Bảo tàng mật vụ Stasi ở Berlin

Thứ Bảy, 18/02/2012, 05:30

Nhà bảo tàng mật vụ CHDC Đức (cũ) Stasi vừa được mở cửa lại đón khách tham quan ở Berlin sau một năm tạm đóng cửa để tu sửa. Nhà bảo tàng dẫn dắt mọi người đi sâu vào thế giới của một tổ chức tình báo nổi tiếng ở đông âu - bao gồm 91.000 nhân viên và 175.000 người đưa tin - trước khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Một chiếc bàn khổng lồ bằng gỗ dán, một chiếc máy thu phát cầm tay, nhiều bàn phím thô kệch, tổ tiên của máy vi tính, và một lượng lớn thảm… Đó là những hiện vật được trưng bày trong Nhà Bảo tàng Stasi ở ngoại ô phía đông Berlin.

Tại Lichtenberg, vùng ngoại ô phía đông Berlin - giữa hai con đường Ruschesstrasse và Normannenstrasse - là tổng hành dinh cũ của Stasi chiếm diện tích 20 ha. Được tổ chức thành nhà bảo tàng lịch sử vào năm 1990, và sau đó phải tạm đóng cửa một năm để tu sửa, nhà bảo tàng được mở cửa lại vào ngày 14/1/2012 để đón khách tham quan.

Tại tầng 1 tòa nhà trung tâm là dãy văn phòng của Erich Mielke, ông chủ của Stasi trong những năm từ 1957 đến 1989. Cứ mỗi buổi sáng, vào đúng 7h45’, Mielke ngồi vào bàn ăn sáng do thư ký riêng chuẩn bị, đều đặn đúng như một nghi thức bất di bất dịch. Kế bên văn phòng và các căn hộ cá nhân là chiếc cầu thang riêng biệt dành cho thực khách của Mielke lặng lẽ rời đi sau bữa dạ tiệc.

Trong số 91.000 nhân viên và 175.000 người đưa tin, có cả những tình nguyện viên không ăn lương chính thức của Stasi. Trong nhiều năm dài, Stasi tích lũy được một thư khố kéo dài đến 180km.

Toàn bộ thư khố của Stasi chứa đựng một lượng khổng lồ thông tin được đánh máy và lưu trữ cẩn thận. Hơn 20 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức vẫn chưa hoàn toàn giải mã hết được những bí mật của Stasi.

Những hiện vật trưng bày trong nhà bảo tàng nằm trong số hàng trăm di vật của mật vụ Stasi, từ những chiếc camera gián điệp nhỏ xíu, những thiết bị đặc biệt để mở thư và các tai nghe cài bí mật cho đến sọt rác, cây bút, thậm chí cả chiếc camera được thiết kế hệt như chiếc nút áo!

Bộ tai nghe bí mật của Stasi.

Một số hiện vật trông khá khôi hài - đó là những bộ phận giả trang như mũi giả, tóc giả, kính mắt Ngoài ra, còn có nhiều tài liệu ghi chép về những sự kiện đáng nhớ như về đội bóng đá Dynamo Berlin của Stasi từng nhiều lần đoạt cúp.

Nhưng nổi bật nhất vẫn là chiếc bàn làm việc của Erich Mielke, người lãnh đạo Stasi trong những năm từ 1957 đến 1989. Mielke sinh năm 1897 và gia nhập Đảng Cộng sản Đức lúc 20 tuổi. Mielke chiến đấu cùng với những chiến binh cộng sản trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha và giúp quân kháng chiến Pháp trong Chiến tranh thế giới lần 2. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Mielke giúp thành lập Cơ quan Mật vụ Đức sau trở thành Stasi.  Mielke qua đời ở tuổi 92.

Khu liên hợp rộng lớn của Stasi được chuyển đổi thành nhà bảo tàng từng là trung tâm của những cuộc tranh cãi gay gắt giữa nhiều phía về quá khứ chia cắt của nước Đức sau Chiến tranh thế giới lần 2, trong đó bao gồm chính quyền của Angela Merkel, Ban quy hoạch thành phố Berlin và cả phe chống đối chính quyền CHDC Đức cũ.

Nhà bảo tàng Stasi.

Thành phố Berlin muốn nhìn thấy toàn bộ trụ sở cũ của Stasi phải bị san bằng để đoạn tuyệt với quá khứ. Tuy nhiên, những cư dân cũ của Đông Đức lại không muốn Nhà Bảo tàng Stasi bị phá hủy - như Jorg Drieselmann, người hiện là Giám đốc Nhà Bảo tàng.

Nhà bảo tàng Stasi - viết tắt của từ tiếng Đức "Staatssicherheit" nghĩa là Cơ quan An ninh nhà nước CHDC Đức - được thành lập năm 1990 ở Berlin bởi một tổ chức tư nhân với mục đích phát triển nó thành một trung tâm triển lãm và nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến CHDC Đức.

Năm 2010, chính quyền Đức thông báo ý định tiếp quản Nhà Bảo tàng Stasi nên đã dẫn đến cuộc tranh cãi giữa tổ chức quản lý nhà bảo tàng, chính quyền địa phương và chính quyền quốc gia Đức về tương lai của khu liên hợp.

Tầng 1, nơi đặt dãy văn phòng của Erich Mielke từng được sử dụng làm bối cảnh quay phim "Cuộc sống của những người khác" của đạo diễn Henckel von Donnersmarck, mô tả hoạt động của Stasi, với sự cố vấn của Jorg Driesselmann, một chuyên gia về Stasi.

Những hiện vật được trưng bày ở tầng 1 Nhà bảo tàng bao gồm chiếc điện thoại khẩn cấp đặc biệt của Mielke cho phép ông ta nói chuyện bất cứ lúc nào với giới lãnh đạo mật vụ của khối Hiệp ước Warsaw.

Trung tâm của khu triển lãm ở tầng 1 này  là phòng họp của Stasi được trang trí với bức tranh sơn dầu của Wolfgang Frankenstein, họa sĩ mà Mielke hâm mộ. Drieselmann cho biết Nhà Bảo tàng Stasi của ông thu hút hơn 100.000 khách tham quan mỗi năm, với vé vào cửa là 4 euro/người.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, vào ngày 15/1/1990 khoảng 10.000 người xông vào tổng hành dinh của Stasi. Nhiều tài liệu bị tiêu hủy và những gì còn lại là khoảng 30.000 hiện vật nay được trưng bày trong Nhà bảo tàng

Diên San (tổng hợp)
.
.