Anh từng lên kế hoạch tấn công hạt nhân Trung Quốc

Thứ Tư, 25/02/2009, 11:30
Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã từng nhiều lần bị Mỹ hăm dọa bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên một điều không mấy người biết là nước Anh cũng đã từng vạch ra một kế hoạch tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm phòng ngừa trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực để thu hồi Hồng Công và Anh còn lôi kéo cả nước Mỹ cùng tham gia vào kế hoạch này...

Vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, Hồng Công bắt đầu phát triển mạnh về kinh tế và đóng một vị trí ngày càng quan trọng trên bản đồ kinh tế của nước Anh. Khi đó Hồng Công đã trở thành một thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp của Anh và còn trở thành cầu nối kinh tế giữa nước Anh và các quốc gia ở khu vực châu Á. Rất nhiều các công ty lớn của Anh đã đặt trụ sở tại Hồng Công. Từ đó, vị trí của Hồng Công trên phương diện chính trị cũng ngày càng được nâng cao.

Tháng 7/1959, trong một tài liệu gửi Thủ tướng Harold Macmillan, Bộ trưởng nội các Anh Norman Brook đã nhấn mạnh rằng: “Trên phương diện nào đó, ý nghĩa tượng trưng và ý nghĩa chính trị của Hồng Công đối với nước Anh còn lớn hơn rất nhiều so với ý nghĩa kinh tế. Về mặt chiến lược, Hồng Công đã trở thành pháo đài chống Cộng cuối cùng của nước Anh ở vùng Viễn Đông. Xuất phát từ lợi ích chính trị, nước Anh không thể từ bỏ Hồng Công”.

Do khi đó quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phương Tây rất căng thẳng, và cho dù chính quyền Trung Quốc khi đó không có kế hoạch sớm thu hồi Hồng Công bằng vũ lực nhưng người Anh lại không nghĩ như vậy.  

Người Anh đã biết rất rõ về khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Khi thăm Trung Quốc, Nguyên soái Lục quân Anh Bernard Law Montgomery đã đặc biệt nhấn mạnh rằng, bất kỳ lực lượng bộ binh nào nếu giao chiến với lực lượng Giải phóng quân của Trung Quốc đều sẽ thất bại. Vì phương thức chiến tranh bình thường không hiệu quả nên chính quyền Anh đã quyết định sẽ sử dụng biện pháp đe dọa hạt nhân đối với Trung Quốc.

Khi đó, Anh có ba loại máy bay ném bom hạng nặng có thể mang bom nguyên tử là Victor, Valiant và Vulcan, trong đó máy bay ném bom chiến lược Vulcan là loại máy bay ném bom chủ lực của quân đội nước này trong thập niên 60.

Tuy nhiên do khoảng cách địa lý giữa Anh và Trung Quốc quá lớn nên những loại máy bay này không thể cất cánh từ lãnh thổ Anh để thực hiện nhiệm vụ ném bom nguyên tử xuống Trung Quốc. Còn những sân bay quân sự hiện có của Anh ở khu vực Đông Nam Á lúc đó do hạn chế về thiết kế nên không thể phục vụ những loại máy bay ném bom hạng nặng này. 

Không quân Anh quyết định sửa chữa sân bay dành cho máy bay ném bom trên đảo Gan ở Maldives đồng thời mở rộng sân bay Tengah ở Singapore. Không quân Anh cho rằng, những sân bay này sẽ không chỉ là điểm trung gian cho những máy bay của Không quân Anh thực hiện những chuyến bay tầm xa không kích Trung Quốc mà  còn  có thể trở thành căn cứ tạm thời của những máy bay ném bom của Anh mang theo bom nguyên tử.

Năm 1958, Bộ Quốc phòng Anh đã bí mật cho xây mới tại sân bay Tengah (Singapore) một cơ sở chứa bom nguyên tử kiên cố mang tính lâu dài và chuẩn bị vận chuyển 48 quả bom nguyên tử đến cơ sở này.

Năm 1962, lần đầu tiên Anh đã chuyển bom nguyên tử chiến thuật Red Beard đến sân bay Tengah, máy bay ném bom của Anh cũng bắt đầu có mặt tại sân bay này. Tiếp theo đó, quân đội Anh đã tiến hành các hoạt động huấn luyện mô phỏng ném bom nguyên tử ở căn cứ sân bay Tengah.

