Ai Cập: “Huynh đệ Hồi giáo” bị nghi ngờ tổ chức mạng gián điệp riêng

Thứ Tư, 20/03/2013, 21:45

Vào mùa hè năm 2012, Khairat el-Shater - nhân vật quyền lực nhất của nhóm Hồi giáo Muslim Brotherhood (Huynh đệ Hồi giáo) - tuyên bố ông có băng ghi âm tiết lộ các cựu lãnh đạo quân đội và quan chức Ủy ban bầu cử đã cố tình khiến cho ông không đủ tư cách để tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012.

Tháng 11/2012, tổng thống Ai Cập Mohammad Morsi công khai thừa nhận với những người ủng hộ ông bên ngoài dinh tổng thống rằng, ông có bằng chứng về một cuộc họp kín mà trong đó phe đối lập được cho là có âm mưu chống lại ông.

Dựa vào những tuyên bố đó, giới chức an ninh cũng như các phương tiện truyền thông độc lập đánh giá tổ chức Huynh đệ Hồi giáo có thể đang ngấm ngầm điều hành một mạng lưới thu thập thông tin tình báo bên ngoài các cơ quan an ninh của chính quyền.

Một "nhà nước bên trong nhà nước"

Nhóm Huynh đệ Hồi giáo do học giả Ai Cập Hassan el-Banna thành lập năm 1928 tại nước này và lúc đầu hoạt động như một tổ chức xã hội truyền bá đạo Hồi, mở trường học, xây cất bệnh viện và điều hành một số công ty kinh doanh nhằm tài trợ cho các hoạt động của tổ chức.

Từ năm 1936, Huynh đệ Hồi giáo bắt đầu trở thành một lực lượng chính trị đối lập xuyên quốc gia, có mặt ở khắp nơi như: Tây Á, châu Phi và thậm chí ở Mỹ. Sau khi được Hassan el-Banna thành lập, các chi nhánh của tổ chức mọc lên khắp Ai Cập - mỗi nhánh điều hành một thánh đường Hồi giáo và một câu lạc bộ thể thao - và các thành viên cũng từ đó tăng lên một cách nhanh chóng.

Vào cuối thập niên 40 thế kỷ trước, Huynh đệ Hồi giáo có đến 2 triệu thành viên và hệ tư tưởng của tổ chức này lan rộng khắp thế giới Arập. Đồng thời, Hassan El-Banna cũng thành lập nhóm bán quân sự gọi là Cơ cấu đặc biệt (SA) tiến hành các hoạt động vũ trang chống lại sự cai trị của người Anh và thực hiện nhiều chiến dịch đánh bom và ám sát.

Chính quyền Ai Cập ra lệnh giải tán Huynh đệ Hồi giáo vào năm 1948 do tổ chức này tấn công vào những lợi ích của người Anh và người Do Thái. Không bao lâu sau, tổ chức này lại bị quy tội ám sát Thủ tướng Mahmoud al-Nuqrashi của Ai Cập. Tuy nhiên, Banna không nhận trách nhiệm vụ ám sát và kịch liệt lên án hành động này. Không lâu sau đó, ông bị một tay súng vô danh bắn chết.

Huynh đệ Hồi giáo được cho là một tổ chức ngoài vòng pháp luật, có những hoạt động bí mật và thường bị chính quyền các nước (nhất là Ai Cập) thẳng tay đàn áp. Dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak, Huynh đệ Hồi giáo được coi là lực lượng chính trị đối lập có quyền lực và ảnh hưởng mạnh nhất.

Tổng thống Mohammad Mursi, lãnh đạo FJP của “Huynh đệ Hồi giáo”, vẫy tay chào đám đông ủng hộ ông bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở Cairo, ngày 15/6/2012.

Đài Truyền hình Arập nổi tiếng Al-Jazeera nhận định, Huynh đệ Hồi giáo là một tổ chức chính trị Hồi giáo lớn nhất, tồn tại lâu năm nhất và có ảnh hưởng lớn trong thế giới Arập cũng như trên thế giới, với khẩu hiệu đặc trưng: "Hồi giáo là giải pháp". Riêng tại Ai Cập, Huynh đệ Hồi giáo là lực lượng chính trị đối lập có tổ chức chặt chẽ và mạnh nhất cho nên thường xuyên bị chính quyền nước này đàn áp đẫm máu.

Kể từ phong trào mùa xuân Arập bùng nổ năm 2011, Huynh đệ Hồi giáo nổi lên là một đảng phái chính trị mạnh nhất và Mohammad Morsi là ứng cử viên tổng thống của tổ chức này giành được chiến thắng vào tháng 6/2012.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Ai Cập than phiền Tổng thống Mohammad Morsi ngày càng tin tưởng vào các cố vấn của Huynh đệ Hồi giáo hơn là những chuyên gia của cơ quan chính phủ trong các vấn đề chính sách đối ngoại.

Các chuyên gia cho rằng động cơ dẫn đến hoạt động gián điệp ngầm của tổ chức này bắt nguồn từ việc nhiều tổ chức chính quyền - như là các cơ quan an ninh và tư pháp - vẫn còn nằm trong tay những người được Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak bổ nhiệm trước đây.

