Bê bối sau vụ Pakistan thả điệp viên CIA Raymond Davis

Chủ Nhật, 03/04/2011, 05:30

Một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đã được giải quyết sau khi điệp viên hợp đồng Raymond Davis của CIA bị buộc tội giết người kép được phía Pakistan thả ra với một thỏa thuận bồi thường tiền mặt được gọi là "tiền máu".

Raymond Davis được Tòa án thành phố Lahore miền Đông Pakistan trả tự do sau khi gia đình của hai nạn nhân bị bắn chết tuyên bố tha thứ cho điệp viên CIA này để đổi lấy khoản "tiền máu" trị giá gần 2 triệu USD. Vụ phóng thích tù nhân này, kết thúc những căng thẳng trong quan hệ "thâm giao" giữa hai cơ quan tình báo CIA và ISI.

Trong khi lệnh thả Davis có thể cải thiện được mối quan hệ xấu đi trong thời gian qua giữa Washington và Islamabad, thì sự kiện này đã gây giận dữ đối với người dân Pakistan. Vụ án điệp viên CIA đã làm bùng lên làn sóng chống Mỹ dữ dội ở Pakistan. Nhiều báo đài Pakistan đang sẵn sàng bộc lộ thái độ thù địch chống Mỹ, đồng thời đe dọa tạo ra một cuộc luận chiến về Raymond Davis và tố cáo gia đình của hai nạn nhân đã bị sức ép để chấp nhận "tiền máu".

Một số thành viên gia đình nạn nhân từ chối bình luận, trong khi số người khác lên tiếng rằng bản án của tòa án là bằng chứng cho thấy rõ sự yếu kém của ngành tư pháp Pakistan. Thực tế cho thấy một phản ứng giận dữ đang lộ ra đối với scandal "tiền máu", chuẩn bị cho những cuộc biểu tình trên đường phố Pakistan.

Theo luật pháp Pakistan, "tiền máu" là khoản tiền hợp pháp nhằm bảo đảm sự tha thứ từ phía nạn nhân. Theo hai luật Qasas và Diyat, có nguồn gốc từ hệ thống luật pháp Hồi giáo, tòa án có thể trả tự do cho một người bị buộc tội nếu như gia đình nạn nhân đồng ý dàn xếp với khoản tiền mặt bồi thường thỏa đáng. Theo các chuyên gia luật pháp Pakistan, luật Hồi giáo này được dùng đến trong tuyệt đại đa số những vụ án giết người ở nước này.

Các quan chức cao cấp trong chính quyền Pakistan cho biết mỗi gia đình nạn nhân nhận được 700.000 USD tiền bồi thường nhân mạng - tổng cộng là 1,4 triệu USD. Husain Haqqani, Đại sứ Pakistan ở Mỹ, chính là người đã nghĩ ra thể thức "tiền máu" để bảo đảm Davis được thả. Haqqani, người thông thạo luật Hồi giáo, đã đầu tiên đưa ra đề xuất "tiền máu" bàn luận với Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thượng viện Mỹ, và đồng tác giả gói trợ giúp tài chính lớn cho Pakistan.

Dựa vào điều khoản luật Hồi giáo, hai quốc gia cùng đi đến sự dàn xếp thỏa đáng mà không cần phải dùng đến thân phận ngoại giao gây tranh cãi (trong trường hợp của Davis) vốn được bảo vệ bởi Hiệp định Vienna và được miễn truy tố ra trước tòa án.

Raymond Davis (giữa) bên ngoài tòa án Lahore ngày 28/1/2011.

Thượng nghị sĩ Kerry đưa ra đề nghị để bàn luận với các lãnh đạo cao cấp của Pakistan trong tháng 2 năm nay. Đề nghị "tiền máu" cũng được đưa ra trong những cuộc thương lượng trực tiếp giữa hai cơ quan tình báo CIA và ISI. Chính quyền Pakistan nhấn mạnh vấn đề được giải quyết thông qua hệ thống tòa án của nước này. Nhưng cả hai phía Washington và Islamabad không đạt được thỏa thuận ngay lập tức.

Những cuộc điều đình giữa hai quốc gia cứ kéo dài và trong khoảng thời gian đó ISI đã kín đáo gây sức ép đến chính quyền dân sự Pakistan nhằm để bảo đảm sự gia hạn tại chức thêm hai năm nữa cho ông chủ của cơ quan tình báo này là Trung tướng Ahmed Shuja Pasha. Thông điệp là thận trọng không nên chỉ định người thay thế Pasha giữa cuộc khủng hoảng trầm trọng liên quan đến CIA. Pasha đã được gia hạn tại chức một năm và phải rời chức vụ giám đốc ISI về hưu ngày 18/3/2011, lúc sinh nhật lần thứ 59 của ông. Một số nhà quan sát tin rằng Arập Xêút có lẽ đã đóng vai trò trung gian trong vụ án Raymond Davis, nhưng quan chức Pakistan phủ nhận điều này.

Theo các nhà quan sát, Riyadh (thủ đô Arập Xêút) có thể xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa CIA và ISI, trong đó ông chủ tình báo Arập Xêút là Muqrin bin Abdul Aziz Al Saud đóng vai trò chính. Arập Xêút cũng được tin là có thể làm nguôi đi tâm trạng giận dữ của hàng chục ngàn người Pakistan tràn ra đường phố biểu tình đòi treo cổ Raymond Davis.

Riyadh cũng gây một số ảnh hưởng đến chính quyền tỉnh Punjab miền Đông Pakistan vì lãnh đạo nơi này là đồng minh thân cận với Arập Xêút. Nhưng cuối cùng vai trò của Riyadh đã không còn cần thiết bởi vì chính quyền tỉnh Punjab không chọn giải pháp gây cản trở hay phá hoại ngầm sự dàn xếp giữa Mỹ và Pakistan về khoản "tiền máu".

Về phía mình, ISI cũng cố gắng tiếp cận gia đình hai nạn nhân yêu cầu họ chấp nhận "tiền máu". Cuối cùng, 18 thành viên gia đình của hai nạn nhân cũng đồng ý ký tên vào bản khai mà ISI đã chuẩn bị sẵn để tha thứ cho Raymond Davis. Ngày 16/3/2011, Tòa án thành phố Lahore cũng tuyên bố tha bổng đối với Raymond Davis về tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp, sau khi phạt điệp viên CIA số tiền 235 USD và nói rằng thời gian người này bị tạm giam 10 tuần lễ đã đủ để trừng phạt!

Sau khi được trả tự do, Raymond Davis lặng lẽ trốn khỏi Lahore trên một chuyến bay từ sân bay thành phố cổ này, chấm dứt cơn bão ngoại giao làm xấu đi trầm trọng mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh và làm đau đầu Tổng thống Barack Obama.

Một quan chức Pakistan cho biết, điệp viên CIA 36 tuổi Raymond Davis đã bay đến một căn cứ không quân Mỹ ở thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 16/3/2011 và sau đó sẽ nhanh chóng bay về Mỹ. Bay kèm với Davis là Cameron Munter, Đại sứ Mỹ ở Pakistan. Lệnh tha bổng diễn ra kín đáo trong nhà tù Lakhpat nơi các phóng viên báo chí được phép có mặt.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có lời cảm ơn gia đình của hai nạn nhân bị Davis bắn chết ngày 27/1 vừa qua. Không biết vụ việc sẽ diễn tiến ra sao trước những phản ứng giận dữ của người dân và những kẻ chống đối xung quanh vấn đề này?

Trần Phong (tổng hợp)
.
.