Điệp viên đặc biệt của Cuba: Chiến binh mang cái tâm của một thầy tu

Thứ Ba, 11/10/2016, 21:35
Trong lịch sử tình báo Mỹ, ngoài những cái tên được biết đến nhiều như Aldrich Ames hay Robert Hanssen, thì Ana Montes là điệp viên nội gián gây tổn thất nhiều nhất cho ngành tình báo Mỹ giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh. Đáng chú ý, Montes là một điệp viên có thành tích, được khen thưởng, và nhất là trong gia đình, từ anh chị em cho đến người yêu của bà đều làm việc cho FBI.

Làm gián điệp vì không tha thứ cho kẻ chuyên quyền

Trong một bức thư gửi cho người thân trong gia đình từ trong nhà tù Lizzie Borden, bang Texas, Ana Montes viết rằng, bà sẵn sàng chết vì việc mình làm, nếu đó là một việc có ý nghĩa lớn lao. Việc đó bà đã làm trong gần hai thập niên.

Kể từ khi làm gián điệp cho Cuba, Montes hầu như sống "hai cuộc sống" cùng lúc: Ban ngày bà làm việc văn phòng trong bộ phận mang bí danh GS-14 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA); ban đêm, bà túc trực bên chiếc máy nhận mật mã để tiếp nhận điện tín vô tuyến từ Cuba gửi sang, sau đó chuyển các tập dữ liệu đã mã hóa cho những người quản lý tại các điểm hẹn là các nhà hàng đông đúc. Đôi khi Montes còn lén lút nhập cảnh vào Cuba bằng hộ chiếu giả và cải trang khéo léo để không bị phát hiện.

Với cách làm việc đó, Montes đã làm gián điệp một cách cần mẫn, có phương pháp cho Cuba suốt 17 năm. Bà đã chuyển cho tình báo Cuba vô số thông tin bí mật về các đồng nghiệp của mình, và cả những cơ sở nghe lén mà tình báo Mỹ đã bí mật cài đặt ở Cuba.

Ana Montes nhận chứng nhận khen thưởng do Giám đốc CIA George Tenet trao tặng.

Thông tin bà chuyển cho tình báo Cuba nhiều đến nỗi các chuyên gia tình báo đánh giá bà là một trong những điệp viên nằm vùng nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ trong lịch sử gần đây.

Cơ quan phản gián Mỹ đã tổng hợp thông tin về hoạt động của Montes và kết luận: bà không chỉ do thám nước Mỹ, mà còn do thám cả những người thân của mình như em trai tên Tito; một cựu đặc vụ FBI, do thám người yêu cũ Roger Corneretto; một sĩ quan tình báo của Bộ Quốc phòng chuyên theo dõi Cuba, và người chị ruột tên là Lucy, cựu nhân viên của FBI đạt nhiều thành tích do lật tẩy nhiều điệp viên Cuba.

Ana Montes sinh ra trong một căn cứ quân sự Mỹ năm 1957 do cha bà, ông Alberto Montes, gốc người Puerto Rico là một bác sĩ quân y. Bà là con gái lớn trong gia đình. Do tính chất công việc của ông Montes mà gia đình thường hay di chuyển, từ Germany cho đến Kansas và Iowa.

Họ định cư ở Towson, ngoại ô thành phố Baltimore và ông Alberto mở một phòng khám tư, còn người mẹ Emilia lãnh đạo cộng đồng người gốc Puerto Rico tại địa phương. Ana lớn lên là một cô gái thông minh, nhanh trí, ham học hành, đọc sách; tốt nghiệp trung học đạt điểm số khá cao. Thời trung học là khoảng thời gian vô tư vui sướng nhất của Ana. Nhưng những bí mật bên trong gia đình không ai được biết lại chất chứa những xung đột, đè nén vì tình cảm gia đình rạn nứt.

Người ngoài nhìn vào, ông Alberto là một người cha biết quan tâm người khác và có học thức tốt. Nhưng trong gia đình, ông là một người nóng tính và thường hay đánh đập con cái. Sau này, Ana khai với các bác sĩ tâm lý của CIA rằng bố cô "nghĩ rằng ông ấy có quyền đánh đập các con mình", rằng ông "là một ông vua trong tòa lâu đài và đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối". Mẹ Ana sợ hãi, không dám cãi lại chồng. Nhưng thói hành hung bạo lực của ông Alberto kéo dài khiến bà chịu không nổi nữa, phải xin ly hôn và giành quyền nuôi các con.

Cha mẹ ly hôn lúc Ana 15 tuổi, nhưng những tổn hại tâm lý, tinh thần đã tác động tới cuộc đời bà. Hồ sơ tâm lý của CIA ghi lại: "Thời thơ ấu của Montes làm cho bà ấy không tha thứ cho sự lạm dụng quyền lực, dẫn đến việc bà ấy thiên về phía người yếu thế hơn và luôn mong muốn trả thù những kẻ chuyên quyền, độc đoán". Các chuyên gia tâm lý của CIA phân tích đó là nguồn gốc thúc đẩy bà làm gián điệp cho Cuba.

