Biệt đội 6-26 của quân đội Mỹ

Thứ Năm, 27/04/2006, 08:00

Cuối tháng 3 vừa qua, tờ New York Times lần đầu tiên tiết lộ về sự tồn tại của một đơn vị đặc nhiệm tuyệt mật của quân đội Mỹ mang tên Biệt đội 6-26 có trọng trách truy tìm hoặc tiêu diệt trùm khủng bố Al-Zarqawi.

Điều đáng chú ý trong bài báo này chính là những tiết lộ về tội ác của biệt đội này liên quan đến các hành vi ngược đãi tù nhân tại Iraq. Phát hiện mới này càng vấy bẩn thêm hình ảnh của quân đội Mỹ vốn đã bị hoen ố trầm trọng sau vụ công khai những bức ảnh ngược đãi tù nhân Iraq tại nhà tù Abu Ghraib hồi tháng 4/2004.

Biệt đội 6-26 ra đời như thế nào?

Sự tồn tại và hoạt động của Biệt đội 6-26 bí mật đến nỗi chỉ có một số ít những nhân vật đứng đầu Lầu Năm Góc mới được biết. Chỉ nhờ những cuộc tiếp xúc với các điều tra viên Bộ Quốc phòng Mỹ và tiết lộ của những người từng cộng tác với biệt đội này, tờ New York Times đã đưa ra bức tranh khá chi tiết về Biệt đội 6-26 và căn cứ cũng rất huyền bí của nó.

Biệt đội 6-26 được thành lập vào giữa năm 2003 từ sự hợp nhất của 2 đơn vị đặc nhiệm: một đội chuyên săn tìm Bin Laden ở Afghanistan và một đội săn tìm Saddam ở Iraq. Nó là đơn vị trực thuộc của Lầu Năm Góc. Thành phần của Biệt đội 6-26 là một đội quân hỗn hợp bao gồm các thành viên từ các đơn vị đặc nhiệm của quân đội Mỹ như Delta, Sói biển và Ranger với quân số lên tới 1.000 người. Trong quá trình hoạt động, Biệt đội 6-26 còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các nhân viên CIA nằm vùng tại Iraq cùng với các thiết bị trinh sát tối tân trên không, mặt đất và trong lòng đất. Nhiệm vụ trọng tâm của nó là truy bắt hoặc tiêu diệt Al-Zarqawi và các tay chân thân cận của hắn.

Trung tâm chỉ huy của đơn vị này là căn cứ quân sự cũ của Saddam Hussein nằm khuất sau sân bay quốc tế Baghdad và được gọi là Trại Nama. Đây cũng chính là nơi Saddam được đưa tới để kiểm tra sức khỏe và tạm giam ngay sau khi bị bắt. Trại Nama được chia làm 3 khu chính với trung tâm là khu nhà tù gồm 2 dãy nhà với 85 phòng giam, một khu thẩm vấn đặc biệt, mà thực chất là nơi tra tấn tù nhân và cuối cùng là trung tâm chiến dịch. Những người lính của Biệt đội 6-26 thường gọi khu thẩm vấn là black room (phòng tối).

Trung tâm chiến dịch là nơi các chỉ huy và nhà phân tích tổng hợp thông tin tình báo được cung cấp bởi các điệp viên, tù nhân và máy bay trinh sát không người lái Predator, để từ đó lần tìm ra manh mối và đưa ra mệnh lệnh hành động cho các nhóm đặc nhiệm thuộc Biệt đội 6-26. Cứ 2 lần một ngày vào thời điểm giữa trưa và giữa đêm, các thẩm vấn viên và chỉ huy của họ cùng ngồi lại với các nhân viên CIA tổng hợp và lập báo cáo về chiến dịch và thông tin tình báo mới, gửi thẳng về Lầu Năm Góc tại Washington nếu cần thiết. Toàn bộ Trại Nama được cách ly với thế giới bên ngoài bởi hàng rào thép gai dày đặc và các tháp canh.

Khác với lính chính quy của quân đội Mỹ phải mặc quân phục, các thành viên Biệt đội 6-26 luôn mặc thường phục, được phép để ria mép và tóc dài. Trong khi lực lượng chính quy tại Iraq phải tham gia chiến trường với thời gian kéo dài từ 7 - 12 tháng, các thành viên và chỉ huy của đơn vị luân phiên nhiệm vụ trong 90 ngày. Một quan chức Lầu Năm Góc mô tả công việc của Biệt Đội 6-26 như sau: “Vào bất kỳ thời gian và địa điểm nào, Biệt đội 6-26 “ngửi thấy mùi” của Zarqawi, họ ngay lập tức sẽ có mặt”. Ngoài Trại Nama, Biệt Đội 6-26 còn thiết lập một mạng lưới chi nhánh nằm rải rác khắp Iraq từ Baghdad đến Falluja, Balad, Ramadi và Kirkuk. Những trạm này thường nằm khuất trong những ngõ hẻm có sân vừa đủ rộng để trực thăng đáp xuống thu gom tù binh bị bắt tại chiến trường.

