AFRICOM và Trung tâm chiến dịch Tây Phi của Mỹ ở Niger

Thứ Năm, 16/11/2017, 13:55
Cái chết của 4 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ ở Niger hôm 4-10-2017 khiến nhiều người dân Niger, kể cả các thượng nghị sĩ, đặt câu hỏi về vai trò của quân đội Mỹ tại quốc gia Tây Phi nghèo đói này. Sau đó, sứ mạng bí mật của quân đội Mỹ ở Tây Phi bắt đầu hé lộ khi một số chi tiết của vụ việc được vạch trần.

Tướng Joseph Dunford - hủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) – tuyên bố chiến dịch ở Niger là sứ mạng huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ - tương tự như những gì mà người Mỹ đã thực hiện ở Iraq, Syria và Afghanistan.

Trong khi đó, giới chức Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) mô tả các vai trò của quân đội Mỹ ở Niger là huấn luyện chống khủng bố cho lực lượng vũ trang nước này. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không chỉ hiện diện ở Niger mà còn ở khắp khu vực Tây Phi.

Trung tâm chiến dịch tình báo và chống khủng bố ở Niger

Bill Roggio, nhà bình luận thuộc Tổ chức nghiên cứu quốc phòng của các nền dân chủ (FDD) và là Giám đốc tờ Long War Journal của tổ chức, cho rằng: “Một căn cứ không quân được sử dụng để săn lùng các nhóm khủng bố trong khu vực cùng với sứ mạng đặc nhiệm phối hợp tuần tra với binh sĩ Niger – đó là những gì nhiều hơn sứ mạng huấn luyện”.

Lực lượng Vũ trang Niger (FAN).

Niger là nơi tập trung khoảng 800 quân nhân Mỹ, hoạt động tại thủ đô Niamey và thành phố phía bắc Agadez – nơi Mỹ đang xây dựng căn cứ máy bay không người lái (drone) MQ-9 được cho là để phục vụ những chiến dịch quân sự chống khủng bố ở khu vực Hồ Chad.

Robyn Mack, người phát ngôn cho AFRICOM cho biết: “Việc vũ trang cho bất cứ chiếc máy bay nào – bao gồm cả máy bay điều khiển từ xa – được thực hiện với sự phê chuẩn cũng như hợp tác từ đất nước chủ nhà. Tôi có thể nói rằng, máy bay của lực lượng do thám, trinh sát và tình báo quân đội Mỹ (ISR) trong tương lai sẽ hoạt động từ Agadez sát cánh với máy bay thuộc Lực lượng Vũ trang Niger (FAN)”.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay thì không có máy bay tấn công nào của Mỹ ở Tây Phi – theo Samantha Reho, nữ phát ngôn cho AFRICOM. Mà thay vào đó, lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực dựa vào sự hỗ trợ từ các máy bay quân đội Pháp – như máy bay trực thăng Tiger, tiêm kích Mirage hay những chiếc drone Reaper – tại vài căn cứ không quân nước này ở Mali, Chad và Niger. Mặc dù không được vũ trang, song phi đội drone của Mỹ có thể thu thập thông tin tình báo hữu ích cho lực lượng vũ trang Niger chống các mục tiêu khủng bố hay cực đoan đe dọa an ninh nước này.

4 đặc nhiệm Mỹ bị giết chết tại Niger.

Không dừng lại ở đó, Mỹ còn đang dần xây dựng sức mạnh cho lực lượng không quân nhỏ bé của Niger. Máy bay Cessna do Mỹ cung cấp dùng làm phương tiện vận tải hay hỗ trợ ISR thu thập thông tin tình báo về mục tiêu khủng bố giống như tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, Cessna có thể được trang bị đến 4 rocket. Hơn nữa, sứ mạng Mỹ ở Niger cũng phục vụ lợi ích cho mọi lực lượng đối tác ở Tây Phi cũng như khu vực Hồ Chad.

Robyn Mack giải thích với tờ Military Times: “Do đặc điểm địa lý rộng lớn của châu Phi nên Agadez được coi là địa điểm lý tưởng cho phép ISR đối phó với mối đe dọa an ninh từ Hồ Chad và vùng Sahel”.

