Vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất thế giới:

Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 22/07/2016, 07:15
Gần 40 ngày sau kể từ khi chiếc Boeing 727-223 do phi công Ben Charles Padilla điều khiển biến mất khỏi Angola, trên tờ The Guardian xuất bản tại London, Anh Quốc bỗng xuất hiện một bài báo đưa tin chiếc máy bay ấy đã được nhìn thấy ở sân bay Conakry, Guinea - là một quốc gia ở miền Tây châu Phi rồi sau đó lại… mất tích!


Bóng ma 11-9 ám ảnh

Có thể nói, hầu như chưa lần nào mà tất cả các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ lại cùng đổ xô đi tìm dấu vết chiếc máy bay mất tích bởi lẽ sau vụ khủng bố 11-9, họ sợ rằng nó sẽ trở thành một quả bom sống. Bên không quân, cơ quan giám sát không gian của đơn vị này đã sử dụng vệ tinh "quét từng mét vuông trên khắp lục địa châu Phi" để cố gắng xác định vị trí chiếc Boeing 727-223, còn CIA thì huy động phần lớn các điệp viên đang nằm vùng ở châu Phi, yêu cầu họ cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan mà họ biết.

Ben Charles Padilla và một trong những đứa con của mình.

Với Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán Mỹ ở châu Phi đều nhận được một bản thông báo, trong đó mô tả cụ thể về sự mất tích của máy bay Boeing 727-223 cùng các hướng dẫn về việc truy tìm.

Liên tiếp trong các ngày từ 27-3, nghĩa là 2 ngày sau khi chiếc Boeing biến mất cho đến cuối tháng 4, tại các buổi họp do Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ chủ trì với sự tham dự của CIA, FBI, Bộ An ninh nội địa cùng tình báo không quân, tình báo hải quân, tình báo lục quân và Cơ quan An ninh quốc gia, chủ đề về chiếc Boeing luôn được đặt lên bàn nghị sự.

Câu hỏi đặt ra là với một máy bay kích thước lớn như vậy - lại không có dấu hiệu rơi, nổ hay chìm xuống biển nhưng tại sao không phát hiện được vì dù muốn dù không, nó vẫn phải đáp xuống đất bởi lẽ chiều ngày 25-5, nó vẫn chưa được đổ đầy xăng. Theo báo cáo của bộ phận cung cấp nhiên liệu ở sân bay Quatro de Fevereiro, lượng xăng đổ cho chiếc Boeing để Ben Charles Padilla đánh giá lực tải động cơ chỉ đủ cho nó bay được vài trăm km trong lúc nếu đổ đầy, nó có thể bay xa đến 4.450km.

Tuy nhiên, một kỹ sư của Hãng Boeing lại cho rằng nếu những thùng đựng dầu diesel trên máy bay được thay bằng xăng thì với một người nhiều kinh nghiệm hàng không như Ben, anh ta hoàn toàn có thể dùng bơm tay, bơm xăng vào bình chứa nhiêu liệu của chiếc Boeing ngay cả khi nó đang ở  trên trời! Richard Clarke, chiến lược gia chống khủng bố của Nhà Trắng cho biết Chính phủ Mỹ tin rằng máy bay không đủ nhiên liệu để vào không phận Mỹ nhưng điều đó không loại trừ một cuộc tấn công tự sát vào đại sứ quán Mỹ hoặc các cơ sở của Mỹ ở châu Phi.

Cho đến lúc ấy, vẫn không ai biết có tất cả bao nhiêu người trên máy bay khi nó cất cánh. Ngoại trừ Ben Charles Padilla và John Mikel Mutantu là hai nhân vật rõ ràng đã biến mất, còn thì có ai tiếp tay cho Ben nữa không, và ai là người đã vô hiệu hóa hai chiếc hộp đen, cũng như tắt hệ thống thông tin định vị (transponder) trên máy bay. Các cuộc điều tra đã chỉ ra rằng việc kiểm tra an toàn bay ở một số nước châu Phi được thực hiện rất lỏng lẻo.

Tại sân bay của những nước ấy, thậm chí còn không có cả bản kế hoạch bay. Nhiều thương vụ mua bán máy bay - nhất là những loại máy bay vận tải quân sự diễn ra theo kiểu "trao tay" rồi sau đó, nó được sơn lại bằng màu sơn dân sự và bay đi bay lại giữa những quốc gia đồng minh với nhau.

Lẽ dĩ nhiên, những máy bay này sẽ dễ dàng bị nhận dạng nếu bay sang Mỹ nhưng một chiếc máy bay do Mỹ sản xuất, mang số hiệu Mỹ, bị đánh cắp hoặc bị cướp ở nước ngoài rồi bay đến Mỹ theo đúng vận tốc, độ cao, thực hiện đúng quy trình liên lạc với các đài kiểm soát không lưu thì nó sẽ rất khó bị Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phát hiện nếu nó không muốn bị… phát hiện!

