350 đường hầm ngầm bí mật tại dải Gaza

Thứ Sáu, 18/07/2008, 16:00
Một năm sau khi chiếm quyền kiểm soát dải Gaza, tổ chức Hamas đã cho đào hơn 350 đường hầm dưới lòng đất để thoát ra khỏi thế bao vây cấm vận của Israel và nhập khẩu lương thực từ Ai Cập.

Ngay sau khi lực lượng Hamas chiếm quyền kiểm soát dải Gaza, ngày 15/6/2007, Israel đã cho lắp đặt một vòng kiềm tỏa chặt chẽ vùng đất này: tất cả các đường ra vào khu vực này với Israel và Ai Cập đều bị giới nghiêm, duy chỉ có thực phẩm thiết yếu mới được phép chuyển vào trong dải Gaza với số lượng rất nhỏ.

Mục đích của việc này là làm suy yếu và khiến Hamas phải đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, một năm trôi đi, lực lượng Hamas vẫn kiên cường chiếm giữ vùng đất này.

Tháng 1/2008, khi gần như rơi vào bước đường cùng do thiếu thốn đủ thứ bắt nguồn từ lệnh phong tỏa dải Gaza của Israel, lực lượng Hamas đã cho đánh bom phá hủy bức tường ngăn cách thành phố Rafah với Ai Cập.

Sự phản kháng này của Hamas chỉ diễn ra được một thời gian rất ngắn vì ngay sau đó Tổng thống Ai Cập, Hosni Moubarak, đã ra lệnh đóng cửa biên giới nước này với dải Gaza, sau đó còn cho xây dựng một hàng rào mới.

Không còn cách nào khác, lực lượng Hamas quay sang đào các đường hầm ngầm xuyên từ dải Gaza sang các tỉnh biên giới Ai Cập để tìm nguồn cung cấp lương thực và nước uống cho người dân và binh lính. Thậm chí lực lượng này còn “công nghiệp hóa” việc đào các hầm ngầm tại vùng đất này.

Theo đó, mọi người dân đều có quyền đào hầm ngầm xuyên sang Ai Cập rồi đưa vào kinh doanh khai thác. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố Rafah đã biến thành một trung tâm giao thương với toàn bộ hệ thống giao thông là các đường hầm dưới mặt đất. Tính đến nay đã có trên 350 đường hầm nối thành phố Rafah với Ai Cập.

Những căn nhà giáp biên giới Ai Cập luôn chất đầy các bao tải cát phục vụ công tác đào hầm và thậm chí người ta cũng công khai việc đào những hầm ngầm này.Các chủ nhân khai thác đường hầm ở đây thường thuê hai nhóm (mỗi nhóm 10 người) làm việc thay ca ngày đêm để đào một đường hầm mới.

Mỗi mét đường hầm được đào, 20 người thợ chia nhau số tiền công là 100USD. Trung bình để đào được một đường hầm dài 800m cho phép nối dải Gaza với biên giới Ai Cập thì phải mất 4 tháng. “Nghề đào hầm ngầm tại Rafah trong thời gian này đã trở thành nghề kiếm sống của nhiều thanh thiếu niên. Một số người thậm chí còn nổi tiếng là người đào hầm giỏi.

Nhưng tôi đã mất 4 người bạn trong những vụ sập hầm. Ở Rafah, chỉ có công việc đào hầm mới mang lại tiền để sinh sống. Có tới hàng ngàn người làm nghề này và tất cả mọi người đều sống nhờ vào những đường hầm dưới mặt đất. Nhưng vì lệnh cấm vận của Israel, chúng tôi buộc phải sống như những con giun đất” - Mahmoud, 22 tuổi, người được thuê đào tới 10 đường hầm, cho biết.

Tiếng điện thoại trong đường hầm vang lên báo hiệu hàng hóa đã đến. Những chiếc máy tời hoạt động để đưa các thùng xăng, dầu, lương thực... từ miệng đường hầm nằm dưới sâu 25m lên mặt đất. Xăng dầu và lương thực là những thứ thiếu thốn nhất tại dải Gaza kể từ sau khi Israel phong tỏa vùng đất này.

Tại Rafah, tất cả mọi thứ đều được chuyển đến từ Ai Cập: sôcôla, coca cola, thuốc men, máy tính, động cơ, dầu ăn, đường sữa, thuốc lá... Nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ ngoài vào dải Gaza rất lớn, điều này giúp những ông chủ khai thác các đường hầm ở đây giàu lên nhanh chóng.

Để chuyển một thùng hàng từ bên ngoài vào thành phố Rafah phải tốn 350USD. Người có nhu cầu nhập hàng cung cấp số điện thoại của người bán hàng Ai Cập cho chủ khai thác đường hầm và người này sau đó sẽ lo liên lạc với đầu bên kia, nhận hàng rồi chuyển vào bên trong dải Gaza. Tại mỗi đường hầm đều có một binh lính của lực lượng Hamas giám sát.

Trên mỗi thùng hàng được chuyển vào thành phố Rafah, lực lượng Hamas sẽ thu từ 20 đến 30% tiền thuế tính trên “cước vận chuyển” tùy theo từng loại hàng hóa.

Tuy nhiên, lượng hàng hóa vận chuyển theo con đường này vào dải Gaza chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của vùng đất này. Hàng hóa được vận chuyển theo các đường hầm từ Ai Cập có giá thành cao gấp 3 lần bình thường trong khi có đến 70% dân số tại dải Gaza sống dưới mức nghèo khổ. “Sự sống còn trở thành mối bận tâm hàng ngày của chúng tôi.

Nguyên tắc quan trọng nhất trong thời điểm này là không bao giờ để đổ bệnh vì thiếu thuốc men và những dịch vụ chăm sóc y tế thì ngay cả một căn bệnh dù đơn giản có thể khiến bạn thiệt mạng” - Samir, một thương gia tại thành phố Rafah, cho biết.

Trong tình hình như vậy, vai trò của lực lượng Hamas lúc này chỉ còn là quản lý đời sống người dân. Cách đây 2 tháng, lực lượng này đã phân phát cho người dân nơi đây thẻ mua hàng theo định mức, theo đó mỗi người dân chỉ có thể mua vài lít nhiên liệu tại các trạm xăng mỗi ngày.

Thành công duy nhất của lực lượng Hamas là thiết lập được sự ổn định và an ninh tại dải Gaza, nơi mà trước đây thường bị các băng đảng mafia vũ trang hoành hành.

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại vùng đất này do Hamas thiết lập khiến nhiều người dân bị mất quyền tự do cá nhân. Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng tố cáo chính quyền Hamas đã để người dân ở dải Gaza như sống tại địa ngục trong suốt một năm qua.

Tin mừng cho những người Palestine sống tại vùng đất do Hamas kiểm soát là ngày 12/6 vừa qua, Israel đã thỏa thuận được một lệnh ngừng bắn với Hamas do Ai Cập làm trung gian. Theo đó, Israel sẽ mở cửa dần dần dải Gaza theo lộ trình cam kết của Hamas.

Như vậy, những đường hầm bí mật nối Gaza với Ai Cập tạm thời được đóng cửa. Song giới chuyên gia nhận định rằng chúng vẫn là con đường huyết mạch giúp duy trì sự sống cho dải Gaza trong trường hợp Hamas “trở chứng”

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.