Bác sĩ giúp tìm ra Bin Laden bị xử 33 năm tù: Điệp viên hay “con tốt thí”?

Thứ Tư, 06/06/2012, 22:50
Vụ Tòa án tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, xử bác sĩ Shakil Afridi không những khiến quan hệ Mỹ-Pakistan trở nên căng thẳng mà còn làm cho tình hình trong ngành tình báo hai nước trở nên rối rắm. Những người công tác trong ngành an ninh của cả Mỹ lẫn Pakistan đều tự hỏi rằng không hiểu bác sĩ Afridi là điệp viên mật làm việc cho CIA hay chỉ là một "con tốt thí" (pawn), hoặc cả hai?

Phiên xử vô tiền khoáng hậu

Bác sĩ Shakil Afridi, hiện bị giam giữ tại nhà tù ở Peshawa, không được phép có mặt tại tòa nên ông không thể tự biện hộ cho mình. Tuy không có bị cáo nhưng hàng ngàn người hiếu kỳ vẫn tụ tập phía trước tòa khi không vào được trong phòng xử, khẳng định rằng đây là định mệnh của bác sĩ  Afridi - một thứ định mệnh nghiệt ngã.

Trong hệ thống tư pháp bộ tộc, người đứng đầu của bộ tộc thực hiện chức năng của một thẩm phán, điều này có nghĩa là phiên tòa sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết và không nhất thiết phải tuân theo các trình tự pháp lý thông thường do thẩm phán được chính phủ bổ nhiệm làm chánh án.

Được biết, chẳng bao lâu sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị Đội 6 của Đặc nhiệm SEAL Mỹ (ST-6) tiêu diệt ngày 2/5/2011 tại khu nhà do Afridi phát hiện ra rồi chỉ cho CIA ở thị trấn Abbottabad, Pakistan, Afridi bị an ninh Pakistan bắt vào ngày 22/5 về tội âm mưu chống lại Nhà nước Pakistan - tội mà theo luật Pakistan, có thể bị xử án tù chung thân.

Cuối năm 2011, Afridi đã bị người đứng đầu của bộ tộc xử, cũng tại Khyber Pakhtunkhwa, ông bị tuyên án 3 năm tù và nộp phạt 3.500 USD, nếu không nộp phạt, sẽ phải chịu thêm 3 năm tù nữa.

Trong phiên xử lần này, sau khi khẳng định Afridi phạm tội phản quốc và phải xét xử theo hệ thống pháp lý bộ tộc về tội tiến hành một chương trình tiêm chủng trá hình để thu thập thông tin của trùm khủng bố Osama bin Laden cùng những thành viên trong gia đình trùm khủng bố, người đứng đầu bộ tộc đã tuyên án Afridi 33 năm tù.

Do bị can Afridi không tự biện hộ được và cũng không có luật sư được nhà nước chỉ định biện hộ cho Afridi nên phiên xử diễn ra chóng vánh, án tuyên đã ngay tức khắc có hiệu lực. Và thế là sóng gió dậy lên...

33 năm tù tương ứng với 33 triệu đôla viện trợ

Chiến công của tình báo và đặc nhiệm Mỹ như cái tát vào mặt giới chức Pakistan. Họ cảm thấy bị sỉ nhục khi Bin Laden ở ngay chính trên lãnh thổ của mình mà giới chức an ninh không hề hay biết gì. Chính phủ Islamabad cũng cho rằng cuộc đột kích của Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của họ. Do đó, sau khi Bin Laden bị bắn chết, Cảnh sát Pakistan đã bắt giữ bất kỳ những ai có liên quan đến kế hoạch ám sát Bin Laden.

Phóng viên Đài BBC News Aleem Maqbool tại Islamabad cho biết, kể từ sau vụ hạ sát Bin Laden, thì hầu hết những người bị bắt giữ là những người đã có công dẫn đến vụ đột kích chứ không phải những người đã bao che ông ta.