Ví dụ như đó là Boko Haram, nhóm khủng bố chủ yếu đặt căn cứ tại Nigeria, nổi tiếng với nhiều vụ tấn công trong khu vực Hồ Chad. Tướng Joseph Dunford tin rằng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là nghi can số 1 trong vụ tấn công giết chết 4 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ trong cuộc tuần tra chung Mỹ - Niger hồi đầu tháng 10.

Ông phân tích: “IS cố gắng gây ảnh hưởng đến phiến quân địa phương đồng thời kết nối các nhóm cực đoan khác trên toàn cầu. Đây là thách thức to lớn mà chúng tôi đang đối mặt”.

Tuy nhiên, sứ mạng Mỹ tại các quốc gia láng giềng khá mờ nhạt so với chiến dịch ở Niger. Ví dụ như ở Mali chỉ có một nhóm nhỏ đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ thu thập thông tin tình báo. Ở Chad, lực lượng Mỹ vỏn vẹn chưa đến 100 người mà theo như Samantha Reho phát biểu là để “huấn luyện chống chất nổ tự tạo và hỗ trợ giữ gìn an ninh biên giới”.

Reho cho biết tiếp: “Thêm vào đó, Mỹ cùng với đồng minh Anh và Pháp chia sẻ thông tin cũng như hỗ trợ cho Lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia (MNJTF) đặt trụ sở tại thủ đô Ndjamena của Chad”. MNJTF là lực lượng phối hợp bao gồm các đơn vị phần lớn là quân đội từ các quốc gia: Benin, Cameroon, Chad, Niger và Nigeria. Nhiệm vụ chính của MNJTF là tiêu diệt nhóm Boko Haram cũng như các nhóm cực đoan khác vùng Tây Phi. Còn ở Nigeria, số người Mỹ chưa đến 50 người. Do đó, Niger nổi bật là trung tâm các chiến dịch tình báo và chống khủng bố trong khu vực.

Nhưng về phần mình, chính quyền các quốc gia châu Phi có vẻ như không mấy mặn mà với sự “hỗ trợ” của Mỹ, đặc biệt là sự hiện diện của tổ chức gọi là AFRICOM bởi vì họ cảm thấy phía sau đó ngầm chứa ý đồ tìm kiếm lợi ích từ lục địa đen của Washington. Do đó, trước sự chống đối quyết liệt của cộng đồng các nước châu Phi mà AFRICOM đành phải đặt trụ sở tại thành phố Stuttgart nước Đức!

Đằng sau chiến dịch chống khủng bố của AFRICOM

Điều đáng chú ý, AFRICOM không là “sáng kiến” đầu tiên của chính quyền Mỹ sử dụng chiến dịch chống khủng bố làm vỏ bọc hoàn hảo để xâm nhập chính thức khu vực châu Phi. Với các tổ chức khác như là Pan-Sahelian và Trans-Sahel, Mỹ theo đuổi chương trình “hợp tác chống khủng bố” với các quốc gia bao gồm Mali, Mauritania, Algeria và Niger. 

Chiếc drone Reaper tại căn cứ không quân Pháp ở Niamey, năm 2016.

Nhiều học giả và lãnh đạo chính trị ở châu Phi cho rằng lý do chính cho sự thành lập AFRICOM là nhằm bảo vệ lợi ích liên quan đến dầu mỏ cũng như tài nguyên thiên nhiên trên lục địa đen đồng thời chống lại sự ảnh hưởng đến từ Trung Quốc. Hamza Mustafa Njozi, Giáo sư Đại học Dar Es Salaam ở Tanzania, chia sẻ mối lo ngại chung: “Người Mỹ rất cần xây dựng căn cứ quân sự ở Tanzania bởi vì sự hiện diện như thế rất cần thiết để bảo đảm kiểm soát hoàn toàn tài nguyên như là các mỏ vàng”.

