Bí mật hầm chứa vàng lớn nhất thế giới

Thứ Sáu, 31/12/2010, 22:55
Vàng. Đó là biểu tượng của sự giàu có, là một trong những tài sản lâu đời nhất và được đánh giá cao nhất từ trước đến nay. Các vị vua Ai Cập xưa kia được chôn với vàng, người La Mã cũng dùng vàng để giao dịch, thậm chí vàng còn được đề cập đến như một món quà trong Kinh Thánh.

Tiền giấy và tiền kim loại do chính phủ phát hành có giá trị là vì chúng được đảm bảo bằng lượng vàng dự trữ. Trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, vàng vẫn được đánh giá là tài sản chính đảm bảo sự ổn định cho kinh tế của mỗi quốc gia. Hiện nay trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn được xem là đất nước có dự trữ vàng lớn nhất và những kho vàng của Mỹ được thế giới biết đến như kho nằm ở Louisville, Kentucky hay Fort Knox. Tuy nhiên, nổi tiếng và hoành tráng nhất vẫn là hầm chứa vàng khổng lồ được đặt tại Trụ sở Lưu trữ vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Nếu ai từng qua khu phố Nassau và Hayden, trung tâm tài chính sầm uất Lower Manhattan ở New York chắc hẳn sẽ vô cùng ấn tượng trước một tòa nhà đồ sộ, uy nghi được xây dựng một nửa giống như bất kỳ tòa cao ốc nào khác trong khu tài chính, một nửa giống như một pháo đài thời Trung cổ với lá quốc kỳ Mỹ tung bay trên cao. Bên dưới, ngay trước cánh cửa nặng nề là những chiếc camera tối tân cùng lực lượng cảnh sát trang bị vũ trang đầy mình như cảnh báo với mọi người rằng đây là một nơi rất quan trọng và không thể viếng thăm dễ dàng. Đó chính là trụ sở lưu trữ vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York.

Theo các chuyên gia, lượng vàng dự trữ tại đây ước tính khoảng bằng 1/4 trữ lượng vàng của cả thế giới, bởi thế kho vàng này của Mỹ hiện được đánh giá là kho vàng lớn nhất trên toàn cầu.

Lối vào luôn được kiểm soát nghiêm ngặt.

Thực ra khoảng 200 năm trước, danh hiệu "kho vàng lớn nhất thế giới" thuộc về Ngân hàng Trung ương của Anh. Nhưng sau đó, khi đế quốc Anh bước vào giai đoạn thoái trào và buộc phải bán vàng, nước Mỹ đã trở thành người mua lớn nhất của Anh, và kho chứa vàng của Anh giờ chỉ như một... kho chứa đồ.

Hầm vàng ở Mahattan này có khoảng 540.000 thanh vàng thuộc 48 ngân hàng trung ương nước ngoài và 12 tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Thanh toán quốc tế trong khi Mỹ chỉ khiêm tốn có khoảng 5% trong số vàng được lưu trữ ở đây. Bản thân FED cũng không sở hữu số vàng cất trong kho này, mà chỉ đóng vai trò lưu giữ và bảo vệ cho các quốc gia chọn đây là nơi gửi gắm vàng dự trữ mà thôi. Người ta ước tính hầu hết số vàng được đào lên từ trước đến nay đều được cất giữ ở trong hầm này.

Năm 1921, người Mỹ đã bắt tay tiến hành xây dựng kho chứa vàng đặc biệt ở Mahattan. Với 5 lớp bảo vệ và được bao quanh bởi đá  hoa cương, bên trên là trụ sở chính của tòa nhà trung tâm Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, khu vực này đã được trang bị những trang thiết bị an ninh tiên tiến nhất thế giới.

Nếu bạn thắc mắc nơi nào trên thế giới hiện nay là chỗ bọn trộm cắp bó tay không thể nào tiếp cận? Đó chính là kho chứa vàng này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Theo ước tính có khoảng 60 quốc gia trên thế giới và rất nhiều tỉ phú mong muốn được ký gửi tài sản của mình ở đây với lý do duy nhất đó chính là đảm bảo an toàn cho khối tài sản của mình. Để hiểu vì sao mà hầm vàng này được coi là một "pháo đài bất khả xâm phạm", bạn hãy thử "đột nhập" vào hệ thống vô cùng kiên cố và bảo mật này bằng cách tưởng tượng qua những số liệu về việc xây dựng nó.

