Bà Corrie và căn hầm cứu mạng hàng ngàn người Do Thái trong Thế chiến thứ II

Thứ Hai, 22/10/2007, 10:30
Đầu năm 1941, Đức Quốc xã bắt đầu triển khai chiến dịch truy bắt người Do Thái. Để cứu mạng sống của những người này, bà Corrie bàn với gia đình cho đào một căn hầm ngay phía dưới phòng ngủ của mình để đưa họ đến đây trốn tránh trước khi tiếp tục được đưa đến nơi an toàn hơn, hay đến một quốc gia khác.

Trên 1.000 người Do Thái và phi công quân Đồng minh đã được bà Corrie cứu mạng sống khi cố giấu họ trong căn hầm được đào ngay phía dưới phòng ngủ của mình nhằm tránh sự truy bắt của mật vụ Đức Quốc xã trong Đại chiến thế giới lần thứ II.

Vì hành động dũng cảm này mà bản thân bà đã bị bắt vào trại tập trung và nhiều người thân trong gia đình phải trả giá bằng chính mạng sống của họ. Sau khi chiến tranh kết thúc, thay vì được tuyên dương, bà Corrie lại bị buộc tội cộng tác với Đức Quốc xã. Phải nhiều thập niên sau, những người được bà Corrie cứu mạng sống mới minh oan cho bà.

Cornella Johanna Arnolda ten Boom, còn gọi là Corrie ten Boom, sinh ngày 15/4/1892 tại thành phố Haarlem, phía bắc Hà Lan, trong một gia đình làm nghề chế tạo đồng hồ. Năm 1922, bà trở thành người phụ nữ Hà Lan đầu tiên được cấp giấy chứng nhận chuyên viên chế tạo đồng hồ.

Năm 1940, khi Đức Quốc xã xâm chiếm Hà Lan, bà Corrie và nhiều người thân trong gia đình tham gia phong trào kháng chiến. Xưởng sản xuất đồng hồ đặt tại ngôi nhà của gia đình bà trở thành địa điểm cất giấu vũ khí, tài liệu đồng thời là nơi hội họp của du kích quân tại thành phố Haarlem.

Đầu năm 1941, Đức Quốc xã bắt đầu triển khai chiến dịch truy bắt người Do Thái. Để cứu mạng sống của những người này, bà Corrie bàn với gia đình cho đào một căn hầm ngay phía dưới phòng ngủ của mình để đưa họ đến đây trốn tránh trước khi tiếp tục được đưa đến nơi an toàn hơn, hay đến một quốc gia khác.

Sau 3 tháng bí mật thực hiện, căn hầm được hoàn thành vào tháng 6/1941 với diện tích 16m2, có đèn điện chiếu sáng, thức ăn, thức uống và thuốc men đủ dùng cho 12 người trong vài ngày.

Từ tháng 6/1941, đến tháng 2/1944, thời điểm mà cả gia đình bà Corrie bị Đức Quốc xã bắt giữ, căn hầm của gia đình bà là nơi nuôi giữ 1.121 người Do Thái và một số phi công Đồng minh nhảy dù xuống miền Bắc Hà Lan khi máy bay của họ bị bắn rơi.

Vào ngày 28/2/1944, gia đình bà Corrie gồm bà, người cha tên là Caspar, anh trai là Willem và em gái là Betsie bị mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã bắt giữ tên Jan Vogel khi một kẻ phản bội cung khai tổ chức kháng chiến mà gia đình bà tham gia. May thay, lúc tiến hành lục soát căn nhà của bà Corrie, mật vụ Gestapo không phát hiện ra căn hầm.

Cả gia đình bà Corrie bị đưa đến giam giữ tại nhà tù Schevenigen ở thành phố La Haye, bị thẩm vấn và tra tấn nhưng không ai chịu khai bất cứ điều gì. Tại Schevenigen, sau 10 ngày bị tra tấn, ông Caspar đã qua đời.

Đến năm 1943, bà Corrie cùng anh trai và em gái bị chuyển tiếp đến giam giữ tại nhà tù Vugh ở gần thành phố Amsterdam. Trong thời gian bị giam giữ tại đây, anh trai Willem của bà Corrie bị lính canh bắn chết khi tìm cách đào thoát.

