Thấy gì qua việc ELN đồng ý đàm phán với Chính phủ Colombia?

Thứ Hai, 07/11/2016, 21:35
Ngày 10-10-2016, tại thủ đô Caracas, Venezuela, đại diện cho Chính phủ của Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (người vừa đoạt giải Nobel hòa bình) và nhóm nổi dậy mang tên "Quân đội Giải phóng Quốc gia Colombia" (ELN) đã chính thức tuyên bố gặp gỡ công khai để cùng bàn về một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Bản thông cáo chung được trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia là ông Mauricio Rodriguez và trưởng đoàn đàm phán của ELN là ông Pablo Beltran đọc tại trụ sở Bộ Ngoại giao Venezuela đã nêu rõ: Cuộc hòa đàm sẽ bắt đầu tiến hành tại thủ đô Quito, Ecuador, từ ngày 27-10.

Khi các thầy tu tham gia “quốc sự”

Nằm ở tây bắc Nam Mỹ và một phần Trung Mỹ, Colombia có chung biên giới với Panama, Venezuela, Brazil, Ecuador và Peru. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng có vùng biển tiếp giáp với Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Jamaica, Dominica và Haiti.

Castano - người sáng lập ELN, Moron - Chỉ huy phó và linh mục Camilo Torres.

Năm 1819, sau những cuộc nổi dậy chống lại ách cai trị của thực dân Tây Ban Nha do Simon Bolivar lãnh đạo, Colombia - lúc ấy bao gồm cả Granada, Ecuador và Venezuela - tuyên bố độc lập. Năm 1821, Simon Bolivar trở thành tổng thống nhưng do chính sách mất ổn định nên năm 1830, cả Granada, Ecuador lẫn Venezuela đều tách ra thành 3 quốc gia riêng rẽ, dẫn đến những cuộc nội chiến đẫm máu, trong đó đáng kể nhất là "cuộc chiến tranh 10 nghìn ngày", kéo dài từ  1899 đến 1902.

Năm 1903, người Mỹ tiến hành đào kênh Panama. Sau khi hoàn thành, năm 1921 Chính phủ Mỹ đã trả cho Colombia 25 triệu USD để nước này công nhận Panama theo tinh thần Hiệp ước Thomson-Urrutia. Ngay sau đó, Colombia lại lâm vào cuộc chiến tranh với nước láng giềng Peru về vấn đề lãnh thổ.

Thế chiến II chấm dứt, nhưng từ cuối những năm 1940 đến đầu thập niên 1950, Colombia rơi vào tình trạng hỗn loạn mà nguyên nhân được cho là sự căng thẳng giữa hai đảng phái chính trị hàng đầu là đảng Tự do và đảng Bảo thủ, nhất là sau vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống Jorge Eliecer Gaitan của đảng Tự do, xảy ra ngày 9-4-1948 rồi tiếp theo là những cuộc bạo loạn ở thủ đô Bogota. Rất nhanh chóng, những cuộc bạo loạn lây lan trong cả nước, cướp đi sinh mạng của ít nhất 180.000 người Colombia.

Năm 1950, Colombia dính vào cuộc chiến Triều Tiên. Đó là nước duy nhất ở châu Mỹ Latinh tham gia các hoạt động quân sự trực tiếp như một đồng minh của Mỹ. Đến đầu thập niên 1960, nhiều nhóm du kích chống Chính phủ Colombia ra đời, chẳng hạn như "Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), nhóm M-19, nhóm "Quân đội giải phóng nhân dân (EPL) và "Quân đội giải phóng quốc gia" (ELN), trong đó ELN được coi là tổ chức mạnh thứ nhì, chỉ sau FARC.

Du kích ELN trong những ngày đầu mới thành lập.

Sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo ở Calarca, tỉnh Quindio, Colombia, lúc đang học năm thứ 4 ngành Khoa học xã hội tại Đại học Bogota, Fabio Vasquez Castano nhận được học bổng nghiên cứu kinh tế của Chính phủ Cuba.

Trong suốt thời gian ở La Habana, thủ đô Cuba, Castano được các bạn đồng môn mô tả là người "thông minh nhưng độc ác, sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình bằng một viên đạn thay vì lập luận để phân định đúng sai, cũng như không ngần ngại bắn bạn bè mình nếu có sự khác biệt về ý thức hệ".

