Ấn Độ hoàn thiện "bộ ba hạt nhân"?

Thứ Ba, 11/12/2018, 10:49
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 5-11 tuyên bố tàu ngầm hạt nhân tự đóng INS Arihant đã thử nghiệm thành công chuyến tuần tra răn đe đầu tiên trên biển, đánh dấu việc nước này “hoàn thiện bộ ba hạt nhân".


Giới chuyên gia quân sự cho rằng sự kiện này có thể đánh dấu Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ “Bộ ba hạt nhân” song vẫn là cả một chặng đường dài để New Delhi hoàn thiện năng lực hạt nhân trên biển của mình.

Dự án mật

INS Arihant là tàu ngầm chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên do Hải quân Ấn Độ tự chế tạo theo Dự án mật hàng đầu của nước này mang tên Advanced Technology Vessel (ATV) mà theo đó New Delhi dự định sẽ đóng ít nhất 5 chiếc cùng loại. Cái tên Arihant bắt nguồn từ 2 từ: “Ari” có nghĩa là kẻ thù và “Hanth” có nghĩa là phá hủy. Được hình thành từ giữa những năm 1980, dự án ATV là một dự án quốc phòng lớn nhất và tốn kém nhất của Ấn Độ, với chi phí ước tính 9 trăm tỷ rupee (khoảng 13 tỷ USD).

Xưởng đóng thân tàu ở bang cực Tây ven biển của Ấn Độ Gujarat, xưởng chế tạo tên lửa ở Hyderabad, thủ phủ của bang Telangana, trung tâm chính của ngành công nghiệp công nghệ Ấn Độ. Lò phản ứng hạt nhân ở bang miền Nam Tamil Nadu và khâu lắp ráp cuối cùng ở Visakhapatnam, nơi đặt trụ sở Đội hải quân miền Đông của Hải quân Ấn Độ. Các địa điểm này tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp lớn nhất với gần 60% bộ phận của tàu ngầm mang thương hiệu “sản xuất ở Ấn Độ”.

Ấn Độ còn nhiều thách thức để hoàn thiện năng lực hạt nhân trên biển  (Theo India Today).

Dự án này cũng là một trụ cột của mối hợp tác chiến lược Ấn Độ - Nga. Giới chức cấp cao New Delhi thừa nhận dự án này sẽ không thể thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ sâu rộng của Nga về mặt kỹ thuật và thiết kế.

Hoạt động dưới sự kiểm soát và giám sát trực tiếp của cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval, ATV là dự án mật ở cấp độ cao, hầu như không có nhiều thông rò rỉ về dự án. Khi Hải quân Ấn Độ đề xuất lễ hạ thủy “rầm rộ” cho chiếc thứ hai mang tên INS Arighat, Văn phòng Thủ tướng đã bác bỏ. An ninh được bố trí ở mức cao nhất đối với bất kỳ cơ sở hạ tầng quân sự nào thuộc phạm vi dự án được biết đến rộng rãi. Tướng lĩnh hải quân hàng đầu đều tỏ ra thận trọng ngay cả khi thảo luận công khai hay riêng tư về dự án này. “ATV là một dự án mật… Tôi sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào về nó”, tuyên bố của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba.

Phải mất 20 năm cho toàn bộ quá trình chế tạo Arihant, từ khâu cắt thép cho đến khi hoàn thành chuyến tuần tra đầu tiên. Lý do cho sự chậm trễ này là vì công nghệ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo là một bí mật được kiểm soát và bảo vệ chặt chẽ. Trên thực tế, trong lịch sử tàu ngầm hạt nhân, chỉ có hai trường hợp mà trong đó một nước tích cực hỗ trợ một nước khác chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Một là Mỹ giúp Anh trong những năm 1960 do mối quan hệ đặc biệt hai bên. Hai là Nga giúp Ấn Độ đóng Arihant. Ngoài ra, một lý do khác là do dự án vấp phải sức ép từ phía Mỹ. Vì vậy, dù được thông qua từ năm 1970 song đến năm 1998 dự án đóng INS Arihant mới chính thức khởi động.

Dài 112m, nặng 6.000 tấn, INS Arihant được hạ thủy tại trung tâm đóng tàu ở thành phố Visakhapatnam và các cuộc thử nghiệm trên biển bắt đầu từ tháng 12-2014. Đến tháng 2-2016, Hải quân Ấn Độ tuyên bố INS Arihant đủ tiêu chuẩn cho các hoạt động trên biển và âm thầm đưa tàu vào phiên chế hồi tháng 8-2016. Thủy thủ đoàn gồm 100 thành viên đã trải qua các khóa huấn luyện do chuyên gia Nga thực hiện. "Vũ khí và phương tiện ngăn chặn hạt nhân trên biển sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong tương lai...”, nhà phân tích chiến lược, chuẩn Đô đốc nghỉ hưu Raja Menon nhận định.

