Ba cuộc thử nghiệm tâm thần khủng khiếp

Thứ Sáu, 20/07/2007, 09:00
"Những cuộc thử nghiệm tâm thần khủng khiếp nhất trong lịch sử của nhân loại" là cách gọi của tạp chí  Bizarre của Mỹ số ra mới đây về 3 cuộc thử nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân gây ra những hành vi tội phạm.

Tuy vậy, do đi quá xa giới hạn cho phép nên 3 cuộc thử nghiệm đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là gây phản cảm.

Cuộc thử nghiệm SPE

SPE là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Stanford Prison Experiment (Cuộc thử nghiệm ở nhà tù Stanford). Ban đầu nó nhằm mục đích đơn thuần là tìm hiểu khả năng thích ứng của con người với cuộc sống trong tù, kể cả tù nhân lẫn cai ngục, trong đó "nhà tù" được tạo bởi các chuyên gia khoa Tâm thần thuộc Đại học Stanford.

Thí nghiệm được bắt đầu bằng sêri quảng cáo chiêu sinh trên tờ Philip G.Zimbado (Mỹ) với nội dung như sau: “Cần tìm các sinh viên nam để phục vụ cho một nghiên cứu về cuộc sống trong tù, thù lao 15 USD/ngày trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ 14-8". Sau khi đăng tin đã có trên 70 thí sinh nộp đơn, tất cả đều được phỏng vấn và qua bước kiểm tra tâm lý để phát hiện ra những hiện tượng không bình thường.

Cuối cùng, 24 thí sinh trúng tuyển, và được phân thành 2 nhóm, 12 người có nhiệm vụ làm cai ngục, 9 người được phân làm tù nhân và 3 dự phòng khi cần thiết.

Sáng sớm ngày 14/8/1971, 9 người trong nhóm tù nhân đã được cảnh sát bắt giữ bằng xe chuyên dụng và dẫn thẳng về đồn. Tại đây, họ được lấy dấu vân tay, chụp ảnh và đưa vào nhà giam, được thông báo lý do bị bắt về tội ăn cướp và trộm cắp có vũ trang. Về "nhà giam", họ cũng phải trải qua các công đoạn nhập môn, giống phạm nhân thực sự như bị lột hết quần áo, đứng giữa sân nhà lao, không được kêu ca phàn nàn.

Sau đó họ còn bị chụp hình, mặc trang phục nhà tù, không có quần áo lót, đánh số tù nhân ghi trước ngực và sau lưng. Từ đây, tên thật của họ được thay bằng số tù và cắt tóc theo quy định nhà tù, ngoài ra chân bị cùm xích sắt, 3 người phải ở chung một buồng rộng 1,8 x 2,7 mét.

Những người được phân làm cai ngục có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ nhà tù và tù nhân, nhóm người này được chỉ dẫn cách đối xử với tù nhân, với quy định không được phép lạm dụng thể xác nhưng lại được làm cho tù nhân cảm thấy đau khổ và sợ họ thực sự, thực sự thấy bất công và cuộc đời đang nằm trong tay những người khác và không có bất kỳ một đặc ân nào. Tóm lại, cai ngục là người có quyền còn tù nhân thì ngược lại.

Ngay trong ngày đầu tiên, cai tù đã lùa các tù nhân ra khỏi nhà lao và điểm danh vào lúc 2 giờ 30 phút. Đến sáng tất cả tù nhân nổi dậy, dùng giường, đồ đạc trong phòng chắn hết cửa nhà lao, còn cai ngục thì dùng bình cứu hỏa CO2 xịt, sau đó lột bỏ quần áo tù nhân, đưa hết giường chiếu ra ngoài để cảnh cáo. Ngoài ra, tù nhân còn không được phép dùng bồn tắm vệ sinh, chỉ được phép dùng thùng chứa rác. Sau 22 giờ, tất cả phải đi ngủ. 

Sau một ngày rưỡi thử nghiệm, tù nhân 8612 bắt đầu kêu khóc thảm thiết, buộc người ta phải thả, đến ngày thứ 3 một tù nhân nữa được phóng thích, còn phía cai ngục thì có vẻ hung hăng hơn và làm những điều vô lý hơn. Do quá khổ, tù nhân số 416, tên thật là Clay đã tuyệt thực với hy vọng được thả và đây là bằng chứng rất tích cực phục vụ cho nghiên cứu nói về những tác hại của cuộc sống trong tù với con người, và theo tù nhân 416 thú nhận thì anh ta bắt đầu cảm thấy bị mất lòng tự trọng, không còn nhận thức được mình đang tham gia một cuộc thử nghiệm mà là một tù nhân thực sự. Cuộc thử nghiệm này phải dừng vào ngày 20/8/1971, có nghĩa là mới được 5 ngày sau khi một người bạn gái tù nhân có tên là Zimbardo đã tận mắt chứng kiến cảnh khổ của bạn mình.