Trung Quốc chính là mối đe dọa của Mỹ bởi vì nền kinh tế nước này tăng trưởng trung bình 9% hàng năm trong 30 năm qua và GDP đã tăng khoảng 16% từ con số chưa đến 5% năm 1980. Thương mại giữa Trung Quốc và lục địa đen tăng từ khoảng 3 tỷ USD/năm vào năm 1995 đến hơn 100 tỷ USD năm 2008. Trung Quốc cũng vung tiền cho vay đối với các quốc gia châu Phi – bao gồm 22 tỷ USD cho Angola và 13 tỷ USD cho Cộng hòa Dân chủ Congo. Do đó, chiếc mặt nạ “chống khủng bố” của AFRICOM được tạo ra để thuyết phục với các nước châu Phi rằng các hành động của Washington chỉ mang tính “nhân đạo” và hoàn toàn không nhằm “tranh cướp châu Phi” như nhiều nhà phân tích đánh giá.

Với một số sáng kiến hỗ trợ quân sự như là Sáng kiến phản ứng khẩn cấp (ACRI) và Các chiến dịch huấn luyện và Hỗ trợ khẩn cấp châu Phi (ACOTA), người Mỹ từng bước âm thầm giảm bớt sự phụ thuộc của lục địa đen vào Trung Quốc về mặt quân sự cũng như kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn hàng thứ 3 cho châu Phi với những hợp đồng trị giá tổng cộng hơn 500 triệu USD/năm.

Lực lượng Đặc nhiệm Đa quốc gia (MNJTF).

Liên quan đến sự cạnh tranh với Trung Quốc là quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ. Đầu năm 2001, nguồn dầu mỏ châu Phi được đánh giá là giải pháp tiềm năng cho vấn đề năng lượng của Mỹ. Ví dụ vào năm 2015, Vịnh Guinea của châu Phi chiếm 25% lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Mỹ. Đó là lý do mà Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố dầu mỏ châu Phi là lợi ích chiến lược quốc gia của nước này. Năm 2007, lượng dầu mỏ mà Mỹ nhập khẩu từ châu Phi vượt hẳn các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư. 

Trong khi đó,  1/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ châu Phi, nhiều nhất là Sudan và Angola. Do đó, Bắc Kinh không ngại vung tiền vào lục địa đen với tham vọng sở hữu nguồn dầu mỏ và thậm chí sử dụng vị thế quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) để che chở cho chế độ bị trừng phạt ở Sudan. Các chuyên gia bình luận đây là cuộc cạnh tranh quyền lực giống như chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành miếng bánh châu Phi.

Binh sĩ Chad với số vũ khí tịch thu được từ chiến binh Boko Haram.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ luôn cố gắng bác bỏ những cáo buộc như thế. Ví dụ như tại hội nghị năm 2008 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Anh (RUSI) đặt trụ sở tại London, Theresa Whelan – nữ trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách các vấn đề về châu Phi – cho biết chính quyền Mỹ tin rằng dầu mỏ châu Phi cần được bán trên thị trường mở. 

Thêm vào đó, bà Whelan còn  nhấn mạnh rằng Mỹ không có ý đồ chiếm giữ thế độc quyền nguồn dầu mỏ châu Phi! Nhưng, trên thực tế Mỹ luôn tìm cách kiểm soát nguồn lợi từ dầu mỏ mà bằng chứng rõ ràng nhất là cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 với cớ ngụy tạo trắng trợn là nước này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Xuyên suốt thập niên 1990, các công ty Mỹ đã tiếp cận nguồn dầu mỏ Iraq trên thị trường giao dịch bằng tiền mặt và âm thầm ấp ủ kế hoạch xâm chiếm lãnh thổ nước này.

Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đặt trụ sở tại thủ đô Paris nước Pháp, có vẻ như chính quyền Mỹ cũng lợi dụng những tiến bộ vượt bậc về công nghệ để gia tăng kiểm soát nguồn dầu mỏ châu Phi. IEA dự đoán năm 2020 Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và đến năm 2035 sẽ độc lập về nguồn tài nguyên này. Muốn được như vậy, lẽ tất nhiên chính quyền Mỹ phải hất cẳng Trung Quốc ra khỏi lục địa đen và AFRICOM với những chiến dịch hỗ trợ “chống khủng bố” cho phép Mỹ hiện diện thường xuyên tại khu vực này.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.