Ai Cập: Xung quanh vụ bắt giữ gián điệp làm việc cho Israel

Thứ Hai, 14/05/2007, 11:30

Ngày 17/4/2007, trong một buổi họp báo, chính quyền Ai Cập đã công bố việc bắt giữ Muhammad Sayed Saber Ali, một kỹ sư 35 tuổi đang làm việc tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử nước này, vì đã cung cấp các bí mật về hạt nhân cho Cơ quan Tình báo Israel.

Thông tin trên được hầu hết các cơ quan truyền thông khắp thế giới đăng tải, song không mấy nơi biết rõ tình tiết của vụ này.

Saber Ali bị bắt giữ từ ngày 18/2/2007, song phải đợi cuộc điều tra hoàn tất, nhà cầm quyền Cairo mới công bố vụ việc. Dính líu đến đương sự, còn có hai người nước ngoài đang bị tầm nã, một người có quốc tịch Ireland tên là Brian Peter và một người Nhật Bản tên là Shiro Izo.

Sự việc trên gây chấn động dư luận vì ai cũng biết rằng trong thời gian qua, mối quan hệ giữa hai nước Ai Cập và Israel không còn căng thẳng nữa. Vậy những tình tiết nào dẫn đến việc bắt giữ Ali, và những chứng cứ nào tố cáo sự dính líu của Israel vào vụ này?

Muhammad Sayed Saber Ali có quốc tịch Ai Cập, năm 1994, tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật hạt nhân Trường Đại học Alexandria, sau đó, anh ta theo học tại Đại học Cairo vào năm 1997 và hai năm sau (1999), lấy bằng Tiến sĩ về vật lý hạt nhân. Trong thời gian học tại Đại học Cairo, Ali làm việc bán thời gian cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử Ai Cập, nhưng sau đó ít lâu, anh ta nghỉ việc vì có những bất đồng với các viên chức lãnh đạo ở đây.

Tháng 5/1999, Ali đến Sứ quán Israel tại Cairo xin visa nhập cảnh nước này để được hưởng một học bổng về lãnh vực lò phản ứng hạt nhân tại Trường đại học Ben Gourion. Trong thời gian này, quan hệ giữa Ai Cập và Israel vẫn còn căng thẳng, việc một công dân Ai Cập muốn sang Israel để tiếp tục học tập thay vì đến Đông Âu như thông lệ đã khiến Cơ quan Tình báo Ai Cập lưu ý. Họ gọi Ali đến và khuyến cáo là không nên tự ý liên lạc với  Sứ quán Israel mà không thông báo trước sự việc cho lãnh đạo cơ quan của anh ta. Có lẽ từ đó, nhất cử, nhất động của Ali đều lọt vào tầm ngắm của tình báo Ai Cập.

Đầu năm 2000, do cuộc sống bấp bênh, Ali thường xuyên lên mạng Internet để tìm kiếm một việc làm ổn định. Mãi đến năm 2005, anh ta được một người đàn ông Ireland tên là Brian Peter liên lạc và thông báo có một công việc đang cần người tại một tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lãnh vực... khảo cứu không gian ở Nhật Bản.

Một cuộc hẹn gặp  sau đó diễn ra tại Hồng Kông; Ở đây, ngoài Peter, Ali còn gặp một người Nhật xưng tên là Shiro Izo, tự giới thiệu là giám đốc nhân sự của tập đoàn đa quốc gia này.

Họ yêu cầu Ali cung cấp thông tin về Cơ quan Năng lượng nguyên tử Ai Cập, bộ máy đầu não của cơ quan và lò phản ứng hạt nhân ở “Anshas” đang gặp những khó khăn nào, về  nhịp độ thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Ai Cập ra sao...

Họ hứa trả công cho Ali mỗi tháng 3.000 USD đổi lại, Ali cung cấp cho họ những thông tin cần thiết. Hẳn nhiên trong tình cảnh “buồn ngủ gặp chiếu manh”, Ali nhận lời không do dự.

Trong thời gian lưu trú  ở Hồng Kông, Ali được trợ cấp 2.000 USD để  thỏa mãn tối đa nhu cầu sinh lý của một người đàn ông xa nhà, và được yêu cầu quay lại nhiệm sở cũ (tức Cơ quan Năng lượng nguyên tử Ai Cập) để cung cấp tin tức cập nhật.

Tất cả những yêu cầu này đều được Ali đáp ứng mà không cần thắc mắc tại sao một tập đoàn hoạt động trong lãnh vực khảo cứu không gian lại thiết tha với hoạt động của lò phản ứng hạt nhân ở Ai Cập đến thế.

Lẽ ra, với sự thông minh của một tiến sĩ như Ali, anh ta phải nghi ngờ về mối liên hệ giữa hai người đàn ông kia với Cơ quan Tình báo Mossad của Israel. Song, anh ta vẫn trở về Ai Cập, xin làm việc trở lại ở Cơ quan Năng lượng nguyên tử và đến tháng 12/2006, Ali đã đánh cắp một số tài liệu mật, trong đó có một tài liệu đặc biệt quan trọng về lò phản ứng hạt nhân “Anshas” (cần nói thêm là các hoạt động hạt nhân của Ai Cập đều hợp pháp, đặt dưới sự giám sát của IAEA). Sau đó, anh ta đi Hồng Kông để giao những tài liệu mật này và được thưởng công một số tiền tương đương 17.000 USD.

Trong lần cuối cùng đến Hồng Kông vào tháng 2/2007, Ali được cung cấp một laptop hiện đại có lắp đặt một phần mềm đặc biệt có thể dễ dàng xâm nhập và lấy cắp tin tức từ hệ thống máy tính của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Ai Cập. Peter và Izo còn cung cấp cho anh ta một hộp thư điện tử đặc biệt với mật khẩu đã cài sẵn.

Ngày 18/2/2007, khi Ali vừa từ  Hồng Kông về tới sân bay Cairo thì bị bắt ngay.

Có lẽ hoạt động phạm pháp của anh ta đã quá rõ ràng nên cuộc điều tra chỉ kéo dài không đầy hai tháng. Về phần Israel, điều có thể tiên đoán được là Cơ quan Tình báo Mossad phủ nhận việc dính líu vào hoạt  động gián điệp của Ali. Tuy nhiên, các nhà bình luận tin rằng vụ việc này sẽ phủ một bóng đen lên mối quan hệ đang ngày càng cải thiện giữa hai nước. Hãy chờ xem trong thời gian tới đây, còn có những tình tiết mới nào nữa trong vụ án gián điệp này

Lê Nguyễn (Tổng hợp)
.
.