Chịu ảnh hưởng rất lớn của nhà cách mạng huyền thoại Che Guevara, năm 1962, tại La Habana, Castano và 10 sinh viên Colombia khác, thành lập "Lữ đoàn Giải phóng Jose Antonio Galan" nhưng thực tế chỉ có 7 người tham gia hoạt động, gồm Castano (giữ vai trò lãnh đạo), Victor Medina Moron (là phó), Ricardo Lara Parada, Heriberto Espitia, Luis Rovira, Jose Merchan và Mario Hernandez. Mục tiêu của lữ đoàn này là tiến hành tại Colombia một cuộc chiến tranh du kích, lật đổ chính quyền, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ như Che đã làm ở Bolivia

Đầu năm 1964, Castano cùng các chiến hữu trở về Colombia. Ngày 4-7, tại một vùng nông thôn thuộc thị trấn La Fortuna, gần thành phố Cerro Los Andes, tỉnh Bolivar, Castano tổ chức một buổi lễ, chính thức cho ra đời "Ejercito de Liberacion Nacional - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Quân đội giải phóng quốc gia - viết tắt là ELN" với 16 thành viên. Khẩu hiệu của ELN là "Không lùi bước. Tự do hay là chết".

Sau gần nửa năm xây dựng lực lượng, nhận vũ khí viện trợ từ một quốc gia châu Mỹ Latinh, ngày 7-1-1965, 22 du kích ELN thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào đồn cảnh sát Simacota, giết chết 5 cảnh sát cùng 1 thường dân. Đến ngày 3-2, du kích ELN tiếp tục mở cuộc tấn công vào đồn cảnh sát Norte de Santander làm 2 cảnh sát thiệt mạng.

Cũng trong năm này, ELN hợp nhất với một nhóm du kích Colombia khác là nhóm "Mặt trận Camilo Torres" do một linh mục Thiên Chúa giáo sinh năm 1929 ở Bogota, giảng viên Đại học quốc gia Colombia, tên là Camilo Torres Restrepo, bí danh "Alfredo Castro", lãnh đạo. Khi thành lập "Mặt trận Camilo Torres", ông linh mục này đã nói một câu để đời: "Nếu Chúa Jesus có sống lại thì chắc chắn ngài cũng trở thành du kích". Sự hợp nhất đã giúp quân số của ELN tăng lên gần 600 người.

Bên cạnh đó, ELN còn nhận được sự hậu thuẫn của người dân ở những vùng mà họ đóng quân bằng việc che giấu, tiếp tế lương thực, cung cấp thông tin tình báo.

Ngày 15-2-1966, linh mục Camilo Torres Restrepo dẫn 40 du kích ELN, tiến hành phục kích một đội quần tra quân sự thuộc Lữ đoàn 5 Colombia ở tỉnh Santander. Ngay từ những phát súng đầu tiên của cuộc giao tranh, ông thầy tu tham gia "quốc sự" trúng đạn, chết tại chỗ. Cái chết của Camilo Torres Restrepo đã phần nào làm suy yếu tinh thần của ELN, nhất là một số linh mục cùng những sinh viên du kích theo đạo Thiên Chúa, trước đây đã tham gia "Mặt trận Camilo Torres" do ông lập ra.

Thủ lĩnh lưu vong

Dù linh mục Camilo - linh hồn của ELN đã chết nhưng đến cưối năm 1969, ELN vẫn tiến hành nhiều cuộc tấn công quấy phá các đồn của quân đội và cảnh sát Colombia. Tuy nhiên, càng ngày họ càng bị giới trí thức xa lánh bởi lẽ chủ trương của nhà lãnh đạo Castano là "tán dương nông dân, truy tố trí thức".

Một xưởng điều chế chất ma túy cocaine của ELN.

Một trong những sự tàn bạo của Castano được người ta nhớ đến nhiều nhất là ngày 17-2-1969, khi cậu sinh viên du kích Jaime Arenas Reyes do ngủ quên trong phiên gác, đã bị Castano ném từ trên chòi canh xuống đất, chết! Một số trường đại học ở Colombia cùng các tổ chức xã hội trước đây vốn ủng hộ ELN thì bây giờ quay lưng lại.

Nông dân cũng thế, họ bị ép buộc phải cầm súng, phải đóng góp phần lớn số nông sản và gia súc chăn nuôi, trồng trọt được nên nhiều người đã ngầm báo cho quân đội chính phủ mỗi khi thấy du kích ELN về làng. Không còn sự hậu thuẫn, Castano để lại một bộ phận hoạt động ở vùng Guayabito, thuộc tỉnh Scimitar còn mình thì dẫn một bộ phận khác, chạy sang San Pablo, Bolivar.

