Ana Montes – Điệp viên Cuba trong lòng nước Mỹ

Thứ Sáu, 15/06/2018, 12:58
Chỉ 10 ngày sau vụ tấn công tự sát bằng máy bay của tổ chức khủng bố Al Qaeda nhắm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, và vào Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở bang Virginia, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Ana Montes, một chuyên gia phân tích cao cấp của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA).

Ana Montes không hề liên quan gì đến Al-Qaeda, nhưng bà là điệp viên của Cuba mà nguyên nhân là bà  không đồng ý với chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ. Điều đặc biệt là trong suốt 17 năm cung cấp những thông tin tuyệt mật cho Cuba, Ana Montes không hề nhận một đồng tiền thù lao nào…

Lời tuyên bố trước tòa

10 giờ sáng thứ tư, ngày 16-10-2002, Ana Montes trong bộ quần áo tù màu đen sọc trắng bước vào phòng xử án số 12, Tòa án Liên bang Washington D.C .Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là Ricardo M. Urbina cùng 6 thành viên bồi thẩm đoàn. Bào chữa cho Ana là Plato Cacheris, một luật sư nổi tiếng.

Có khoảng 40 người tham dự phiên tòa xử Ana Montes với tội danh gián điệp. Bước từng bước chậm rãi đến khu vực dành cho bị cáo, Ana nhìn thẳng vào mắt thẩm phán, khuôn mặt bà hầu như không hề biểu lộ một chút cảm xúc nào.

Ana Montes trước tấm huy hiệu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

Sau khi công tố viên công bố bản cáo trạng, thẩm phán Ricardo M. Urbina và luật sư Plato Cacheris tiến hành thẩm vấn Ana Montes. Tiếp theo, Ana được cho phép phát biểu lời cuối cùng. Bằng một giọng nhỏ nhẹ, bà nói: “Nước Ý có một câu ngạn ngữ, xem ra mô tả đúng với sự thật cơ bản mà tôi tin. Đó là “cả thế giới là một quốc gia”.

Rồi bà nói tiếp: “Trong một “đất nước thế giới” như vậy, nguyên tắc yêu thương lẫn nhau trở thành kim chỉ nam cho những mối quan hệ hài hòa. Nguyên tắc ấy thúc đẩy sự khoan dung và hiểu biết. Nó yêu cầu chúng ta đối xử với các quốc gia khác theo cách mà chúng ta muốn được đối xử nhưng tiếc thay, nó lại trở thành bi kịch vì chúng ta (nước Mỹ) chưa từng bao giờ áp dụng cho Cuba…”.

Vẫn theo bà Ana, những việc bà đã làm là tuân thủ theo lương tâm chứ không phải vì chủ nghĩa. Bà nói: “Tôi tin rằng chính sách của chính phủ Mỹ đối với Cuba là tàn nhẫn và không công bằng. Chúng ta đã thể hiện sự không khoan nhượng và khinh miệt đối với Cuba trong suốt 4 thập kỷ qua. Vì thế, tôi cảm thấy có trách nhiệm giúp hòn đảo này tự bảo vệ khỏi những nỗ lực của chúng ta trong việc áp đặt các giá trị của chúng ta với họ. Mong muốn lớn nhất của tôi là được nhìn thấy quan hệ thân thiện giữa Mỹ và Cuba. Tôi hy vọng trường hợp của tôi theo một cách nào đó sẽ khuyến khích chính phủ của chúng ta sẽ từ bỏ sự thù địch, và làm việc với họ trong  tinh thần khoan dung, hiểu biết và tôn trọng.…”.

Sau khi Montes ngồi xuống, Thẩm phán Ricardo Urbina nói: “Hôm nay là một ngày rất buồn. Buồn cho bà Montes, gia đình bà, những người thân yêu của bà và những người Mỹ bị bà phản bội. Nếu bà không thể yêu đất nước của bà thì ít nhất bà cũng không nên làm sai. Bà đã đưa nước Mỹ vào một tình huống nguy hiểm và bà phải chịu hình phạt”.

Phiên tòa kết thúc sau khi bồi thẩm đoàn nghị án, kết quả là Ana Monter nhận bản án 25 năm tù giam, 5 năm quản chế và 500 giờ làm việc phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, khi Ana mãn hạn tù vào ngày 1-7-2023, cơ quan an ninh Mỹ sẽ được phép thực hiện không báo trước việc kiểm tra máy tính của bà, bao gồm việc truy xuất và sao chép tất cả dữ liệu, đồng thời cơ quan an ninh còn có quyền cài đặt phần cứng và phần mềm để giám sát việc sử dụng máy tính của Ana. 