Rúng động vì… tin vịt

Gần 40 ngày sau kể từ khi chiếc Boeing 727-223 do phi công Ben Charles Padilla điều khiển biến mất khỏi Angola, trên tờ The Guardian xuất bản tại London, Anh Quốc bỗng xuất hiện một bài báo đưa tin chiếc máy bay ấy đã được nhìn thấy ở sân bay Conakry, Guinea - là một quốc gia ở miền Tây châu Phi rồi sau đó lại… mất tích!

Máy bay Mỹ tìm kiếm chiếc Boeing 727-223 trên biển Angola.

Bài báo cho biết ngày 28-6, một phi công người Canada là Bob Strother, khi hạ cánh xuống sân bay Conakry, thủ đô Guinea đã thấy chiếc Boeing 727-223 trong bãi đậu - nhưng lúc này nó được sơn lại bằng một màu sơn mới, có số đăng ký 3XGOM là của Guinea. Tuy nhiên, Bob Strother nói với phóng viên của tờ The Guardian rằng ông vẫn còn nhìn rõ hàng chữ N844AA trên cánh đuôi máy bay, và điều đó chứng minh chiếc Boeing vẫn tồn tại.

Bob nói: "Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì. Đó chính là chiếc máy bay gây xôn xao dư luận trong hơn 1 tháng qua. Bất kỳ ai là chủ của nó thì cũng phải là một nhân vật cực kỳ quan trọng, hoặc có bạn bè thân quen giữ những chức vụ quan trọng bởi lẽ để được Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới cấp số đăng ký, phải mất vài tháng".

Vẫn theo Bob Strother, qua tìm hiểu của ông, chiếc Boeing 727-223 đã cải tạo thành một máy bay chở nhiên liệu, và chủ mới của nó là một doanh nghiệp Lebanon, trụ sở đặt ở Tây Phi. Nó được sử dụng để vận chuyển hàng hóa giữa Beirut và Conakry: "Đến chiều hôm sau, tôi không còn thấy nó ở bãi đậu nữa nhưng tôi sẵn sàng cung cấp cho Chính phủ Mỹ hình ảnh của chiếc máy bay này do tôi chụp".

Bài báo trên tờ The Guardian đã gây ra một cơn địa chấn. Các cơ quan an ninh, tình báo nhiều nước lập tức vào cuộc. Kết quả xác minh cho thấy trong thời gian 30 ngày kể từ khi chiếc Boeing 727-223 mất tích, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới không cấp số đăng ký mới nào cho máy bay dân sự của Guinea, còn số đuôi 3XGOM là số của một máy bay khác. Hơn nữa, việc cấp số đăng ký được thực hiện theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt.

Ngoài việc chủ sở hữu phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của máy bay và nếu không phải là máy bay vừa mới "ra lò" thì họ còn phải kèm theo lý lịch bay, trong đó ghi rõ máy bay đã bay được bao nhiêu giờ, đã trải qua bao nhiêu lần duy tu, đại tu, những bộ phận đã được thay thế gồm những gì, do hãng nào cung cấp vì có một số hãng, phụ tùng máy bay của họ sản xuất bị đánh giá là "hàng dỏm", bị cấm sử dụng.

Để chứng minh, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới đã đưa ra chứng chỉ đăng ký của chiếc Boeing 727-223, trong đó nêu rõ: "Do Hãng Boeing sản xuất năm 1975, model 727-223, số sêri 20.985, model động cơ JT8D-1 do hãng P&W chế tạo, số đăng ký N844AA, chủ sở hữu là Công ty Aerospace, địa chỉ 9990 SW 77 Ave PH 9, Miami, Florida 33156-2661, ngày đăng ký 3-1-2002, đủ điều kiện bay tiêu chuẩn trong vận tải hàng không". 

Sổ theo dõi của sân bay Conakry cũng không ghi nhận có chiếc Boeing 727 nào được cải tạo thành máy bay chở nhiên liệu, cất, hạ cánh trong các ngày 25, 26, 27, 28 và 29-6-2003. Các vùng kiểm soát và hướng dẫn bay (FIR) ở châu Phi đều khẳng định tất cả những máy bay thương mại bay qua phạm vi hoạt động của họ, không có chiếc nào mang số đăng ký mới và cũng không hề có chiếc Boeing 727-223, số đuôi N866AA.

Chính phủ Angola cũng cho biết chiếc Boeing 727-223 đã bị liệt vào danh sách cấm bay ngang không phận Angola. Kết luận cuối cùng của Ủy ban điều tra hỗn hợp nhận định rằng phi công Bob Strother đã "trông gà hóa cuốc", hoặc cố ý bịa ra câu chuyện này  để… nổi tiếng!

Gần cuối năm 2005, khi không tìm được bất kỳ một dấu tích nào của chiếc Boeing 727-223, đồng thời qua những nguồn tin tình báo cũng như căn cứ vào lời khai của những tù nhân thuộc các tổ chức khủng bố ở Angola, Iraq, Afghanistan, Somali, Yemen và ngay cả ở Indonesia, Philippines, Chính phủ Mỹ tin rằng không có cơ sở để kết luận máy bay đã rơi vào tay Al Qaeda hay những nhóm Hồi giáo cực đoan khác.

