Australia gia tăng các biện pháp an ninh

Thứ Năm, 16/10/2014, 08:30

Vài ngày sau khi Cảnh sát Australia bắn chết một nghi can khủng bố có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Quốc hội nước này đã thông qua một loạt dự luật nhằm siết chặt kiểm soát an ninh trong bối cảnh mối đe dọa an ninh từ tổ chức cực đoan IS ở Iraq và Syria.

Quy định mới nhất để đảm bảo an ninh được thông báo hôm 2/10, theo đó các biện pháp an ninh cần thiết sẽ được triển khai nếu những người phụ nữ Hồi giáo vận trang phục trùm kín từ đầu và có tấm lưới che kín mặt bước vào các khu vực công cộng hoặc tham gia vào các sự kiện văn hóa trong tòa nhà Quốc hội Australia. Nếu một người phụ nữ Hồi giáo mang tấm trùm kín người và mạng che mặt tham dự một sự kiện trong tòa nhà Quốc hội thì sẽ bị buộc phải ngồi trong khu vực ghế ngồi có lồng kính để bảo đảm cách ly với khu vực xung quanh.

Thông báo từ Cục Phục vụ Quốc hội Australia cho biết, các biện pháp an ninh bổ sung có thể sẽ được triển khai nhằm bảo đảm không để lọt người mang mạng che mặt vào khu vực dành cho các nghị sĩ. Các biện pháp an ninh bổ sung có thể bao gồm việc thiết lập thêm một hàng rào an ninh vòng ngoài để sàng lọc đối tượng ra vào các khu vực bên trong tòa nhà Quốc hội.

Một số nghị sĩ ủng hộ việc cấm mang tấm trùm đầu burqa cho rằng khi một người mang tấm trùm đầu toàn màu đen, chỉ chừa ra 2 con mắt, mà lại có thêm mạng che chắn nữa thì nhìn vào không thể biết được đó là ai và người đó có mang hung khí gì hay không. Giả sử một phần tử IS mang tấm trùm kín như thế trà trộn vào bên trong tòa nhà Quốc hội thì quả thật là rất nguy hiểm.

Bộ trưởng Tư pháp George Brandis và tân Tổng Giám đốc ASIO Duncan Lewis giải trình về Luật An ninh mới.

Các biện pháp an ninh bổ sung nêu trên được cho là chỉ mang tính tạm thời trong giai đoạn báo động an ninh cao như hiện nay. Hạ tuần tháng 9 vừa qua, Cảnh sát và An ninh Australia đã tiến hành một chiến dịch truy lùng các phần tử khủng bố cực đoan từng đến Syria và Iraq tham gia lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng trở về. Hàng chục nghi can đã bị bắt tạm giam trong chiến dịch, một số tên sau đó đã được trả tự do.

An ninh Australia cho biết đã nhận được tin các nghi can IS này đã dự định tổ chức chặt đầu con tin ở Sydney rồi quay video để tung lên mạng. Vài ngày sau, một trong các nghi can có mang cờ màu đen của IS đã bị cảnh sát bắn chết tại khu vực đông nam thành phố Melbourne sau khi tên này có hành động đe dọa an ninh cá nhân Thủ tướng Tony Abbott.

Cũng nhằm đối phó với tình hình an ninh đang ở mức báo động nguy hiểm, ngày 25/9, Quốc hội Australia đã thông qua một dự luật mới mang tên Dự luật Sửa đổi Luật An ninh Quốc gia năm 2014. Luật an ninh mới này có một số điều chỉnh theo hướng gia tăng quyền hạn cho các cơ quan an ninh Australia trong cuộc chiến chống lại các nguy cơ khủng bố đang đe dọa đất nước. Một trong những điểm đáng chú ý của Luật An ninh sửa đổi là quy định "phạt tù 10 năm đối với tất cả mọi người, kể cả các phóng viên báo chí tiết lộ công khai thông tin về các hoạt động tình báo đặc biệt".

Điểm quan trọng nhất trong luật mới là cho phép Cơ quan An ninh Tình báo Australia (ASIO) thêm nhiều quyền hạn trong hoạt động chống khủng bố. Cụ thể, ASIO có thể thâm nhập, lục soát, kiểm tra, khống chế và sửa đối nội dung thông tin của các mạng máy tính, không hạn chế số lượng chỉ với một lệnh của cơ quan thẩm quyền (Bộ Tư pháp Australia).

Quy định này được lý giải là để kiểm soát hoạt động trên mạng Internet toàn cầu của người Australia nhằm ngăn chặn từ xa các hoạt động của các phần tử khủng bố liên quan đến IS. Tuy nhiên, Liên minh Luật sư Australia cho rằng, quy định này chẳng khác nào trao cho ASIO quyền lục soát toàn bộ Internet và hoàn toàn xâm phạm quyền riêng tư của công dân Australia.

Cơ quan Tình báo Australia ASIO đã có thêm nhiều quyền hạn trong việc do thám, lục soát, kiểm soát mạng internet.

Các biện pháp an ninh mới của Australia được thông qua một cách dễ dàng trong bối cảnh an ninh đáng báo động do khủng hoảng an ninh mang tên IS. Mặc dù vậy, việc thông qua các biện pháp an ninh đó cũng đã gây nên một số phản ứng từ phía công chúng và những tổ chức, cá nhân vận động vì quyền riêng tư, tự do cá nhân, tôn giáo, chống phân biệt đối xử.

Đối với quy định cấm mang tấm trùm đầu và che mặt burqa và biện pháp an ninh xung quanh nó, người ta cho rằng quy định cấm mang tấm trùm đầu burqa sẽ khiến cho phụ nữ Hồi giáo bị đối xử kỳ thị so với phụ nữ không theo Hồi giáo, sẽ tạo ra sự đối xử không công bằng giữa  các thành phần tôn giáo ở Australia, và thổi bùng lên sự chia rẽ, ngăn cách về văn hóa giữa các thành phần sắc tộc, tôn giáo khác nhau trong xã hội.

Riêng đối với vấn đề do thám mạng Internet của ASIO, nhiều tiếng nói không chỉ từ các tổ chức xã hội, công chúng mà ngay cả một bộ phận nghị sĩ, dẫn đầu là đảng Xanh, phản đối kịch liệt. Các nghị sĩ đảng Xanh cho rằng Luật An ninh mới đã trao cho ASIO quá nhiều quyền hạn không cần thiết, trong đó luật đã không xác định rõ ràng như thế nào là một "mạng máy tính" cho nên có thể tạo điều kiện cho sự diễn đạt không chính xác hoặc bị ASIO lạm dụng theo ý mình.

Việc cho phép ASIO lục soát và thao túng các mạng máy tính chỉ với một lệnh của cơ quan có thẩm quyền sẽ giúp ASIO tha hồ thực hiện các hoạt động do thám cá nhân một cách tùy tiện. "Không nên trao quá nhiều quyền lực cho một tổ chức, sẽ dễ dẫn đến sự loạm dụng" - Thượng nghị sĩ đảng Xanh Scott Ludlam nói.

Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng đó, việc ban hành các biện pháp an ninh mới vẫn được xem là cần thiết đối với Australia trong bối cảnh hiện nay. Australia vừa chính thức thông báo tham gia vào chiến dịch không kích IS ở Iraq và Syria do Mỹ khởi xướng. Ngay lập tức, IS đã phát động trên mạng Internet kêu gọi "chặt đầu" những người Australia không theo đạo Hồi. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.