Bà không được phép sở hữu hoặc sử dụng bất kỳ công cụ mã hóa dữ liệu nào. Hàng ngày, mọi việc bà làm trên máy tính đều phải viết ra thành văn bản, chưa kể bà sẽ không được phép sử dụng bất kỳ máy tính nào tại nhà hoặc tại nơi làm việc có kết nối internet mà không được chấp thuận trước…

Con đường trở thành gián điệp tự nguyện

Ana Belen Montes sinh ngày 28-2-1957 tại Tây Đức, trong thời gian cha bà là ông Alberto Montes, một bác sĩ quân đội Mỹ, đóng quân ở đây. Năm 1967, gia đình bà chuyển về thành phố Topeka, bang Kansas rồi tiếp theo là thành phố Towson, bang Maryland, nơi bà hoàn thành bậc trung học tại trường Loch Raven năm 1975.

Năm 1979, Ana tốt nghiệp Đại học Virginia, ngành ngoại giao.. Năm 1988, bà bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins với đề tài “Nghiên cứu quốc tế nâng cao”. Anh trai và chị gái của bà là Tito và Lucy là điều tra viên thuộc Cục Điều tra Liên bang (FBI). Bạn trai bà - Roger Corneretto - là viên chức tình báo chuyên về Cuba của Lầu Năm Góc.

Giám đốc CIA George Tenet trao bằng chứng nhận chuyên gia phân tích cho Ana năm 1997.

Tháng 9-1995, sau một thời gian làm việc cho Bộ Tư Pháp Mỹ, Ana Montes được Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) tuyển dụng. Nhiệm vụ đầu tiên của bà ở Căn cứ Không quân Bolling, Washington D.C là chuyên gia phân tích tình báo. Sau đó, bà là thành viên của “Chương trình phân tích đặc biệt”, chuyên nghiên cứu, đánh giá khả năng tác chiến của quân đội Cuba”.

Theo các đồng nghiệp của Ana ở DIA, bà là người giỏi, có trách nhiệm và đáng tin cậy, khả năng thăng tiến rất cao, là nhà phân tích cao cấp nhất về Cuba ở DIA. Toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ đều biết đến bà vì chuyên môn của bà, thậm chí họ còn đặt cho bà biệt danh “Nữ hoàng Cuba.

Tuy nhiên, ngay từ năm 1984, lúc còn làm việc ở Bộ Tư pháp, Ana thường có những phát biểu công khai về chính sách của Chính phủ Mỹ đối với các quốc gia Trung Mỹ, và điều này đã tạo ra sự chú ý với những người cầm đầu ngành tình báo Cuba. Sau một thời gian thăm dò, tiếp xúc, Ana đồng ý làm việc cho họ. Bản cáo trạng nêu rõ: “Bà Ana Montes biết rằng để có thể cung cấp những thông tin tuyệt mật cho Cuba, bà phải có một công việc trong ngành tình báo. Vì vậy, bà nộp đơn xin vào làm việc cho DIA và khi được tuyển dụng, bà đã phát huy vai trò của mình bằng những hoạt động chống lại nước Mỹ…”.

Đôi lần, một vài quan chức phụ trách an ninh ở DIA tỏ ra lo lắng trước quan điểm của Ana về chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ, cũng như việc bà thường xuyên tiếp xúc với những tài liệu mang tính tối mật nhưng họ lại không tìm ra một lý do nào để có thể đặt dấu hỏi về bà.

Ana Montes bắt đầu bị nghi ngờ khi bà chuyển giao cho Cuba danh sách 4 điệp viên Mỹ đang làm việc ở La Havana dưới vỏ bọc nhân đạo, và nhất là bà đã tiết lộ cho Cuba biết ngày Chính phủ Mỹ quyết định đưa quân vào Afgahnistan để tiêu diệt Taliban và Al-Qaeda nhằm trả thù cho vụ 11-9. Một đồng nghiệp của bà - Scott Carmichael - là một nhân viên an ninh sắc sảo tin rằng có 1 điệp viên Cuba đang làm việc ở DIA vì có một số sự kiện liên quan xảy ra sau đó, khi các thông tin tuyệt mật được cung cấp cho các nhân viên cao cấp của DIA, nhưng Scott Carmichael chưa xác định được là ai.

