Bàn tay bí ẩn phía sau IS là ai?

Thứ Tư, 22/04/2015, 15:45
Hiện vẫn tồn tại nhiều tranh cãi xoay quanh liên minh của những cựu thành viên đảng Baath của Iraq và IS. Có ý kiến cho rằng, những cựu sĩ quan này chỉ quan tâm đến việc thống trị Iraq và lợi dụng sự ngu dốt của các chiến binh thánh chiến để gia tăng quyền lực của mình.

Ngược lại, những cựu sĩ quan ở phe chống IS lại nhận định chính các phần tử thánh chiến đã lợi dụng sự tuyệt vọng của những sĩ quan này. Hầu hết các cựu sĩ quan đảng Baath thực sự gia nhập IS đều trở thành cực đoan, vì sau những năm chiến tranh triền miên, sự tàn bạo khiến họ hình thành cách nhìn vô cùng cực đoan.

Công cụ tái sinh từ những kẻ bại trận

Khi một cựu phiến quân Syria có tên Abu Hamza đồng ý gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), anh ta thường xuyên bị giám sát bởi một sĩ quan người Iraq và nhận mệnh lệnh từ những người Iraq bí ẩn thường lui tới chiến trường ở Syria.

Khi Abu Hamza bày tỏ bất đồng ý kiến với cấp trên trong cuộc họp của IS vào năm ngoái, anh ta lập tức bị quản thúc theo lệnh của một người đàn ông Iraq đeo mặt nạ, người này không thể hiện vai trò gì trong các cuộc họp, chỉ im lặng lắng nghe và ghi chép.

Abu Hamza dù sau đó trở thành chỉ huy của một toán nhỏ IS ở Syria nhưng chưa bao giờ được biết danh tính thực sự của những người này. Hamza chỉ biết họ đều là những cựu sĩ quan dưới thời Saddam Hussein, và người đàn ông đeo mặt nạ kể trên từng làm việc cho một cơ quan tình báo Iraq.

Theo mô tả của Hamza và những người đã từng chiến đấu trong hàng ngũ IS trong hai năm qua, vai trò của các cựu sĩ quan đảng Baath là vô cùng quan trọng.

Ngay cả đối với hàng nghìn chiến binh nước ngoài, hầu như tất cả lãnh đạo của IS đều là cựu quan chức Iraq, bao gồm thành viên của ủy ban quân sự, an ninh mật.

Những người này cung cấp cho tổ chức chuyên môn quân sự và một số chương trình nghị sự của đảng Baath cũng như mạng lưới buôn lậu và tạo điều kiện cho việc buôn bán xăng dầu bất hợp pháp của IS hiện nay.

Hamza (hiện đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi vỡ mộng với IS) cho biết, tất cả những quyết định đều do cựu sĩ quan Iraq đưa ra. Những người này lên chiến thuật và kế hoạch chiến đấu, nhưng không trực tiếp thực hiện mà đứng đằng sau các chiến binh nước ngoài.

Hồ sơ của chiến binh thánh chiến nước ngoài thường được công khai để che lấp gốc rễ của IS trong lịch sử đẫm máu hiện nay của Iraq. Sự tàn bạo của họ chính là nguyên nhân gây ra tai họa cho Iraq. Đây không đơn thuần chỉ là một nhóm khủng bố, mà là một cuộc nổi dậy trong lòng Iraq và có liên quan đến Iraq.

Một trong những yếu tố châm ngòi cho cuộc nổi dậy do L. Paul Bremer, "thái thú" người Mỹ cai trị Iraq ban hành điều luật xóa sổ đảng Baath, theo đó, 400.000 quân nhân của phe bại trận bị cấm làm việc cho chính phủ, không được hưởng lương hưu và bị thu hồi lại súng. Chính phủ Mỹ đã không thể lường trước những cựu sĩ quan đảng Baath lại có thể gia nhập các nhóm cực đoan.

Những lãnh đạo của IS.

Quân đội Mỹ luôn biết rằng các cựu sĩ quan đảng Baath đã gia nhập những nhóm nổi dậy khác và hỗ trợ chiến thuật cho Al-Qaeda, tiền thân của IS, nhưng họ lại không thể ngờ rằng những cựu sĩ quan này không chỉ hỗ trợ mà còn trở thành thành viên nòng cốt của các nhóm thánh chiến. Họ chính là công cụ tái sinh từ nhóm bại trận và giờ quay trở lại để trả thù.

Cai trị người dân bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi

Thoạt đầu, dường như những tín điều trần tục của đảng Baath quá mâu thuẫn với luật pháp khắc nghiệt mà IS đang thực hiện để duy trì nhà nước của chúng. Tuy nhiên, có hai điểm chung lớn đó là cai trị người dân bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi.

Hai mươi năm trước, Hussein dùng những hình thức tra tấn độc ác và tinh vi để thống trị Iraq, chẳng khác nào những hình phạt khắc nghiệt mà IS hiện nay đang áp dụng.

