Bỉ: Truy quét phần tử Hồi giáo quá khích

Thứ Năm, 09/05/2013, 06:45

Đi đầu trong khối các nước châu Âu, Cảnh sát và Mật vụ Bỉ vừa phối hợp triển khai một chiến dịch quy mô nhằm loại bỏ các mạng lưới chuyên tuyển mộ những phần tử Hồi giáo tình nguyện thánh chiến. Kết quả ban đầu của chiến dịch đã bắt giữ được hàng chục đối tượng chuyên đào tạo những tín đồ hồi giáo trẻ tuổi có hộ chiếu Bỉ để gửi tới Syria chiến đấu chống lại chế độ của Tổng thống Bashar Assad.

Cổng thông tin Rtbf.be cho biết, Cảnh sát Bỉ vào những ngày cuối tháng 4 vừa rồi đã đồng loạt ra quân tại những khu phố của người lưu vong ở Brussels, Vilvoorde, Machelen và Antwerpen, nơi tập trung đa số cộng đồng người Hồi giáo.

Trong khuôn khổ chiến dịch, cảnh sát đã khám xét hàng chục căn hộ, bắt giữ hàng chục đối tượng bị nghi ngờ tham gia tuyển chọn, huấn luyện và tuyên truyền cho những kẻ tình nguyện sang Syria chiến đấu trong hàng ngũ lực lượng Hồi giáo cực đoan.  

Theo Viện Kiểm sát Liên bang Bỉ, trong số những kẻ bị bắt giữ có cả thủ lĩnh tổ chức cực đoan Sharia4Belgium là Fouad Belkacem, kẻ từng nổi tiếng với những lời kêu gọi thiết lập tại Bỉ đạo luật hà khắc Sharia của người Hồi giáo. Dù hồi tháng 10/2012, Belkacem tuyên bố tổ chức trên đã ngừng hoạt động, nhưng theo dữ liệu của cảnh sát, Sharia4Belgium trong vài tháng qua đã rất tích cực trong công tác tuyển mộ.

Các cơ quan hành pháp Bỉ ít nhất đã có thông tin về khoảng 80 phần tử Hồi giáo mang quốc tịch Bỉ hiện đang chiến đấu chống lại quân đội của Bashar Assad tại Syria. Trong số "những tên khủng bố Bỉ", theo ý kiến của các chuyên gia, có không ít kẻ xuất thân từ Chechnya, bộ phận chiếm một phần đáng kể trong cộng đồng Hồi giáo Bỉ (ước tính gần 630 ngàn người, tức là gần 6% tổng dân số). 

Còn theo nội dung bản báo cáo mới được công bố hồi đầu tháng 4 vừa rồi của King's College London thì tình hình thực tế còn nghiêm trọng hơn. Trong số khoảng 600 phần tử Hồi giáo có quốc tịch của 14 nước châu Âu hiện đang chiến đấu tại Syria, nước Bỉ nhỏ bé lại có "đóng góp" hàng đầu (hơn 100 tên) - tức là tương đương với Anh và Hà Lan, những nước trong vài tháng gần đây cũng đã phải lên tiếng báo động về nguy cơ quay trở về của những phần tử thánh chiến từ Syria.

Nếu tính tới tất cả những nguy cơ trên, Bỉ là quốc gia đầu tiên đã quyết định triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm vô hiệu hóa những phần tử cực đoan ngay từ giai đoạn được tuyển mộ.

Theo Claude Moniquet, người đứng đầu Trung tâm Tình báo chiến lược và an ninh tại Brussels, chiến dịch truy quét như vừa qua có thể thực hiện được là nhờ những đặc điểm riêng của luật pháp Bỉ.

Trong số những quốc gia châu Âu từng phải đương đầu với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, hiện mới chỉ có Bỉ và Pháp đã thông qua những đạo luật cho phép bắt giữ các công dân ngay trước khi họ đặt chân tới các trại huấn luyện khủng bố. Còn tại các quốc gia khác, những chiến dịch như trên chỉ có thể nhằm vào những đối tượng đã trở về sau khi tham gia "thánh chiến" tại Trung Đông hay Bắc Phi.

Việc xuất hiện những đạo luật như vậy có thể coi là một bước tiến lớn trên quan điểm an ninh tại châu Âu nhưng đó vẫn chưa thể đủ. Đầu tiên là các cơ quan tư pháp vẫn đang phải đương đầu với những vấn đề khó khăn liên quan đến việc làm sao có thể chứng minh được tội danh trong những trường hợp trên. Thứ hai là cảnh sát vẫn chưa thể phối hợp hành động với các đồng nghiệp từ những quốc gia là nơi ẩn náu của thành viên các mạng lưới cực đoan, nhưng lại chưa có được những đạo luật như tại Bỉ và Pháp

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.