Hầu như hàng ngày, những chiếc trực thăng không số lặng lẽ đưa tù binh bị bắt từ chiến trường tới Trại Nama. Ngay sau khi được đưa xuống trực thăng, các tù nhân sẽ bị trùm đầu, xích chân và lôi đi.

Tội ác của biệt đội 6-26

Ít ai biết được rằng trước khi vụ bê bối liên quan đến hành vi ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib bị phanh phui, hoạt động tra tấn tù nhân Iraq đã diễn ra hàng ngày tại Trại Nama bởi Biệt đội 6-26. Và cũng ít người biết rằng Abu Ghraib thực ra chỉ là nơi nhận “hàng thải” từ Trại Nama. Để phục vụ cho việc truy tìm Al-Zarqawi đòi hỏi phải thu thập được thông tin về nhân vật này, trong đó việc moi tin từ những phần tử tình nghi có liên quan đến Al-Zarqawi là hết sức quan trọng.--PageBreak--

Chính vì lý do đó, Trại Nama là nơi dừng chân đầu tiên của các tù nhân sau khi bị bắt. Tại Nama, quá trình sàng lọc tù binh được tiến hành và những thành phần được xem là có giá trị đối với công tác truy bắt Al-Zarqawi và các tay chân thân tín sẽ được giữ lại để thẩm vấn tiếp, những thành phần khác sẽ được chuyển đến nhà tù Abu Ghraib, cách đó khoảng 3 km.

Để biết được phương châm hành động của Biệt đội 6-26 đối với tù nhân chỉ cần nhìn lên các bức tường ở khu giam giữ và thẩm vấn tù nhân. Trên đó các thành viên của Biệt đội 6-26 đã viết khẩu hiệu và cũng là lời khuyên cho những lính mới: “Không máu, không tội” (No Blood, No Foul), tức là nếu không làm tù nhân chảy máu, thương tật thì sẽ không bị kết tội được.

Theo lời kể của các tù nhân của Trại Nama được các điều tra viên Bộ Quốc phòng Mỹ thuật lại với phóng viên New York Times, tất cả họ đều bị nhốt trong những phòng giam nhỏ bằng garage tối mịt, không cửa sổ. Tại đây các tù nhân thường xuyên bị cai ngục đánh đập bằng báng súng, bị phỉ nhổ vào mặt và bị đem ra làm những trò tiêu khiển thú tính cho lính Mỹ như thi vẽ lên cơ thể trần như nhộng của tù nhân.

Tra tấn tù nhân tại trại Nama.

Tuy nhiên việc bị giam trong khu nhà cố định vẫn còn là may mắn cho các tù nhân. Khu nhà tù thô sơ làm bằng gỗ mới thực sự là địa ngục. Các phòng giam luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc của nước tiểu và phân. Không những thế với diện tích chỉ 4m2 và chiều cao chưa đến 1,5m, các tù nhân chỉ có thể nằm hoặc ngồi. Lính Mỹ thuộc Biệt đội 6-26 gọi nơi dành cho những tù nhân đặc biệt cứng đầu này là Khách sạn California (?!).

Vào cuối năm 2004, sau khi vụ bê bối tại nhà tù Abu Ghraib nổ ra cùng với những lời tố cáo của tù nhân người Iraq và chính những người Mỹ từng cộng tác với Biệt đội 6-26, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lặng lẽ lập một ban điều tra về những cáo buộc nhằm vào lực lượng này. Nghe nói có 11 thành viên của biệt đội đã bị kỷ luật. Nhưng trong khi vụ bê bối tại nhà tù Abu Ghraib khiến nhiều lính cai ngục Mỹ phải ra tòa án binh thì các thành viên của Trại Nama vẫn là một ngoại lệ. Toàn bộ biên bản điều tra vụ việc vẫn nằm trong ngăn kéo phòng làm việc ông chủ Lầu Năm Góc. Chỉ biết rằng kể từ đó hoạt động của Biệt đội 6-26 càng trở nên bí mật hơn.

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng ông chủ Lầu Năm Góc sẽ không bao giờ cung cấp sự thật về Biệt đội 6-26 và Trại Nama, bởi vì nó sẽ chẳng khác nào họ tự phát nổ quả bom nhằm vào chính mình. Vị này cũng cho biết, việc ông Rumsfeld từ chối cung cấp thông tin về Biệt đội 6-26 là một trong những nguyên nhân khiến một số vị tướng công khai đòi ông từ chức trong thời gian vừa qua.

Một cựu lính đặc nhiệm của Trại Nama cho biết, các chỉ huy biệt đội lập ra một nghi lễ rất khác thường để tiễn những quân nhân hoàn thành tốt nghĩa vụ. Họ được trao 2 món quà rất đặc biệt: chiếc mũ trùm đầu tù nhân và một mẩu gạch trong phòng giam từng là nơi tạm giam ông Saddam Hussein

Chu Anh Tuấn (theo New York Times)
.
.