Booz Allen, tổ chức gián điệp lợi nhuận nhất nước Mỹ

Thứ Năm, 17/04/2014, 11:20

Năm 1940, một năm trước vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng, Hải quân Mỹ bắt đầu nghĩ đến cuộc chiến tranh khó thể tránh khỏi với Đức Quốc xã. Họ đặc biệt lo ngại hạm đội tàu ngầm U-boat của Hải quân Đức rất khó phát hiện và thường xuyên gây tổn thất cho tàu chiến đồng minh.

Lúc đó, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Frank Knox đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Booz, Fry, Allen & Hamilton - công ty tư vấn ở Chicago có các khách hàng nổi tiếng như nhà sản xuất lốp xe Goodyear Tire & Rubber (GT) và Công ty Thương mại tổng hợp Montgomery Ward, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cũng như triển khai đội ngũ chuyên gia phân tích hàng đầu làm việc cho các khách hàng công ty.

Sau đó, Booz đã phát triển hệ thống cảm biến đặc biệt cho Hải quân Mỹ có khả năng dò tìm, phát hiện những tín hiệu radio liên lạc giữa các U-boat đồng thời thiết kế chiến lược tấn công tàu ngầm Đức một cách hiệu quả. Nhờ sự trợ giúp của Booz mà hải quân đồng minh đã đánh chìm hay phá hỏng phần lớn U-boat trong hạm đội tàu ngầm của Đức Quốc xã.

Hợp đồng ban đầu giữa Hải quân Mỹ và Booz là điểm khởi đầu của sự hợp tác lâu dài về sau. Thời kỳ Chiến tranh lạnh rồi đến chủ nghĩa khủng bố toàn cầu giúp cho Booz - nay đổi tên thành Booz Allen Hamilton (BAH) - trở thành đối tác thân thiết nhất của chính quyền Mỹ.

Edwin G. Booz là người sáng lập Công ty Booz năm 1914. Hiện BAH đặt trụ sở chính tại Tysons Corner, hạt Fairfax, bang Virginia và có khoảng 80 văn phòng trên khắp nước Mỹ. Văn phòng duy nhất ở nước ngoài của BAH đặt tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Giám đốc điều hành (CEO) thứ 7 hiện nay của BAH là Ralph W. Shrader.

Một tổ chức tình báo có cơ cấu vững mạnh

Theo số liệu thống kê chính thức, lợi nhuận ròng của BAH trong năm tài khóa 2013 (kết thúc vào ngày 31/3/2013) là 219 triệu USD, trong khi doanh thu đạt 5,76 tỉ USD - 99% trong số đó đến từ các hợp đồng của chính quyền Mỹ và 1/4 doanh thu  (1,3 tỉ USD) đến từ các cơ quan tình báo nước này.

Năm 2012, tạp chí Fortune bình chọn BAH vào vị trí thứ 436 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Cùng với các công ty cạnh tranh khác - như là Science Application International Corp. (SAIC), CACI và BAE Systems (BAESY) - BAH kiếm bộn tiền từ các chương trình hỗ trợ tình báo Mỹ trong thập niên qua.

Tòa nhà văn phòng của BAH ở McLean, bang Virginia.

Khoảng 70% ngân sách năm 2013 của tình báo Mỹ đổ vào túi các nhà thầu tư nhân như BAH, theo số liệu của Bloomberg Industries. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) nhận định 1/5 nhân lực tình báo làm việc trong khu vực tư nhân - như thế đủ biết quân số này đóng vai trò quan trọng đến mức nào trong cộng đồng tình báo Mỹ.

Có một chi tiết cần nhắc lại rằng, ngày 9/6/2013, Edward Snowden - kỹ thuật viên máy tính 29 tuổi của BAH - bắt đầu tiết lộ những tài liệu mật về chương trình nghe lén toàn cầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho báo chí. Snowden bí mật sao chép hàng đống tài liệu mật vào ổ cứng di động (USB) khi làm việc cho BAH tại một trạm nghe lén của NSA ở Hawaii.