Đến tháng 12, khi lễ Giáng sinh đang cận kề, một tia sáng bất chợt lóe lên: Một chiếc Boeing 727 rơi ở Benin - là quốc gia nằm ở Tây Phi, giáp với Togo, Nigeria, Burkina Faso và Niger. Thế nhưng sau những cuộc điều tra, Hãng sản xuất máy bay Boeing kết luận đó không phải là chiếc 727-223, mà chỉ là loại máy bay tương tự. Cũng cuối năm đó, FBI khép lại hồ sơ Boeing 727-223.

Tuy nhiên, gia đình của Ben Charles Padilla thì không bỏ cuộc. 7 năm sau - năm 2012, em gái Ben là Benita Padilla Kirkland thuyết phục FBI mở lại cuộc điều tra. Theo Benita, một vài người nói với cô rằng họ có "những thông tin mới". Joseph Padilla, em trai Ben cho biết thời điểm chiếc máy bay mất tích, đang xảy ra một sự tranh chấp giữa các "ông lớn" ở Angola trong lĩnh vực vận tải hàng không. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, Ben chỉ là vật thế thân trong cuộc tranh chấp này, còn thông tin cho rằng Muary Joseph, chỉ tịch Công ty Aerospace đã sai Ben đánh cắp chiếc máy bay để khỏi phải trả cho sân bay Quatro de Fevereiro 37.000USD tiền thuê bãi đậu chỉ là sự bịa đặt.

Vẫn theo Joseph Padilla, ông dành phần lớn thời gian của mình để tìm kiếm thông tin về chiếc Boeing 727-223 và anh trai ông trên mạng Internet: "Tôi làm việc đó hàng đêm. Đêm nào tôi cũng thức đến 2, 3 giờ sáng. Tôi kết bạn với nhiều người ở Angola, Congo, Nam Phi, cũng như với nhiều phi công lái máy bay thương mại để nhờ họ giúp đỡ". Jeff Westcott, đặc vụ FBI nói: "Chúng tôi đã làm hết khả năng nhưng đến nay, tất cả các đầu mối đều không mang lại bất cứ điều gì hữu ích cho việc tìm kiếm. Chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu về một kịch bản khủng bố nhưng phải tìm thấy máy bay hoặc dấu vết của nó thì mới có cơ sở để xem xét lại".

Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những trách nhiệm của cơ quan này là xác định công dân Mỹ mất tích ở nước ngoài nhưng cũng như CIA, FBI và Bộ An ninh nội địa, họ chẳng biết gì nhiều về Ben Charles Padilla. Stuart Patt, phát ngôn viên của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho biết. "Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với gia đình Ben nhưng họ cũng như chúng tôi, không có thêm tình tiết nào  mới dù một khoảng thời gian rất dài đã trôi qua kể từ khi Ben mất tích".

Cho đến nay, sau 16 năm, vẫn chẳng hề có manh mối gì về Ben Charles Padilla và chiếc Boeing 727-223. Không một mảnh vỡ nào được tìm thấy, không một e-mail hay một cuộc điện thoại mặc dù theo Benita Padilla Kirkland, em gái Ben: "Anh ấy là người rất coi trọng gia đình. Ngay hồi tháng 4-2003, lúc đang ở Angola, nghe tin mẹ lên cơn đau tim, Ben đã vội vã gọi về và hứa sẽ cố gắng trở lại Mỹ một cách nhanh nhất".

Và mặc dù FBI đã cho phát hành rộng rãi một thông báo, trong đó ngoài hình ảnh và chi tiết nhân dạng của Ben Charles Padilla, thông báo còn nêu rõ: "Vào ngày 25-5-2003, khoảng 18 giờ, giờ địa phương, một máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế De Fevereiro, Luanda, Angola, mà không có kế hoạch bay đã mất tích. Chiếc máy bay là loại Boeing 727, số đuôi  N844AA, sơn màu bạc và một sọc màu xanh. Trước đây nó nằm trong đội hình của một hãng hàng không lớn nhưng tất cả các ghế hành khách đã được gỡ bỏ và được trang bị những thùng lớn để mang theo dầu diesel. Các quan chức thực thi pháp luật tin rằng Ben Charles Padilla có mặt trên máy bay lúc nó biến mất. FBI muốn tìm kiếm Ben vì có thể có những thông tin về nơi máy bay đang ở. Nếu bạn biết bất cứ điều gì về trường hợp này, xin vui lòng liên hệ với Văn phòng FBI hoặc Đại sứ quán Mỹ hay Lãnh sự quán Mỹ gần nhất…" nhưng FBI vẫn không hề nhận được bất cứ một phản hồi nào.

Và như thế, vụ chiếc Boeing 727-233 mất tích vẫn là một trong những tai nạn hàng không bí ẩn nhất thế giới…

Cao Trí (theo Air&Space Magazine)
.
.