Anh: Làm rõ nghi án về cái chết của điệp viên Lionel Crabb

Thứ Bảy, 11/11/2006, 08:30
Thông qua một số tài liệu mới được giải mật, Chính phủ Anh chính thức tiết lộ một số chi tiết về số phận và cuộc đời của điệp viên Lionel Crabb, người từng được coi là một trong những khuôn mẫu của nhân vật điệp viên 007 (James Bond) trong điện ảnh.

Bước ngoặt mới này là kết quả nỗ lực của các phóng viên Hãng BBC từ vài tháng trước, sau khi họ kiếm được một tài liệu về sứ mạng của Lionel Crabb theo luật tự do thông tin.

Nội dung của bản báo cáo này cho thấy, cơ quan tình báo đã không triển khai những biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ Crabb trong thời gian anh ta tham gia vào một sứ mạng đặc biệt.

Lionel Crabb (tên lóng là “Buster”) sinh năm 1911. Gần như cả cuộc đời điệp viên này đều gắn liền với biển. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ II, Crabb tham gia vào việc thành lập một đơn vị lặn đầu tiên của Hải quân Anh. Ông đã nhiều lần được khen thưởng vì lòng dũng cảm khi thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến lặn. Rất nhanh chóng, Crabb trở thành chuyên gia hàng đầu về việc tổ chức những vụ phá hoại dưới nước. Sau chiến tranh, Crabb trên danh nghĩa đã xuất ngũ nhưng vẫn ghi tên vào lực lượng dự bị của hải quân. Trong suốt 8 năm sau đó, ông ta vẫn làm việc không chỉ cho hải quân mà còn với Cơ quan Tình báo Anh.

Crabb huấn luyện cho thủy thủ cách cứu người sắp chết đuối, các kỹ năng phá hoại, do thám ngầm dưới nước, hay tham gia khai thác tài liệu bí mật từ các tàu ngầm bị đắm. Carbb còn phối hợp với cả Cơ quan Tình báo Hải quân Anh nghiên cứu được một công nghệ mới cho việc chụp ảnh dưới nước. Tóm lại, Lionel Crabb đã trở thành một chuyên gia do thám dưới nước hàng đầu của Hải quân Anh.

Từ nửa thế kỷ nay, số phận của điệp viên Lionel Crabb luôn bị bao phủ bởi những lời đồn đại và vô số những giả thuyết trái ngược nhau. Các quan chức Anh từng phủ nhận việc Lionel Crabb đã mất tích trong thời gian tham gia một phi vụ do thám chiến hạm Ordzhonikidze của Nga, khi nó đang neo đậu tại khu cảng Portsmouth năm 1956. Khi đó, chiếc tàu chiến này đã chở lãnh tụ Liên Xô Nikita Kruschev và Nguyên soái Nikolai Bulganin tới thăm nước Anh.

Sau khi sự việc xảy ra, phía Liên Xô đã chính thức phản đối đồng thời khẳng định, họ đã bị “chủ nhà” do thám trong chuyến viếng thăm. Vụ việc trên cũng được coi là một trong những nguyên nhân phá vỡ nỗ lực nối lại quan hệ hữu nghị giữa Anh và chính phủ thời hậu Stalin tại Moskva. Chính vì vậy mà trước sự quan tâm của công luận, Thủ tướng Anh khi đó là Sir Anthony Eden đã phải công khai tuyên bố với Hạ viện rằng, việc tiết lộ hoàn cảnh cái chết của Crabb “không thật cần thiết đối với công chúng”. Ông còn bổ sung thêm rằng, “những hành động trên được thực hiện trong khi không có sự biết trước và chấp thuận của Chính phủ Anh”.

Chính quyết định của Chính phủ Anh phải che giấu thông tin về cái chết của Lionel Crabb đã nảy sinh vô số những phỏng đoán và giả thuyết khác nhau, trong đó có cả những khẳng định rằng, điệp viên Lionel Crabb khi đó dường như vẫn khỏe mạnh, sống tại Nga và trở thành một sĩ quan Hải quân Xôviết. Cũng có giả thuyết cho rằng, điệp viên này đã bị chính những người Nga giết chết.

Vì vậy, những tài liệu mật liên quan đến vấn đề này mới được công bố tại Cơ quan Lưu trữ quốc gia ở Kew (Tây Nam London) đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của công luận. Trước đó, yêu cầu của người vợ cũ Lionel Crabb không công bố những thông tin trên đã bị bác bỏ. Nội dung các tài liệu này cho thấy, Chính phủ Anh đã cố tình che giấu sự thực về cái chết của Lionel Crabb. Cụ thể là 5 tháng sau cái chết của Crabb, W.H.Lewin, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hải quân Anh đã viết như sau trong cuốn sổ ghi nhớ của mình: “Nếu mọi người biết được sự thật này sẽ rất khó giải thích với công chúng rằng, Crabb vào thời điểm qua đời đã rời bỏ lực lượng hải quân được hơn một năm”.

Theo giả thuyết chính thức của Bộ Tư lệnh Hải quân Anh, Lionel Crabb vào ngày 19/4/1956 đã “được thuê để tiến hành nghiên cứu một thiết bị lặn dưới nước” và sau đó mất tích, dường như là đã bị chết đuối. Tuy nhiên, trong cuốn sổ tay đề ngày 21/6 năm đó, Thiếu tướng hải quân T.Inglis (khi đó là Giám đốc Cơ quan Tình báo hải quân) đã giải thích rõ rằng, thông báo trên “là cần thiết” để che giấu sự dính líu của một số sĩ quan cao cấp vào vụ ở Portsmouth. Báo cáo mới được giải mật cũng nói về một trung úy hải quân nào đó (tên tuổi đã bị xóa) được lệnh hộ tống Đại úy Crabb vào cái ngày ông bị mất tích. Cũng theo như Thiếu tướng Inglis, “vào thời điểm biết được có chuyện không hay xảy ra, nhân vật này đã nhận được lệnh quay trở lại tàu và chấm dứt việc tham gia vào chiến dịch”.

Chiến hạm Ordzhonikidze.

Về sau, giới lãnh đạo Hải quân Anh tìm mọi cách ngăn cản viên sĩ quan này tiếp xúc với công luận, nhất là sau khi các nhà chức trách mở một cuộc điều tra liên quan đến việc phát hiện thi thể một người thợ lặn bị mất đầu tại Chichester vào tháng 6/1957. Nhân viên điều tra khi đó đã xác định, thi thể trên chính là của Đại úy Crabb. Như vậy, nếu theo đúng những tài liệu mới được giải mật này, Lionel Crabb rõ ràng đã được cử đi do thám chiến hạm Ordzhonikidze của Nga và đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.

Sự thật về một nghi án trong lịch sử tình báo tồn tại đã nửa thế kỷ nay về cơ bản đã được làm sáng tỏ. Trước những thông tin mới tiết lộ này, Lomond Handley, một trong vài người họ hàng còn sống của Lionel Crabb đã tuyên bố: “Mọi người cần được biết điều gì đã xảy ra với một con người xứng đáng được đất nước kính trọng và tôn vinh”

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.