AWB: Tổ chức điệp báo bí mật ở Nam Phi

Thứ Ba, 30/06/2009, 15:20
Ngày 16/7/1995, một tòa án chống phân biệt chủng tộc tại thành phố Johannesburg của Nam Phi đã tuyên phạt Eugène Terre'Blanche cùng 8 nhân vật khác thuộc tổ chức điệp báo Afrikaner Weerstandsbeweging (AWB) tổng cộng 124 năm tù giam về các tội bắt giữ người trái phép, trấn áp phong trào chống phân biệt chủng tộc, đầu độc, khủng bố và xúi giục bạo loạn.

Phán quyết này cũng chấm dứt hoạt động điệp báo và gây tội ác với người dân Nam Phi trong hơn hai thập niên của AWB.

Eugène Terre'Blanche sinh trưởng trong một gia đình người Scotland gốc Pháp đến định cư tại Nam Phi. Năm 1958, Terre'Blanche gia nhập quân đội Nam Phi và phục vụ trong ngành tình báo quân đội. Năm 1963, Terre'Blanche chuyển sang làm việc cho Cơ quan Tình báo quốc gia Nam Phi SAIA và rời cơ quan tình báo này vào năm 1972 với chức vụ trung tá.

Là một nhân vật có tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan, năm 1973, Terre'Blanche đã gửi cho Thủ tướng Nam Phi John Vorster phương án sử dụng một đơn vị điệp báo đặc biệt bí mật luồn sâu vào các tổ chức đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc của người da màu để thu thập thông tin và sau đó phá nát từ bên trong. Phương án hành động này của Terre'Blanche liền được Thủ tướng Vorster chấp thuận. Ngày 7/7/1973, Tổ chức điệp báo AWB được thành lập tại Heidelberg dưới sự chỉ huy của Eugène.

Để giữ bí mật về hoạt động, AWB không tuyển dụng thành viên ào ạt và công khai mà chỉ quyết định tuyển dụng một người nào đó khi đã nắm chắc quá khứ, lý lịch, tư tưởng và quan điểm chính trị của người này sau một thời gian giám sát, thử thách. Sau khi được tuyển dụng các thành viên mới sẽ được huấn luyện nghiệp vụ điệp báo tại căn cứ của AWB ở thành phố Heidelberg và trung tâm huấn luyện của SAIA ở ngoại ô thành phố Johannesburg.

AWB ngoài nhiệm vụ bí mật cài người và luồn sâu vào các tổ chức đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc của người da màu cả trong và ngoài Nam Phi rồi sau đó chỉ điểm cho cảnh sát phá nát, còn giúp SAIA truy bắt và sát hại các thành viên của Tổ chức Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Sau một thời gian điều tra và theo dõi, các điệp viên AWB đã phát hiện ra Tol Nzinoga Ogabi, một thành viên cao cấp của ANC tị nạn tại Zimbabwe và liền tổ chức giết hại nhân vật này.

Đến tháng 6/1984, AWB cũng áp dụng phương pháp trừ khử này đối với Katryn Joyce Kwane, người lãnh đạo phong trào phụ nữ chống phân biệt chủng tộc của ANC, đang tị nạn tại quốc gia Bostwana lân cận. Đến tháng 9/1986, một thành viên cao cấp khác của ANC đang tị nạn tại Mozambique cũng bị sát hại bởi bom thư do AWB chế tạo...

Lần đầu tiên, người ta mới biết đến sự hiện diện của AWB tại Nam Phi là vào năm 1989 sau khi xảy ra vụ mưu sát nữ nhà báo người Anh Jani Allan. Allan là một nhà báo kỳ cựu làm việc cho báo The Guardian của Anh đến Nam Phi thực hiện một loạt phóng sự điều tra về nỗi thống khổ của cộng đồng người da đen gây ra bởi nạn phân biệt chủng tộc. Những phóng sự này liền gây tiếng vang trong dư luận quốc tế nhưng lại khiến giới cầm quyền ở Nam Phi phải nổi giận. Để tránh gặp tai tiếng, AWB được giao nhiệm vụ sát hại nhà báo Allan.

Vào tháng 7/1989, một quả bom đã phát nổ phá nát chiếc xe của nhà báo Allan tại thành phố Pretoria, nhưng may mắn Allan đã thoát chết trong gang tấc. Vụ việc đã khiến Chính phủ Anh quyết định gửi một toán nhân viên của Sở Cảnh sát Hoàng gia đến Nam Phi để điều tra và phát hiện thủ phạm gây ra vụ đánh bom tên Lucas Mangope, thành viên cốt cán của AWB. Từ đó dư luận Nam Phi mới biết đến sự tồn tại của AWB, một công cụ đặc biệt mà chính phủ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi sử dụng để trấn áp phong trào đòi quyền sống của người da màu tại Nam Phi.

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 1993, khi AWB gây nên vụ tai tiếng lớn có tên gọi “Vụ nổi dậy Bophuthatswana” thì mới chính thức bị giải thể. Vào năm 1992, lo ngại trước nguy cơ giải thể của chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, AWB quyết định hỗ trợ chính quyền do người da trắng lãnh đạo ở tỉnh Bophuthatswana tách hẳn ra khỏi Nam Phi thành một quốc gia độc lập của cộng đồng người da trắng tại miền nam châu Phi.

Để đạt được mục tiêu này, AWB đã huy động hết lực lượng đông đến hàng ngàn thành viên đến Bophuthatswana để giúp cảnh sát và quân đội chống lại các cuộc phản kháng của người da đen. Đến ngày 11/5/1993, Terre'Blanche tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát tỉnh Bophuthatswana.

Tổng thống Nam Phi Frederik De Klerk trước sức ép của dư luận đã quyết định hành động bằng việc ra lệnh cho Terre'Blanche và các thành viên AWB phải đầu hàng. Tổng thống De Klerk còn đưa quân đội đến tỉnh Bophuthatswana giải giáp các thành viên AWB. Không còn cách nào khác, Terre'Blanche đành ra lệnh cho hàng ngàn thành viên AWB buông súng.

Vì hành động được cho là phản bội Tổ quốc và gây bạo loạn này, đến tháng 10/1993, Terre'Blanche cùng 8 thành viên cao cấp của AWB đã bị bắt giữ và sau đó bị một tòa án đặc biệt tại thành phố Johannesburg tuyên phạt tổng cộng 124 năm tù giam về các tội bắt giữ người trái phép, trấn áp phong trào chống phân biệt chủng tộc, giết người và xúi giục bạo loạn.

Sau khi Terre'Blanche cùng 8 thành viên cao cấp  của AWB lãnh án, AWB cũng chính thức bị giải thể

Hoàng Phú (theo Times Online Archives)
.
.