Tháng 3/1944, hai chị em bà Corrie lại bị chuyển đến Trại tập trung Ravensbruck ở miền Bắc nước Đức. Do biết nghề y tá nên bà Corrie được cho làm việc tại trạm y tế của trại.

Đến tháng 9/1944, đến lượt cô em gái Betsie cũng bị lính canh Đức bắn chết khi đi mót những củ khoai tây còn sót trên cánh đồng bên trong trại. Cái chết thảm của em gái đã làm bà Corrie suy sụp hoàn toàn.

Tháng 12/1944, trên đường từ Trại Ravensbruck đến thành phố Odenbourg để nhận thuốc men và thực phẩm, đoàn xe quân sự chở bà bị máy bay quân Đồng minh tấn công. Lợi dụng thời cơ, bà Corrie bỏ trốn vào một cánh rừng rồi tìm cách về lại Hà Lan.

Tuy nhiên, phải đợi đến tháng 3/1945, khi Hà Lan được giải phóng, bà Corrie mới quay về được thành phố Haarlem quê hương. Bà bắt tay sửa sang lại ngôi nhà và xưởng sản xuất đồng hồ để làm nơi cưu mang cho những người vô gia cư.

Thế nhưng tháng 9/1945, bà Corrie bất ngờ bị cảnh sát Hà Lan bắt giữ về tội cộng tác với Đức Quốc xã trong chiến tranh. Nguyên do là một vài tù nhân bị giam giữ cùng bà Corrie tại Trại Ravensbruck đã tố cáo bà cộng tác với đám giám thị trại giam nên được miễn lao động và nhất là không bị hành hạ, bị quản thúc và bị cấm cả nghề sản xuất đồng hồ. Không có chứng cứ hay chứng nhân để minh oan cho mình, bà Corrie đành phải lao động vất vả để mưu sinh.--PageBreak--

Năm 1969, Meyer Mossel, một người Do Thái từng được bà Corrie giấu trong hầm bí mật, sau đó trốn sang Anh trước khi đến định cư tại Canada, nhân dịp trở lại thành phố Haarlem của Hà Lan để tìm gặp người đã cứu mạng sống của mình thì mới biết được hoàn cảnh của bà Corrie.

Trở về Canada, Mossel tìm cách nối liên lạc với những người từng được bà Corrie cưu mang tìm cách minh oan cho bà. Biết được câu chuyện về bà Corrie qua báo chí, Frank Lendorf, cựu sĩ quan Đức Quốc xã, từng phụ trách trạm y tế tại Trại Ravensbruck, đã viết thư gửi Chính phủ Hà Lan xác nhận là bà Corrie nằm trong danh sách những tù nhân sẽ bị thủ tiêu nhưng bà đã may mắn trốn thoát được. Sau khi thẩm tra các thông tin cùng chứng cứ, đến năm 1970, Chính phủ Hà Lan mới chính thức xin lỗi vì đã buộc tội oan cho bà Corrie.

Từ năm 1971, căn nhà và căn hầm bí mật, xưởng sản xuất đồng hồ của gia đình bà được chỉnh trang thành một bảo tàng tư nhân mang tên viện Bảo tàng Ten Boom.

Đến năm 1973, với sự cộng tác của hai vợ chồng nhà báo người Anh John và Elizabeth Sherrill, bà Corrie đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “Nơi để trốn tránh”. Chỉ sau một năm xuất bản, cuốn sách đã được bán đến hai triệu bản và được tái bản nhiều lần.

Năm 1977, ở tuổi 85, bà Corrie được con cháu của những người Do Thái từng được bà cưu mang trong chiến tranh đưa đến thành phố Orange, bang California, Mỹ, để phụng dưỡng tuổi già như là cách đền ơn đáp nghĩa. Tại đây, bà Corrie qua đời vào ngày 15/4/1983.

Trước đó, vào năm 1980, bà Corrie được đích thân Nữ hoàng Beatrix của Hà Lan trao tặng Huân chương Hiệp sĩ và Chính phủ Israel lấy tên bà đặt cho một con đường tại thành phố Haifa

Văn Hòa (theo Reader's Digest)
.
.