Cuối năm 1969, quân đội Chính phủ Colombia liên tiếp tung ra những cuộc tấn công vào Guayabito, bắt sống 88 du kích ELN và 215 người ủng hộ. Những người còn lại, một số ra hàng còn số khác chạy đến Cerro de los Andes, gia nhập "Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC). Cũng không ít người trở thành công nhân trong khu vực khai thác mỏ Remedios, Yondo và Segovia, nơi lãnh tụ Castano đang ẩn náu hoặc đào ngũ, quay lại đời sống dân thường.

Suốt 3 năm sau đó ELN như rắn mất đầu. Thiệt hại lớn nhất cho ELN là ngày 26-6-1972, trong một cuộc càn quét vào ngôi làng Los Canelos, phía nam Bolivar, quân đội Colombia đã tìm thấy nhiều tài liệu do Castano bỏ lại lúc chạy trốn.  Từ những tài liệu này, cảnh sát Colombia đã bắt giữ 210 thành viên ELN, hoạt động nằm vùng tại các tỉnh Aguachica, Charta, Bucaramanga, Socorro, Bogota, Medellin, San Vicente de Chucuri và Barrancabermeja.

Đến giữa năm 1973, 2 du kích ELN đầu hàng quân chính phủ rồi khai ra nơi ẩn náu của Castano. Lập tức, quân đội Colombia mở chiến dịch "Anori", dưới quyền chỉ huy của Đại tá Alvaro Riveros Abella "Stoneface", tư lệnh Lữ đoàn Kỵ binh số 4, Đại tá pháo binh Calixto Cascante làm tham mưu trưởng cùng với sự tham gia của Lữ đoàn bộ binh số 5, tiến hành càn quét khu vực Porce- Nus và Antioquia trong suốt 2 tháng. Kết quả họ đã tiêu diệt 135 du kích ELN, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo cấp cao như Manuel, Antonio Vasquez Brown.

Cũng trong cuộc tấn công này, khoảng 34 du kích ELN đã vứt bỏ súng ống, trốn về làm dân. Mọi hy vọng của Castano về một cuộc cách mạng như Che Guevara đã làm ở Bolivia phút chốc tan vỡ như bong bóng xà phòng.

Bên cạnh những thất bại về quân sự, Castano còn hứng vô số chỉ trích từ các chiến hữu của ông về những hành vi vô đạo đức, chẳng hạn như khủng bố nông dân, vu khống các tội danh để thủ tiêu những người bất đồng quan điểm. Chưa hết, một cấp phó của Castano là Nicolas Rodriguez Bautista, bí danh "Gabino" còn tự ý quyết định bãi bỏ án tử hình đồng thời không chấp hành những mệnh lệnh của Castano.

Lo sợ một vụ lật đổ, tháng 8-1974, với sự giúp đỡ của người mẹ là Consuelo, lúc ấy đang định cư ở Cuba, Castano - người sáng lập và cầm đầu "Quân đội giải phóng quốc gia ELN" lặng lẽ trốn sang Cuba rồi sống lưu vong ở đó cho đến bây giờ.

Sau khi Castano mất quyền lãnh đạo ELN, những tưởng phong trào này sẽ tan rã. Nhưng không, một linh mục người Tây Ban Nha là Manuel Perez Martinez, bí danh "El Cura Perez" thay Castano chỉ huy ELN.

Theo các nhà sử học Colombia, giai đoạn Manuel Perez Martinez điều hành ELN thì tổ chức này đạt được sự thống nhất chưa từng thấy. Bằng việc thiết lập một hệ tư tưởng mới, bao gồm lý thuyết cách mạng Cuba và thần học giải phóng, linh mục Manuel Perez Martinez đề xuất thành lập ở Columbia một xã hội "Thiên Chúa giáo Cộng sản" để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội như nghèo đói, tham nhũng, thất học, đồng thời phục hồi quyền lợi chính trị cho tất cả mọi người dân Colombia.

Năm 1986, Manuel Perez Martinez bị Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã rút phép thông công (nghĩa là không còn được quyền tiến hành các nghi lễ với vai trò của một linh mục) vì trong lần chỉ huy du kích ELN đánh vào vùng Arauca, ông cha đạo này đã giết Giám mục Emilio Jaramillo.

Năm 1988, Manuel Perez Martinez qua đời vì bệnh viêm gan siêu vi B. Cái chết của ông được giữ kín trong suốt 51 ngày để Nicolas Rodriguez Bautista, bí danh "Gabino", người đã "qua mặt" thủ lĩnh Castano trong những vụ chỉ trích và bãi bỏ án tử hình, có thời gian củng cố quyền lực.

Vũ Cao (theo “Panorama - Half a Century with ELN”)
.
.