40 năm bức ảnh lịch sử của Che Guevara

Thứ Ba, 22/07/2008, 15:30
Thật đáng phục khi thế giới trải qua bao nhiêu biến động và thay đổi về kinh tế lẫn chính trị nhưng hình ảnh của nhà cách mạng Che Guevara vẫn sừng sững, chẳng những như một tượng đài trong lịch sử chính trị thế giới mà còn ở khía cạnh văn hóa.

Tấm ảnh Che do Alberto Korda chụp vào tháng 3/1960 (bắt đầu lan rộng khắp thế giới vào tháng 5/1968) đã trở thành bức ảnh được thể hiện lại nhiều nhất, với đủ phiên bản, từ bản in, chụp, vẽ, sơn, hình xăm, điêu khắc đến phác họa.

Thậm chí siêu mẫu Gisele Bundchen cũng từng khoác bộ áo tắm in hình Che Guevara...

Nói đến hình ảnh của Che, không thể không nhắc đến nhà nhiếp ảnh Cuba Alberto Korda (từ trần ngày 26/5/2001). Viện Nghệ thuật Maryland từng đánh giá bức ảnh lịch sử mà Alberto Korda chụp Che Guevara là “bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới và là biểu tượng của thế kỷ XX”.

Alberto Korda chụp bức ảnh trên vào tháng 3/1960 tại lễ truy điệu 136 chiến sĩ cách mạng Cuba bị giết. Lúc đó, Che bước lên bục phát biểu với thái độ phẫn nộ trong đau đớn; và trong tích tắc, Alberto Korda bấm máy.

Bức ảnh huyền thoại của nhà cách mạng huyền thoại chỉ được ấn hành vào 7 năm sau khi Alberto Korda đưa bản phim cho nhà báo Italia Giangiacomo Feltrinelli. Trong cùng thời điểm, tờ Paris Match đăng bức ảnh trong số tháng 7/1967 với hàng tít trang bìa: “Che Guevara, ông ấy đang ở đâu?”.

Khi Che từ trần (tháng 10/1967), bức ảnh được thể hiện ở dạng poster tại Italia và từ đó bức ảnh được lan rộng trên phạm vi thế giới với tốc độ cực nhanh. Bức ảnh xuất hiện ở tranh thảm, lá cờ, khuy áo, bìa album ảnh...

Một đoàn biểu tình đã mang poster in vẽ tác phẩm Che của Alberto Korda tuần hành tại Milan (Italia) để phản đối việc tử hình Che. Đến tháng 5/1968, bức ảnh xuất hiện gần như ở mọi nơi trên thế giới, từ Belfast (Bắc Ireland), Prague (Tiệp Khắc cũ), đến Mexico City, Paris, Washington DC, Hà Nội...

Khó có thể nói sự phổ biến của bức ảnh được thể hiện ở đủ góc độ như thế nào. Người ta in nó trên đôi giày Converse; trên chai bia, giấy gói chocolate, hộp kem, càvạt, ví, đồng hồ, bật lửa Zippo, áo sơmi và thậm chí búp bê... Cho đến nay chưa có nhà cách mạng cánh tả nào được “đại chúng hóa” bằng Che.

Gần đây, họa sĩ Shepard Fairey (Los Angeles) thậm chí thiết kế poster ứng cử viên tổng thống Mỹ Barack Obama mô phỏng theo hình ảnh Che của Alberto Korda!

Bất chấp việc bức ảnh được sử dụng rộng rãi, Alberto Korda chưa bao giờ nhận được một xu cho tiền bản quyền. Tuy nhiên, khi Hãng rượu Smirnoff Vodka sử dụng bức ảnh cho một chương trình quảng cáo thương mại năm 2000, Alberto Korda đã kiện và thắng. 50.000 USD tiền thắng kiện được Alberto Korda tặng cho ngành y tế Cuba...

Lê Thảo Chi (tổng hợp)
.
.