Âm mưu ám sát tổng thống Mugabe và Thái tử Charles

Thứ Sáu, 19/05/2006, 08:00
Không lâu trước khi Zimbabwe tuyên bố độc lập, chính quyền phân biệt chủng tộc Nam Phi đã từng lập kế hoạch nhằm ám sát Robert Mugabe (Tổng thống đầu tiên của Zimbabwe) và Thái tử Charles của Anh nhằm gây tình trạng bất ổn, tạo điều kiện cho quân đội Nam Phi xâm nhập và chiếm đóng Zimbabwe.

Đó là một tiết lộ bất ngờ trong cuốn sách mới xuất bản có tên “Assignment Selous Scouts” của tác giả Jim Parker, vốn là một cựu sĩ quan của Trung đoàn Đặc nhiệm thuộc quân đội Rhodesia. Tờ Sunday Telegraph của Anh lần đầu tiên đăng tải thông tin này cho biết, tác giả Jim Parker đã trò chuyện với hàng chục cựu binh trong lực lượng vũ trang Rhodesia và Nam Phi trước khi viết ra cuốn sách này.

Vào thời điểm đó, Chính phủ Anh, Nam Phi và cả chính quyền của người da trắng sắp mãn nhiệm tại Rhodesia lo ngại rằng, cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sẽ tạo ra một chính phủ liên minh mới của các đảng phái ôn hòa. Đúng như dự đoán, khi đảng Zanu PF Party của Mugabe giành chiến thắng, Nam Phi đã quyết định phải loại bỏ ông ta khi Zimbabwe chuẩn bị tuyên bố độc lập (Rhodesia là tên vùng đất thuộc địa cũ của Anh và được đổi tên thành Cộng hòa Zimbabwe sau khi giành được độc lập vào năm 1980. Cái tên Rhodesia trước đây dùng để chỉ một khu vực rộng lớn thuộc cả ZimbabweZambia ngày nay).

Theo cuốn sách, âm mưu ám sát này được lên kế hoạch thực hiện ở Salisbury (hiện giờ có tên là Harare), nơi mà Thái tử Charles và Mugabe sẽ có mặt trong một buổi tiệc chiêu đãi cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Carrington và viên Toàn quyền thuộc địa Soames. Những kẻ trực tiếp tổ chức vụ ám sát - một nhóm cựu quân nhân thuộc Trung đoàn Đặc nhiệm chống khủng bố Selous Scouts - dự định sẽ sử dụng tới 5 quả bom loại lớn do Nam Phi cung cấp. Thái tử Charles, khi đó sẽ đi trên chiếc xe Rolls Royce đời 1953, cũng là một trong những mục tiêu chính của những quả bom này cùng với Mugabe. Mac McGuinness, cựu chỉ huy bộ phận đặc nhiệm chống khủng bố Rhodesia, người phát hiện ra âm mưu trên cho biết, tất cả những quả bom đều nhằm tiêu diệt tất cả mọi người trong đoàn xe: “Đối tượng của âm mưu trên là toàn bộ đoàn xe sẽ bị xóa sạch. Đó là lý do trong kế hoạch của bọn ám sát có triển khai cả một hàng dài 5 quả bom suốt dọc quãng đường”.

Nhưng Dan Stannard, một cựu sĩ quan của Cơ quan Tình báo Rhodesia (về sau trở thành Giám đốc cơ quan này dưới thời Mugabe), đồng thời cũng là người giúp đỡ khám phá ra âm mưu trên, thì lại nói: “Tôi không nghĩ Thái tử Charles là một mục tiêu đặc biệt. Bất cứ ai cũng có thể là âm mưu của “trò chơi” này. Mục tiêu chính của kế hoạch trên là hủy diệt Zimbabwe trước khi nó có cơ hội giành được độc lập”.

Theo dự tính của những kẻ chủ mưu, vụ ám sát Mugabe sẽ là khởi nguồn cho một chiến dịch thanh trừng hàng loạt cộng đồng dân da trắng tại Zimbabwe do những người da đen ủng hộ cho ông này tiến hành. Vào thời điểm đó, quân đội Rhodesia đã bị giải giáp và không thể triển khai việc lập lại trật tự. Tình hình bất ổn này sẽ là cái cớ để Nam Phi đưa quân đội của mình vào.

“Các đơn vị quân đội Nam Phi vào thời điểm đó đã tập trung sẵn sàng dọc theo các tuyến đường chính gần biên giới để sẵn sàng cho sứ mệnh giải cứu những người gốc châu Âu. Đó cũng là cái cớ để họ tranh thủ sự ủng hộ của cả thế giới đối với việc chiếm đóng Rhodesia - Mac McGuinness còn tiết lộ thêm - Nam Phi khi đó là quốc gia duy nhất trong khu vực có lực lượng quân đội đủ mạnh và hiệu quả cho việc can thiệp và vãn hồi trật tự. Chính phủ nước này tin rằng, nếu họ làm như vậy, Anh, Mỹ và có thể cả Pháp cũng sẽ ủng hộ cho họ”.

Cuốn sách của tác giả Parker cũng cho biết, Cơ quan chống khủng bố Rhodesia đã biết trước được về âm mưu trên. Một vụ đột kích đã được tổ chức nhằm vào căn nhà dùng làm nơi ẩn náu của những kẻ trực tiếp tham gia âm mưu trên. Nhưng dường như chúng đã được báo trước và đã kịp thời tẩu thoát. Cảnh sát chỉ phát hiện ra hầm ngầm chứa các loại vũ khí dùng cho vụ ám sát.

Cần biết là Robert Mugabe lên nắm chính quyền tại Zimbabwe vào tháng 3/1980, sau khi đảng của ông giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội trước đó. Nhưng ngay sau đó, đất nước này lại rơi vào cảnh xung đột liên miên giữa các bộ lạc, khiến hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Đến năm 1987, Mugabe trở thành Tổng thống, sau khi bãi bỏ cương vị thủ tướng mà mình vẫn nắm giữ từ trước. Còn Selous Scouts vốn là một đơn vị đặc nhiệm hết sức bí mật. Sự tồn tại của nó đã được viên tướng Constand Viljoen, cựu chỉ huy quân đội Nam Phi, thừa nhận. Tuy nhiên, Viljoen khi được hỏi đã phủ nhận việc mình biết về âm mưu ám sát trên

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.