Ai làm đứt cáp Internet tại Địa Trung Hải đầu năm 2008?

Thứ Ba, 05/08/2008, 14:00
Vào ngày 23/1/2008, đường cáp Internet tốc độ cao có tên gọi FALCON nằm dưới biển Địa Trung Hải kết nối thông tin giữa các quốc gia vùng Vịnh và Ấn Độ đã gặp sự cố đứt cáp.

Trong khi các cơ quan chức năng đang tìm hiểu nguyên nhân thì đến ngày 30/1/2008 đến lượt hai đường cáp Internet khác có tên gọi SEA-ME-WE 4 và FLAG cũng gặp sự cố đứt cáp ngoài khơi cảng Alexandria của Ai Cập gây gián đoạn mọi kết nối từ các quốc gia Trung Đông và vùng Vịnh với châu Âu và Bắc Mỹ.

Đến ngày 1/2/2008, đường cáp Internet FALCON lại bị đứt tại một địa điểm ngoài khơi thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) làm gián đoạn mọi kết nối giữa UAE và Oman.

Vào ngày 3/2/2008, đến lượt đường cáp DOHA-HALOUL kết nối giữa Qatar và UAE lại gặp sự cố tại vùng biển nằm giữa đảo Qatari của Oman và đảo Das của UAE.

Sự cố này làm gián đoạn toàn bộ các kết nối thông tin tại phần lớn các quốc gia vùng Vịnh và Trung Đông. Đến ngày 4/2/2008, đường cáp SEA-ME-WE 4 lại gặp sự cố ngoài khơi thành phố Penang của Malaysia.

Các sự cố đứt cáp Internet dưới biển liên tiếp xảy ra đã khiến cho hàng chục triệu người sử dụng Internet tại các quốc gia Trung Đông, vùng Vịnh và Nam Á không thể truy cập thông tin, nhiều hoạt động giao dịch, nhất là giao dịch tài chính qua mạng bị gián đoạn và phải hủy bỏ.

Các quốc gia bị tác động mạnh nhất bởi các sự cố đứt cáp Internet kể trên là Iran, Arập Xêút, Kuweit, Ai Cập, Qatar, Bahrain, Ấn Độ và Pakistan. Điểm đặc biệt là IsraelIraq lại không bị tác động bởi sự cố này.

Chỉ cho đến ngày 18/2/2008, sau khi tất cả các sự cố đều được khắc phục thì chính phủ nhiều quốc gia và nhiều tổ chức viễn thông quốc tế mới bắt tay điều tra về nguyên nhân gây ra sự cố đứt cáp Internet hàng loạt trong một thời gian ngắn tại vùng biển Địa Trung Hải để đánh giá có phải là do gặp sự cố  ngẫu nhiên hay bị phá hoại.

Các cuộc điều tra của tổ chức Hệ thống Hàng hải Toàn cầu (GMS) và Hãng cung cấp đường truyền Internet quốc tế FLAG có trụ sở đặt tại thủ đô London của Anh cho rằng các đường cáp FLAG, FALCON và SEA-ME-WE 4 bị đứt do gặp tai nạn.

Hai đường cáp FLAG và SEA-ME-WE 4 bị đứt ngoài khơi cảng Alexandria của Ai Cập vào ngày 30/1/2008 là do mỏ neo một chiếc tàu đánh cá loại lớn gây ra. Tại địa điểm xảy ra sự cố đứt đường cáp Internet FALCON ngoài khơi thành phố Dubai vào ngày 1/2/2008, tàu sửa chữa đã tìm thấy một chiếc neo tàu nặng 6 tấn.

Còn nguyên nhân gây sự cố đứt đường cáp SEA-ME-WE 4 ngoài khơi thành phố Penang của Malaysia vào ngày 4/2/2008 có thể là do một trận động đất dưới biển gây ra.

Tuy nhiên, các kết quả điều tra của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Ủy ban Bảo vệ Cáp Internet quốc tế (ICPC) và chính phủ nhiều quốc gia bị tác động bởi sự cố đứt cáp Internet lại cho rằng đây là một vụ phá hoại có chủ ý.

