Anh: Vụ bê bối nhập cư của một bác sĩ tra tấn người Iraq

Thứ Sáu, 15/07/2011, 05:15

Trong một vụ bê bối nhập cư gây sốc cho giới chính khách Anh, đội ngũ quan chức vùng biên giới nước này đã cho phép một nghi phạm tội ác chiến tranh nhập cư và hành nghề tại Anh hợp tác với những kẻ tra khảo tù nhân dưới chế độ Iraq cũ. Bác sĩ Kassim Al-Byati, 46 tuổi, kẻ chuyên hành nghề tại Anh từ năm 2002.

Những cuộc kiểm tra lý lịch trước đó đã không phát hiện được Al-Byati từng là bác sĩ làm việc cho Cơ quan Tình báo Iraq nổi tiếng dưới thời Saddam Hussein gieo rắc kinh hoàng khắp Iraq. Công việc của Al-Byati là chữa trị cho tù nhân rồi sau đó chuyển giao lại cho nhân viên an ninh tiếp tục tra khảo. Dưới chế độ Saddam Hussein, vô số công dân Iraq bị cầm tù và tra tấn dã man đến mang thương tật.

Điều khó tin là mặc dù từng cộng tác với Tình báo Iraq cũ song Al-Bayti vẫn sống phong lưu khi làm việc tại một bệnh viện ở Wales. Thậm chí bây giờ, cho dù hồ sơ của Al-Byati đã được chuyển đến một ủy ban đặc trách về tội ác chiến tranh song ông ta vẫn được Tổng hội Y khoa Anh (GMC) coi là vô tội!

Hiện thời mọi chi tiết về bác sĩ Al-Byati mới được tiết lộ trước công luận bởi nữ Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, người thật sự kinh hoàng khi phát hiện những gì đang diễn ra. Bà Bộ trưởng sau đó đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra khẩn cấp về bác sĩ Al-Byati, đồng thời có kế hoạch thay đổi một số quy định về nhập cư nhằm ngăn ngừa những trường hợp tương tự tái diễn. Như thế trong tương lai sẽ có sự cải tổ lớn trong Ủy ban Đặc trách tội phạm chiến tranh của Cơ quan biên giới Anh (UKBA).

Năm 1992, lúc 27 tuổi, Al-Byati bắt đầu công việc chữa trị cho tù nhân ở Baghdad trước khi làm việc cho đơn vị tình báo mật của Saddam Hussein trong thời gian 15 tháng. Về chuyện này, Al-Byati cho rằng ông ta đã "không có quyền lựa chọn". Tình báo Iraq có một nhà tù tuyệt mật nằm ở Kadhimiya, nơi Saddam Hussein bị hành hình năm 2006 và đây cũng là nơi Al-Byati chữa trị cho tù nhân bị cảnh sát mật tra khảo.

Bác sĩ Al-Byati vào nước Anh theo visa du lịch hạn 6 tháng trong tháng 1/2000, tức 9 năm sau khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất kết thúc, dẫn đến việc Saddam Hussein lên nắm quyền lực ở Iraq. Sau đó giới chức Anh đã 2 lần gia hạn visa cho Al-Byati cho phép ông ta tiếp tục lưu lại nước này để hành nghề bác sĩ.

Tháng 3/2007, khi được UKBA phỏng vấn, Al-Byati thừa nhận mình có nhiệm vụ chữa trị qua loa cho tù nhân rồi sau đó chuyển giao họ trở lại cho cảnh sát mật của Iraq tiếp tục những đòn tra khảo. Al-Byati thừa nhận ông ta đã từng chứng kiến những vết thương khủng khiếp do cảnh sát mật gây ra cho tù nhân trước khi chuyển đến chỗ ông ta để chữa trị.

Tháng 1/2004, tức khoảng thời gian Iraq bị xâm lược lần nữa, Al-Byati được nhận vào làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Wolverhampton, miền Tây nước Anh cho đến tháng 2/2007. Cũng vào thời điểm này, Al-Byati xin Bộ Nội vụ Anh cho phép tị nạn chính trị. Tháng 4/2007, hồ sơ của Al-Byati được chuyển đến Ủy ban Đặc trách về tội phạm chiến tranh của UKBA.

Năm 2008, Al-Byati ký hợp đồng 4 tháng làm việc tại một bệnh viện ở Wales, trong khi bình thường những đối tượng đang tìm kiếm quyền tị nạn chính trị không được phép làm việc. Tuy nhiên, có một quy định của EU cho phép cá nhân đang xin phép tị nạn  được làm việc kiếm tiền nếu trường hợp chưa được giải quyết trong 12 tháng hoặc hơn cho dù đó không phải là lỗi của chính cơ quan có thẩm quyền. Kết quả là, từ năm 2008, Al-Byati được hành nghề bác sĩ toàn thời gian và đôi khi phụ trách vai trò cố vấn ở West Midlands.

Bộ Nội vụ Anh cũng yêu cầu câu trả lời từ phía GMC, tổ chức có trách nhiệm kiểm tra lý lịch bác sĩ hành nghề ở Anh. Song hiện GMC vẫn chưa có phúc đáp lên Bộ. Một sai lầm của hệ thống cấp phép tị nạn là đối tượng càng liên quan đến những tội ác càng kinh khủng bao nhiêu thì người này càng được ưu tiên cho tị nạn!

Bởi vì, người xin tị nạn lập luận rằng nếu bị trả về nước tất sẽ trở thành đối tượng của những hình thức ngược đãi trầm trọng vốn bị Luật Nhân quyền không cho phép. Do đó, một báo cáo trong năm 2010 nhận định nước Anh là "thiên đường an toàn" cho tội phạm chiến tranh, trong đó hàng trăm người có lệnh truy nã vì tội giết người và tra tấn không hề bị truy tố ra pháp luật.

Tại Anh, Al-Byati là bác sĩ chuyên khoa thấp khớp, và tất cả những bệnh nhân Anh được ông ta chữa trị đều hoàn toàn không biết gì về vai trò của ông ta dưới chế độ Saddam Hussein

Trần Phong (tổng hợp)
.
.