Khi còn là sinh viên trường Đại học Virginia, Ana Montes gặp gỡ một sinh viên đẹp trai nhân một chuyến du khảo nước ngoài ở Tây Ban Nha. Anh chàng này là người Argentina, theo tư tưởng cánh tả, đã giúp Ana mở rộng tầm mắt, hiểu được nhiều điều về chính quyền Mỹ, nhất là việc Washington hậu thuẫn cho các chế độ độc tài quân phiệt ở Nam Mỹ. Tây Ban Nha lúc đó là điểm nóng của phong trào chính trị cấp tiến, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình chống Mỹ. Thực tế đó là một bài học bổ túc phong phú cho những gì Ana được học ở trường.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Montes chuyển đến Puerto Rico ở một thời gian ngắn, nhưng không tìm được việc làm thích hợp. Khi một người bạn mách cho cô biết Bộ Tư pháp đang cần tuyển một thư ký đánh máy, Ana lập tức chộp lấy cơ hội, tạm gác quan điểm chính trị sang một bên. Việc làm lúc này là ưu tiên hàng đầu.

Nơi Montes làm việc là Văn phòng Khiếu nại thông tin và riêng tư. Gần một năm sau, cơ hội đã đến với Montes, sau khi FBI kiểm tra lý lịch nhân thân Montes, Bộ Tư pháp đã cấp cho bà tư cách an ninh mức tối mật. Montes đã có thể xem một số hồ sơ nhạy cảm nhất của Bộ Tư pháp.

Trong thời gian làm việc tại Bộ Tư pháp, Montes tranh thủ đi học lấy bằng thạc sĩ tại trường Nghiên cứu Quốc tế nâng cao thuộc Đại học John Hopkins. Quan điểm chính trị của bà càng trở nên cứng rắn hơn. Bà càng lúc càng căm ghét các chính sách can thiệp của Tổng thống Ronald Reagan ở châu Mỹ Latinh, đặc biệt là việc Mỹ hỗ trợ cho lực lượng phiến quân contra chống chính phủ Sandinista ở Nicaragua.

Montes giờ đây vừa là một nhân viên hành chính vừa là sinh viên cao học một trong những trường đại học danh tiếng nhất của nước Mỹ nhưng bà còn mong muốn làm một việc gì đó to lớn và ý nghĩa hơn nhưng trong vòng bí mật hơn, đó là công việc của một điệp viên. Năm 1984, tình báo Cuba thu dụng bà làm điệp viên nội gián tại Mỹ.

Hồ sơ về Montes ghi lại rằng, một người bạn làm việc tại SAIS đóng vai trò cầu nối liên hệ cho Montes tiếp xúc với tình báo Cuba. Thời điểm đó, tình báo Cuba ưu tiên hàng đầu việc tuyển dụng các điệp viên nội gián là thành phần sinh viên các trường đại học hàng đầu của Mỹ do tư tưởng chính trị của họ có xu hướng thiên tả nhiều hơn.

Montes là một "món quà trời cho" mà tình báo Cuba có được ở Mỹ. Bà là một người thiên tả đích thực, đồng cảm với những quốc gia bị áp bức. Montes nói thông thạo hai thứ tiếng, thông minh và nhanh trí khiến cho những cấp trên của bà ở Bộ Tư pháp Mỹ phải điên đầu.

Điều quan trọng nhất là Montes giờ đây đã có tư cách an ninh tối mật và đang làm việc bên trong cơ quan nhà nước. Montes bắt đầu thu thập thông tin theo yêu cầu của tình báo Cuba. Sau này, bà khai nhận với các nhà điều tra rằng, lúc đó bà chỉ nghĩ đến việc mình làm là "đúng theo những gì người Cuba nói là đúng đắn".

Một chuyên gia phân tích tình báo mẫn cán và xuất sắc

CIA diễn giải việc Montes làm gián điệp cho Cuba theo góc nhìn đen tối hơn khi cho rằng, Montes đã được các điệp viên Cuba "sinh hoạt tư tưởng" đến mức tin là đất nước Cuba đang hết sức cần bà giúp đỡ. Họ đã khuyến khích gia tăng sức mạnh tinh thần trong bà, khơi dậy ở bà tinh thần tự tôn.

Ana Montes thời là sinh viên ở Đại học Virginia.

Tình báo Cuba không vội vàng khai thác Montes, mà bắt đầu một cách chậm rãi, yêu cầu những bản dịch và thông tin vô hại nhưng có thể giúp ích được cho chính phủ Sandinista ở Nicaragua - chính quyền được Montes cảm tình nhất do bị Washington chèn ép bằng chính sách bạo lực, theo cách nghĩ của bà. Hồ sơ CIA kết luận: "Những người quản lý liên lạc với bà ấy đã tiếp cận và khai thác những nhược điểm tâm lý, tư tưởng và tính cách của bà để thu dụng và duy trì bà làm việc cho họ".

