Bí mật dàn xếp “kịch bản quyền lực” tại Pakistan

Thứ Sáu, 26/10/2007, 16:29
Theo nhà báo Syed Saleem Shahzad, Trưởng văn phòng đại diện báo Asia Times Online tại Pakistan: cuộc khủng hoảng chính trị tại Pakistan vừa qua đã tạm thời lắng xuống là nhờ người Mỹ. Washington đã bí mật dàn xếp một thỏa ước hòa giải giữa cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và Tổng thống Pervez Musharraf.

Để trả ơn ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Musharraf đã mở một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào mạng lưới Al-Qaeda và tàn quân Taliban ở Bắc Waziristan.

Mấy tháng gần đây, tình hình thời sự nóng bỏng tại Pakistan đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Tuy nhiên, lại có rất ít người đặt dấu hỏi cho mối liên hệ giữa việc Tổng thống Pervez Musharraf ban bố sắc lệnh hòa giải quốc gia ngày 5/10 vừa qua với những trận bố ráp của quân đội nước này tại vùng Waziristan, phía bắc Pakistan.

Bằng cách xóa mọi trách nhiệm liên quan tới tham nhũng cho cựu Thủ tướng Benazir Bhutto (người đứng đầu đảng Nhân dân Pakistan (PPP), sắc lệnh trên mở một lối thoát chính trị cho những mâu thuẫn giữa người đứng đầu Nhà nước Pakistan và bà Bhutto, và rất có thể sẽ đưa tới việc thành lập một chính phủ dân sự sau kỳ bầu cử Quốc hội Pakistan dự kiến diễn ra vào đầu năm 2008.

Sắc lệnh trên được ban bố đúng 24 giờ trước khi ông Musharraf tái đắc cử (kết quả bầu cử được công bố ngày 6/10) trong khi những phái viên mật của Tổng thống vẫn một mực từ chối các điều kiện mà bà Bhutto đưa ra khi trở về Pakistan.

Và 12 giờ sau khi tái đắc cử, Tổng thống - Tư lệnh quân đội Musharraf đã lập tức ra lệnh mở một chiến dịch quân sự lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào mạng lưới Al-Qaeda và tàn binh Taliban đang ẩn náu ở vùng bắc Waziristan.

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, thông báo về sự đổ vỡ cuộc thương lượng giữa Tổng thống Pakistan và lãnh đạo đảng PPP đã ngay lập tức đến tai Washington - "nhà kiến tạo" chính cho sắc lệnh ban hành hôm 5/10 của Tổng thống Musharraf. Điều này xem ra chẳng có gì ngạc nhiên bởi lẽ sự thay đổi chính trị tại Pakistan là mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược của Mỹ tại vùng Nam Á và ở mức độ nào nó cũng ảnh hưởng tới chiến lược của họ tại Trung Đông.

Chính vì vậy, Richard Boucher, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách khu vực Trung - Nam châu Á, đã nhiều lần đứng ra hòa giải cho xung đột giữa ông Musharraf và bà Bhutto.

Có thể nói ẩn ý của người Mỹ trong vụ này là rất nhiều: đảm bảo việc duy trì một chính phủ thân Mỹ tại Islamabad nhằm giữ một đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, ngăn cản mọi ý định sử dụng vũ lực quân sự của Tổng thống Pakistan trong việc điều hành đất nước và duy trì khả năng sức mạnh hạt nhân của Pakistan.

Baitullah Mehsuh (giữa).

Trong khi các cuộc thảo luận bí mật đang diễn ra tại Pakistan, tình báo Mỹ thông báo cho Islamabad về sự hình thành quy mô lớn các phần tử Hồi giáo cực đoan trong các vùng bộ lạc phía bắc để chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của Nato đồn trú tại phía đông nam Afghanistan.

Washington lo sợ rằng sự thất bại trong hội đàm giữa Tổng thống Musharraf và bà Benazir Bhutto sẽ đặt dấu chấm hết cho quá trình chuyển giao chính trị tại Pakistan và làm chậm các chiến dịch quân sự đã được lên kế hoạch trước nhằm vào tàn binh Taliban và lực lượng Al-Qaeda.

Trước tình thế đó, người Mỹ quyết tâm tham gia cuộc đối thoại giữa bà Bhutto với Tổng thống Musharraf và nhấn mạnh rằng điều kiện cần và đủ mà bà Bhutto đặt ra để có một thỏa ước chính trị là xóa toàn bộ những cáo buộc bà liên quan tới tham nhũng, đổi lại bà sẽ ủng hộ cho việc tái bầu cử của Tổng thống Musharraf và việc thành lập một chính phủ mới sau kỳ bầu cử.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice sau đó đã kêu gọi Tổng thống Musharraf  và tức khắc ông này ban bố sắc lệnh hòa giải quốc gia. Ngay sau thông báo chính thức của sắc lệnh này, các thành viên đảng PPP đã tách khỏi nhóm các dân biểu chống đối Tổng thống Musharraf.

Khi bầu cử diễn ra, những người chống đối này đã từ chức để tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống (tổng thống do các thành viên trong Thượng viện và Hạ viện bầu nên), còn các thành viên của đảng PPP thì thậm chí không mảy may phản ứng gì, thậm chí họ còn kêu gọi tất cả đi bỏ phiếu.

Quân đội Chính phủ Pakistan tiến hành cuộc bố ráp lớn nhất từ trước đến nay tại vùng bắc Waziristan.

Nhưng ngay ngày hôm sau khi tái đắc cử, theo tin tức của Cơ quan Tình báo Mỹ, những chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan đã bắt đầu đánh bom thành phố Mir Ali, ở Waziristan, nơi bị cho là điểm trú ngụ của nhiều phần tử chóp bu của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, trong đó có nhân vật số hai của mạng lưới này là Ayman Al-Zawahiri.

Từ năm 2003 cho đến nay, quân đội Chính phủ Pakistan vẫn luôn theo sát tình hình tại khu vực này và đây là cuộc bố ráp lớn nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê sơ bộ, trong 3 ngày giao tranh từ ngày 7 đến 9/10 vừa qua giữa quân đội Pakistan và các lực lượng khủng bố, số người tử vong đã vượt quá 250 người, trong đó chủ yếu là quân khủng bố và 45 binh lính của chính phủ. Tuy nhiên, tuần qua, một đại biểu của Quốc hội Pakistan cho biết có đến 73 binh lính của quân đội chính phủ đã bị chết và 50 người khác bị thương

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.