Anh và Syria khôi phục hợp tác tình báo

Thứ Sáu, 28/11/2008, 09:45
Anh và Syria đã đạt được một thỏa thuận chung về việc hợp tác trong các vấn đề chống khủng bố – đó là khẳng định mới nhất của Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Miliband trong khuôn khổ chuyến công du quan trọng tới Trung Đông (bao gồm Israel, Bờ Tây sông Jordan, Syria và Liban).

Đáng chú ý nhất trong thỏa thuận này chính là việc London sẽ phục hồi lại các liên kết tình báo cấp cao nhằm chia sẻ thông tin tình báo với Damascus, một bước hợp tác được các quan chức tại phương Tây nhìn nhận là “vô giá” trong suốt nhiều tháng sau vụ khủng bố 11/9, tuy nhiên đã bị cắt đứt sau những cáo buộc Syria đã giúp đỡ cho quân nổi loạn tại Iraq.

Trong lần đặt chân tới Damascus lần này - cũng là chuyến đi đầu tiên của Ngoại trưởng Anh trong vòng 7 năm gần đây - ông Miliband đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Bashar al-Assad về nhiều vấn đề trong khu vực, trước khi gặp người đồng nghiệp Walid al-Muallem. Tham gia cuộc họp báo chung tại Damascus, ông Miliband còn khen ngợi Syria đã “có những bước đi quan trọng mang tính xây dựng trong vòng 18 tháng qua”, bao gồm cả việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao với hai nước láng giềng Liban và Iraq, cũng như việc tham gia đàm phán gián tiếp với Israel. “Syria đang có cơ hội để thực thi vai trò xây dựng của mình trong nhiều lĩnh vực của tiến trình hòa bình trong khu vực” – Ngoại trưởng Miliband nói.

Phát biểu tại Trường đại học Tổng hợp Mỹ tại Beirut sau đó, ông Miliband còn khẳng định “Anh sẽ hợp tác chặt chẽ về các vấn đề chống khủng bố với các nhà chức trách Syria”, sau khi cho biết số lượng các tay súng nước ngoài xâm nhập Iraq qua biên giới Syria đã giảm đáng kể trong 12 tháng gần đây. Bước ngoặt này được coi là đặc biệt có lợi đối với người Anh, khi mà Syria luôn được đánh giá là có các hệ thống thu thập thông tin tình báo tốt nhất tại Trung Đông, đặc biệt trong việc theo dõi các phong trào Hồi giáo cực đoan tại Iraq nói riêng và khu vực nói chung.

Theo tiết lộ của tờ The Times dựa trên một số nguồn tin cao cấp tại Syria, Ngoại trưởng Miliband đã đề xuất với đồng nghiệp Walid al-Muallem về việc khôi phục lại các quan hệ tình báo cấp cao trong một cuộc gặp hồi đầu năm nay tại New York. Về phần mình, ông Muallem cũng chính thức mời ông Miliband cùng các quan chức cao cấp của tình báo Anh sang thăm Damascus.

Chuyến viếng thăm của ông Miliband tới Trung Đông, trong đó có cả Syria cũng được phương Tây nhìn nhận là cơ hội để “thử nghiệm” thiện chí của Damascus trong việc mở rộng hợp tác với phương Tây, tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng bị cô lập của quốc gia này như hiện nay. Cần nhớ là từ trước đó, phương Tây đứng đầu là Mỹ đã triển khai một chính sách nhằm cô lập và cấm vận đối với Syria, nhất là sau vụ sát hại cựu Thủ tướng Liban Rafiq Hariri hồi 3 năm trước đây mà Damascus bị cáo buộc đứng đằng sau.

Tình hình trong quan hệ với Syria còn trở nên căng thẳng hơn, khi phương Tây lại tiếp tục lên án Damascus đã hỗ trợ cho các tay súng nổi loạn tại Iraq. Nhưng với việc Nhà Trắng sắp đổi chủ, chính sách đối đầu trước đó của phương Tây đã dần dần được từ bỏ, với những nỗ lực hàng đầu của Anh và Pháp nhằm thuyết phục Syria hợp tác nhằm xóa bỏ những rào cản cấm vận.

Riêng đối với London, ngay trước khi đặt chân tới thủ đô Beirut của Liban, ông Miliband đã công khai thừa nhận “vai trò thiết yếu” của Syria trong việc ổn định tình hình tại Trung Đông, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Anh sẽ quyết định “làm ấm” lại quan hệ với Damascus sau Pháp. Trước đó, quan hệ Anh - Syria đã bắt đầu có các dấu hiệu cải thiện từ năm ngoái, sau khi Damascus giúp giải thoát cho 15 thủy thủ người Anh bị Iran bắt giữ, cũng như làm trung gian với các nhóm vũ trang Palestine giúp trả tự do cho phóng viên Alan Johnston bị bắt cóc. 

Ông Miliband còn nhấn mạnh thêm rằng, Syria phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực chống khủng bố, tình hình Iraq, cũng như tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Ngoại trưởng Anh còn lên tiếng thúc giục Syria khôi phục lại các cuộc đàm phán với Israel. Tháng 5 vừa qua, Syria và Israel đã có những cuộc đàm phán gián tiếp với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, Damascus dường như không chấp nhận nhiều điều kiện do Tel-Aviv đưa ra, trong đó đáng chú ý có yêu cầu phải cắt đứt quan hệ với Tehran, Hezbollah cùng nhiều nhóm vũ trang Palestine khác.

Còn trong quan hệ Mỹ - Syria, tình hình căng thẳng có vẻ như chưa lắng dịu, khi Washington vẫn liên tục cáo buộc Syria để cho các tay súng vượt qua biên giới mình vào Iraq. Đó là chưa kể vụ tấn công vừa qua của quân Mỹ vào một khu vực nằm trong lãnh thổ Syria, gây ra phản ứng mạnh mẽ của nước này. Nhưng chuyên gia về Syria Joshua Landis tại Mỹ lại có nhận xét hoàn toàn theo cách khác khi bình luận về chuyến đi của ông Miliband: “Tương tự như người Syria đàm phán với Israel thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng sẽ đàm phán với Syria qua Anh”.

Dù sớm hay muộn, chính quyền của Tổng thống mới đắc cử Barack Obama sẽ thể hiện một thái độ hoàn toàn khác với Syria và Tổng thống  Bashar Assad của họ. Cần biết là trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, Thủ tướng Gordon Brown của Anh đã nhấn mạnh rằng, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Obama sẽ là cuộc xung đột Arập-Israel, cùng với nhiều mối quan tâm chủ yếu khác trong khu vực này, kể cả mối đe dọa hạt nhân của Iran.

Cũng theo ông Landis, chuyến công du của ông Miliband “chính là một thông điệp của Anh gửi cho ông Obama. Cũng như Pháp, người Anh muốn Mỹ sẽ tham gia thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria-Israel. Các cuộc đàm phán giữa Syria và Israel đã bắt đầu từ tháng 5 vừa qua, nhưng chính quyền Bush đã không hứng thú về cuộc đối thoại này và đã từ chối việc ủng hộ nó”

Thái Quân (tổng hợp)
.
.