Bộ Quốc phòng Mỹ - một trong những chủ sở hữu đất đai lớn nhất thế giới

Thứ Sáu, 07/09/2007, 10:47
Theo số liệu chính thức, Lầu Năm Góc hiện sở hữu 737 căn cứ quân sự trên toàn thế giới, nhiều hơn số căn cứ nằm trên lãnh thổ Mỹ, chiếm diện tích 2.202.735 hécta.

Đây là con số được công bố trong bản Báo cáo về hệ thống căn cứ quân sự của Mỹ năm 2005, một bản kiểm kê hàng năm của Bộ Quốc phòng.

Trong tác phẩm "Nemesis - Ngày cuối cùng của nền cộng hòa Mỹ" (Metropolitain Books, 2007), nhà sử học Chalmers Johnson chỉ ra rằng số liệu thống kê trên vẫn chưa đầy đủ.

Bản báo cáo còn chưa tính đến 106 căn cứ đồn trú của Mỹ đặt ở Iraq và Afghanistan kể từ tháng 5/2005 và ở Israel, Qatar. Ngoài ra, còn phải kể đến 20 căn cứ mà lực lượng quân đội Mỹ đóng quân cùng với lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những cơ sở này do chính quyền Ankara sở hữu, nhưng phía Mỹ cũng có quyền lợi ở đó. Và còn căn cứ ở Anh dành cho hoạt động gián điệp truyền thông toàn cầu được che đậy thành căn cứ của Lực lượng Hàng không Hoàng gia Anh, căn cứ ở Camp Bondsteel tại Kosovo được xây dựng năm 1999...

Có thể thấy rằng, luôn luôn có một bức màn dày che phủ các hoạt động bí mật tại các căn cứ quân sự của Mỹ, thậm chí cả hoạt động vận chuyển vũ khí hạt nhân.

Mỹ đã bí mật triển khai 5.000 quân tới các vùng biên giới của Jordan với Iraq và Syrie. Trước khi rút quân khỏi Arập Xêút vào năm 2003, Nhà Trắng cũng đã khăng khăng chối bỏ rằng, Mỹ có một phi đội máy bay ném bom B52, rất dễ bị phát hiện do kích cỡ to lớn, thường hạ cánh tại Jeddah, bên kia bờ biển Đỏ.

Như vậy, Johnson cho rằng một khi mà giới chức quân sự còn tiếp tục giữ bí mật các hoạt động của mình thì không ai có thể biết chính xác quy mô mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu của nước Mỹ.

Tác phẩm "Nemesis - The last days of the American Republic".

Chalmers Johnson, tác giả của "Nemesis - Ngày cuối cùng của nền cộng hòa Mỹ", đã vạch trần rất nhiều bí ẩn bên trong các chính sách của Tổng thống Bush và bộ sậu của ông.

Các con số mà Lầu Năm Góc đưa ra cho thấy, hiện Mỹ sở hữu 32.327 doanh trại, kho hàng, bệnh viện và các dinh cơ khác trong các căn cứ quân sự ở nước ngoài, và thuê 16.527 địa điểm khác nữa.

Trong năm tài khóa 2005 - 2006, gần 200.000 lính Mỹ và cũng một số lượng nhân viên dân sự tương đương như vậy đã được Bộ Quốc phòng triển khai tới các khu vực lãnh thổ nước ngoài, và chỉ hơn 80.000 người được rút về nước từ các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Johnson đã nghĩ rằng, với sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, việc tăng cường bố trí lực lượng quân sự tại Đức, Italia, Nhật Bản và Hàn Quốc không còn cần thiết như trước.

Nhưng thực tế nghiên cứu lại khác: vào cuối những năm 90 thế kỷ XX và 2 năm trước khi xảy ra sự kiện 11/9, những người phe bảo thủ đã đưa ra lý thuyết về một siêu cường duy nhất trong một thế giới đơn cực.

Và với vị thế của một siêu cường, Mỹ có quyền triển khai các hoạt động quân sự để phòng vệ một cách  đơn phương, áp đặt nền dân chủ Mỹ ra nước ngoài bằng lực lượng quân sự của mình, tấn công vô hiệu hóa các quốc gia hay nhóm quốc gia có thể thách thức ưu thế quân sự của Mỹ.

Ngoài ra còn phải kể đến mưu đồ đối với vùng Trung Đông nhằm độc chiếm nguồn dầu mỏ, quyết đưa “dân chủ” Mỹ tới mảnh đất này. Tuy nhiên, dường như điều này không phải dễ dàng có được!

Anh Tiến - Ngọc Hiệp (theo National Security)
.
.