Bí ẩn về vụ tàu ngầm nguyên tử của Mỹ mắc cạn

Thứ Năm, 24/02/2005, 07:46
Đầu tháng 12/2004, tàu ngầm nguyên tử San-Fransisco của Mỹ đoàn thủy thủ gồm 137 người đang trên đường trở về căn cứ trên đảo Guam, bị mắc cạn giữa Thái Bình Dương khiến 23 thủy thủ bị thương nặng, 1 người sau đó về đã chết ở bệnh viện.

Đây là một trong những vụ mắc cạn tàu ngầm bí ẩn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ và thế giới. Vì vậy, chỉ vài giờ sau thông tin con tàu mắc cạn đã lan rộng. Hiện chưa có tin thông báo chính thức chứng tỏ lò phản ứng hạt nhân nguyên tử trên tàu ngầm bị trục trặc.

Các chuyên gia quân sự Mỹ thì vội vàng thông báo rằng lò phản ứng của tàu ngầm không bị hỏng và không có nguy cơ tạo ra sự ô nhiễm phóng xạ trên đại dương. Quân đội Mỹ đang xúc tiến điều tra vụ tai nạn này.

Theo thông báo ban đầu, ngay sau khi bị lâm nạn, tàu ngầm San - Fransisco được kéo về căn cứ đóng quân thường xuyên. Tàu ngầm San - Fransisco của Hải quân Mỹ là tàu ngầm nguyên tử đa chức năng, được hạ thủy và đưa vào trang bị chiến đấu của quân đội Mỹ từ ngày 24/4/1981. Đây là một trong những tàu ngầm nguyên tử có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau.

Những tàu ngầm này có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk tiến công các mục tiêu trên bộ hoặc trang bị tên lửa Harpoon chuyên tiến công các chiến hạm nổi của đối phương. Để chống lại các mục tiêu ngầm dưới biển, tàu ngầm San-Fransisco được trang bị ngư lôi MK-48 và ADCAP. 9 tàu ngầm loại này đã từng tham gia cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Hồi đó, hai tàu ngầm San - Fransisco đậu ở phía đông Địa Trung Hải, dùng tên lửa Tomahawk tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Iraq.

Đến năm 1991, có tới 3/4 số tàu ngầm San-Fransisco được trang bị tên lửa Tomahawk chuyên dụng tiến công các mục tiêu trên bộ. Lượng choán nước khi nổi là 6.082 tấn, khi lặn là 6.927 tấn. Chiều dài 110,3m, động cơ chạy bằng năng lượng nguyên tử. Tốc độ hành trình khi nổi là 20 hải lý/giờ và khi lặn sâu là 32 hải lý/giờ.

Một chi tiết rất đáng chú ý là tai nạn của tàu ngầm San-Fransisco xảy ra ở khu vực đại dương gần với tâm điểm của trận động đất đã từng gây nên sóng thần khủng khiếp vừa qua ở Đông Nam Á. Vì thế, nhiều chuyên gia nghiên cứu về địa chất và động đất nêu câu hỏi là phải chăng tai nạn của tàu ngầm nguyên tử San-Fransisco xảy ra đúng ở khu vực có cấu trúc đáy biển cực kỳ phức tạp này là một sự tình cờ hay hữu ý?

Các tai nạn tương tự xảy ra trong hạm đội Hải quân Mỹ thường xuyên hơn so với trong hải quân Nga. Theo nhận xét của các chuyên gia Hải quân, thì nguyên nhân ở đây có hai loại. Loại nguyên nhân thứ nhất là tàu ngầm nguyên tử của Nga hiện nay ít ra biển hơn.

Loại nguyên nhân thứ hai là do đặc điểm hoạt động của Hải quân Mỹ. Những người lái tàu ngầm Mỹ được dạy rằng nguy cơ chủ yếu đối với tàu ngầm là từ trên mặt nước, nghĩa là nguy cơ va chạm với các mục tiêu nổi trên mặt nước, còn mắc cạn là không đáng sợ.

Trong khi đó, những người lái tàu ngầm của Nga trước hết được huấn luyện chú ý tránh va chạm với đáy biển và các chướng ngại trên biển khi thay đổi độ sâu cũng như khi va chạm với các mục tiêu nổi. Con số thống kê cho thấy, tàu ngầm Mỹ thường bị mắc cạn nhiều hơn, còn tàu ngầm Nga lại thường va chạm với các phương tiện nổi trên mặt biển.

Một câu hỏi nữa đến nay chưa ai trả lời được là do đâu bỗng nhiên tàu ngầm nguyên tử San-Fransisco lại va chạm với đáy biển với một lực mạnh tới mức làm cho hàng loạt thủy thủ bị thương và một thủy thủ bị chết? Có thể không loại trừ khả năng trước khi tàu ngầm bị mắc cạn đã có một sự kiện nào đó xảy ra trên tàu ngầm nguyên tử này?

Bởi lẽ trên tàu ngầm nguyên tử của Mỹ và Nga, hệ thống tự động điều khiển lặn và nổi không cho phép xảy ra trạng thái quá đột ngột như vậy. Hệ thống phát tín hiệu báo động về tai nạn ít nhất cũng thức tỉnh các thủy thủ đang ngủ trên tàu. Rất có thể là, xét theo các dấu hiệu bên ngoài, tai nạn tàu ngầm nguyên tử San-Fransisco rất giống với tai nạn tàu ngầm nguyên tử Kursk trên biển Baren. Ban đầu, tàu ngầm nguyên tử Kursk cũng  bị quả “ngư lôi lạ” tiến công, sau đó bị đắm và làm chết toàn bộ kíp lái

Lê Minh Quang (theo Pravda)
.
.