Al-Baghdadi: Thủ lĩnh vô hình và âm mưu “đánh sập” một quốc gia

Thứ Tư, 13/08/2014, 18:35

Al-Baghdadi, kẻ cầm đầu tổ chức thánh chiến Hồi giáo mang tên “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông” (ISIS), nổi lên trong thế giới thánh chiến như một bản sao mới của trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhân vật này có danh tính vô cùng bí hiểm, không hề xuất hiện trong các đoạn phim tuyên bố thông điệp của tổ chức, thậm chí còn đeo mặt nạ khi tiếp xúc với các chỉ huy. Chính vì lẽ đó, Al-Baghdadi có biệt danh “thủ lĩnh vô hình”.

Cho tới bây giờ, sự thần bí của Al-Baghdadi chỉ được đánh bóng bằng hai bức ảnh mà tổ chức của hắn chụp ở thành phố Mosul (Iraq). Một tấm được FBI đăng và treo giá 10 triệu USD, một tấm khác được Bộ Thông tin Iraq đăng.

Những gì người ta được biết về Al-Baghdadi phần lớn đến từ các trang web thánh chiến, trong đó chỉ mô tả những thành tích và vài nét tính cách riêng của một thủ lĩnh. Al-Baghdadi nổi tiếng vì tham vọng và bạo lực, lạm quyền dưới tư cách là một nhà lãnh đạo quân sự và ưa dùng chiến thuật.

Những thông tin về Al-Baghdadi càng khan hiếm bao nhiêu thì nhân vật này càng nhận được nhiều sự chú ý đặc biệt. Chỉ trong 5 năm, từ một tên lính chiến đấu cấp thấp Al-Baghdadi trở thành chiến binh có ảnh hưởng nhất thế giới và là "người thừa kế xứng đáng của Osama bin Laden".

“Thủ lĩnh vô hình”

Theo báo chí nước ngoài, thân thế của Al-Baghdadi đầy bí hiểm. Sinh năm 1971 trong một gia đình tôn giáo ở tỉnh Diyala, phía đông Iraq, Al-Baghdadi nhận bằng tiến sĩ về giáo dục tại Đại học Baghdad. Một cuốn tiểu sử "chính thức" tiết lộ tên thật của Al-Baghdadi là Ibrahim Awwad Ibrahim Ali al-Badri al-Samarrai, và gọi hắn là "Al-Shabah" (Bóng ma).

Theo đó, hắn đã có học vị tiến sĩ nghiên cứu về Hồi giáo và đã giảng về luật Shariah trước khi trở thành một thủ lĩnh. Al-Baghdadi lẩn tránh mọi ống kính và có vô số biệt danh. Hắn được xem là người vô hình, ngay cả các  tay chân thân cận khi gặp cũng chỉ thấy hắn choàng khăn trên đầu. Tại thành phố của Syria Raqqa, nơi Al-Baghdadi quyết định đặt tổng hành dinh cho ISIS, không ai dám gọi tên hắn.

Có rất nhiều phiên bản của câu chuyện vì sao Al-Baghdadi đến với thánh chiến. Có ý kiến cho rằng hắn đã là một chiến binh thánh chiến dưới thời Saddam Hussein. Quan điểm khác cho rằng: sau năm 2003, Al-Baghdadi đã bị lôi kéo vào các hoạt động của Al-Qaeda tại Iraq dưới thời Ayman al-Zawahiri. Đầu tiên hắn tham gia vào việc buôn lậu chiến binh nước ngoài vào Iraq, sau đó trở thành "tiểu vương" của Rawa, một thị trấn gần biên giới Syria và thống trị phiến quân nơi đây với phong cách lãnh đạo tàn bạo.

Vài ý kiến khác cho rằng 4 năm hắn bị giam cầm tại trại Bucca (nơi giam giữ do Mỹ lập nên, thuộc khu vực biên giới giữa Iraq và Kuwait) chính là gốc rễ sự cực đoan sau này của Al-Baghdadi. Hắn cùng chiến đấu với các nhóm chiến binh Sunni sau khi Mỹ tấn công Iraq, nhưng đã bị bắt vào năm 2005 và được đưa tới trại Bucca. Nhưng người ta không coi Al-Baghdadi là một mối đe dọa lớn và đã thả hắn vào năm 2009.

Các cựu sĩ quan chỉ huy của trại Bucca tiết lộ, sau khi Al-Baghdadi được phóng thích, hắn đã tuyên bố một cách chắc chắn rằng: "Tôi sẽ gặp lại các anh ở New York, với vai trò và sức mạnh hoàn toàn mới".

Al-Baghdadi luôn tỏ ra thông minh, tàn bạo và hành động có tính toán kỹ lưỡng. Nhân vật này ngày càng bạo lực và hiểm độc, theo đuổi con đường chống lại nước Mỹ hơn tất cả các lãnh đạo Hồi giáo cực đoan khác. Và hắn ta cũng có sự thu hút hơn so với Ayman al-Zawahiri, người kế nhiệm của Al-Qaeda. Zawahiri ẩn náu tại khu vực biên giới của Pakistan và đã làm rất ít để cải tổ Al-Qaeda. Trong lúc đó, Al-Baghdadi đã thành công ở cả Iraq và Syria, luôn khẳng định rằng hắn là hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Muhammad.