Abdel-Jalil el-Shamoubi, cựu Tổng biên tập trang web của Huynh đệ Hồi giáo, đã rời khỏi tổ chức này vào tháng 5/2011, nhận định: "Vấn đề với Huynh đệ Hồi giáo là họ nắm giữ quyền lực song vẫn tiếp tục hành động như trước đây khi còn là một lực lượng đối lập ở Ai Cập. Do không tin tưởng vào nhà nước cho nên Huynh đệ Hồi giáo tự tạo dựng một nhà nước riêng của họ".

Mohammed Badie (Giữa), thủ lĩnh Huynh đệ Hồi giáo, trong một cuộc họp báo ở Cairo, năm 2011.

Khái niệm "nhà nước bên trong nhà nước" từng tồn tại ở khắp nơi trong thế giới Arập. Ví dụ như ở Liban, tổ chức Hezbollah phái Shiite được chính quyền Iran ủng hộ thật ra là chính quyền trên thực tế tại miền Nam và miền Đông Liban, có cả quân đội cũng như mạng lưới điện thoại và tình báo riêng.

Với quy mô nhỏ hơn, những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Muqtada al-Sadr trên thực tế cũng là những người cai quản các khu vực của người Shiite ở thủ đô Baghdad của Iraq và nhiều khu vực ở miền Nam nước này.

Ở Ai Cập, Huynh đệ Hồi giáo là một lực lượng mạnh nhất nắm quyền lực trong tay. Lực lượng chống lại Huynh đệ Hồi giáo bao gồm không chỉ những quan chức từng phục vụ chính quyền cựu Tổng thống Hosnia Mubarak mà còn cả những người Hồi giáo ôn hòa, những người tự do, những  người theo chủ nghĩa thế tục, phụ nữ và tín đồ Cơ Đốc chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập.

Lực lượng cảnh sát chống bạo động được triển khai ở Cairo, ngày 4/12/2012.

Huynh đệ Hồi giáo phủ nhận bất cứ hoạt động phi pháp nào hay sự tạo dựng một nhà nước bên trong nhà nước. Ahmed Aref, người phát ngôn của Huynh đệ Hồi giáo, tuyên bố: "Chúng tôi là nạn nhân của một chiến dịch phỉ báng, nhưng tổ chức của chúng tôi luôn cố gắng bảo vệ thanh danh và những chiến dịch như thế sẽ chẳng bao giờ thay đổi được điều đó".

Mối nghi ngờ mạng lưới gián điệp của nhóm Huynh đệ Hồi giáo

Hai gương mặt có quyền lực nhất của Huynh đệ Hồi giáo - doanh nhân giàu có Khairat el-Shater và thủ lĩnh tinh thần Mohamed Badie - được nhiều người ở Ai Cập cho là những người nắm quyền thực sự và có ảnh hưởng lớn đến Tổng thống Morsi cũng như chính quyền của ông.

Theo các cựu thành viên của Huynh đệ Hồi giáo và giới chức an ninh Ai Cập, El-Shater bị nghi ngờ là người điều hành một mạng lưới gián điệp chuyên tiến hành những chiến dịch nghe lén điện thoại và đọc lén các email để thu thập thông tin tình báo.

Cuộc biểu tình ngày 5/12/2012 ở Cairo biến thành bạo lực đẫm máu.

Ban đầu El-Shater được Huynh đệ Hồi giáo lựa chọn làm ứng cử viên tổng thống Ai Cập song sau đó bị cho là không đủ tư cách do từng bị kết án dưới chế độ Hosni Mubarak. Khi được yêu cầu bình luận về mối nghi ngờ gián điệp, người phát ngôn cho đảng Công bằng và Tự do (FJP) của Huynh đệ Hồi giáo nhấn mạnh, việc một tổ chức lớn như Huynh đệ Hồi giáo có "các nguồn thông tin riêng" là điều hoàn toàn bình thường và Tổng thống Mohammad Morsi - lãnh đạo FJP - cần có thông tin về phe đối lập.

Tuyên bố đó được cho là sự khẳng định rõ ràng về sự tồn tại của một chiến dịch thu thập thông tin tình báo song song với hệ thống an ninh của chính quyền Ai Cập!

Mohammed el-Gebbah, cựu thành viên Huynh đệ Hồi giáo, tuyên bố tổ chức hùng mạnh này có đến 6 "trung tâm tình báo cỡ nhỏ", trong đó bao gồm một trung tâm hoạt động bên trong trụ sở tổ chức ở quận Moqqatam, thủ đô Cairo của Ai Cập. Mối lo ngại khác đang nổi lên ở Ai Cập hiện nay là liệu Huynh đệ Hồi giáo có "đội quân" riêng bên ngoài các cơ quan an ninh của chính quyền hay không.

Đầu tháng 12/2012, Huynh đệ Hồi giáo đưa lên Facebook một "cảnh báo chung" và ngay hôm sau các nhóm người vũ trang ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo đã tấn công những người biểu tình bên ngoài Dinh Tổng thống! Hàng ngàn người thuộc hai phe ủng hộ và chống đối Tổng thống Morsi đã "chiến đấu" ác liệt với nhau trong khu vực và trên đường phố.

Những video clip sau đó trên các trang mạng xã hội cho thấy hình ảnh phe ủng hộ Morsi tra tấn những người biểu tình chống đối trong các "nhà giam" tạm thời được dựng lên ngay bên ngoài cổng Dinh Tổng thống nhằm buộc số người này khai ra họ nằm trong "bảng lương" của phe đối lập với chính quyền!

Diên San (tổng hợp)
.
.