Ba nghị sĩ Mỹ đã từng được chính quyền Iraq cung cấp tài chính?

Thứ Bảy, 05/04/2008, 10:15
Tại Mỹ vừa nổ ra một vụ bê bối lớn liên quan đến chuyến đi Iraq năm 2002 của một nhóm nghị sĩ thuộc phe Dân chủ. Theo những công bố của cơ quan điều tra, chuyến đi này đã được Cơ quan Mật vụ của Iraq cung cấp tài chính thông qua một công dân Mỹ gốc Iraq từng làm việc trong một tổ chức từ thiện.

Những thông tin về vụ bê bối được công bố vào đúng thời điểm nhạy cảm chuẩn bị bầu cử tổng thống Mỹ, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng "nặng nề" đến hình ảnh của đảng Dân chủ và các ứng cử viên của họ...

Hôm 26/3 vừa qua, Viện Kiểm sát liên bang Mỹ đã công bố một thông tin khiến công luận Mỹ phải ngã ngửa, theo đó chuyến đi Iraq của 3 nghị sĩ Dân chủ trong giai đoạn tháng 9 và 10/2002 (tức là chỉ 5 tháng trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Mỹ tại quốc gia này) đã được cung cấp tài chính bởi... Cơ quan Tình báo đối ngoại Iraq.

Cho dù bản kết luận điều tra này đã “né” không nhắc tên cụ thể của những cá nhân liên quan, nhưng ba nhân vật của chuyến đi nổi tiếng khi đó thì ai cũng đều đã biết – đó là các nghị sĩ Jim McDermott, Mike Thompson và David Bonior (từ các bang Washington, California và Michigan). Hai ông nghị đầu tiên hiện vẫn đang có mặt trong thành phần Hạ viện Mỹ.

Thời điểm cuối năm 2002 là lúc chính phủ của phe Cộng hòa đang triển khai những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch quân sự tại Iraq. Trên bình diện quốc tế, chính quyền Bush ra sức vận động để đạt được các biện pháp cấm vận toàn diện đối với Iraq.

Tất nhiên là trong một giai đoạn quan trọng như vậy, chuyến thăm Iraq của 3 nghị sĩ đảng Dân chủ (đều có quan điểm chống lại chiến dịch quân sự sắp tới) đã gây ra một làn sóng chỉ trích gay gắt từ những nhân vật diều hâu trong chính quyền Bush. Ngay tại Quốc hội, một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa còn khuyên họ nên “im lặng” hay “không nên thọc mũi vào chuyện người khác”.

Theo công bố chính thức của các phương tiện truyền thông đại chúng khi đó, chuyến đi này là do Hội đồng Giáo hội Seattle tổ chức và đơn thuần chỉ mang tính chất nhân đạo. Tất nhiên là trong bối cảnh bị cấm vận hoàn toàn và bị đe dọa chiến tranh khi đó, chính quyền Saddam không thể bỏ lỡ một cơ hội tuyên truyền quan trọng.

Các nghị sĩ Mỹ đã được đích thân ông Tarik Aziz - Phó thủ tướng đồng thời cũng là chiến hữu thân cận nhất của Tổng thống Saddam Hussein – tiếp đón nồng nhiệt. Trở về Mỹ sau chuyến đi, những nghị sĩ này đã có nhiều bài phát biểu phê phán gay gắt chính quyền Bush, cụ thể như Nhà Trắng rõ ràng đang tìm kiếm bất cứ một lý do để có thể phát động chiến tranh.

Theo Viện Kiểm sát Mỹ, suốt từ nhiều năm nay, họ đã tổ chức điều tra về hoạt động của công dân Mỹ (sinh ra tại Iraq) có tên Muthanna Al-Hanooti. Đây chính là nhân vật đã trực tiếp tổ chức “chuyến đi thăm lịch sử năm 2002”, khi còn là nhân viên của Life for Relief and Development (LIFE) – một tổ chức nhân đạo được thành lập tại Michigan vào năm 1992 với mục đích ban đầu là giúp đỡ nhân dân Iraq sau cuộc chiến Vùng Vịnh.

Các nhà chức trách Mỹ khẳng định, Al-Hanooti đã được mật vụ Iraq tuyển mộ ngay trong giai đoạn 1999-2000. Bản cáo trạng đối với nhân vật này cho biết, theo chỉ thị của mật vụ Iraq, Al-Hanooti đã ra sức tuyên truyền thông tin phê phán chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ với Iraq, cũng như trao cho tình báo Iraq thông tin về những nghị sĩ có thể bỏ phiếu ủng hộ đề xuất gỡ bỏ cấm vận.

Vào năm 2002, mật vụ Iraq đã trao cho Al-Hanooti 34.000 USD để tài trợ cho chuyến đi của 3 nghị sĩ Mỹ. Anh ta còn có nhiệm vụ hộ tống các nghị sĩ  trong suốt chuyến đi. Để trả công cho việc này, theo như nội dung cáo trạng, chính phủ Iraq đã bí mật cho Al-Hanooti quyền mua 2 triệu thùng dầu trong khuôn khổ chương trình “Đổi dầu lấy lương thực” theo giá ưu đãi khi đó.

Nhân vật này đã bán lại số dầu trên cho một số công ty đăng ký tại Síp. Những chi tiết của thương vụ này không được nêu rõ, nhưng nếu tính sơ sơ giá dầu khoảng 30 USD/thùng vào tháng 12/2002, Al-Hanooti phải thu được ít nhất 60 triệu USD.

Với những nội dung công bố trên, Muthanna Al-Hanooti bị cáo buộc tội hoạt động gián điệp, vi phạm quy định cấm vận kinh tế chống Iraq và đưa ra lời khai giả – đồng nghĩa với án tù vài chục năm nếu như tất cả những cáo buộc trên được chứng minh trước tòa. Ngay sau hôm bị bắt vào ngày 26/3, Tòa án Deitroit đã quyết định tạm thả Al-Hanooti (người hiện vẫn kiên quyết bác bỏ các nội dung cáo buộc) sau khi nhân vật này nộp khoản tiền thế chân 100.000 USD, đồng thời chấp nhận mang vòng giám sát điện tử.

Bản thân ba nghị sĩ Mỹ, theo như nội dung điều tra, đã không biết được ai là người trên thực tế đã cung cấp tài chính cho chuyến đi của mình. “Không một nghị sĩ nào trong số này bị buộc tội vi phạm pháp luật; chúng tôi cũng không có thông tin về việc họ được biết về sự dính líu của mật vụ Iraq trong chuyến đi” – đại diện chính thức của Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố như vậy về vụ việc. Trước câu hỏi của báo chí, nghị sĩ Jim McDermott thanh minh, ông chỉ được biết chuyến đi do các tổ chức từ thiện của giáo hội chi trả.

Còn nghị sĩ Mike Thompson thì nói, chuyến đi đã được sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao Mỹ và LHQ. Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn các nghị sĩ trên sẽ không gặp phải rắc rối về pháp lý trong vụ việc này. Nhưng đây không phải là “chuyện tình cờ”, nhất là vào một thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

Trên một số tờ báo thân phe Cộng hòa đã xuất hiện các bài báo có giọng điệu phê phán kịch liệt nhằm vào 3 nghị sĩ của phe Dân chủ vô tình đã trở thành công cụ tuyên truyền của mật vụ Iraq. Vụ Al-Hanooti rõ ràng đã được tận dụng làm công cụ “ghi điểm” cho phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay

Thái Quân (tổng hợp)
.
.