các trại tị nạn, cũng như không cho phép các tổ chức nhân quyền quốc tế được vào trại để kiểm tra điều kiện sống trong lúc chính quyền của Tổng thống U Htin Kyaw và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo không có ý kiến gì về những cáo buộc này.

Từ trước tới nay, quân đội Myanmar luôn khẳng định các trận đánh nhằm vào các vị trí của KIA mang tính phòng thủ nhiều hơn là tấn công. Sự mờ ám của cuộc chiến tranh ở khu vực xa xôi hẻo lánh, nơi Chính phủ Myanmar luôn tìm cách hạn chế thông tin cho báo chí, đã thúc đẩy cả hai bên tố cáo lẫn nhau là thủ phạm. Điều này khiến cho khả năng đạt được một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Myanmar với phiến quân KIA là điều khó có thể xảy ra, bất chấp một loạt những cuộc đàm phán đang được tổ chức.

Cuộc sống bấp bênh, tương lai mù mịt

Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ hồi năm 2011, thị trấn Laiza càng phụ thuộc nhiều hơn vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trong việc nhập khẩu lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác. Đồng nhân dân tệ được sử dụng song song với đồng kyat của Myanmar. Mạng viễn thông do Trung Quốc lắp đặt là phương tiện chính để người dân thị trấn Laiza liên lạc với thế giới bên ngoài.

Một con đường ở Laiza, nơi các bảng hiệu của các cửa tiệm đều viết bằng tiếng Hoa.

Trước tháng 12-2012, Bắc Kinh có vẻ như không liên quan gì đến vấn đề Kachin. Mối quan hệ giữa nước này với bang Kachin chủ yếu thông qua chính quyền tỉnh Vân Nam, nơi mà hơn 2 thập kỷ qua, họ đã xây dựng được những hợp đồng kinh tế béo bở với các nhà lãnh đạo KIO trong việc mua bán ngọc bích và gỗ tek. Trong năm 2011, kim ngạch mua bán ngọc bích giữa Vân Nam và Kachin ước đạt 8 tỉ USD.

Thế nên, một nền hòa bình lâu dài xem ra sẽ mang lại nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc bởi lẽ Kachin là bang giàu tài nguyên thiên nhiên nhất Myanmar, với trữ lượng lớn vàng, gỗ quý, ngọc bích cùng các khoáng sản khác.

Thomas Daniels viết: "Không muốn chính phủ Myanmar kiểm soát Kachin, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ở Laiza đã cung cấp tiền bạc cho KIA để họ mua sắm vũ khí, trang thiết bị. Những bộ quần áo rằn ri mới tinh mà các tay súng KIA và các học viên ở trường quân sự Laiza mặc đều được may ở Trung Quốc. Vũ khí cũng vậy, từ khẩu tiểu liên AK đến trung liên RPD, đại liên 12, 7mm và súng chống tăng B69 cũng được sản xuất ở Trung Quốc. Tại ngôi chợ chính ở thành phố Myitkyina, chủ các sạp hàng lớn đều là người Trung Quốc và tiếng Hoa được sử dụng nhiều hơn là tiếng Myanmar".

Với 15.000 người Kachin sống trong các trại tị nạn ở thị trấn Laiza, hầu hết đều phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm. Thomas Daniels viết: "Ngoài bom rơi đạn lạc, họ còn phải chịu đựng sự đói khát triền miên. Những đứa trẻ từ 13 tuổi trở lên bị buộc phải cầm súng cho KIA, kể cả trai lẫn gái. Phụ nữ cùng những người đàn ông trung niên xin được việc làm tại những xưởng khai thác gỗ, những mỏ vàng hay mỏ ngọc bích dù với đồng lương ít ỏi vẫn là điều cực kỳ may mắn vì hàng viện trợ nhân đạo không phải lúc nào cũng đến thường xuyên. Để tồn tại, nhiều người tham gia vào các đường dây mua bán ma túy…".

