Bí mật đằng sau giải Nobel Kinh tế năm 2005

Thứ Bảy, 21/07/2007, 14:00
Schelling chính là người từng đề xướng ra lý thuyết về sự leo thang quân sự trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Còn Aumann là một người chủ trương sử dụng sự trừng phạt tập thể đối với người Palestine.

Thomas C. Schelling, người Mỹ và Robert J. Aumann, người Israel, đoạt giải Nobel Kinh tế 2005 vì những đóng góp từ "lý thuyết trò chơi" hay còn gọi là "lý thuyết tương tác chiến lược".

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng Schelling chính là người từng đề xướng ra lý thuyết về sự leo thang quân sự trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và hiện là người đang cố tìm cách bao biện cho việc Mỹ không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về môi trường, đồng thời tỏ rõ quan điểm rằng Liên Hiệp Quốc không nên tiếp tục theo đuổi những mục tiêu thiên niên kỷ. Còn Aumann là một người chủ trương sử dụng sự trừng phạt tập thể đối với người Palestine.

Thomas C. Schelling sinh năm 1921 tại Mỹ. Năm 1945, sau khi tốt nghiệp Khoa kinh tế Đại học Berkeley,  Schelling được nhận vào làm việc tại Văn phòng ngân sách liên bang đồng thời chuẩn bị làm luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard. Năm 1948, Schelling gặp lại đại sứ Mỹ tại Pháp là Averell Harriman, sau đó hai người cùng tham gia xây dựng bản Kế hoạch Marshall.

Đây chính là kế hoạch thâu tóm thị trường châu Âu của Mỹ nhằm ngăn cản Liên Xô đầu tư kinh tế và gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia Tây Âu. Khi Harriman được Tổng thống Harry Truman bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thương mại, Schelling được Harriman tiến cử vào chức vụ  phụ trách bộ phận những vấn đề thương mại quốc tế cho Tổng thống Truman.

Năm 1958, Schelling được tuyển vào làm việc tại Rand Corporation, một tổ hợp công nghiệp và quân sự dưới thời Tổng thống Eisenhower. Chính tại đây, Schelling gặp Robert Aumann, người sau này cùng chia sẻ giải Nobel Kinh tế 2005 với ông.

Ngay lập tức, Schelling được tham dự với tư cách là thành viên phái đoàn Mỹ tham gia nhiều cuộc đàm phán về vấn đề giải giáp tại Genève. Những cuộc đàm phán trên do Paul Nitze, công trình sư của học thuyết Chiến tranh lạnh chủ trì. Theo đó thì những quả bom hạt nhân của Mỹ sẽ không đủ sức mạnh răn đe nếu phía Liên Xô cũng có khả năng thực hiện một cuộc trả đũa bằng vũ khí hạt nhân thần tốc.

Vì vậy, cần phải phát triển một mạng lưới vũ khí hạt nhân rải rác trên khắp thế giới, đồng thời tiến hành thỏa hiệp nhằm yêu cầu Liên Xô hủy bỏ các tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân cũng như những căn cứ  của Liên Xô gần Mỹ nhất. Rand Corporation đã tìm mọi cách để hợp lý hóa việc đàm phán bằng cách dựa trên lý thuyết về trò chơi của nhà toán học John von Neuman (người tham gia chế tạo vũ khí hạt nhân của Mỹ) và nhà kinh tế Oskar Morgenstern.

Lúc này, Schelling bỏ công nghiên cứu việc ứng dụng lý thuyết trên vào tình huống cụ thể này và sau đó cho ra đời cuốn sách "Chiến lược về sự xung đột". Theo đó, sự răn đe chính là sự kết hợp giữa sự cạnh tranh và hợp tác ngầm. Trong chiến tranh lạnh, người ta có thể chiến thắng trên nhiều mặt trận khác nhau nhưng vẫn tránh được thảm họa chiến tranh hạt nhân.