Tiếp nhận tư tưởng cực đoan, Al-Baghdadi không chỉ là kẻ khát máu cực đoan mà còn chứng tỏ viễn kiến của tín đồ Hồi giáo cuồng nhiệt. Sức mạnh của Al-Baghdadi là chỉ chém giết chứ không bao giờ nói. Giới tình báo phương Tây chỉ có tấm ảnh bán thân duy nhất của lãnh đạo "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông".

Trong khi Osama bin Laden quay phim dàn dựng kịch bản tuyên truyền thì Al-Baghdadi im lặng tạo ra một thứ huyền thoại kích thích giới trẻ bất mãn xã hội.

Trên chiến trường, hắn chứng tỏ là một nhà chiến lược lợi hại. Quân của Al-Baghdadi tránh giao tranh với quân đội Syria nhưng thừa cơ hội đánh úp và giành quyền kiểm soát biên giới nhằm tạo ra một hành lang an toàn nối với Iraq. Bị ám ảnh bởi kinh nghiệm 10 năm trước tại Iraq vừa bị quân Mỹ tấn công vừa bị các đơn vị vũ trang Sunni chống Al-Qaeda, Al-Baghdadi áp dụng chiến thuật "tiêu thổ", thanh toán tất cả những người cùng chiến đấu chống Damas nhưng thuộc các tổ chức khác kể cả Al-Qaeda.

Sự vươn lên của ISIS báo hiệu một sự phát triển của khủng bố một cách lai tạp, mới hơn và nguy hiểm hơn. Một cách tổng quan, ISIS đang tìm cách xây dựng một chính quyền mà bản thân Al-Baghdadi từ đó có thể khơi dậy những cuộc thánh chiến mới. Hắn tin rằng người Hồi giáo trên thế giới phải sống dưới một nhà nước Hồi giáo cai trị bởi luật Shariah.

Mục tiêu của Al-Baghdadi là sự phục hồi của Hồi giáo dòng Sunni dựa  trên một hình thức cực đoan và thuần khiết xuyên suốt Syria và Iraq. Nếu hắn thành công, tất cả những dự báo về vùng Trung Đông cần phải được xem xét lại bởi lẽ, cục diện bấy giờ sẽ chỉ còn màu sắc thánh chiến chiếm chủ đạo.

Đất nước Iraq đang sa vào nội chiến, với việc lực lượng của tổ chức cực đoan ISIS đang thừa thắng tiến về phía thủ đô Baghdad.

Quyền lực của Al-Baghdadi gia tăng nhanh chóng. Hắn tham gia lãnh đạo một vài nhánh của Al-Qaeda tại Iraq vào năm 2010. Mọi thứ lại được đẩy lên cao hơn vào năm 2012, Al-Baghdadi nắm lấy cơ hội và đã cử lực lượng  tham gia cuộc chiến chống lại Chính phủ Bashar al-Assad của Syria. Năm 2013, hắn tuyên bố thành lập ISIS, trở thành thủ lĩnh cầm đầu tổ chức này lôi kéo phiến quân và xây dựng lực lượng để hiện thực hóa giấc mơ "phủ kín thế giới bằng đạo Hồi và luật Hồi giáo".

Thực ra, nhân vật này có vai trò của một "nhà triết học thánh chiến", hắn dùng tôn giáo để thúc đẩy và mở rộng khả năng lãnh đạo trong giới thánh chiến rộng lớn hơn.

Sự thành công của chiến thuật đó phản ánh rõ nét qua tổ chức ISIS, dưới thời Al-Baghdadi, đã trở thành điểm đến cho hàng ngàn chiến binh thánh chiến nước ngoài. Cuối năm ngoái, một số nguồn tin cho rằng hắn đang xây dựng nhiều nhóm phiến quân mới để có thể sáp nhập với một nhánh của Al-Qaeda hoạt động ở Syria. Đây là một bước đi khá táo bạo, khẳng định tầm quốc tế của ISIS và việc Al-Baghdadi quan tâm nhiều hơn tới chuyện mở rộng lãnh thổ hoạt động và thực thi luật Shariah. Rõ ràng, Al-Baghdadi rất khôn ngoan trong việc lợi dụng sự hỗn loạn ở Syria để phát triển tổ chức.

Âm mưu "đánh sập" một quốc gia

Ban đầu ISIS chẳng có mấy tiếng tăm nhưng rồi nội chiến Syria nổ ra và như rồng mây gặp hội, ISIS chuyển mình với khẩu hiệu "thống nhất Sunni khắp thế giới". Do còn non trẻ, ISIS phải bám vào Al-Qaeda ở Syria nhưng ông trùm Al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri đã nhận ra âm mưu "tu hú đẻ nhờ" cử đại diện đến đề nghị ISIS rời tổ chức hay sáp nhập vào mình. Thủ lĩnh Al-Baghdadi đáp trả bằng cách rút súng nhằm thẳng đại diện này. Bởi vậy tháng 2 năm nay, Al-Qaeda tuyên bố phủ nhận sự tồn tại của ISIS với lý do "quá sức man rợ và cực đoan".