Montes có một chuyến thăm Cuba vào năm 1985 để trực tiếp gặp gỡ các lãnh đạo tình báo ở La Habana, và nhận lệnh là phải nộp đơn xin vào các vị trí khác trong chính phủ để làm sao có thể tiếp cận được các thông tin có độ mật cao hơn. Thế là Montes xin vào làm việc tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi được xem là "lò sản xuất" thông tin mật có giá trị cao.

Nữ tính là một ưu thế nhưng đồng thời cũng là nhược điểm có thể gây nguy hiểm cho Montes trong việc làm gián điệp cho Cuba. Đó là khi bà tin tưởng và trò chuyện tâm tình với một người bạn gái người Tây Ban Nha tên là Ana Colon. Montes kể rằng, bà đã đến Cuba, đã được một anh chàng đẹp trai dẫn đi tham quan khắp hòn đảo tự do. Montes cũng tiết lộ cho bạn biết mình sắp nhận việc làm ở DIA.

Người bạn sửng sốt, không tin rằng một người thiên tả như Montes lại đi làm việc cho chính phủ và quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi tiết lộ bí mật cho bạn biết, Montes bỗng cắt liên lạc, từ đó về sau không còn nghe nói đến Colon nữa. Ngay cả người em gái tên là Lucy và em trai Tito của Montes cũng hết sức ngạc nhiên khi biết chị mình làm việc cho DIA. Lúc này, cả Lucy và Tito đều đã là người của FBI, làm công việc phản gián, bảo vệ an ninh cho nước Mỹ. Kể cả chồng của Lucy cũng là đặc vụ của FBI.

Trong suốt 16 năm tiếp theo, Montes luôn được đánh giá là một nhân viên tình báo xuất sắc, cả ở Washington và La Habana. Được DIA giao cho công việc của một chuyên gia nghiên cứu thông tin đầu vào, Montes liên tục được thăng tiến và nhanh chóng trở thành nhà phân tích chính của DIA về El Salvador và Nicaragua, và sau nữa là chuyên gia phân tích hàng đầu về chính trị và quân sự của Cuba.

Trong cộng đồng tình báo Mỹ và ở DIA, Montes được mệnh danh là "Nữ hoàng Cuba". Bà không chỉ là một trong những nhân viên chính phủ Mỹ diễn giải tình hình quân sự Cuba giỏi nhất mà còn chứng tỏ sự khéo léo trong việc tham gia định hình (và thường là làm mềm hóa) các chính sách của Mỹ đối với hòn đảo tự do.

Trong sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, Montes cũng gặt hái những khoản phúc lợi, tiền bạc và 10 phần thưởng đặc biệt của chính phủ do làm việc quá xuất sắc, trong đó có chứng nhận nổi trội do Giám đốc CIA George Tenet trao tặng vào năm 1997. Phía Cuba cũng trao tặng cho bà một huân chương công trạng nhưng bà chưa bao giờ được mang nó về.

Bà đã trở thành một kiểu mẫu của tính hiệu quả trong công việc, một chiến binh có cái tâm của thầy tu trong bộ máy hành chính Mỹ. Tại phòng làm việc mã số C6-146A trong Tổng hành dinh DIA ở căn cứ liên quân Anacostia-Bolling, Montes đã tiếp cận được hàng trăm ngàn tài liệu mật, thường xuyên ăn trưa ngay tại bàn làm việc và âm thầm ghi nhớ thuộc lòng từng trang báo cáo tình báo mới nhất. Montes từ chối hầu hết các cuộc vui chơi, tiệc tùng nhằm tranh thủ thời gian làm công việc được tình báo Cuba giao cho.

Sau giờ làm việc, Montes rời trụ sở DIA để về nhà bắt đầu công việc ban đêm. Bà đánh máy lại những gì mình ghi nhớ lúc ban ngày làm việc trong cơ quan, lưu tất cả vào chiếc máy tính xách tay.

Đêm nào cũng vậy, bà chuyển khối thông tin mật được tạo lập nhiều năm vào những chiếc đĩa mềm rẻ tiền, dễ dàng mua ở các cửa hàng gần nhà. Rồi việc trao đổi thông tin tình báo cũng diễn ra theo cách cổ điển. Bà đã học được cách bỏ tài liệu tại điểm hẹn, cách liên lạc an toàn bằng mật mã và cách lẩn tránh khi cần thiết. Thậm chí Montes còn được tình báo Cuba dạy cho cách qua mặt máy kiểm tra nói dối.

Rồi Montes nhận lệnh từ tình báo Cuba cũng theo cách cũ từ thời Chiến tranh Lạnh: thông qua những mẩu tin nhắc truyền phát qua sóng radio. Bà dùng một chiếc máy radio hiệu Sony và dò băng tần 7887 kHz rồi ngồi đợi tín hiệu. Một giọng nữ phát ra hàng trăm con số liên tục để Montes ghi lại. Đó là mật mã liên lạc và Montes có nhiệm vụ dịch ra chuyển cho các đầu mối tình báo ở Mỹ.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.