Bí ẩn vụ bắt cóc Ben Barka

Thứ Ba, 01/08/2006, 08:10

Ben Barka là nhân vật lịch sử của phong trào quốc gia Maroc trong thời kỳ bảo hộ, lãnh tụ phe đối lập dưới triều Vua Hassan II.

Chào đời tại Rabat năm 1920 trong một gia đình công chức, Mehdi Ben Barka đã học ngành toán học tại Alger và trở thành giáo viên trung học. Ông cũng giảng dạy tại Trường trung học Hoàng gia, và Vua Hassan II là một trong các học trò của ông.

Song song đó, ông cũng tham gia chính trị để chống đối chính sách bảo hộ của Chính phủ Pháp tại Maroc. Từ năm 1943, ông tham gia vào việc thành lập đảng Độc lập. Đến năm 1945, ông là một trong các nhân vật của Istiqlal, đảng quốc gia đã đưa Maroc đến độc lập. Năm 1955, ông tham gia vào cuộc đàm phán dẫn đến sự hồi hương của Vua Mohammed V, người đã bị Pháp lưu đày sang Madagascar, và đến năm 1956 là kết thúc chính sách bảo hộ. Từ năm 1956 đến 1959, Mehdi Ben Barka là Chủ tịch Quốc hội tham vấn Maroc (ANC). Năm 1959, ông thành lập Liên minh quốc gia các lực lượng nhân dân đối lập với chế độ của Vua Hassan II.

Năm 1963, Mehdi Ben Barka lên án cuộc chiến biên giới giữa Maroc và Algérie. Bị cáo buộc là mưu phản, ông bị kết án tử hình vắng mặt (lúc ấy ông đang ở nước ngoài). Đứng đầu cánh tả ở Maroc, ông tố cáo “chế độ Trung Cổ đang muốn tái dựng các cấu trúc Trung Cổ trong xã hội Maroc”. Sau đó ông phải rời bỏ quê hương để sống lưu vong tại Genève, Thụy Sĩ và Cairo, Ai Cập, tổ chức những cuộc đấu tranh của thế giới thứ ba.

Mehdi Ben Barka đã bị 2 cảnh sát Pháp là Louis Souchon, Roger Voitot và nhân viên phản gián Pháp Antoine Lopez bắt cóc ngày 29/10/1965 trước số nhà 151 đại lộ Saint-Germain (Paris) rồi bị đưa đến một biệt thự ở Fontenay-le-Vicomte (Essonne) của Georges Boucheseiche. Và người ta không còn biết tin tức về ông nữa. Ngày nay người ta biết rằng ông đã bị tra tấn và giết chết bởi trùm mật vụ, Bộ trưởng Nội vụ Maroc là Mohammed Oufkir. Thi thể ông không bao giờ được tìm thấy. Nhiều năm sau đó Boucheseiche thổ lộ rằng hắn đã ngâm xác ông trong một bể chứa acid.

Có một sự trùng hợp là tướng Mohammed Oufkir, Giám đốc Cơ quan An ninh Maroc Ahmed Dlimi và Giám đốc Biệt đội Đặc nhiệm Maroc Chtouki lúc ấy cũng có mặt tại Paris. Vụ việc xảy ra ngay giữa chiến dịch ứng cử ở Pháp đã làm dấy lên nỗi bất bình trong giới chính trị gia Pháp, đặc biệt là phe cánh tả đối lập, đứng đầu là François Mitterrand. Cuộc điều tra của quan tòa Louis Zollinger đã dẫn đến việc cáo buộc 13 người, trong đó có tướng Oufkir, Ahmed Dlimi, Marcel Leroy-Finville, Antoine Lopez và tên Georges Figon, thành phần bất hảo.

Phiên tòa đầu tiên mở ngày 5/9/1966 chỉ có 6 bị cáo hiện diện, còn 7 người kia vắng mặt, trong đó có Oufkir, Dlimi và Boucheseiche. Một tin giật gân đã khơi lại vụ án: Figon được tìm thấy bị chết tại Paris, và cuộc điều tra kết luận rằng hắn đã tự tử. Phiên tòa thứ nhì mở trong tháng 4/1967 đã đưa ra phán quyết ngày 5/6/1967, tha bổng Dlimi và các bị cáo Pháp, ngoại trừ Lopez và Souchon bị kết án 8 năm và 6 năm tù giam. Mohammed Oufkir bị xử vắng mặt chung thân cấm cố. Việc Tòa án Pháp kết tội một bộ trưởng nước ngoài đương nhiệm, điều chưa từng có trong luật quốc tế, đã khiến mối quan hệ Pháp - Maroc trở nên căng thẳng trong suốt 2 năm.
   

Người ta nghi ngờ có sự dính líu của Vua Hassan II và của Chính phủ Pháp trong vụ bắt cóc Ben Barka. Có một điều chắc chắn là SDECE (Cơ quan tình báo nước ngoài và phản gián Pháp) phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại Ben Barka trên lãnh thổ Pháp. Từ tháng 4/1965, Antoine Lopez thông báo rằng tướng Oufkir có yêu cầu nhờ trợ giúp về nhân sự “để ông ta chấm dứt vĩnh viễn các hoạt động của Ben Barka, nếu cần thì bằng những phương cách ngoài thông lệ”.

Và cho dù tướng Jacquier (Giám đốc SDECE) đã nói thật khi khẳng định với ngài dự thẩm Zollinger rằng vào ngày 15/10, ông ta đã ra lệnh cho thuộc cấp “bỏ vụ đó đi”, nhưng như thế ông vẫn tỏ ra tắc trách khi không thông báo với cơ quan bảo vệ yếu nhân về những mối đe dọa đối với Ben Barka trên đất Pháp.

Nhưng nếu SDECE phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp vào vụ bắt cóc và ám sát Ben Barka, thì nhiều cơ quan khác cũng có phần trách nhiệm, đó là Nha Cảnh sát, Bộ Nội vụ và trùm mật vụ Jacques Foccart.

Ông này đã thừa nhận việc “đỡ đầu” cho vụ bắt cóc cũng như đã can thiệp với Giám đốc cảnh sát Maurice Papon để xin “nhẹ tay với Georges Figon vì những công lao của ông ta trong những năm qua”. Phải chăng vì qua Figon, người ta có thể đi ngược lại tất cả, điều đó có thể chứng minh rằng SDECE không phải là cơ quan tình báo duy nhất dính líu đến vụ bắt cóc?

Cái chết của Ben Barka có sự dính líu của một số cơ quan mật vụ Pháp là một vết nhơ trong ngành tình báo. Vết nhơ đó chỉ được gột rửa khi những kẻ chủ mưu phải bị đưa ra tòa, trả lại công bằng cho nạn nhân  nếu Tòa án Pháp chấp nhận thỉnh cầu của gia đình nạn nhân xét xử lại vụ án trên

Minh Luân (Theo NO, Le Monde và Paris Match)
.
.