Australia: Tung tiền tỉ sắm máy bay do thám không người lái

Thứ Sáu, 28/09/2012, 11:45

Cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Australia hôm 4/9 vừa qua đã ra tuyên bố gây chú ý mạnh trong giới an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương rằng, nước này sẽ chi số tiền lên đến 3 tỉ USD để mua sắm một đội máy bay không người lái thế hệ hiện đại nhất do Mỹ sản xuất để phục vụ công tác do thám tình báo trên không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chi tiết về hợp đồng mua máy bay do thám không người lái đã được tiết lộ trên Hãng tin ABC News ngay hôm 4/9. Theo ABC News, hợp đồng bao gồm hàng chục chiếc máy bay không người lái thuộc các thế hệ hiện đại khác nhau. Trong số các loại máy bay không người lái, Chính phủ Australia dự định mua có khoảng hơn chục chiếc Global Hawk, còn lại là Triton và P8 Poseidon.

Máy bay do thám tầm cao không người lái Global Hawk RQ-4 được xem là loại "lớn xác" nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại, chưa kể loại Triton hiện đại hơn và to xác hơn. Theo mô tả, chiếc Global Hawk RQ-4 có sải cánh rộng đến 39,8m, có thể bay cao đến 20km và duy trì trên không trung đến 35 giờ, tầm hoạt động xa 16.000km, vượt xa máy bay cùng loại có người lái.

Triton MQ-4C là loại máy bay do thám không người lái tân tiến nhất do Công ty Northrop Grumman sản xuất. Bề ngoài, Triton trông gần giống với Global Hawk, nhưng Triton có kích thước thân và cánh hơi lớn hơn Global Hawk một chút, nhưng khác nhau rất nhiều về phương diện kỹ thuật. Global Hawk được thiết kế bay do thám tầm cao bên trên vùng lãnh thổ hoặc cách 450km ngoài khơi bờ biển quốc gia đối tượng do thám. Trong khi đó, Triton là loại thiết bị bay có khả năng do thám một vùng hải dương rộng lớn, lên đến 7 triệu km2 trong vòng 24 giờ và có thể nhận dạng được tất cả các loại tàu thuyền lưu thông trên mặt nước. Về giá cả, Global Hawk và Triton có giá bằng nhau.

Một loại máy bay không người lái khác cũng đang được đề xuất sử dụng là Mariner, phiên bản hải dương của chiếc máy bay không người lái có vũ trang Reaper. Chiếc Mariner bay chậm và ở tầm thấp để có thể dễ dàng quan sát mục tiêu trên mặt biển. Đồng thời Mariner cũng được trang bị tên lửa không đối đất để tấn công mục tiêu. Năm 2006, những chiếc Mariner đầu tiên đã được bay thử ở vùng biển tây bắc Australia. So với loại Triton thì tính năng hoạt động của Mariner chỉ bằng 80%, nhưng về chi phí thì chỉ bằng 10% giá Triton. Đây là một vấn đề khiến các quan chức an ninh Australia đắn đo khi quyết định chọn sản phẩm, nhưng rốt cuộc, tính năng hoạt động vượt trội của Triton đã thắng thế.

Máy bay do thám không người lái Global Hawk RQ-4 là loại có sải cánh dài nhất và bay cao nhất.

Bộ Quốc phòng Australia tuyên bố mục đích trang bị máy bay do thám không người lái chủ yếu là để giám sát, theo dõi các vùng biển xung quanh nước này nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các tàu thuyền chở người nhập cư bất hợp pháp đến từ các vùng biển phía bắc và tây. Để phục vụ tốt cho mục đích này, RAAF muốn trang bị loại máy bay do thám không người lái thế hệ Triton. RAAF muốn có 7 chiếc loại này được giao hàng vào năm 2019. Hiện tại, RAAF đã đặt hàng 8 chiếc P8 Poseidon và sẽ giao hàng vào năm 2015. Tháng 6/2012, chiếc Triton đầu tiên dự định sẽ giao cho Australia đã được bay thử.

Tuy nhiên, việc bay thử cũng đã gặp một số trục trặc kỹ thuật dẫn đến việc một chiếc Global Hawk bị rơi khiến cho dư luận không an tâm. Từ đó, những tranh cãi xung quanh vấn đề trang bị máy bay do thám không người lái cho Tình báo quốc phòng Australia lại được xới lên. Các tranh cãi diễn ra giữa những người thích sử dụng máy bay do thám có người lái với những người chuộng phương tiện kỹ thuật hiện đại không người lái Global Hawk và Triton. Phía "chống không người lái" chủ yếu là Không lực Hoàng gia Australia (RAAF), mà nguyên nhân được cho là do RAAF lo ngại việc đưa vào vận hành các máy bay không người lái sẽ làm cho một bộ phận các phi công chuyên lái máy bay do thám P-3 Orion cũ không còn việc để làm.

Một lý do nữa là giá cả, chi phí cho việc mua sắm máy bay không người lái Global Hawk quá cao - giá 1 chiếc Global Hawk RQ-4 lên đến 200 triệu USD, kể cả chi phí mua sắm và lắp đặt hệ thống điều khiển mặt đất - trong khi Bộ Quốc phòng Australia đang buộc phải tiết kiệm mọi chi phí nhằm thực hiện việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Giới chuyên gia cho rằng, lẽ ra Australia đã có thể sử dụng máy bay không người lái cho hoạt động do thám các vùng biển mang tính chiến lược đối với lợi ích an ninh quốc gia của mình từ cách đây gần 10 năm, nhưng chính vì cuộc tranh cãi trong nội bộ chính phủ và giữa các đảng phái chính trị đã làm kéo dài thời gia mua bán.

Theo ABC News, việc mua sắm máy bay do thám không người lái đã từng được Chính phủ Australia đề xuất từ năm 2004. Thủ tướng John Howard khi đó rất ấn tượng với kiểu dáng và tính năng hiện đại của loại máy bay do thám Global Hawk nên đã lên kế hoạch mua 12 chiếc trị giá 1 tỉ USD. Tuy nhiên, đến năm 2009, kế hoạch mua sắm đã bị hủy bỏ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Joel Fitzgibbon tuyên bố hoãn 10 năm việc mua sắm máy bay do thám không người lái.

Khi vấn đề người nhập cư bất hợp pháp diễn biến ngày càng phức tạp, đặt ra nhu cầu mua sắm khí tài để theo dõi, giám sát trên biển. Từ đó, Chính phủ Australia bắt đầu xem xét lại việc sớm trang bị máy bay không người lái. Năm 2010, những ý kiến về việc mua sắm máy bay không người lái một lần nữa được đặt ra và lần này là "mua xài thử vài chiếc Global Hawk". Tuy nhiên, chi phí quá cao của Global Hawk một lần nữa khiến cho giới lãnh đạo Australia phải suy nghĩ lại và tìm kiếm những giải pháp thay thế phù hợp.

P8 Poseidon đã được chọn vì một số lý do: chi phí chỉ vào khoảng 1/3 chiếc Global Hawk, có thể bay tầm thấp, được trang bị tên lửa lẫn thủy lôi nên còn có khả năng chống tàu ngầm, và đặc biệt đây là loại có người lái nên có thể giải quyết thêm vấn đề việc làm cho các phi công RAAF chuyên lái máy bay do thám

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.