Trong suốt thập niên 60, máy bay ném bom nguyên tử của Anh không ngừng tiến hành các hoạt động diễn tập ở khu vực này. Để mở rộng phạm vi tấn công, Anh còn xây dựng và mở rộng các cơ sở chứa bom nguyên tử tại sân bay Butterworth (Malaysia) và một căn cứ quân sự tại Kenya. Ngoài ra, Anh còn luân phiên phái hàng không mẫu hạm mang bom nguyên tử tuần tra tại vùng biển Đông Nam Á và cũng đã từng lên kế hoạch đưa tàu ngầm nguyên tử chiến lược có trang bị tên lửa hạt nhân Polaris đến khu vực này.

Do ở phương diện phòng vệ, Anh vẫn dựa rất nhiều vào Mỹ nên tích cực tìm cách lôi kéo Mỹ tham gia kế hoạch tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc để tạo cho Hồng Công thêm một lớp bảo vệ nữa.

Để đạt được điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wilkinson đã kiến nghị Thủ tướng Macmillan cho Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh - Huân tước Mountbatten bí mật hội đàm với tướng Harry Felt - Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và hứa với Mỹ rằng, nếu Mỹ tham gia tấn công Trung Quốc trong cuộc chiến tranh hạt nhân thì lực lượng Không quân Hoàng gia Anh cùng lính dù của Không quân thuộc Hải quân Anh sẽ phối hợp với quân đội Mỹ.

Tháng 3-1961, Huân tước Mountbatten nhận lệnh tiến hành đàm phán bí mật với tướng Mỹ Harry Felt tại Hawaii. Trong cuộc gặp này, Mountbatten cho biết, nước Anh không thể dựa vào những vũ khí thông thường để bảo vệ được Hồng Công trong trường hợp Trung Quốc thực hiện việc thu hồi Hồng Công bằng vũ lực. Vì vậy “tấn công Trung Quốc bằng bom nguyên tử là lựa chọn duy nhất để bảo vệ tiền đồn của Anh ở Viễn Đông”. Mountbatten hy vọng Anh và Mỹ có hành động chung về vấn đề này.

Hary Felt cho biết, nếu Trung Quốc thu hồi Hồng Công bằng vũ lực thì Mỹ sẽ thực hiện đòn tấn công hạt nhân với Trung Quốc. Sau đó, các quan chức Anh và Mỹ đã nhiều lần hội đàm bí mật trên hàng không mẫu hạm của Mỹ đến thăm Hồng Công để bàn bạc những vấn đề chi tiết về kế hoạch tiến hành đòn tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc.   

Tuy vậy chính quyền Anh vẫn tính toán quá chủ quan. Đầu tiên việc Anh để bom nguyên tử ở những quốc gia thực dân trong khu vực Đông Nam Á đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Đầu năm 1957, Anh công khai tuyên bố rằng, sẽ cất giữ bom nguyên tử tại Malaysia và Singapore. Dư luận thế giới đã đồng loạt lên tiếng phản đối và ngay cả viên Toàn quyền Anh ở Singapore cũng không đồng ý.

Vì vậy, kế hoạch tấn công hạt nhân của Anh đối với Trung Quốc đã được tiến hành chuẩn bị một cách bí mật. Sau đó, Anh mặc dù đã bố trí bom nguyên tử và máy bay ném bom tại sân bay Tengah (Sigapore) nhưng vẫn giấu giếm Chính phủ Singapore và ngay cả một người rất thân Anh là Thủ tướng Malaysia khi đó là Tunku Abdul Rahman Putra Al-Haj cũng không biết được nội tình.

Tuy nhiên, do e ngại sự phản đối từ các quốc gia Đông Nam Á nên vào thời điểm nhiều nhất Anh cũng chỉ bố trí tại căn cứ Tengah 6 máy bay ném bom nguyên tử. Số lượng máy bay ném bom nguyên tử này rõ ràng không đủ để chọc thủng được hệ thống phòng không nghiêm mật của Trung Quốc và càng không nói đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ tấn công Trung Quốc bằng bom nguyên tử.

Năm 1964, Trung Quốc đã nghiên cứu thành công bom nguyên tử. Chính sách đe dọa bằng bom nguyên tử của Anh đối với Trung Quốc đã thất bại. Tuy nhiên mối lo ngại của Anh về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để thu hồi Hồng Công cũng đã không thành sự thực và đến năm 1997, Hồng Công đã được trao trả về cho Trung Quốc trong hòa bình

T.V. (theo Tân Hoa xã)
.
.