Addiopizzo, phong trào chống nộp thuế cho mafia

Thứ Bảy, 21/10/2006, 08:00

Cách đây 2 năm, một nhóm sinh viên đã thành lập phong trào Addiopizzo nhằm kêu gọi các thương nhân không tiếp tục đóng thuế cho bọn mafia. "Một dân tộc phải đóng thuế cho mafia là một dân tộc không có phẩm cách, không có sự tự trọng" - đây là khẩu hiệu ghi trên các tờ áp phích của Addiopizzo. Phong trào này đang gặt hái được nhiều thành quả trong cuộc chiến chống mafia.

Theo chính quyền vùng Palerma, có đến 80% các cửa hàng bán lẻ và doanh nghiệp của vùng phải đóng thuế cho bọn mafia. Ở vùng trung tâm thành phố thì tỉ lệ trên tương đối thấp, song càng ra xa ngoại ô và khu dân cư thì hầu hết đều phải đóng thuế, ngay cả những Hoa kiều cũng phải nộp.

Maurizio Vara cùng với người anh trai trước đây là một ông chủ ăn nên làm ra với Công ty Cơ khí tự động Cogevar tham gia phong trào ngay từ ngày đầu thành lập. Vào một buổi sáng năm 1999, hai người đàn ông lạ mặt đột nhiên xuất hiện tại phòng làm việc của Maurizio Vara và nói với vị giám đốc này rằng “đã đến lúc ông phải theo luật của chúng tôi” rồi đi thẳng không để lại tên tuổi hay điện thoại liên lạc, nhưng bấy nhiêu đó đủ thấy bức thông điệp quá rõ ràng. Maurizio Vara sau đó đi dò hỏi một số cửa hàng bán lẻ, các doanh nghiệp lân cận, và họ đã chỉ cho ông biết kẻ trung gian làm việc cho băng đảng mafia kiểm soát vùng này. Tiền pizzo hàng tháng đối với một doanh nghiệp như của Maurizio Vara là 5 triệu lire (tương đương 2.600 euro). Và để mua lấy sự bình yên, Maurizio Vara đã chấp nhận nộp cho bọn mafia một khoản tiền trên.

Nhưng càng ngày, khoản tiền bọn mafia đòi Maurizio Vara trả càng tăng. Thậm chí bọn chúng còn yêu cầu Công ty Cogevar cung cấp thiết bị và nhân công miễn phí cho một số công ty bạn của chúng. Sau đó, chúng yêu cầu Maurizio Vara nhận hàng chục người của chúng vào làm việc.

“Những công nhân này chỉ nghe lệnh của bọn chúng và chẳng chịu làm việc gì cho công ty chúng tôi” - Maurizio Vara kể lại. Không thể chịu nổi sự đè nén quá đáng, Maurizio Vara định sẽ phản ứng lại bọn chúng. Nhưng tháng 1/2001, văn phòng làm việc của Maurizio Vara bị bọn mafia thiêu rụi. Không thể chịu nổi, ông đã quyết định kiện bọn chúng.

Hoạt động biểu tình chống Pizzo của Addiopizzo.

Dần dần, Addiopizzo đã dấy lên phong trào của “những khách hàng không tán thành” giống như mô hình thương mại bền vững vậy. “Nếu cứ 10 doanh nhân mà có đến 8 người đóng pizzo, thì điều đó có nghĩa là khách hàng của các doanh nghiệp này đang gián tiếp tẩm bổ cho Cosa Nostra qua mỗi món hàng mua. Từ đây, ý định tổ chức một mạng lưới khách hàng không mua hàng của các doanh nghiệp chi tiền cho bọn mafia được thành lập” - Vittorio Greco, người sáng tạo ra khẩu hiệu viết trên áp phích của Addiopizzo, cho biết.

Lúc đầu phong trào Addiopizzo chỉ do Vittorio cùng 6 người bạn của anh lập lên, nhưng hiện nay số thành viên đã lên đến vài trăm người. Addiopizzo không chỉ đấu tranh mang tính hình thức là tố cáo, tức nói suông mà còn có hành động cụ thể. Theo đó phong trào này đi điều tra và thu thập thông tin của nhiều cửa hàng và doanh nghiệp đóng thuế cho mafia. Sau khi kêu gọi các cửa hàng và doanh nghiệp này không được nộp thuế cho mafia nữa, nếu họ không nghe, Addiopizzo sẽ cho công bố danh sách những cửa hàng và doanh nghiệp nào đang dùng tiền của khách hàng cống nộp cho bọn tội phạm. Theo đó, những “khách hàng không tán thành” sẽ không tiếp tục mua hàng của họ.

Theo đà lớn mạnh của phong trào, giờ đây, một số thương nhân còn tiếp xúc trực tiếp với Addiopizzo qua điện thoại, Internet. Người tới tham gia Addiopizzo phải ký một cam kết là sẽ không bao giờ chịu trả pizzo cho mafia đồng thời tố cáo mọi hành động tống tiền của bọn chúng. Hồ sơ của doanh nghiệp khi tham gia phong trào này sẽ được một ban chuyên viên chống tống tiền của Addiopizzo kiểm tra kỹ lưỡng trước khi phê chuẩn. “Điều này để tránh sự thâm nhập của bọn mafia”- Vittorio Greco cho biết.

Cuộc chiến chống pizzo có thể nói là một cuộc chiến quan trọng bởi pizzo chính là nguồn tài chính chủ yếu của Cosa Nostra. Nó chu cấp tiền cho những tên tội phạm đang bị cầm tù, cho người thân của bọn chúng cũng như trả lương cho người của bọn chúng và thậm chí chúng dùng tiền đó đầu tư vào một số lĩnh vực khác...

Cuộc chiến chống mafia lúc này được triển khai trên nhiều hình thức, nhiều mặt trận. Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Một doanh nhân giờ không còn sợ nguy hiểm khi từ chối đóng pizzo cho mafia. Để tránh sự trả thù và tiếp tục cuộc chiến chống mafia, các tổ chức nghề nghiệp một mặt tiếp tục kêu gọi mọi người từ chối yêu cầu đòi tiền của mafia, mặt khác đưa vào sử dụng một số điện thoại nóng cho phép tố cáo hành động tống tiền của mafia

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.