Tiếp đó 5 trong số 9 tù nhân đã được ra tù, 4 người phải phá vỡ hợp đồng, đặc biệt có một người phát bệnh dẫn đến chứng giảm thị lực và 1/3 số cai tù xuất hiện hội chứng “buồn chán”, một người trong số họ tên là John Wayne đã mắc bệnh thần kinh nói năng lảm nhảm và hầu hết những người trong cuộc cảm thấy bị bệnh tâm thần quá nặng và có cảm giác như kẻ có lỗi giống như binh lính của Hitler.

Cuộc thử nghiệm BDE

BDE (Bobo Doll Experiment - tạm dịch Cuộc thử nghiệm bằng búp bê Bobo). Đây là cuộc thử nghiệm bị coi là phi đạo đức do nhà khoa học tâm thần Albert Banduara ở Đại học Stanford, Mỹ thực hiện năm 1961 ở những đứa trẻ nhỏ. Mục đích tìm hiểu về hành vi hung hãn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khả năng bắt chước hành vi ở người lớn.

Trong thử nghiệm này Banduara đã chọn 72 đứa trẻ trong độ tuổi từ 3-4 tuổi tham gia. Chúng được chia thành nhiều nhóm; một nhóm chơi trò ghép hình, còn nhóm lớn hơn chơi các trò khác. Sau đó vài phút nhóm lớn tuổi bắt đầu có hành động hành hung búp bê Bobo Doll (búp bê cao tới 1,5 mét) như cào xước mặt, đánh đập. Ngoài ra, nhóm trẻ này còn lăng mạ búp bê theo cách của chúng.

Sau đó, nhóm tiếp tục được dẫn vào phòng mới cũng có búp bê Bobo Doll. Tại đây, chúng được phép tháo búp bê để “nghiên cứu” và trong khi cuộc chơi đang hào hứng, người ta đã bắt chúng phải dừng lại và từ bỏ đồ chơi, tất cả đều tức giận và kết quả người ta đã phát hiện thấy trên 400 hành vi bạo lực đối với búp bê Bobo Doll, phần lớn là học được từ những đứa trẻ có cá tính hung hãn.

Nghiên cứu OTA

Nghiên cứu OTA (Obedience-to-Authority - tạm dịch: nghiên cứu về sự tuân lệnh thượng cấp) của Stanley Milgram, mục đích là nhằm tìm câu trả lời tại sao con người lại phải chấp hành mệnh lệnh mặc dù những lệnh đó dẫn tới việc làm tội ác, vô nhân đạo. Những người tham gia trong cuộc thử nghiệm có độ tuổi từ 20-50 với trình độ văn hóa khác nhau, mức thù lao 4,5 USD/giờ nhưng lại không được thông báo trước mục đích thử nghiệm. Mỗi người được phát một tờ giấy trong đó ghi là “giáo viên” hoặc “học viên”.

Trong thực tế những người là giáo viên đã được Milgram ấn định, đây là những người có học nhưng ghi là học viên. Những học viên được người ta đưa ra một số cụm từ và có nhiệm vụ nhớ lại, còn giáo viên được gắn vào các điện cực và mỗi khi có câu trả lời sai thì điện cực lại giật và tăng lên 15 vôn, nếu câu tiếp theo mà sai thì dòng điện lại tăng tiếp.

Máy giật điện có 30 công tắc, mỗi công tắc có mức riêng, 15 vôn trở xuống được ghi là “mức  thấp” đến 450 vôn tức là “mức nguy hiểm”. Giữa hai mức cuối có ghi ký hiệu XXX. Mỗi câu hỏi sai thường đi kèm một cú giật, ở mức tăng tiếp từ 75 vôn đến 120 vôn và đến 150 vôn thì những người này không chịu được nữa phải bỏ cuộc và nếu ai tiếp tục thì khi ở 200 vôn bắt đầu kêu lên, 300 vôn thì tiếng kêu càng lớn nhưng đến 330 vôn thì im bặt.

Qua nghiên cứu này cho thấy có tới 4% thú nhận về mối nguy hiểm của điện giật gây chết người nhưng không có ai dừng lại trước mức 300 vôn, có 27 trong số 40 người thuộc nhóm giáo viên chịu được đến mức 450 vôn mặc dù rất nguy hiểm, thậm chí có người khi ra vẫn không dám thú nhận sự thật.

Một người Do Thái sau khi ra khỏi cuộc thí nghiệm đã thú nhận đây là cuộc thử nghiệm mang tính vô nhân đạo, nhằm kiểm chứng xem những người Mỹ bình thường tuân thủ quy định mang tính đạo đức tốt có tốt bằng người Đức hay không và để kiểm chứng tại sao Adolf Eichmann biết việc làm của mình ở Hollocust là vô nhân đạo nhưng vẫn cắm đầu vào làm, đồng thời qua đây cho thấy những người ít học, trình độ văn hóa thấp là nhóm người rất dễ bị sai khiến

Khắc Nam (Theo Bizarre)
.
.