Lý thuyết này dẫn tới việc hình thành một chiến lược leo thang quân sự có kiểm soát. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, chủ trương thống trị thế giới của Mỹ dựa vào sự phản công toàn diện. Để thuyết phục tính hiệu quả trong học thuyết của mình, Schelling đã nhờ đến sự giúp đỡ của một người bạn là John McNaughton, người sau này trở thành Tham mưu trưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.

Trong hai ngày liên tiếp trong tháng 9/1961, nhiều quan chức chính trị và quân sự cấp cao Mỹ, trong đó có cả Henry Kissinger và McGeorge Bundy, đã nhóm họp tại Trại David để nghe Schelling trình bày học thuyết của mình.

Năm 1964, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ McGeorge Bundy, do lo sợ quân Mỹ tại Việt Nam sẽ lặp lại thất bại của tướng Douglas MacArthur trên chiến trường Triều Tiên nên đã yêu cầu John McNaughton và Thomas Schelling lập một chiến lược leo thang quân sự mà cụ thể là tiến hành các chiến dịch đánh bom cường độ mạnh và dồn dập.

Chiến dịch đánh bom miền Bắc Việt Nam đầu tiên của quân Mỹ mang tên "Sấm rền" được tiến hành từ ngày 2 đến ngày 24/3/1965. Tuy nhiên, sự thất bại của chiến dịch "Sấm rền" cũng như hàng loạt chiến dịch đánh bom khác trên chiến trường Việt Nam đã khiến McNamara phải từ chức và chuyển sang làm việc tại Ngân hàng Thế giới với chức vụ chủ tịch.

Sau thất bại trên của quân đội Mỹ tại Việt Nam, Schelling bị thất sủng nên phải quay về  dạy học tại Đại học Harvard đồng thời được mời làm tư vấn cho Cơ quan Tình báo trung ương (CIA). Chính trong giai đoạn này, Schelling mới bắt đầu nghiên cứu ứng dụng lý thuyết trò chơi của mình vào lĩnh vực đàm phán thương mại quốc tế và cho xuất bản cuốn sách "Micromotives and Macrobehavior" (1978) và "Choice and Consequences" (1984).

Năm 1990, sau khi thôi dạy học tại Đại học Harvard, Schelling gia nhập Viện Albert Einstein, một viện nghiên cứu chính trị phục vụ cho CIA trong việc lật đổ chính thể những quốc gia đối nghịch với Mỹ bằng các thủ đoạn phi bạo lực, mà gần đây nhất là các cuộc cách mạng tại Gruzia và Ukraina.

Tháng 6/2002, Schelling tái xuất hiện trên diễn đàn quốc tế sau khi viết một bài báo gây tiếng vang lớn trên tờ chuyên san của Hội đồng Quan hệ quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Nội dung bài báo trên là bao biện cho quyết định từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto của chính quyền Mỹ. Theo Schelling, mối liên quan giữa việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính và  sự nóng dần của khí hậu trái đất đã không được minh chứng rõ ràng và rằng chẳng có quốc gia nào cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị định thư Kyoto!

Trong khi đó, người đồng đoạt giải Nobel với Schelling là Robert Aumann đã lý thuyết hóa nguyên tắc “hợp tác cưỡng chế” bằng cách làm cho người Palestine phải sợ hãi trước các phương pháp trừng phạt tập thể của Israel, một cách làm vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế cũng như các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Aumann còn là người đấu tranh trong tổ chức cực đoan Professors of a Strong Israel nhằm phá hoại Hiệp ước hòa bình được ký kết giữa Tổng thống Palestine  Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin tại thủ đô Oslo của Na Uy vào tháng 9/1993.

Là người đồng tình với chủ trương thành lập Nhà nước Đại Israel, Aumann phản đối việc thành lập một Nhà nước Palestine và kịch liệt lên án kế hoạch rút quân khỏi dải Gaza và bờ Tây sông Jordan của cựu Thủ tướng Ariel Sharon trước đây

Hà Văn (Theo Reseau Voltaire)
.
.