U Aung Kyaw, một thanh niên 16 tuổi ở trại Wai Chyai, bị tật một chân nên không phải đi lính KIA, kể cho Daniels nghe về những chuyến "đi hàng" của mình như sau: "Heroin được ép thành từng bánh mỏng, mỗi bánh 1kg. Thường mỗi lần đi, tôi mang 6 bánh, 3 buộc trước bụng và 3 buộc sau lưng. Chuyến đi chỉ kéo dài một ngày bằng xe gắn máy, điểm đến là thị trấn Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc". Sau khi giao hàng, U Aung Kyaw được trả công bằng nhân dân tệ, tương đương khoảng 100USD.

Để hiểu thêm về vấn đề này, Thomas Daniels đã nhờ U Aung Kyaw chở anh đi một chuyến, tiền công 100USD với điều kiện cậu ta không được mang theo ma túy. Daniels viết: "Thụy Lệ chỉ rộng 860 km² với 110 nghìn dân, 60% là các dân tộc thiểu số thuộc Châu tự trị dân tộc Thái tỉnh Vân Nam, tên cũ của Thụy Lệ, trước đây là Mãnh Mão. Nhỏ như thế nhưng Thụy Lệ có đủ các hoạt động mại dâm, ma túy, cờ bạc.

Quân đội Myanmar tuần tra trong khu vực do họ kiểm soát ở thị trấn Laiza.

Sau khi vượt qua trạm kiểm soát của phiến quân KIA và tiếp theo là trạm kiểm soát cửa khẩu biên giới của lực lượng biên phòng Trung Quốc, trước mắt tôi là một hàng rào thép gai dài 4km, được Trung Quốc dựng lên hồi tháng 11-2008 để ngăn chặn sự buôn lậu và nhập cảnh bất hợp pháp nhưng tôi vẫn thấy một số người Myanmar thản nhiên vạch hàng rào chui vào. Phía sau hàng rào là khu mậu dịch quốc tế, bày bán đủ loại hàng hóa, từ giày dép, quần áo, điện thoại di động đến tivi, chảo ăng ten, máy phát điện, xe gắn máy".

Theo chính quyền tỉnh Vân Nam, trong ba năm 2005, 2006, 2007, họ đã bắt được 12.9 tấn heroin, 9,3 tấn ma túy đá và 4,5 tấn thuốc phiện, xuất xứ từ Myanmar, trong đó heroin chiếm 75% tổng số heroin bắt được ở cả Trung Quốc. Tháng 10-2014, một chính trị gia Myanmar khi điều trần trước quốc hội đã đưa ra con số 80% trên tổng số 4 triệu chiếc xe gắn máy được đăng ký chính thức và lưu hành trên lãnh thổ Myanmar hiện nay là hàng nhập lậu từ Vân Nam.

Hiện tại, theo Thomas Daniels, có khoảng 75.000 người Kachin, đa số theo Thiên Chúa giáo sống ở các làng mạc sát biên giới Vân Nam, Trung Quốc. Khi những cuộc tấn công của quân đội Myanmar nhắm vào các căn cứ của KIA nổ ra, từ 2.000 đến 3.000 người chạy sang Vân Nam cùng hơn 150 nghìn người ở những vùng khác trong bang Kachin và bang Shan chạy sang Thái Lan, nâng tổng số dân tị nạn Myanmar từ năm 2011 tới nay, lên đến nửa triệu.

Gần đây nhất, ngày 21-11-2016, lại có thêm 3.000 người vượt biên vào Vân Nam, Trung Quốc vì lo sợ những cuộc tấn công của quân đội Myanmar đang chuẩn bị diễn ra. Trung tá Naw Yu nói: "Người Kachin đòi hỏi một thỏa ước chính trị chân chính để tránh cái vòng luẩn quẩn mà họ đã chứng kiến nhiều lần, ký ngưng bắn, rồi đánh, rồi lại ký".

Thomas Daniel rời thị trấn Laiza lúc nửa khuya. Trước đó, một sĩ quan cao cấp của KIA đã đề nghị anh cho xem máy chụp ảnh rồi xóa hết những tấm hình mà ông cho là "nhạy cảm". Anh viết: "Xe đưa tôi đến bờ sông và vẫn là chiếc thuyền gỗ gắn máy hôm trước. Tôi chỉ kịp bắt tay Pye trong lúc anh ta ấn mạnh vai tôi, đẩy tôi vào thuyền: "Nhanh lên, thủy triều sắp xuống rồi"…

Cao Trí (theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.