Sau vụ việc động trời này, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein - Chủ tịch Ủy ban chọn lọc tình báo Thượng viện - kêu gọi xem xét lại vai trò của các nhà thầu tư nhân như BAH trong hoạt động tình báo đồng thời thông báo kế hoạch hạn chế quyền truy cập thông tin mật đối với họ. Do có một số nhân vật có thế lực trong cộng đồng tình báo Mỹ làm việc cho BAH cho nên công ty này dễ dàng ký hợp đồng với chính quyền hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Ví dụ như James Clapper - Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) và cố vấn tình báo hàng đầu cho Tổng thống Barack Obama - là cựu CEO BAH. Hay như Mike McConnell - Giám đốc thứ 13 của NSA và DNI. Trong số 25.000 nhân viên của BAH, 76% có quyền truy cập thông tin mật và gần một nửa  trong số này có quyền sử dụng thông tin tuyệt mật. Năm 2003, cựu Phó giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Joan Dempsey gọi BAH là "IC (cộng đồng tình báo) trong bóng tối".

Các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của BAH.

Hiện nay, Dempsey cũng làm việc cho BAH. Với cơ cấu vững mạnh như thế, BAH khó bị loại khỏi danh sách các nhà thầu tình báo của chính quyền Mỹ bất chấp việc tiết lộ tài liệu mật của Edward Snowden cũng như sức ép từ Ủy ban Tình báo Thượng viện trong nhiều năm qua buộc các cơ quan tình báo giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà thầu tư  nhân.

Từ sau vụ của “người thổi còi” Edward Snowden, Quốc hội Mỹ bắt đầu để mắt nhiều hơn đến các nhà thầu tình báo tư nhân như BAH và vai trò của họ trong hoạt động thu thập thông tin. Thượng nghị sĩ Susan Collins bày tỏ ý kiến: "Tôi thấy ngạc nhiên khi mà một cá nhân thậm chí không có bằng cấp đại học, không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chỉ mới 29 tuổi lại dễ dàng được quyền sử dụng thông tin mật trong chính quyền chúng ta".

Edward Snowden thật ra là kỹ thuật viên máy tính tự học là chính và công việc liên quan đến tình báo đầu tiên của Snowden là bảo vệ cho một cơ sở của NSA. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Anh The Guardian, Snowden cho biết anh được CIA thuê dụng cho vị trí bảo đảm an ninh mạng và năm 2009 anh bắt đầu làm việc cho BAH.

Sự lệ thuộc vào các nhà thầu tư nhân

Cộng đồng tình báo Mỹ thường phân chia công việc của nhà thầu thành 3 hạng mục. Thứ nhất là công việc lao động bình thường như cắt cỏ trong các trụ sở tình báo, thu dọn rác hay phân loại thư từ. Thứ hai là công việc đòi hỏi kỹ năng đặc biệt như dịch thuật, thẩm vấn và điều tra. Các công ty như CSC và L-3 Comminications (LLL) chuyên về hạng mục thứ hai này.

Còn BAH tham gia hạng mục thứ 3 và cũng là cao nhất: đó là các hợp đồng lớn liên quan đến mọi lĩnh vực quan trọng, từ phát triển các chiến lược nhằm đánh bại tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Islamic Maghreb (AQIM) cho đến thiết kế những hệ thống phần mềm an ninh tình báo. Những người làm việc trong hạng mục này là điệp viên hay đôi khi là sĩ quan tình báo cao cấp.

Trung tâm Giải pháp Mạng (CSC) của BAH ở Annapolis Junction, bang Maryland.

Các nhà thầu tình báo tư nhân được chính quyền Mỹ thuê dụng trên quy mô lớn từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Những cuộc tấn công của Al-Qaeda buộc Quốc hội Mỹ tập trung mạnh hơn vào lĩnh vực thu thập thông tin tình báo tốt hơn và nhiều hơn cũng như cố gắng gia tăng ngân sách liên bang cho công tác tình báo.

Vào thập niên 90 thế kỷ XX cùng với sự tan rã của Liên bang Xôviết, giới chính khách Mỹ không còn coi cộng đồng tình báo là quan trọng nữa dẫn đến sự co hẹp của môi trường này, ngân sách dành cho nó cũng bị cắt giảm và xuất hiện làn sóng về hưu hàng loạt của các quan chức CIA, NSA và DIA (Tình báo Quốc phòng Mỹ).

Vào cuối năm 2001, con đường duy nhất để cho các chuyên gia tình báo nhiều kinh nghiệm hoạt động trở lại là gia nhập các nhà thầu tình báo tư nhân như BAH. Trong một lần tiếp xúc với báo giới năm 2008, Phó Giám đốc phụ trách nhân sự của ODNI Ronald Sanders giải thích: "Chúng tôi có thể mở rộng hoạt động rất nhanh nhờ sử dụng nhân lực của các nhà thầu tình báo tư nhân. Họ có thể có mặt rất nhanh để đảm nhận những nhiệm vụ khi mà chúng tôi đang rất bận rộn cho công tác phục hồi nhân lực cho cộng đồng tình báo".

