Al-Qaeda: Tiền bạc và những vụ khủng bố

Thứ Tư, 24/08/2005, 16:04

Mặc dù bị truy đuổi gắt gao, phải trốn tận vùng núi sâu hoang vắng nhưng vì “đồng tiền, bát gạo”, Osama Bin Laden vẫn mạo hiểm trong những phi vụ buôn bán với hy vọng nhanh chóng kiếm được thật nhiều tiền.

Cuộc tấn công đầu tiên vào những kẻ tài trợ cho bọn khủng bố đã bắt đầu vào ngày 23/9/2001 với Sắc lệnh 13224 của Tổng thống Mỹ Goerge Bush. Sắc lệnh này được ban hành trong phạm vi Đạo luật các quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (International Emergency Economic Power Acts, IEEPA); cho phép Mỹ phong tỏa tất cả các tài sản theo quyền xét xử của Mỹ và ngăn cấm các giao dịch của Mỹ với bất kỳ một người nào hoặc tổ chức nào có liên hệ với bọn khủng bố hoặc các tổ chức khủng bố.

Bên cạnh đó, sắc lệnh còn cho phép phong tỏa tất cả các tài sản và giao dịch tại Mỹ của các cá nhân, các nhóm người, các tổ chức nước ngoài mà theo Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Bộ trưởng Tài chính là có thực hiện hoặc có nguy cơ thực hiện các hành động khủng bố, đe dọa đến an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc kinh tế của Mỹ.

Kết quả là sau khi thực hiện sắc lệnh 13224, Mỹ đã cho phong tỏa 128 triệu USD tài sản của 281 tổ chức, cá nhân có mối quan hệ với chủ nghĩa khủng bố. Thế nhưng, các mạng lưới tài trợ khủng bố lại có mặt trên toàn cầu, đòi hỏi các nỗ lực nhằm phát hiện và ngăn không cho bọn khủng bố tiếp cận với các nguồn tiền cũng phải mang tính chất toàn cầu.

Mặc dù tất cả 191 thành viên LHQ đều phải áp đặt lệnh cấm đi lại, cấm vũ trang đối với cá nhân hay tổ chức có tên trong danh sách bị tình nghi liên hệ với Taliban hay Al-Qaeda và đóng băng các tài sản của chúng song hiện tại, mới chỉ có 127 nước thông qua các đạo luật này; hơn 90 quốc gia thành lập các cơ quan tình báo tài chính để lần theo dấu vết tiền của các tổ chức khủng bố. Tính đến nay, hơn 130 triệu USD trong tài khoản của 317 cá nhân và 112 nhóm nằm trong danh sách tình nghi bị phong tỏa.

Chi phí cho các vụ khủng bố

Mỗi một quả bom trong 4 quả bom phá hủy 3 tàu điện ngầm cùng chiếc xe buýt 2 tầng ở thủ đô London (Anh) ngày 7/7/2005 chỉ nặng chưa đầy 5kg và có thể đựng được trong balô nhỏ. Kết quả điều tra của cảnh sát Anh hoàn toàn trùng khớp với báo cáo của LHQ và Uỷ ban điều tra 11-9 của Mỹ, cho thấy, ngày nay, bọn khủng bố đã bắt đầu thực hiện những phi vụ của mình theo phương châm “khủng bố giá rẻ”.

Chỉ cần bỏ ra một lượng ít ỏi tiền, bọn chúng đã có thể gây ra những thiệt hại lớn, mang tâm lý hoang mang cho người dân. Theo ước tính, tổng số tiền sử dụng để tổ chức vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ  nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới ngày 11/9/2001 chỉ vào khoảng 200.000 USD. Số tiền này bao gồm cả khoản phí cho các khóa đào tạo phi công của mạng lưới Al-Qaeda.

Những vụ tấn công khủng bố tiếp sau đó như vụ đánh bom hộp đêm ở đảo Bali (Indonesia) tiêu tốn có 50.000 USD (bằng 1/4 vụ 11/9/2001). Vụ nổ bom tàu điện ngầm ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 3/2004  khiến 191 người thiệt mạng cũng chỉ lấy từ quỹ tài chính của Al-Qaeda có 10.000 USD. Với 40.000 USD, bọn khủng bố đã thành công trong phi vụ đánh bom ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 11/2003 và khách sạn Marriott (Indonesia) tháng 6/2003... So với con số 191 tỷ USD hàng năm dành cho chi phí quân sự trong đó cuộc chiến chống khủng bố được ưu tiên hàng đầu thì vài ngàn hoặc thậm chí vài trăm ngàn USD chỉ là một dấu chấm nhỏ.

Những đường dây mật cung cấp tài chính cho Al-Qaeda

Tình báo Mỹ và các nước đã lần ra được dấu vết hoạt động kinh doanh của Osama Bin Laden. Hắn đã cấp vốn cho các dự án kinh doanh như mở trại nuôi đà điểu ở Kenya; trồng rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ; hoạt động buôn bán kim cương ở Châu Phi; nhận thầu các công trình xây dựng ở Sudan; sản xuất nông nghiệp và mở trang trại ở Tajikistan; tham gia các hoạt động buôn bán thuốc phiện ở Afghanistan; buôn lậu vũ khí ở Nam Mỹ; nuôi ong lấy mật ở Yemen...

Lợi nhuận từ cơ sở sản xuất kinh doanh này, tên trùm khủng bố tiếp tục thành lập nhiều công ty trong đó có Ngân hàng Al Shamal Islamic Bank, Qũy đầu tư Taba; mua cổ phiếu của Công ty Wahid Al Aqiq... Để qua mặt cảnh sát các nước, Bin Laden đã để các tay chân thân tín nhất của mình sử dụng tài khoản tại các ngân hàng ở nước ngoài, trực tiếp chỉ đạo hoạt động kinh doanh.

Mạng lưới Al-Qaeda ngoài nhiệm vụ thực hiện các vụ tấn công khủng bố, tuyên truyền thứ tôn giáo “thánh chiến” còn được coi như một tổng công ty bao gồm các công ty nhỏ. Mỗi một công ty nhỏ thực hiện một hoạt động kinh doanh riêng lẻ. Tiền lãi của những công ty này được chuyển về tổng công ty rồi sau đó lại được phân bổ tới các chi nhánh, nhánh, nhóm khủng bố thuộc Al-Qaeda.

Nói đến đây thì phải kể đến sự khôn ngoan của Osama Bin Laden trong việc “rửa tiền”. 1,5 nghìn tỷ USD (chiếm 5% tổng số GDP của toàn thế giới) là số tiền lưu chuyển trong các hoạt động “rửa tiền” chảy vào quỹ của các tổ chức khủng bố trong đó có Al-Qaeda. ít nhất đã có 2 ngân hàng liên quan đến chuyện này.

Đầu tiên phải kể đến Ngân hàng Hamburg Sparkasse của Đức. Ngân hàng này do thương gia người Syria Marmoun Darkazanki làm chủ. Ngân hàng thứ 2 là Ngân hàng ABN AMBRO của Hà Lan, chiếm 40% cổ phần trong Ngân hàng Saudi Hollandi Bank ở Jidda (Arab Saudi), vốn có mối liên hệ với Ngân hàng Al Shamal Islamic Bank của Bin Laden.

Al-Qaeda cũng rất thành công trong phương pháp dùng vỏ bọc là các quỹ từ thiện, quỹ tôn giáo, quỹ hợp tác... để chuyển tiền và biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch” khi chúng đến tay những kẻ khủng bố ở khắp các quốc gia trên thế giới

Trung Chính
.
.