Giống như IS, đảng Baath của Saddam Hussein cũng tự coi mình là một phong trào xuyên quốc gia, hình thành nhiều nhánh tại các nước Trung Đông và tổ chức các trại huấn luyện dành cho tình nguyện viên nước ngoài ở khắp thế giới Arập.

Với việc ra mắt chiến dịch Niềm tin năm 2004, giới luật Hồi giáo nghiêm ngặt cũng được ban hành. Những từ như "Thượng đế vĩ đại" thường được viết trên lá cờ của Iraq. Những hành vi trộm cắp sẽ bị cắt cụt tay.

Các cựu sĩ quan đảng Baath nhớ lại những người bạn của họ đã đột nhiên bỏ rượu, bắt đầu cầu nguyện và chấp nhận những hình thức bảo thủ Hồi giáo sâu sắc trong những năm trước khi bị Mỹ chiếm đánh.

Trong 2 năm cuối thực hiện luật của Hussein, một chiến dịch chặt đầu nhắm vào số phụ nữ bị nghi ngờ có hành vi bán dâm do đơn vị tinh nhuệ có tên Fedayeen thực hiện đã giết hơn 200 người, theo các báo cáo nhân quyền thời điểm đó.

Sự tàn bạo của IS thực hiện ngày nay cũng khiến ta liên tưởng đến sự khát máu của Fedayeen. Những cảnh quay quảng bá thời Hussein cũng tương tự những cảnh quay xuất hiện ngày nay của IS, bao gồm huấn luyện Fedayyen, tuần hành với mặt nạ đen, thực hành kỹ năng chặt đầu, và ví dụ về việc ăn thịt chó sống.

Dưới con mắt của Abu Bakr al-Baghdadi - lãnh đạo IS hiện tại, việc tuyển dụng các cựu thành viên đảng Baath là một chiến lược có chủ đích.

Để xây dựng lại lực lượng đã suy yếu đáng kể từ năm 2010, Baghdadi đã triển khai một chiến dịch thu hút những cựu binh sĩ, tập trung vào các đối tượng thất nghiệp hoặc đã tham gia vào những nhóm nổi dậy khác ít cực đoan hơn.

Trong số này còn có nhiều người từng chiến đấu chống lại Al-Qaeda sau khi đổi phe tham gia phong trào "thức tỉnh" do Mỹ hậu thuẫn năm 2007. Sau khi Mỹ rút quân và bị Chính phủ Iraq bỏ rơi, IS là lựa chọn sống còn duy nhất của những người cảm thấy bị phản bội và muốn đổi phe một lần nữa.

Năm 2011, Tổng thống Nouri al-Maliki tiếp tục thực hiện kế hoạch xóa sổ đảng Baath: sa thải cả những nhân viên đã được quân đội Mỹ phục chức.

Trong số đó có Brig. Gen. Hassan Dulaimi - cựu sĩ quan tình báo quân đội Iraq từng được chiêu mộ phục vụ quân đội Mỹ năm 2006 dưới cương vị chỉ huy cảnh sát ở thủ phủ Ramadi, tỉnh Anbar. Sau khi quân đội Mỹ rút lui, ông này và 124 sĩ quan khác bị sa thải, không được nhận tiền lương hay lương hưu.

Dulaimi cho hay, nhiều cựu sĩ quan bị sa thải đã phải chật vật để kiếm sống và giờ đang phục vụ cho IS. Một người bạn của Dulaimi nói với ông rằng nếu có một công việc để kiếm sống thì ông ta sẽ không tham gia vào IS.

Những người phụ trách các hoạt động quân sự của IS là những sĩ quan tốt nhất trong quân đội Iraq, và đó là lý do tại sao IS có thể đánh bại liên quân cả trên mặt trận tình báo lẫn chiến trường.

Việc thâu tóm lãnh thổ của IS cũng được tiếp tay bởi sự đàn áp người thiểu số Sunni của chính phủ Maliki và khiến những người Sunni bình thường sẵn sàng đón tiếp những kẻ cực đoan thay cho lực lượng an ninh tàn bạo của Iraq.

Năm 2013, tay chân đắc lực của Baghdadi đều là các cựu sĩ quan, những người này giám sát việc mở rộng IS ở Syria và quyết định các chiến dịch tấn công ở Iraq.

Một số trợ thủ thân cận nhất của Baghadi bao gồm Abu Muslim al-Turkmani - cấp phó của ông ta ở Iraq và Abu Ayman al-Iraqi - một trong những chỉ huy quân sự hàng đầu ở Syria đều là cựu sĩ quan Iraq (được cho là đã chết).

Tuy nhiên, nhiều nghi ngờ cho rằng đây chỉ là chiêu che giấu thân phận và đánh lạc hướng. Tất cả những vị trí còn trống đều do các cựu sĩ quan Iraq đảm nhiệm nhằm duy trì ảnh hưởng ở nơi đầu não, dù số lượng chiến binh nước ngoài ngày một gia tăng.

Quỳnh Dương (theo Washington Post)
.
.