Các nhà thầu như BAH được coi là giải pháp tạm thời tạo điều kiện cho chính quyền có thêm thời gian để thuê dụng và huấn luyện nhân viên mới. Thiếu tướng hải quân về hưu Michael Brown cho biết, do không có chuyên gia làm việc cho các chương trình chiến tranh mạng của hải quân vào năm 2001 cho nên ông buộc phải huấn luyện các nhà ngôn ngữ học cho vị trí khó khăn này. Hiện nay, Michael Brown làm việc cho RSA Security (EMC) - Công ty an ninh mạng tư nhân đặt trụ sở tại Bedford bang Massachusetts và có nhiều hợp đồng với chính quyền Mỹ.

Về lý thuyết, sử dụng nhà thầu tư nhân có giá rẻ hơn bởi vì chính quyền không phải quan tâm đến việc chi trả tiền lương nhân viên sau khi công việc hoàn thành cũng như tiền chăm sóc sức khỏe và khoản lương hưu. Một nghiên cứu năm 2008 của ODNI tiết lộ 56% các nhà thầu tư nhân cung cấp các chuyên gia mà cộng đồng tình báo Mỹ bị thiếu. Để đáp ứng yêu cầu của chính quyền, các nhà thầu như BAH hay Palantir Technologies không chỉ sử dụng các cựu điệp viên mà còn chú trọng tuyển mộ các chuyên gia công nghệ cao.

Theo số liệu của ODNI, một nhân viên của nhà thầu tư nhân kiếm được 207.000 USD/ năm trong khi đối tác trong chính quyền chỉ kiếm được 125.000 USD/ năm gồm cả phụ cấp và lương hưu. Giới chức nhà thầu tư nhân cho biết có nhiều lý do thuận lợi giúp cho họ trở thành yếu tố hiện diện thường trực trong chính quyền Mỹ.

Ví dụ, nhà thầu tư nhân rất thích hợp cho các dự án ngắn hạn chỉ kéo dài vài tháng hay đôi ba năm như là xây dựng một cơ sở bí mật hay một cơ sở dữ liệu mới. Một trong những dự án nổi tiếng nhất là Trailblazer của NSA - chương trình cao cấp phân tích một khối lượng lớn dữ liệu điện thoại và giao tiếp trên Internet được NSA thu thập hàng giờ - trị giá ban đầu là 280 triệu USD và thực hiện trong thời gian 26 tháng. Trailblazer sử dụng 5 nhà thầu tư nhân trong đó có BAH và lãnh đạo là nhà thầu SAIC.

Trong cuộc họp báo năm 2002, Phó chủ tịch BAH Marty Hill cho biết với dự án Trailblazer, NSA sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Năm 2006, Trailblazer kết thúc với tổng kinh phí lên đến hàng tỉ USD.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cũng cần đến BAH để quản lý hệ thống mạng máy tính do cơ quan này thiếu chuyên gia có năng lực. Trong thời gian 3 năm hợp đồng với BAH, DHS đã tốn từ 2 triệu USD ban đầu đến 124 triệu USD. Sau đó, DHS vẫn tiếp tục sử dụng BAH bởi vì DHS tự nhận là không có khả năng tự xây dựng hay thậm chí điều hành mạng máy tính! Tiền lương cao cũng thu hút nhiều cựu quan chức cao cấp của CIA, NSA và các cơ quan tình báo quân sự khác làm việc cho các nhà thầu tình báo tư nhân và khiến cho họ trở thành bộ phận cốt yếu cho chính quyền Mỹ.

Steven Aftergood, lãnh đạo Dự án về Tính bí mật của chính quyền của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho biết - xu hướng là các quan chức làm việc khoảng 2 hay 3 năm trong chính quyền Mỹ, có được quyền sử dụng thông tin mật và sau đó chuyển sang làm việc cho nhà thầu tư nhân nào đó để được nhận tiền lương cao. Như William Golden nói, có lẽ đó là nguyên nhân khiến cho các nhà thầu tư nhân có được đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và hùng hậu hơn so với chính quyền

Diên San (tổng hợp)
.
.