Tuy nhiên, tờ Hindu hồi đầu năm 2018 dẫn các nguồn tin hải quân cấp cao của Ấn Độ nói rằng, ngay từ ban đầu, INS Arihant đã gặp các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Phần lớn số đó có liên quan tới việc nhà máy đóng tàu Ấn Độ không đáp ứng về các yêu cầu công nghệ mà phía Nga đề ra. INS Arihant từng bị “đắp chiếu” hơn 10 tháng để sửa chữa khắc phục sự cố sau khi nước biển rò rỉ qua cửa hầm phía sau, tràn vào khoang động cơ. Sự việc xảy ra hồi tháng 2-2017 khi tàu đậu ở cảng Visakhapatnam.

Ấn Độ và “ngũ đại ca hạt nhân”

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBNs) được coi là một trụ cột “sinh tồn nhất” trong bộ ba. Nếu như kẻ thù tiêu hủy năng lực hạt nhân trên không và trên mặt đất thì tàu ngầm vẫn có thể đáp trả. “Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo không nhằm tham chiến mà nhằm ngăn chặn chiến tranh. Sẽ không nước nào tấn công bạn nếu bạn có tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo”, Phó Đô đốc nghỉ hưu A.K. Singh nhận định.

Mặc dù INS Arihant dựa trên thiết kế một tàu ngầm của Nga, song thực tế con tàu được sản xuất trong nước là một thành tựu của New Delhi. Theo trang tin tức USNI News của Học viện Hải quân Mỹ, tuyên bố của Thủ tướng Modi mang tính chất ngoại giao để thừa nhận Ấn Độ đã trở thành thành viên của câu lạc bộ “bộ ba hạt nhân”. Trước đó, New Delhi đã đạt được “bộ đôi hạt nhân”. Đó là các chủng loại tên lửa hạt nhân Prithvi-1, Agni, Agni-V và các phi đội chiến đấu cơ có khả năng mang bom hạt nhân gồm Sukhoi-30MKI, Mirage 2000, MIG-27, Rafale và Jaguar IS/IB.

Xét riêng về năng lực hạt nhân trên biển, đến thời điểm này, chỉ có 4 nước tiến hành các cuộc tuần tra răn đe liên tục và kéo dài trên biển bằng tàu ngầm tên lửa hạt nhân. Đó là Mỹ, Anh, Pháp và Nga. Theo những yêu cầu về thủy thủ đoàn và bảo trì, việc triển khai liên tục một tàu nào đó cần một hạm đội gồm ít nhất 4 chiếc. Anh và Pháp đã có 4 chiếc. 

Nga có 4 chiếc song sẽ sớm có 6 chiếc. Mỹ sở hữu 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio, mỗi tàu chứa 24 tên lửa đạn đạo liên lục địa Trident II D5. Trung Quốc có 4 chiếc và cũng mang theo tên lửa đạn đạo liên lục địa, song không thực hiện cơ chế triển khai thường xuyên. Điều này có thể sẽ thay đổi. Hãng tin USNI cho biết Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc sẽ có 8 tàu đến năm 2020.

Vì vậy, Ấn Độ đáp lại bằng INS Arihant. Tàu này được xây dựng dựa trên kế hoạch đóng tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân lớp Akula I 971 của Nga. INS Arihant chỉ mang theo 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc 4 tên lửa đạn đạo tầm trung. Tuy nhiên, trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng New Delhi vẫn thua xa về số lượng tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo so với đối địch Trung Quốc.

INS Arihant đậu tại cảng Visakhapatnam hồi năm 2014 (theo The Hindu).

Chiếc tàu ngầm cùng loại thứ hai của Ấn Độ, INS Arighat, được hạ thủy bí mật vào ngày 19-11-2017, song dự kiến phải mất ít nhất 3 năm để được phiên chế cho hải quân nước này. Ngoài INS Arihant và INS Arighat, Ấn Độ cũng đang đóng thêm hai tàu khác cỡ lớn hơn có thể chứa tên lửa tầm xa cỡ lớn hơn.

Một chi tiết đáng lưu ý khác là trong khi “ngũ đại ca” đều sở hữu tàu ngầm hạt nhân mang vũ khí truyền thống (SSN), vốn cũng được xem là biểu tượng sức mạnh của hải quân, nhưng New Delhi chưa hề có một SSN nào.

Ấn Độ đã hoàn thành bộ ba hạt nhân?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đánh giá những gì mà INS Arihant có thể và chưa thể làm được. Thứ nhất, không rõ liệu chuyến tuần tra răn đe đầu tiên của INS Arihant có trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không.

Nếu không thì cuộc tuần tra này chỉ nhằm mục đích chính trị, mà không hề có bất kỳ công dụng răn đe thực sự nào. Trang tin tức USNI News của Học viện Hải quân Mỹ nhận định chuyến tuần tra của INS Arihant “mang tính chất tuyên bố về ý định hơn là sự phô diễn một năng lực mới” đồng thời cho thấy New Delhi sẽ vẫn phải mất thêm vài năm nữa và cần chi phí ngân sách lớn để có thể triển khai lực lượng tàu ngầm hạt nhân cho mục đích răn đe.