Kể ra thì Al-Qaeda cũng không khá hơn gì, và thực chất là Al-Qaeda bị nóng mặt, không muốn bị cạnh tranh và qua mặt. Tuy nhiên, điều mà Ayman al-Zawahiri không ngờ là khi ISIS tách ra lại có đến 65% chiến binh của mình bỏ theo ISIS.

Với đám khủng bố này thì ISIS có mục tiêu rõ ràng: xây dựng một quốc gia vĩ đại cho người Hồi giáo Sunni, cho họ lập gia đình và tạo cơ hội cho vợ con của họ. Viễn cảnh này "sáng sủa" hơn một Al-Qadea chỉ biết khủng bố đánh phá, đánh rồi rút và trường kỳ mai phục. Nhờ vậy mà từ một tổ chức sinh sau đẻ muộn, ISIS đã vượt lên để trở thành mối nguy cơ khủng bố nguy hiểm nhất với ngân sách khoảng 2 tỉ USD và lực lượng có thể lên đến 20.000 tay súng.

Vụ ISIS chiếm được một vùng rộng lớn phía Iraq gần đây có thể nảy sinh thêm nhà nước thánh chiến mới tạm đặt tên là "Jihadistan" (Thánh chiến). Nhà nước Hồi giáo cực đoan "Jihadistan" bao trùm cả một vùng rộng lớn gồm phía bắc Iraq và đông bắc Syria. Đây quả là một sự kiện có tầm vóc quan trọng đáng kể không chỉ cho cả khu vực, mà còn cả đối với phương Tây.

Sự suy yếu của hai quốc gia Cận Đông - vốn một thời hùng mạnh là Syria và Iraq - là cơ hội tốt cho tổ chức cực đoan ISIS không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng. Xét về mặt tài lực, rõ ràng ISIS đã hơn hẳn cả mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Dựa trên nền tảng thuần đạo Hồi cực đoan thuộc hệ Sunni và các thủ đoạn hành động bạo tàn, giờ đây đạo quân nổi dậy của ISIS có thể làm thay đổi một cách lâu dài bản đồ khu vực.

Tại Iraq, đạo quân thánh chiến này hầu như đã chiếm lĩnh gần hết các vùng có đông người Hồi giáo theo hệ phái Sunni. Tại Syria, ISIS đã chinh phục một phần phía đông đất nước đồng thời vẫn đảm bảo tính liên tục lãnh thổ với lãnh địa tại Iraq. Có thể nói là một tiểu quốc gia đang cắm rễ bằng cách dỡ bỏ thuế quan, bắt cóc đòi tiền chuộc, cướp bóc và buôn lậu dầu mỏ.

Trong khi đó, chính quyền Baghdad - do những người Shitte chiếm đa số lãnh đạo - lại bất lực trong việc ngăn chặn ISIS. Chính sự điều hành quá thiên vị, nên chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã phải trả giá bằng lòng thù hận của thiểu số cộng đồng Sunni ở Iraq. Kết quả là một sự hỗn loạn chiến lược chưa từng thấy. Các bộ tộc Sunni ủng hộ ISIS cho đó là "sự trả thù của những người theo dòng Sunni ở miền Bắc Iraq".

Theo giới quan sát thì các nhóm này gia nhập lực lượng ISIS sau các cuộc biểu tình rầm rộ vào đầu năm 2014 để tố cáo chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki trấn áp, đối xử bất công và gạt bỏ những người dòng Sunni ra bên lề xã hội. Vì lẽ đó, quốc gia Iraq với đa số thành phần lãnh đạo là tín đồ Shitte đang có nguy cơ bị tiêu vong trước sức tấn công của lực lượng ISIS.

Tự xem mình bị trấn áp, bị gạt ra lề, các tín đồ Sunni đã ủng hộ ISIS để đối đầu với chính quyền Nouri al-Maliki với tinh thần bất mãn và xu hướng cực đoan. Có thể nói chính ông Maliki phải chịu trách nhiệm cho tình trạng tham nhũng tràn lan, o ép người Sunni và sử dụng lá bài Shitte để củng cố thế đứng chính trị của mình. Việc ông Nouri al-Maliki ra đi sẽ loại bỏ chất keo gắn kết liên minh này.

Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Baghdad gặp Thủ tướng Nouri al-Maliki để thuyết phục thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Trước đó, khi dừng chân tại Cairo (Ai Cập), ông Kerry tuyên bố ý thức hệ của các phiến quân ISIS là mối đe dọa không chỉ với Iraq mà cho toàn khu vực và kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq nên vượt qua chia rẽ về tôn giáo để thiết lập chính phủ "đoàn kết hơn", tránh nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của một nhà nước trước tham vọng "thánh chiến hóa" của ISIS và thủ lĩnh tàn bạo Al-Baghdadi…

Quân Trần - Linh Nguyễn (tổng hợp)
.
.