Trong khi Pakistan luôn nhất mực cho rằng, bất cứ quốc gia nào cũng sẽ hành động như họ nếu phát hiện công dân của mình làm việc cho tình báo nước ngoài, thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng, mọi hành động chống lại những người đã giúp truy tìm trùm khủng bố Bin Laden là một sai lầm nghiêm trọng thực sự.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng  Panetta lẫn Ngoại trưởng Hillary Clinton đều nói rằng việc bắt giữ Afridi là sai lầm và yêu cầu trả tự do cho ông Afridi. Ngày vừa qua, trong khi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ do Thượng nghị sĩ John McCain chủ trì tại Điện Capitol, cả hai cho rằng Afridi có công truy tìm khủng bố, không đáng phải nhận một bản án nặng nề như vậy. Không chỉ có công với Mỹ, mà Afridi còn có công với đất nước Pakistan và việc xử Afridi tội phản quốc là không có cơ sở pháp lý.

Và lời kêu gọi đã được đáp ứng. Chiều ngày 25/5/2012, Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ tuyên bố cắt giảm 33 triệu USD tiền viện trợ hàng năm Mỹ dành cho Pakistan, tương ứng với 33 năm tù mà Afridi vừa bị tuyên án. Theo giới am hiểu tình hình, đây là đòn đầu tiên Quốc hội Mỹ giáng vào Pakistan, báo hiệu cho những đòn kế tiếp mạnh hơn nếu Chính phủ Pakistan không bày tỏ thái độ khoan hồng nào đối với Afridi.

Theo phóng viên BBC Ilyas Khan, việc kết án Afridi có thể làm cho quan hệ Mỹ - Pakistan vốn đã không êm ả kể từ sau vụ hạ sát Bin Laden, nay càng căng thẳng hơn. Hơn nữa, gần đây các cuộc không kích của máy bay không người lái của Mỹ và quyết định của Pakistan từ chối mở lại tuyến đường tiếp tế đến Afghanistan cho NATO cũng đã khiến mối quan hệ giữa hai đồng minh vốn rất thân cận này càng bị tổn thương. Quốc hội Pakistan đã yêu cầu chấm dứt sử dụng máy bay không người lái trên lãnh thổ Pakistan. Theo các quan chức an ninh Pakistan, hôm  diễn ra phiên xử Afridi, một cuộc tấn công của máy bay không người lái đã giết chết 4 người ở khu vực phía bắc bộ tộc Waziristan.

Việc các quan chức cao cấp của Mỹ sẵn sàng dùng những ngôn từ xác đáng nhất để bênh vực bác sĩ Afridi, cùng với việc Mỹ cắt giảm 33 triệu USD tiền viện trợ cho Pakistan nói lên điều gì? Quan chức CIA cao cấp trực tiếp liên hệ với Afridi trong điệp vụ "Tiêm chủng giả dạng để truy tìm tung tích trùm khủng bố Bin Laden" là điệp viên Reuel Marc Gerecht nhưng ông này không hề hé lộ nửa lời về câu hỏi "Afridi phải chăng là điệp viên CIA?”. Cả Afridi cũng thế. Những lần bị giới tình báo Pakistan thẩm vấn, ông  cũng chẳng hề hé lộ nửa lời rằng mình làm việc cho CIA.

Nhưng nếu Afridi không phải là điệp viên mật làm việc cho CIA trong chiến dịch truy tìm Bin Laden, thì ông ta đùa giỡn với cái chết như thế để làm gì? Nhiều nhà báo và phân tích gia chuyên nghiệp đều cho rằng Afridi là điệp viên làm việc cho CIA. Nhưng nếu đúng thế, thì theo phóng viên Ilyas Khan, ông cũng sẽ không bao giờ thừa nhận vì trong điều lệ CIA có việc những điệp viên làm việc cho CIA nhưng không bao giờ được CIA công nhận là điệp viên, theo Gerecht, là để bảo vệ mạng sống cho chính điệp viên này. Kể cả khi Afridi vì thế mà bị giết, CIA cũng không hề hé lộ nửa lời!

Lê Miên Tường (theo BBC News)
.
.