Theo điều tra của Chính phủ Ai Cập thì 12h trước và 12h sau khi xảy ra sự cố đứt hai đường cáp FLAG và SEA-ME-WE 4 ngoài khơi cảng Alexandria vào ngày 30/1/2008, tại địa điểm xảy ra sự cố không có bất cứ hoạt động của tàu đánh cá hay tàu hàng nào.

Về chiếc neo tàu nặng 6 tấn được tìm thấy tại địa điểm đứt đường cáp FALCON ngoài khơi thành phố Dubai vào ngày 1/2/2008, các giám định cho biết đây là một chiếc neo tàu mới chứ không phải là neo cũ, có khả năng được thả từ một tàu ngầm hay một tàu hàng với ý đồ làm đứt đường cáp Internet này.

Điểm đặc biệt là chỉ một ngày trước khi xảy ra sự cố đứt đường cáp DOHA-HALOUL, Hải quân UAE đã phát hiện tại vùng biển gần đảo Das hoạt động của một tàu ngầm lạ.

Tổng hợp các yếu tố này, ITU, ICPC và chính phủ nhiều quốc gia Trung Đông cho rằng sự đối đầu giữa Iran và các quốc gia phương Tây, nhất là Mỹ, là nguyên nhân chính gây ra các sự cố đứt cáp Internet hàng loạt từ ngày 23/1 đến 4/2/2008.

Theo đó, vào ngày 21/1/2008, khi Chính phủ Mỹ tuyên bố cứng rắn sẽ tiến hành trừng phạt Iran thông qua việc phong tỏa tất cả các tài khoản của quốc gia này ở nước ngoài thì chỉ 2 ngày sau đó bắt đầu xảy ra sự cố  đứt đường cáp đầu tiên vào ngày 23/1/2008.

Theo giải thích của các chuyên viên ITU, các sự cố đứt cáp Internet đã làm vô hiệu hóa mọi hoạt động chuyển tiền của chính phủ, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp lớn của Iran từ các ngân hàng ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á đến một địa điểm an toàn hơn, có thể đó là một số ngân hàng có trụ sở đặt tại các quốc gia Trung Đông và vùng Vịnh.

Tuy nhiên, mấu chốt của các sự cố là sự kiện Chính phủ Iran quyết định thành lập một thị trường tài chính dầu hỏa riêng biệt không sử dụng đồng USD của Mỹ mà sử dụng đồng euro làm phương tiện thanh toán. Thị trường này dự kiến sẽ được khởi động vào ngày 1/2/2008 và có trụ sở đặt tại Oman.

Hành động này cũng đồng nghĩa với việc Iran công khai thách thức Mỹ về các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính mà Mỹ và một số quốc gia phương Tây áp đặt với Iran. Việc làm này của Iran cũng làm suy yếu vai trò thống lĩnh thị trường tài chính của đồng USD.

Và để trả đũa, Mỹ đã tổ chức phá hoại các đường cáp Internet dưới vùng biển Địa Trung Hải và nhiệm vụ này được giao cho các tàu ngầm của Hạm đội số 6.

Theo nhận định của Stephen Becker, một chuyên gia về an toàn mạng viễn thông toàn cầu của ITU thì các vụ phá hoại đường cáp Internet vào các ngày 30/1, 1 và 3/2/2008 nhắm trực tiếp vào Iran còn các vụ phá hoại vào ngày 23/1 và 4/2 chỉ là đòn nghi binh để tránh bị phát hiện.

Tuy nhiên, chính việc Israel, một quốc gia đồng minh của Mỹ tại Trung Đông và Iraq, quốc gia đang bị Mỹ chiếm đóng, không hề bị tác động bởi các sự cố đứt đường cáp Internet đã khiến các nhà chuyên môn và chính phủ nhiều quốc gia nghiêng về giả thuyết đây là một vụ phá hoại hàng loạt có chủ ý và do Mỹ gây ra

Văn Hòa(theo The Guardian)
.
.