Vàng ở đây được bảo vệ cũng bởi chính thiết kế đặc biệt của căn hầm vốn được đánh giá như một tuyệt tác của kiến trúc bảo vệ. Thực chất, căn hầm này là tầng cuối của một kho hàng 3 tầng được sắp xếp theo kiểu các tủ sắt chồng lên nhau với tường bao giữa các kho hàng được xây bằng bê tông cốt thép. Toàn bộ căn hầm được đặt nằm sâu dưới lòng đất 180 m và di chuyển bằng thang máy có tốc độ cực cao.

Căn hầm này được xây dưới mặt đường 24,4m, dưới mực nước biển là 15,4m và xây trên nền đá cứng nổi tiếng của Manhattan - một trong số những nền đất hiếm hoi được coi là đủ khả năng chống đỡ được cho toàn bộ sức nặng của khu hầm, hệ thống cửa và vàng ở bên trong.

Bức tường vàng cao 3 mét, rộng 5 mét.

Hầm vàng này không có cửa, lối vào duy nhất là qua một hành lang hẹp dài 3m. Nhưng trước hết người ta phải qua một cánh cửa thép nặng 90 tấn, cao 2,7m, được chuyển động dọc theo một khung bê tông thép nặng tới 140 tấn. Căn hầm được đóng mở bằng hệ thống tay quay 90 độ. Việc chống nước và chống khí được thực hiện bằng cách hạ thấp hệ thống xi-lanh này xuống hơn nữa, gần giống với việc đẩy nút vào trong chai rượu vậy.

Các ổ khóa ở đây được kiểm soát bởi nhiều người và do vậy, nếu chỉ có 1 người, sẽ không thể đủ khả năng mở được loại khóa kết hợp ở đây để vào hầm. Phía trong cứ cách 1m trên hành lang lại hiện ra cánh cửa với dáng vẻ hoàn toàn khác nhau ở hai bên. Nhưng nếu bước vào bất cứ cánh cửa nào trong đó, bạn sẽ không bao giờ tới được hầm vàng.

Toàn bộ khu vực hầm vàng được chia thành 122 phòng lưu trữ. Lớn nhất trong số đó là căn phòng lưu trữ 110.000 thỏi vàng hình viên gạch được xếp chồng lên nhau. Bức tường vàng này cao 3m, dài 5m, gồm 7.000 tấn vàng. Nhưng đó chưa phải tất cả, đi qua bức tường vàng ấy mới thực sự bước chân vào hầm vàng rộng không khác nào một nhà thi đấu thể thao.

Vàng được cất trong này đều ở dạng thỏi, có hình dáng giống như những viên gạch xây nhà và được xếp chồng lên nhau trên những tấm bệ gỗ như trong các nhà kho. Để tới hầm, các xe chở vàng phải được đặt vào thang máy và đi xuống 5 tầng hầm bên dưới mặt đường. Thang máy được điều khiển bởi một kỹ thuật viên tại một phòng khác, người này liên lạc với các nhân viên bảo vệ có vũ trang hộ tống các xe vàng này qua một hệ thống giao tiếp nội bộ.

Khi vàng được đưa tới hầm, chúng sẽ được kiểm soát bởi một hệ thống bao gồm các đại diện cho các phòng ban của FED: kiểm toán, dịch vụ kho và giám sát. Mỗi thành viên của từng ban đều phải có mặt bất cứ lúc nào vàng được di chuyển hoặc có người vào kho.

Việc cất giữ số vàng khổng lồ trị giá gần 200 tỉ USD này làm cho việc thắt chặt an ninh ở đây trở nên bắt buộc và khác thường. Tất cả các nhân viên ở FED đều được điều tra kỹ về lý lịch. Do tòa nhà được đặt ở nơi dân cư đông đúc nên mặc dù cần được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt nhưng tường và các lối vào tiếp giáp với vỉa hè ở đây đều không có hàng rào an ninh như các kho chứa vàng khác.

