Bí mật về nhà máy tháo dỡ vũ khí hạt nhân của Mỹ

Thứ Năm, 11/08/2005, 14:21
Tại phía đông Aymario, bang Texas, Mỹ có một công trình kiến trúc đồ sộ mang tên “Tòa nhà 104” với chi phí xây dựng 30 triệu USD, được lực lượng quân cảnh vũ trang mạnh tuần tra bảo vệ suốt ngày đêm. Đây chính là Trung tâm Tháo dỡ vũ khí hạt nhân tuyệt mật trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trung tâm này đông tới 3.000 người.

Vũ khí hạt nhân được vận chuyển tới đây bằng xe tải chuyên dụng với sự hộ tống nghiêm ngặt của quân đội và được cất giấu trong những gian kho chứa tạm. Tuy gọi là gian kho “tạm” nhưng được xây dựng vững chắc bằng loại bêtông cốt thép cao cấp, trên đỉnh nóc kho được đổ lớp cát dày 1m. Trung tâm có tổng số 60 gian nhà kho như vậy, trong đó 44 gian chứa tạm trước khi đem đi tháo dỡ, 16 gian kho còn lại dùng để chứa phần “tim phổi” của vũ khí hạt nhân đã tháo ra - lõi plutonium.

Vũ khí hạt nhân đưa ra khỏi gian kho tạm được lần lượt đưa tới các “ụ” khác nhau để kiểm tra, tháo dỡ. Gọi là “ụ” nhưng không gian bên trong là một nhà xưởng rất rộng, cấu trúc cực kỳ kiên cố, tường bao quanh dày tới 5m, ở giữa còn kẹp một lớp ximăng dày 0,7m; mặt nền nhà xưởng cũng được xử lý đặc biệt, có dạng như bọt biển (sponge), nhằm để phòng nổ thuốc nổ hóa học chứa trong vũ khí hạt nhân; mỗi cánh cửa ra vào của nhà xưởng nặng tới 500kg.

Mỗi vũ khí hạt nhân trước khi chính thức tháo dỡ phải qua bước kiểm tra “thám thương” bằng X-quang. Đầu đạn được đặt trên một mâm xoay, nhân viên kỹ thuật bật mở một máy chụp X-quang công suất lớn, để kiểm tra kết cấu của đầu đạn và tìm các dấu vết rạn nứt.

Sau  khi kiểm tra X-quang, đầu đạn được đưa tới “ụ tháo dỡ”. Những công nhân tay nghề cao sẽ bắt tay “mổ xẻ” nó. Ví dụ bom hạt nhân B-61 của Không quân Mỹ bị tháo rời thành 4 bộ phận: phần đầu, phần giữa chứa nguyên liệu phóng xạ, phần sau chứa thuốc nổ hóa học và phần đuôi móc dù. Có những loại vũ khí hạt nhân thời gian tháo dỡ kéo dài tới 3 tuần lễ, nhưng với bom B-61 chỉ khoảng 1 ngày là xong.

Sau khi tháo rời, phần đầu bom được vận chuyển tới một nhà máy khác của Bộ Năng lượng (cũng nằm trong khuôn viên trung tâm), bộ phận chứa nguyên liệu phóng xạ và thuốc nổ hóa học được đưa tới một “ụ” để tiến hành  xử lý chuyên môn, phần đuôi và các phần khác được thu hồi sử dụng lại hoặc phá hủy ép thành khối.

Phần bên trong của B-61 là chất phân rã hạt nhân. Bộ phận hình cầu này gồm 2 lớp trong và ngoài. Lớp trong là lõi Pu (plutonium), lớp ngoài chứa thuốc nổ hóa học; 2 lớp nguyên liệu nổ này bình thường ngăn cách với nhau. Khi sử dụng, kíp nổ kích nổ lớp thuốc nổ hóa học nồng độ cao, năng lượng lớn, chính nhờ năng lượng này đã kích hoạt lõi Pu bên trong xảy ra phản ứng hạt nhân.

Việc tháo dỡ phần lõi phân rã này được tiến hành trong một căn hầm nửa chìm nửa nổi. Trên nóc hầm có đổ một lớp cát sỏi rất dày, tường hầm cũng được thiết kế rất vững chắc. Chẳng may xảy ra nổ thuốc nổ hóa học gây nên hiện tượng khuếch tán Pu, phần nắp hầm sẽ lập tức đổ sập xuống vùi lấp chất phóng xạ. Trong hầm ngầm sẽ “cắt rời” cách ly giữa thuốc nổ hóa học với lõi Pu, và phần thuốc nổ được dẫn ra ngoài đốt cháy.

Phần lõi Pu là “trái tim” của vũ khí hạt nhân, tuy chỉ nhỏ bằng một viên bi chì nhưng nặng hơn viên bi chì, năng lượng nó giải phóng ra đủ để san phẳng cả một thành phố lớn. Có một số loại bom hạt nhân, như bom B-61 chẳng hạn, là loại vũ khí hạt nhân bậc 2, tức ngoài lõi Pu phân rã ra, còn có hộp kín kết hợp hạt nhân, phản ứng hạt nhân, phân rã hạt nhân Pu ở lõi trong sẽ kích hoạt phản ứng kết hợp hạt nhân U (uranium) chứa trong hộp kín, từ đó sinh ra khối năng lượng lớn hơn nhiều. Loại thiết bị nhiệt hạch bậc 2 này được đưa tới xử lý tại một nhà máy đặc biệt tại bang Tennessee.

Sau khi tách rời thuốc nổ, lõi Pu kê bằng giá kim loại và bảo quản trong một hộp chì (Pb) bịt kín; cuối cùng, nó được lưu giữ trong một căn phòng hình tròn. Hiện nay, năng lực tháo dỡ đầu đạn hạt nhân hàng năm của trung tâm này là 2.000 quả.

Hiện phía Mỹ đang tìm cách mở rộng nhà máy, tăng về lượng tàng trữ lõi Pu, nhưng sự tàng trữ này chỉ mang tính tạm thời, với thời gian lưu giữ chỉ trong khoảng từ 6 đến 10 năm, còn sau đó chúng được đem đi đâu và xử lý ra sao? Có người kiến nghị dùng tên lửa đẩy phóng chúng lên vũ trụ, cũng có người kiến nghị cho chúng nổ ngầm trong lòng đất nhưng xem ra cả hai cách đều không an toàn.

Ngay cả Lầu Năm Góc và Bộ Năng lượng Mỹ cũng không mấy mặn mà với công việc tiêu hủy triệt để những lõi Pu này, và dư luận báo chí Mỹ cảnh báo rằng, đang có những thế lực muốn bảo quản “nguyên đai nguyên kiện” những lõi Pu này để dễ dàng “tái sử dụng” khi cần tới

Bùi Hữu Cường (Theo Macau Daily)
.
.