Âm mưu lật đổ Thủ tướng Anh Harold Wilson của tình báo Anh

Thứ Sáu, 22/09/2006, 09:00
3 tháng sau khi ông Wilson trở thành Thủ tướng Anh ở nhiệm kỳ thứ 2 của mình, một âm mưu  đảo chính để lật đổ chính phủ đã được triển khai vào tháng 6/1974 khi quân đội bỗng chiếm giữ các cứ điểm trọng yếu ở thủ đô London, kể cả phong tỏa sân bay quốc tế Heathrow.

Vào ngày 16/3/1976, cả nước Anh sửng sốt khi Thủ tướng đương nhiệm Harold Wilson bất ngờ tuyên bố từ chức. Thủ tướng Wilson giải thích rằng ông đã lên kế hoạch rút lui khỏi chính trường Anh vào năm 60 tuổi do có vấn đề về sức khỏe.

Trong nhiệm kỳ đầu làm Thủ tướng của mình (1964-1970), ông từng thổ lộ với những người thân cận là chỉ muốn đảm nhiệm chức vụ thủ tướng trong vòng từ 8 đến 10 năm thôi. Nhiều người cho rằng Thủ tướng Wilson đột ngột từ chức là do được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, cho dù ông vẫn còn rất minh mẫn và sáng suốt trong xử lý công việc quốc gia.

Nhưng nhiều người khác lại cho rằng phải có một nguyên do nào đó bí ẩn mới khiến một chính trị gia lão luyện như ông Wilson buộc phải từ chức chỉ trong vòng mới hai năm đầu của nhiệm kỳ 6 năm làm Thủ tướng lần thứ hai của mình. Vậy nguyên nhân đó là gì?

Câu trả lời chỉ được đưa ra vào tháng 3/2006, khi Hãng Phát thanh và Truyền hình BBC tung ra một phóng sự tài liệu có nhan đề Âm mưu lật đổ Harold Wilson, trong đó tiết lộ việc Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) đã bí mật triển khai chiến dịch có tên gọi “Bộ máy đồng hồ màu cam” nhằm lật đổ cho bằng được Thủ tướng Wilson, có sự tiếp tay của một số chính trị gia bảo thủ và cả tình báo Mỹ.

James Harold Wilson sinh ngày 11/3/1916 tại thành phố nhỏ Huddersfield, miền Trung nước Anh, trong một gia đình có truyền thống hoạt động chính trị. Người cha tên Herbert Wilson là một thành viên tích cực của Công đảng. Khi Wilson lên 8 tuổi, trong một lần đến thăm viếng thủ đô London, ông được cha đưa đến chụp hình ngay trước Phủ thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing, ông đã nói với cha rằng một ngày nào đó ông sẽ bước chân vào khu dinh thự tráng lệ này trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Anh.

Năm 1936, khi trở thành sinh viên Đại học Oxford, Wilson bắt đầu hoạt động chính trị khi gia nhập Công đảng chỉ một năm sau đó. Khi Chiến tranh thế giới thứ II xảy ra, Wilson tham gia Lực lượng bán quân sự bảo vệ thủ đô London, đồng thời làm việc trong ngành than. Từ năm 1943 đến 1944, ông làm Giám đốc Bộ phận thống kê kinh tế của Bộ Dầu khí và Năng lượng Anh. Là đại biểu Công đảng hạt Ormskirk tại Quốc hội, Wilson được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động rồi sau đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Ở cương vị này, ông thường xuyên đến Liên Xô để thương thảo các thương vụ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia.

Nhiều người cho rằng đây chính là một trong nhiều lý do khiến MI-5 nghi vấn về tin đồn Wilson làm gián điệp cho Liên Xô sau này. Ngày 11/10/1947, ở tuổi 31, Wilson được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Thương mại và trở thành Bộ trưởng trẻ nhất nước Anh trong thế kỷ XX.

Năm 1963, khi Chủ tịch Hugh Gaitskell qua đời một cách bí ẩn, Harold Wilson trở thành người đứng đầu Công đảng. Và khi Công đảng chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 10/1964, Wilson trở thành Thủ tướng Anh. Từ đó, ông trở thành gương mặt quá đỗi thân thuộc với người dân Anh, với chiếc tẩu thuốc luôn gắn trên miệng cùng chiếc áo khoác hiệu Gannex và  thói quen luôn đi nghỉ hè cùng gia đình trên đảo Scilly (MI-5 đã tổ chức bí mật theo dõi các chuyến nghỉ hè của gia đình Wilson trên đảo Scilly do nghi ngờ ông bí mật liên lạc và gặp gỡ với các điệp viên Liên Xô giả dạng ngư dân - chi tiết này được nêu trong phóng sự tài liệu trên đây do Hãng BBC thực hiện).