Vụ việc được DIA chuyển cho Cục Điều tra Liên bang FBI. Tiến hành xem xét các dữ kiện, FBI quyết định mở chuyên án. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, FBI loại dần những đối tượng nghi ngờ. Cuối cùng chỉ còn lại Ana Montes.

Thoạt đầu, DIA lẫn FBI đều quyết định sẽ giăng bẫy để bắt cả Ana lẫn điệp viên Cuba, nhân vật đầu mối nhận tài liệu của Ana. Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11-9 vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York và vào Lầu Năm Góc đã khiến FBI phải “bắt nóng” Ana vào ngày 21-9-2001 vì bà sẽ được giao nhiệm vụ liên quan đến các kế hoạch triển khai chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan. 

Trụ sở Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ở Washington D.C..

Sau này, FBI xác định điệp viên Cuba trực tiếp làm việc với Ana là Velasquez, nhân viên thuộc Phái bộ Viện trợ Mỹ nhưng khi Ana bị bắt, Velasquez đã đi Thụy Điển - mà Thụy Điển thì không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ về tội danh gián điệp. Khi bị thẩm vấn rằng động lực nào đã thúc đẩy bà làm việc cho Cuba, Ana trả lời: “Tất cả phát xuất từ tư tưởng thuần khiết của tôi. Tôi không đồng ý với chính sách đối ngoại của Mỹ về Cuba. Tôi làm việc này không phải vì tiền”.

Đúng như lời Ana nói, FBI không tìm ra được bằng chứng nào, chứng minh bà đã nhận tiền từ phía Cuba. Cũng trong quá trình thẩm vấn, Ana nhìn nhận bà đã cung cấp một lượng thông tin đáng kể cho Cơ quan Tình báo Cuba, bao gồm danh tính 4 điệp viên Mỹ ở Cuba, về những thiết bị nghe lén người Mỹ đặt ở Cuba, về một căn cứ bí mật của Mỹ ở El Salvador, về một trại Lực lượng Đặc biệt Mũ Nồi Xanh Mỹ, dẫn đến trại này bị Mặt trận Giải phóng Quốc gia Farabundo Marti tấn công với sự hỗ trợ của Cuba. 

Ana Montes cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về cái chết của một lính Mũ Nồi Xanh là Trung sĩ Gregory A. Fronius, người đã bị giết tại El Paraíso, El Salvador ngày 31-3-1987. DIA mô tả thiệt hại do Montes gây ra cho DIA và các cơ quan tình báo Mỹ khác là “nghiêm trọng nhất trong tất cả những trường hợp nghiêm trọng”.

Trước khi phiên tòa kết thúc, luật sư của Ana là ông Plato Cacheris đề nghị bà Ana nên được thụ án tại các nhà tù ở Tallahassee, bang Florida hoặc Danbury, bang Connecticut. Đề nghị này được thẩm phán chủ tọa phiên tòa là Ricardo M. Urbina chấp nhận, còn công tố viên thì không có ý kiến gì. 

Theo các phóng viên, cả hai nhà tù ấy phần lớn giam giữ người Cuba nhưng đến tháng 7-2016, Ana Montes vẫn  bị giam ở nhà tù Carswell, bang Texas. Chung phòng với bà có một bà nội trợ đã bóp cổ một phụ nữ mang thai, một y tá đã giết chết 4 bệnh nhân bằng cách tiêm thuốc và Lynette “Squeaky” Fromme, thuộc nhóm nhạc Charles Manson đã âm mưu ám sát Tổng thống Ford. 

Tờ Washington Post, một trong những tờ báo lớn nhất ở Mỹ, viết: “Thật đáng kinh ngạc! Ana Montes là nhà phân tích hàng đầu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng DIA. Toàn bộ thời gian bà làm việc tại DIA thì đồng thời bà ấy cũng là gián điệp của Cuba. Một gián điệp ở cấp độ này và kéo dài suốt 17 năm quả là kỳ tích. Nó cho thấy không phải chỉ đàn ông mới làm gián điệp, nước Nga không phải là mối đe dọa duy nhất và có người làm gián điệp không phải vì tiền hay vì lòng căm thù…”.

Và trong một lá thư gửi dài 14 trang gửi cho người thân, Ana vẫn rất bình thản: “Nhà tù là một trong những nơi cuối cùng tôi chọn bởi một số điều xảy ra trong cuộc sống đáng để đi tù…”.

Vũ Cao (theo FBI Files)
.
.