Ấn Độ: Bi kịch ảo vọng trong ngành công nghệ cao

Thứ Tư, 16/04/2014, 12:35

Bangalore của Ấn Độ bây giờ là ngôi nhà chung của một số tập đoàn sản xuất máy vi tính lớn nhất thế giới bao gồm cả Ấn Độ và nước ngoài. Nơi đây có tất cả mọi thứ từ trung tâm chăm sóc khách hàng, công ty phát triển phần mềm đến xí nghiệp lắp ráp linh kiện điện tử và tư vấn công nghệ thông tin.

Vì có nguồn lao động chất lượng cao - nói tiếng Anh trôi chảy theo tiêu chuẩn phương Tây và giá nhân công rẻ nên các doanh nghiệp nước ngoài đổ xô đầu tư vào Ấn Độ... Lĩnh vực BPO (Business Process Outsourcing - Thuê ngoài quy trình kinh doanh - tức là: các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ thuê công nhân Ấn Độ gia công phần mềm, phần cứng, lắp ráp linh kiện, dịch vụ khách hàng v...v)  rất quan trọng đối với nền kinh tế "thung lũng Silicon" của Bangalore và phần lớn xoay quanh việc cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng toàn thời gian (24/24 giờ) cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Điều này đã khiến giới trẻ Ấn Độ cạnh tranh nhau quyết liệt để có việc làm tại một trong những doanh nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin ở Bangalore. Hàng năm, ở Bangalore có đến hàng trăm ngàn người nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng công việc của "tầng lớp trung lưu" vô cùng hấp dẫn.  Lĩnh vực dịch vụ khách hàng cũng được xem là danh giá và có mức lương hậu hĩnh. So với mức thu nhập bình quân của một công nhân Ấn Độ được hưởng khoảng 100 USD/tháng thì một nhân viên làm việc tại trung tâm dịch vụ chăm sóc khách hàng có mức lương gấp 3 lần.

Đặc biệt, đối với phụ nữ trẻ, được làm việc trong ngành công nghiệp chất xám có thể là cơ hội cho họ thoát khỏi các mối quan hệ gia đình truyền thống và trong lòng họ tràn trề kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Nilut Pola Shirma là một ví dụ điển hình. 27 tuổi, trẻ, đẹp, còn độc thân, cô làm nhân viên cho một trung tâm dịch vụ khách hàng. Sống tự do, thoải mái với đồng lương khá cao, tuy nhiên, Nilut Pola Shirma thừa nhận công việc này đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ - đặc biệt là khi cô phải làm việc thâu đêm, suốt sáng để nhận các cuộc gọi từ khách hàng Mỹ.

Nhưng không phải tất cả mọi điều tốt lành đều dành cho Bangalore, bởi vì trong những năm gần đây, thành phố này đã trở thành "thủ đô tự sát" của Ấn Độ, một thực tế nghiệt ngã mà nguyên nhân chính do môi trường lao động cạnh tranh khốc liệt.

Gần 2.000 người ở Bangalore đã tự sát trong năm 2012 và mặc dù chưa có đủ số liệu thống kê để đối chiếu, nhưng năm 2013, có 572 người đã tự tước đi mạng sống của họ chỉ trong khoảng thời gian 4 tháng từ tháng 5 đến 8. Tất nhiên, không phải tất cả những người này tự vẫn do liên quan đến áp lực công việc mà có những người tự tử vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn: bất kỳ công việc nào mà họ thất vọng cho rằng không có tương lai thì cũng khiến họ tìm đến cái chết.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần ở Bangalore đã nhìn thấy một xu hướng rõ rệt nổi lên cùng làn sóng trầm cảm đang ngày càng gia tăng do những căng thẳng vì phải làm việc liên tục trong nhiều giờ với thời gian biểu bất thường liên tục luân chuyển ngày-đêm trong nền công nghiệp rất cạnh tranh.

Tiến sĩ Satish Chandra, giám đốc Viện Quốc gia sức khỏe tâm thần và Thần kinh học Ấn Độ cho rằng, đôi khi áp lực đè nén lên những công nhân trẻ làm việc công ngành công nghiệp công nghệ thông tin khiến họ không thể chịu đựng nổi

Phạm Anh Trúc (theo báo nước ngoài)
.
.