Bí ẩn xung quanh cái chết của điệp viên Nga Alexander Litvinenko

Thứ Hai, 01/10/2018, 17:45
Tương tự vụ điệp viên 2 mang Sergei Skripal bị đầu độc xảy ra dạo đầu tháng 3 vừa qua, sự căng thẳng trong quan hệ Nga - Anh cũng từng rộ lên một thời liên quan đến cựu điệp viên Alexander Litvinenko (1962-2006), kẻ đã đào thoát sang Anh rồi thiệt mạng tại London do nhiễm chất phóng xạ polonium-210. Vậy thực hư câu chuyện ra sao?

Câu hỏi lớn nhất: Điều gì đã dẫn đến cái cái chết của viên sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) A. Litvinenko? Mọi thông tin của giới điều tra Anh đều quả quyết, rằng A. Litvinenko đã bị đầu độc bởi chất phóng xạ cực mạnh có xuất xứ từ nhà máy điện nguyên tử Krasoyarsk ở Nga. Vậy ai có thể mang thứ chất nguy hiểm ấy qua biên giới Anh một cách dễ dàng, nếu không phải là những kẻ chuyên nghiệp trong đường dây buôn lậu chất phóng xạ quy mô quốc tế?

Lugovoy (trái) và Dmitry Kovtun có thật là “cặp hung thủ” sát hại Litvinenko?

Vả lại, nồng độ chất polonium-210 chứa trong cơ thể nạn nhân cực cao là 50 nanogram.(ng), theo như kết luận khám nghiệm tử thi có thể sát hại tới 200 người, cùng trị giá chính thức là 26,5 triệu bảng Anh tương đương 35 triệu USD. Thông thường các cơ quan tình báo “loại bỏ” kẻ phản bội với mức giá rẻ hơn nhiều, cũng như với phương thức khó phát hiện hơn. Ngay cả các chuyên gia lật đổ sừng sỏ trong Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng… “lắc đầu lè lưỡi”, không tin vào cái giá cao chót vót ấy.

Phải chăng A. Litvinenko có chân trong một tổ chức đa quốc gia phi pháp liên quan đến chất phóng xạ? A. Litvinenko từng ăn trưa trước khi nhập viện tại một nhà hàng ở London với Giáo sư người Italia Mario Scaramella - một nhân vật không xa lạ gì trong những chiến dịch bí mật của các cơ quan đặc vụ phương Tây. Chính Giáo sư M. Scaramella đã “buột miệng” với phóng viên tờ Sunday Express ấn hành tại London, là trong bữa ăn đó A. Litvinenko thừa nhận có tham gia buôn lậu chất phóng xạ.

Còn nhân vật mà Nga không cho dẫn độ sang Anh khiến quan hệ hai nước căng thẳng là Andrei Lugovoy, cựu Trưởng phòng An ninh của Đài truyền hình Nga ORT, một người thân cận với nhà tài phiệt Nga lưu vong Boris Berezovsky (1946-2013). Thực ra cho đến giờ chưa thể kết luận vai trò của A. Lugovoy trong “vụ Litvinenko”. Người ta được biết rằng Lugovoy có gặp Litvinenko trong quán bar của khách sạn Millenium hôm 1-11-2006, vào thời điểm A. Lugovoy vừa sang London được đúng một tuần. Trên máy bay và phòng khách sạn nơi A. Lugovoy từng hiện diện, đều có dấu vết của chất polonium-210.

Chất phóng xạ cực độc polonium-210 điều chế trong phòng thí nghiệm.

Tham gia cuộc gặp nói trên còn có 2 doanh nhân Nga khác, nhưng chẳng hiểu sao 2 người này không bị cảnh sát Anh đưa vào diện nghi vấn. Thoạt đầu người ta cho rằng cựu điệp viên A. Litvinenko bị đầu độc trong bữa ăn trưa, nên buộc phải nhập viện ngay tối đó (1-11-2006) vì những cơn đau hành hạ. Nhưng hồ sơ tài liệu y tế lại khẳng định, là những triệu chứng đầu tiên chỉ xuất hiện sau khi nạn nhân đã nhiễm xạ được 3 tuần. Nghĩa là A. Litvinenko bị đầu độc chí ít cả 20 ngày trước đó.

Cũng như chẳng ai giải thích nổi sao độc tố polonium -210 lại xuất hiện ở khách sạn Sheraton Park Lane, nơi mà cả A. Litvinenko lẫn M. Scaramella và A. Lugovoy chưa hề đặt chân tới; và rồi cả 3 người này đều “dính” chất polonium không ít thì nhiều.  Rõ ràng là đang hiện diện những đường dây buôn lậu chất phóng xạ khác nhau, mà cảnh sát Anh chưa thể khám phá ra.

Điều cuối cùng đáng nói nữa là từng lan truyền lời đồn đại, rằng A. Litvinenko đã tham gia vào việc chế tạo “bom bẩn” cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Vẫn theo nguồn tin của tờ Sunday Express, Giáo sư M. Scaramella từng cảnh báo với giới hữu trách Anh, rằng A. Litvinenko đã “tạo điều kiện” giúp mang lậu một kiện hàng phóng xạ từ Nga tới Zurich (Thụy Sĩ).

Còn cảnh sát Anh chính thức cho biết, là viên sĩ quan FSB A. Litvinenko đã chuyển tín ngưỡng sang đạo Hồi ít lâu trước khi chết. Thậm chí A. Litvinenko còn đọc kinh Koran lúc sắp hấp hối trong đêm 23-11-2006, đồng thời yêu cầu cô vợ Marina tiến hành tang lễ chôn cất mình theo nghi thức Hồi giáo. Liệu có phải chăng là ông ta đã có cảm tình với trào lưu “Thánh chiến” do tên trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden khởi xướng và tham gia các hoạt động buôn bán chất phóng xạ cho các tổ chức khủng bố này?

Quang Long (theo Morning Star)
.
.