Trong suốt 2 nhiệm kỳ làm người đứng đầu Chính phủ Anh, Thủ tướng Wilson đã tiến hành trao trả độc lập cho một số thuộc địa Anh tại châu Phi và chủ trương không dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Bắc Ailen, thậm chí có thời gian ông còn đề xuất trao trả độc lập cho Bắc Ailen. Những điều này đã khiến giới chính khách Bảo thủ điên tiết, tố giác ông là một kẻ phản bội lại quyền lợi quốc gia và tìm cách lật đổ ông.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Thủ tướng Wilson luôn cự tuyệt đề nghị đưa quân đội Anh tham chiến và hỗ trợ chiến đấu trên chiến trường Việt Nam của Mỹ. Ông còn chỉ trích nặng nề Australia, một quốc gia thành viên của Liên hiệp Anh, về việc đã đưa quân tham chiến bên cạnh Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Chính thái độ và hành động này của Thủ tướng Wilson đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Anh bị rạn nứt, khiến tình báo Mỹ âm thầm mở chiến dịch phao tin ông là điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô, phụ họa cho âm mưu lật đổ của phản gián Anh.

Theo tiết lộ của Hãng BBC thì từ năm 1964, MI-5 đã tổ chức theo dõi, giám sát kể cả nghe lén các cuộc đàm thoại của Thủ tướng Wilson sau khi điệp viên Liên Xô bội phản Anatoly Golitsyn đào thoát sang phương Tây tố cáo chính tình báo Liên Xô đã tổ chức sát hại Chủ tịch Công đảng Hugh Gaitskell vào tháng 1/1963, một nhân vật thân Mỹ, để mở đường cho Harold Wilson, một người có tư tưởng thân Liên Xô làm Chủ tịch đảng và đến tháng 10/1964 trở thành Thủ tướng Anh.

Kết hợp với nguồn tin của tình báo Mỹ nghi vấn vị tân Thủ tướng là một điệp viên nội ứng của tình báo Liên Xô, MI-5 triển khai kế hoạch lật đổ Wilson có tên gọi Bộ máy đồng hồ màu cam. Năm 1968, dưới tác động của MI-5, một nhóm chính trị gia bảo thủ quyết định mở chiến dịch tuyên truyền chống lại Thủ tướng Wilson trên các phương tiện truyền thông và bí mật đi đêm với nhiều tướng lĩnh quân đội để tổ chức một cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông Wilson và thay vào đó bằng một chính phủ quân sự chuyển tiếp do Thống chế Mounbatten đứng đầu.

Thế nhưng kế hoạch này nhanh chóng bị phá sản do một số nhân vật chủ chốt như Zally Zucheron, cố vấn quân sự của chính phủ; Hugh Cudlipp, lãnh đạo cao cấp của Công đảng, rút lui vào phút chót.

Năm 1974, MI-5 lại tái khởi động chiến dịch Bộ máy đồng hồ màu cam khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội để thành lập chính phủ mới mà thăm dò dư luận cho thấy Công đảng của ông Harold Wilson sẽ giành thắng lợi. Vào thời điểm một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử, một số tờ báo ở Anh đồng loạt cảnh báo an ninh quốc gia của Anh sẽ bị đe dọa nếu để một người có tư tưởng thân Liên Xô, đối lập với Mỹ như Harold Wilson làm thủ tướng.

Và chỉ 3 tháng sau khi ông Wilson trở thành Thủ tướng Anh ở nhiệm kỳ thứ 2 của mình, một âm mưu  đảo chính để lật đổ chính phủ đã được triển khai vào tháng 6/1974 khi quân đội bỗng chiếm giữ các cứ điểm trọng yếu ở thủ đô London, kể cả phong tỏa sân bay quốc tế Heathrow. Chỉ cho đến khi dư luận Anh bắt đầu phản ứng trước các hành động bất thường này của quân đội và đích thân Nữ hoàng Elisabeth II lên tiếng yêu cầu quân đội không được manh động thì các đơn vị tham gia đảo chính mới rút lui về lại căn cứ. Một lần nữa, âm mưu lật đổ Thủ tướng Wilson lại bị thất bại.

Tuy thất bại trong cả hai lần tổ chức lật đổ Thủ tướng Wilson nhưng MI-5 và một số thế lực ngầm vẫn không ngừng gây mất ổn định cho chính phủ của ông Wilson qua việc mở chiến dịch tố cáo một số thành viên nội các chính phủ "đi đêm" với tổ chức vũ trang Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA), tiến hành gây khủng hoảng xung đột sắc tộc tại Rhodesia, thuộc địa Anh được trao trả độc lập vào năm 1965...

Có thể do không chịu nổi áp lực của các đòn độc mà MI-5 liên tục tung ra mà không loại trừ khả năng mình bị ám sát nên Thủ tướng Wilson đột ngột quyết định từ chức vào ngày 16/3/1976, để được thay vào đó là James Callaghan, một đối thủ của ông trong Công đảng, một nhân vật có tư tưởng thân Mỹ, chống Cộng sản, chống việc trao trả độc lập cho Bắc Ailen.

Chán ngán chuyện nhân tình thế thái, Harold Wilson lui về ẩn dật trên đảo Scilly và qua đời vào năm 1995 ở tuổi 79

Văn Hòa (Theo Historia)
.
.