FED và hầm chứa vàng của họ được canh giữ bởi đội ngũ bảo vệ riêng. Mỗi năm 2 lần họ phải trải qua đợt kiểm tra về khả năng sử dụng súng ngắn, súng săn và súng trường. Mặc dù mức yêu cầu tối thiểu chỉ là bắn giỏi, nhưng phần lớn nhân viên đều vượt qua và được đánh giá ở mức thiện xạ.

Vàng đầy ắp trong hầm chứa.

Các nhân viên làm việc ở hầm vàng là những người mặc đồng phục hoặc mặc thường phục, song bản thân họ vào được bên trong tòa nhà cũng phải trải qua một loạt các cửa an ninh nghiêm ngặt. Còn những người ngoài muốn vào được đây phải đặt lịch hẹn trước từ 1 đến 3 tháng, tuy nhiên cũng chưa chắc đã được vào.

Bình thường, hầm vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không mở cửa cho người ngoài thậm chí là Tổng thống Mỹ hay Tổng thư ký LHQ hoặc là một tỉ phú nào đó có gửi tài sản tại đây. Trong trường hợp người tới thăm được chấp nhận sẽ phải trải qua 2 vòng kiểm tra an ninh và làm sạch cơ thể, đến mức bụi cũng khó có thể theo vào chứ chưa nói gì vũ khí hay đồ kim loại khác.

New York là một trung tâm giao dịch vàng toàn cầu và Ngân hàng Dự trữ Liên bang là một trạm trung chuyển chính. Có thể hiểu về cách thức giao dịch ở đây như thế này: Khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, vàng đơn giản sẽ được chuyển từ một căn phòng này sang căn phòng khác đồng nghĩa với việc chuyển từ tài khoản của cá nhân này sang tài khoản của một cá nhân khác, nhưng không một ai trong số những người chuyển biết được chủ nhân của hầm vàng đó.

Hơn nữa, với hệ thống an ninh thông minh được cài đặt sẽ tự động khóa chặt các cửa hầm chỉ trong vòng 25 giây, các cánh cửa được thiết kế có khả năng chống bom, nặng 280 tấn, khiến cho không một tên trộm nào có thể đột nhập được vào hầm vàng. Đó cũng là lý do khiến từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay, chưa hề xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào.

Cũng vì thế, những người có vàng cất  giữ ở đây đều đặt sự tin tưởng gần như tuyệt đối đến mức rất ít người đề nghị đến để kiểm tra. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng vàng có thể không còn ở đây nữa. Có thể chúng đã bị chuyển đến nơi khác an toàn hơn, và hầm vàng này chỉ là kế nghi binh của FED?

Người ta cũng biết đến một số kho lưu trữ vàng nổi tiếng khác của Mỹ nằm ở Louisville, Kentucky hay Fort Knox. Ngay như Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) cũng là nơi lưu trữ tới 167 tỉ USD bằng vàng. Sau khi trung tâm này sụp đổ vào năm 2001, người ta đã tìm thấy trong đống đổ nát số vàng trị giá 230 triệu USD.

Nhiều người hồ nghi rằng ngay sau vụ tấn công, mối đe dọa tại Manhattan đã làm cho FED phải chuyển vàng đến một địa điểm khác. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều nghi vấn xung quanh việc liệu FED có cất vàng ở WTC hay không, và câu hỏi liệu có một đường hầm bí mật nối từ tầng hầm của FED đến WTC hay không vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ.

Sau vụ tấn công ngày 11/9 việc tham quan hầm vàng đã bị đình chỉ và mới chỉ được khôi phục thời gian gần đây. Các chủ sở hữu vàng đều nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh và do vậy, việc để vàng tại một nơi có khả năng cao là mục tiêu tấn công là rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, FED từng tuyên bố: "Đây không phải vàng của Mỹ", thì họ cũng ám chỉ rằng còn có nhiều nơi an toàn hơn nữa để cất vàng

Ngọc Mai (theo ABCNews và Cryptome)
.
.