Argentina: Những chuyến bay tử thần thời chế độ quân sự cầm quyền

Thứ Sáu, 26/04/2013, 19:30

Mới đây, Đội Nhân chủng học Pháp y Argentina (AFAT) một tổ chức khoa học phi chính phủ đã tìm thấy và xác định được danh tính của gần 600 người bặt vô âm tín dưới chế độ của các nhóm quân sự cầm quyền ở Argentina từ năm 1976 đến 1983. Những vụ mất tích bí ẩn đã để lại một vết sẹo khó phai trong xã hội Argentina suốt nhiều thập niên - đặc biệt đối với những gia đình có người thân bị lực lượng an ninh thời đó bắt cóc và thủ tiêu. Cuốn sách mới của nhà báo Fabian Magnotta giúp đưa ra câu trả lời cho một trong những bí ẩn đen tối và kéo dài nhất trong lịch sử Argentina.

Nhiều người bị lực lượng an ninh của chế độ quân sự cầm quyền bắt đi giữa đêm khuya ngay tại nhà họ, rồi bị tra tấn trong những trại giam bí mật và sau đó bị vứt bỏ xác. Kết quả điều tra kéo dài nhiều năm cho thấy một số thi thể bị chất nổ xé nát, một số khác được chôn trong ngôi mộ chung, còn tuyệt đại đa số những xác chết khác bị vứt bỏ xuống sông xuống biển. Vùng châu thổ Parana được coi là nghĩa địa tập thể của những người mất tích.

Marcos Oueipo lớn lên trong khu vực mà bản thân ông và nhiều người trong vùng từng chứng kiến nhiều xác chết từ trên trời rơi xuống. Vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước, Oueipo là thợ máy làm việc trên một đảo thuộc vùng châu thổ Parana, nằm cách thủ đô Buenos Aires của Argentina chừng 200km về phía bắc.

Oueipo kể lại: "Tôi nhớ mình đã nhìn thấy những chiếc máy bay quân sự ném nhiều chiếc túi xuống khu vực mà không biết trong đó là gì. Sau đó tôi nhìn thấy những chiếc túi trôi vào bờ sông. Lúc mở những chiếc túi ra, tôi rùng mình khi thấy những xác người".

Còn Jose Luis Pinazo - người có thâm niên 40 năm lái đò đưa học sinh sống trên các đảo của châu thổ - cho biết vài lần trong tuần, thậm chí có đợt gần như mỗi ngày ông đều thấy xác chết trôi trên sông.

Cuốn sách của nhà báo Fabian Magnotta còn mô tả chi tiết: Dân đảo vùng châu thổ Parana còn bắt gặp những xác chết treo lủng lẳng trên ngọn cây và có trường hợp một xác chết rơi thẳng xuống mái nhà của một người dân. Các chứng cứ thu thập được trong cuộc điều tra của nhà báo Magnotta được chuyển giao cho các công tố viên trong phiên tòa xét xử vừa diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua về "những chuyến bay tử thần".

Trong phiên tòa này, 7 người (bao gồm vài cựu phi công quân đội) bị buộc tội ném xác tù nhân từ trên máy bay xuống đất sau khi nhóm quân sự bắt đầu nắm quyền ở Argentina vào năm 1976. Sau khi phát hiện những túi đựng xác người trôi trên sông, Marcos Oueipo liền thông báo với cảnh sát nhưng họ bảo: "Hãy im lặng nếu không muốn điều tương tự sẽ xảy đến với anh".

Sau cuộc đảo chính của nhóm quân sự, sĩ quan các đồn cảnh sát ở Argentina đều bị giới quân sự thẩm vấn. Cũng giống như Oueipo, mọi người dân trên đảo thuộc vùng châu thổ Parana đều giữ im lặng về những xác chết trôi sông, không nói cho người ngoài nghe điều gì vì lo sợ cho sự an toàn của bản thân và gia đình.

Vùng châu thổ Parana.

Nhà báo Fabina Magnotta sống ở thành phố Gualeguaychu gần vùng châu thổ Parana. Trong nhiều năm dài, Magnotta dần dần xây dựng niềm tin của dân đảo với sự giúp đỡ của một người bạn sống ở Villa Paranacito, thành phố chính của châu thổ Parana. Ban đầu người dân đảo còn dè dặt không dám nói lên sự thật, nhưng sau đó họ trở nên mạnh dạn hơn khi biết tin về những phiên tòa xét xử và buộc tội những cựu sĩ quan quân đội diễn ra ở Argentina trong những năm gần đây. Lúc đầu, Oueipo và Pinazo chỉ đồng ý tiếp xúc với phóng viên Đài BBC nếu giữ bí mật cho họ, nhưng sau cuộc phỏng vấn họ liền thay đổi ý định và chấp nhận công khai về bản thân.

Nhà báo Fabina Magnotta cho biết: "Sau khi cuốn sách của tôi được xuất bản, ngày càng có thêm nhiều người khác sẵn sàng ra làm chứng về những sự việc kinh khủng xảy ra dưới chế độ độc tài quân sự trong quá khứ". Và, hiện nay ít nhất 2 lần trong tuần, Magnotta nhận được các e-mail hay điện thoại từ những người muốn cung cấp thêm thông tin cho cuộc điều tra của nhà báo. Cuốn sách của Fabian Magnotta đã tiếp thêm sức mạnh cho những người trước kia không dám nói lên sự thật về một quá khứ đẫm máu.

Santa Teresita Dezorzi mong muốn tìm thấy hài cốt con trai bị mất tích dưới chế độ độc tài quân sự. Bà Santa nay đã 82 tuổi nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội và đang lãnh đạo tổ chức nhân quyền mang tên "Những bà mẹ của Quảng trường tháng 5 Gualeguaychu". Oscar, con trai của bà bị lực lượng an ninh bắt đi khỏi nhà vào đêm 10/8/1976 rồi sau đó bặt vô âm tín. Oscar là thành viên của Montoneros, một nhóm du kích vũ trang chiến đấu chống chính quyền quân sự vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước. Lúc Oscar bị bắt và mất tích, con trai Emanuel của anh chỉ mới 5 tháng tuổi và nay đã 37 tuổi. Giống như bà, sự mất tích của người cha luôn là nỗi buồn đau mà Emanuel phải mang trong suốt cuộc đời.

Tháng 12/2012, đã diễn ra phiên tòa buộc tội 4 cựu sĩ quan quân đội và cảnh sát liên quan đến vụ bắt giữ bất hợp pháp, tra tấn và thủ tiêu Oscar Dezorzi cùng 3 nhà hoạt động cánh tả khác ở thành phố Gualeguaychu trong vùng châu thổ Parana. Nhưng, phiên tòa xét xử không cung cấp thông tin gì về hài cốt của Oscar Dezorzi đang ở đâu.

Emanuel nói: "37 năm không biết thông tin gì về cha tôi. Người thân mất tích là vết thương không bao giờ lành cho đến khi nào người mất tích quay trở về"

Duy Ân (tổng hợp)
.
.