Thứ hai, ngay cả khi INS Arihant mang theo tên lửa đạn đạo hạt nhân trong cuộc tuần tra này thì cũng không rõ tầm bắn là bao nhiêu. Nhiều thông tin nói rằng INS Arihant được trang bị tên lửa K-15 có tầm bắn 750km và nếu đúng thì tầm bắn này lại không đủ để vươn tới các mục tiêu quan trọng như Trung Quốc hoặc Pakistan (chỉ có thể nhắm tới 2 tỉnh của Pakistan, Sindh và Balochistan, gần với Ấn Độ). Muốn bắn được thì tàu lại phải di chuyển gần lãnh hải của đối thủ, khi ấy lại gây nguy hiểm cho tính mạng của tàu.

Mặc dù tên lửa K-4 (có tầm bắn 3.500km) hiện đang được phát triển sẽ đem lại tầm bắn cần thiết cho mục đích răn đe trên biển song INS Arihant lại chưa thể mang theo loại tên lửa này vào thời điểm hiện nay. Trong một bài viết trên trang mạng The Week (của Ấn Độ), tác giả nói rằng “trong tương lai, INS Arihant sẽ được trang bị K-4”, song không nói rõ vào năm nào. Hải quân Ấn Độ cũng sẽ cần tàu ngầm hạt nhân tên lửa cỡ lớn hơn để có thể chứa được K-4.

Đánh giá về vấn đề này, Manoj Joshi, chuyên gia nghiên cứu tại Observer Research Foundation cho rằng chỉ sau khi Ấn Độ phát triển thành công các phiên bản tên lửa dòng K (có tầm bắn từ 3.500 đến 6.000km) trong vòng 10 năm tới thì tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của nước này mới có thể trở thành một lực lượng răn đe hạt nhân trong bộ ba của mình. Trong mọi trường hợp, một bộ ba hạt nhân chỉ tồn tại khi Ấn Độ có một tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo làm nhiệm vụ tuần tra liên tục. “Bộ ba trở nên hiệu quả khi có một tàu ngầm hoạt động liên tục”, nhà phân tích chiến lược Bharat Karnad khẳng định trên India Today.

Thứ ba, nếu thực chất mục tiêu của các nhà chính sách hạt nhân Ấn Độ là đạt được vị thế răn đe trên biển liên tục mà không gặp trắc trở, thì một tàu ngầm hạt nhân tên lửa với tầm bắn hạn chế thì còn xa mới đạt được mục tiêu này. Xét năng lực của các đối thủ trong việc theo dõi và giám sát các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Ấn Độ, New Delhi cần đầu tư thêm ít nhất 4 chiếc. Nhưng Ấn Độ lại chưa đủ con số này.

Do đó, tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi về năng lực “răn đe hạt nhân sinh tồn” sau khi INS Arihant hoàn tất cuộc tuần tra đầu tiên chỉ là một tuyên bố trống rỗng khi cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ đang đến gần, Happymon Jacob, giảng viên về an ninh quốc gia tại Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi) bình luận trên The Hindu. Cùng quan điểm, ông Joshi tiếp tục bình luận Thủ tướng Modi đã chính trị hóa tuyên bố này trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5-2019.

Cuối cùng năng lực hải quân trong bộ ba hạt nhân cũng đặt ra những thách thức về công tác kiểm soát và chỉ huy đáng kể. Việc liên lạc với tàu ngầm tên lửa hạt nhân mà không bị hệ thống theo dõi, giám sát của đối phương cản trở khi các tàu này đi lại trên vùng lãnh hải nước sâu và xa xôi là một trong những thách thức khó khăn nhất trong việc duy trì hạm đội. Quan ngại ở đây là liệu chính quyền New Delhi sẽ duy trì sự kiểm soát chính trị bằng cách nào đối với vũ khí hạt nhân trên tàu khi chúng đi vào vùng biển sâu với hệ thống liên lạc ở mức tần số cực thấp. Đáng lo hơn là tàu ngầm sẽ ở một giai đoạn hoạt động không hề có bất kỳ tín hiệu liên lạc nào vì lý do an toàn. Khi ấy, yếu tố ủy quyền lệnh phóng hạt nhân từ trước cần được đưa vào xem xét trong bối cảnh New Delhi tuyên bố không xa rời chính sách “không sử dụng trước”.

Vì vậy, cho đến khi các hệ thống liên lạc tinh vi như vậy cuối cùng được đưa vào sử dụng thì Ấn Độ sẽ vẫn phải triển khai tàu ở vùng nước nông hoặc tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát thành lũy, một nhiệm vụ mà ở góc độ nào đó làm suy giảm hiệu quả răn đe của tàu ngầm tên lửa hạt nhân.

Giới bình luận chỉ ra rằng chỉ một cuộc tuần tra đầu tiên thì chưa hẳn là một bộ ba hiệu quả và có khả năng hoạt động được. Năng lực răn đe trên biển của Ấn Độ vẫn ở giai đoạn non trẻ và con đường hoàn thiện năng lực này còn gặp nhiều thách thức và khó khăn.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.